Đề xuất điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/2 đã sửa đổi, điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay số người trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là 4 triệu người.
(Ảnh minh họa).
Tuy vậy theo ông Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự thảo luật), vẫn còn một số ý kiến lo ngại việc điều chỉnh này không thống nhất với quy định về độ tuổi trong các luật liên quan như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Thanh niên. Đồng thời việc này sẽ làm tăng chi ngân sách nhà nước.
Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi nhằm thống nhất việc sử dụng thuật ngữ về “ người chưa thành niên” mà không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể, cũng như không mâu thuẫn với các luật hiện hành hoặc cản trở việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người dưới 18 tuổi quy định trong các luật khác.
Các chính sách hiện hành đang áp dụng cho người chưa thành niên, về cơ bản sẽ không có sự thay đổi vì các chính sách đó không phụ thuộc vào việc những người này có được xem là trẻ em hay không.
Ngoài ra, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em quy định: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn”. Theo đó, tuổi trẻ em gắn với tuổi chưa thành niên do luật pháp các quốc gia quy định.
“Hiến pháp và các bộ luật liên quan đều quy định người từ đủ 18 tuổi (người thành niên) trở lên mới có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân. Như vậy hệ thống pháp luật nước ta đã thống nhất quy định người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên và độ tuổi này được xác định là ranh giới để phân biệt giữa người chưa trưởng thành đầy đủ (chưa thành niên) với người trưởng thành đầy đủ (thành niên)”- ông Thi nói.
Video đang HOT
Về mặt khoa học, người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, chưa hoàn thiện và chưa phát triển đầy đủ về não bộ, thể chất, tinh thần, nhận thức xã hội, ý thức pháp luật và chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn (người thành niên) nên cần phải được gia đình, cộng đồng, Nhà nước quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, hướng dẫn về mặt pháp lý và xã hội để các em được chăm sóc, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại, trong đó đáng quan tâm là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt từ 16 đến dưới 18 tuổi.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi sẽ không ảnh hưởng tới quy định của Luật Thanh niên và Điều lệ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, không xung đột với độ tuổi đoàn viên thanh niên của tổ chức này, vì “trẻ em” – “người lớn” và “thanh niên” – “thiếu niên” – “nhi đồng” là hai hệ thống khái niệm độc lập.
Đối với mối lo tăng chi ngân sách Nhà nước khi điều chỉnh độ tuổi này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê hiện nay số người trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là 4 triệu người. Khi điều chỉnh độ tuổi, số người này sẽ được xem là trẻ em và vẫn được hưởng đầy đủ các chính sách hiện hành được quy định tại Luật Thanh niên.
Chính vì thế các chi phí chỉ phát sinh khi áp dụng các chính sách chi cho các trường hợp cần chăm sóc, bảo vệ đặc biệt, khoảng 250.000 người và chi phí cho công tác phòng ngừa, can thiệp sớm, tái hòa nhập cộng đồng cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc độ tuổi này. Chi phí này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong chính sách xã hội dành cho nhóm đối tượng yếu thế.
Kha Xuân Lộc
Theo Dantri
Tranh cãi về đề xuất nâng độ tuổi trẻ em lên 18
Nhóm ủng hộ cho rằng nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 là phù hợp với công ước quốc tế, bảo vệ được nhóm trẻ có nhiều biến đổi tâm sinh lý; nhóm khác lại lo ngại sẽ xung đột với nhiều luật và khó xử lý khi tội phạm vị thành niên gia tăng.
Tại phiên thảo luận dự luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) ngày 23/11, các đại biểu đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất nâng độ tuổi trẻ lên 18.
Ủng hộ đề xuất nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên đến dưới 18 tuổi như dự luật, đại biểu Nguyễn Thị Phúc thông tin, theo nghiên cứu của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc, trong số quốc gia thành viên Công ước quốc tế về quyền trẻ em, đa số quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18. Chỉ có 12,1% quốc gia quy định trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có Việt Nam.
"Việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em dưới 18 tuổi như dự luật là phù hợp với Công ước quốc tế, phù hợp với quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam về xác định tuổi của người chưa thành niên", đại biểu Phúc nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc ủng hộ việc nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18. Ảnh: Giang Huy.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn cho rằng thời điểm này mới điều chỉnh tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 đã là muộn, trong khi các nước xung quanh và thậm chí như Lào, Campuchia là 2 quốc gia gần nhất cũng đã quy định độ tuổi này.
Theo đại biểu Hoàn, báo cáo của Bộ Lao động đã có tới 12/13 bộ, ngành được xin ý kiến nhất trí, có tới 55/63 tỉnh thành nhất trí quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18. "Tôi đề nghị dù có phải tốn kém để điều chỉnh các bộ luật, hay có phải tiết kiệm các nguồn chi khác để có nguồn lực cho việc đảm bảo các quyền của trẻ em thì cũng phải làm vì thế hệ tương lai của đất nước", đại biểu Hoàn nói.
Đồng tình với dự thảo, Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho biết, nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 sẽ phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em, phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục bậc THPT. Lứa tuổi 16-18 có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, rất nhạy cảm, cần được quan tâm đặc biệt để giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, được bảo vệ để không dễ bị lạm dụng.
Nâng độ tuổi trẻ em sẽ xung đột với nhiều bộ luật khác
Cẩn trọng với đề xuất trên, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 cần phải thảo luận, suy nghĩ thật kỹ vì chính từ nội dung này mà kéo theo rất nhiều nội dung khác trong dự thảo cũng như liên quan đến nhiều bộ luật khác. Cụ thể, việc nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 sẽ dẫn đến xung đột với nhiều bộ luật, như Lao động, Hình sự, Dân sự, Thanh niên...
Bên cạnh đó, khái niệm và cách xác định trẻ em của các bộ luật vừa được nêu trên cũng có nhiều bất cập, không thống nhất. Hiện nay, trẻ em được xác định ở tuổi nào thì mỗi luật lại quy định khác nhau. Bộ luật lao động quy định người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, Luật thanh niên quy định thanh niên từ 16 đến 30 tuổi, Bộ luật dân sự quy định 18 tuổi trở lên mới là người thành niên. Bộ luật hình sự quy định người 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi phạm tội...
Không đồng tình với việc nâng độ tuổi trẻ em, đại biểu Triệu Thị Thu Phương lập luận, so với Công ước quốc tế thì không trái. "Theo Điều 1 Công ước trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi trưởng thành sớm hơn. Quy định này hoàn toàn mở, không bó buộc", bà Phương phân tích.
Nêu thực tế tội phạm xảy ra ở tuổi vị thành niên gia tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ bạo lực học đường vi phạm pháp luật xảy ra ngay tại trường học, đối tượng phạm tội là những học sinh lớp 7-8, thậm chí có em giết người dã man với thái độ rất dửng dưng, đại biểu Phương lo lắng: "Nếu đưa tuổi trẻ em lên dưới 18, tôi e rằng mức độ phạm tội ở độ tuổi vị thành niên sẽ gia tăng, không tốt cho vấn đề quản lý xã hội".
Một thực trạng nữa được đại biểu Phương nêu ra là ở vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, độ tuổi từ 16 đến dưới 18 đã kết hôn và sinh con, mặc dù luật pháp không cho phép. Vì thế, bà Phương đề nghị giữ nguyên độ tuổi trẻ em như luật hiện hành. "Nếu còn nhiều ý kiến khác nhau, tôi đề nghị Quốc hội lấy phiếu xin ý kiến Quốc hội", đại biểu Phương nói.
Võ Hải
Theo VNE
Băn khoăn với "người dưới 18 tuổi là trẻ em" Các đại biểu Quốc hội băn khoăn việc nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi có hợp lý với thực tế, nhất là các vấn đề về sức khỏe sinh sản, tình hình phạm tội... Sáng 13-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (sửa đổi). Trưởng thành lắm...