Đề xuất Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng bảo hiến
“Bổ sung chế định bảo hiến độc lập với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn (phương án 2 dự thảo) là sự đổi mới cần thiết, phù hợp với thể chế chính trị của nước ta”, ĐB Hùng phát biểu.
Ngày 4/6, thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ĐBQH tiếp tục kiến nghị giữ nguyên tên nước, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và cho rằng, xây dựng chế định cơ quan bảo hiến là phù hợp.
Nhấn mạnh việc đất nước đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, đề cao tính thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền năng tối thượng của Hiến pháp là nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị.
“Bổ sung chế định bảo hiến độc lập với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn (phương án 2 dự thảo) là sự đổi mới cần thiết, phù hợp với thể chế chính trị của nước ta”, ĐB Hùng phát biểu.
Theo ĐB Hùng, nhiệm vụ duy nhất của tổ chức này là bảo vệ Hiến pháp. Vì vậy, nên đặt tên là Hội đồng bảo hiến hay Hội đồng bảo vệ Hiến pháp. Đồng thời, bổ sung nhiệm vụ hằng năm Hội đồng bảo hiến báo cáo trước Quốc hội kết quả hoạt động của hội đồng; trình Quốc hội có phán quyết cuối cùng về những vấn đề có ý kiến khác nhau giữa Hội đồng bảo hiến và cơ quan chức năng.
“Về tổ chức, đề nghị quy định Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng bảo hiến, các thành phần khác không nhất thiết phải là ĐBQH, do Chủ tịch nước giới thiệu và Quốc hội phê chuẩn. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng bảo hiến, Chủ tịch nước sẽ kiến nghị với Quốc hội xem xét lại những điều luật được xem là vi hiến trước khi ký công bố luật do Quốc hội thông qua. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu các cơ quan khác sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các văn bản vi phạm Hiến pháp”, ĐB Hùng đề xuất.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Về quyền con người
Video đang HOT
Nhiều ý kiến khẳng định, lịch sử lập hiến Việt Nam qua 4 bản Hiến pháp đã chứng minh quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc tôn trọng, phấn đấu bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền của công dân.
Theo ĐB Đặng Công Lý (Bình Định), có những quyền con người là tuyệt đối, bất luận trong trường hợp nào cũng không bị hạn chế, tước bỏ. Ví dụ quyền không bị tra tấn, nhục hình, quyền được xét xử công bằng, quyền được bình đẳng trước pháp luật. Khi một số quyền bị hạn chế trong điều kiện, hoàn cảnh nhất định như quyền tự do đi lại, quyền hội họp, biểu tình, đình công, chỉ có thể thực hiện theo đúng quy định của pháp luật mà không thể theo bất cứ quy định, mệnh lệnh nào khác.
ĐB Lý cho rằng, Khoản 2 Điều 15 quy định “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng” là chưa chặt chẽ, vì cốt lõi của việc hạn chế quyền con người phải bằng đạo luật. “Đề nghị bổ sung “quyền con người, quyền công dân có thể bị giới hạn bằng luật trong trường hợp cần thiết…”, ĐB Lý nói.
Trưng mua quyền sử dụng đất
Liên quan thu hồi đất (điều 58 dự thảo), ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị xem lại việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Thực chất thu hồi đất là chuyển quyền sử dụng đất là tài sản của chủ thể này sang chủ thể khác.
“Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ, khẳng định tại Khoản 2 điều này. Vì vậy, chỉ có thể sử dụng các hình thức trưng mua, chuyển đổi. Mặt khác, quy định này dễ bị lạm dụng gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội vừa qua”, ĐB Thành nhận định.
Để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội liên quan việc thu hồi đất, cần quy định các hình thức khác nhau, phù hợp tình hình thực tế người được giao quyền sử dụng đất. Đó là loại đất thổ cư gắn với nhà ở, loại đất giao có thời hạn, loại đất thuê có thời hạn để sử dụng hình thức như đấu giá, trưng mua phù hợp. “Việc chúng ta cho rằng đất đai là sở hữu toàn dân thì không có việc trưng mua, thu mua, nhưng ở đây là trưng mua quyền sử dụng đất”, ông Thành nói.
Thành viên Chính phủ phải báo cáo Quốc hội
Dự thảo quy định bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm (Khoản 2, Điều 104). ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, quy định này không đúng về lý luận, không khả thi. Bộ trưởng do Quốc hội phê chuẩn, phải báo cáo công tác trước Quốc hội, người đại diện cho dân. Tương ứng với nghĩa vụ báo cáo của bộ trưởng là quyền xét báo cáo của Quốc hội, hệ quả có thể đưa đến việc Quốc hội giám sát, chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm. Như vậy mới có căn cứ và cơ chế để thực hiện để mang lại hiệu quả thiết thực.
Nếu bộ trưởng báo cáo trước nhân dân thì đối tượng, trình tự thủ tục và hệ quả pháp lý đối với cả người báo cáo và người xét đều không rõ về căn cứ, không khả thi. “Đề nghị quy định “hằng năm, các thành viên Chính phủ gửi báo cáo công tác lên Quốc hội” và quy định này để phục vụ cho việc giám sát, lấy phiếu tín nhiệm. Thực tế các báo cáo này đã được các bộ trưởng gửi đến Quốc hội từ đầu kỳ họp này”, ĐB Nga nói.
Vai trò doanh nhân
Đồng tình quan điểm “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nói rằng, nếu cần khẳng định nền tảng là khối liên minh một số giai tầng xã hội, nên bổ sung đội ngũ doanh nhân. Phải coi đây là bước phát triển mới của liên minh nền tảng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn thực hiện CNH- HĐH. Đưa doanh nhân vào liên minh nền tảng cũng là trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”. Đồng thời, cần khẳng định mọi thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
Theo NTD
Không hiến định kinh tế nhà nước là chủ đạo
Chiều 29.12, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã họp báo triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về bản dự thảo sửa đổi.
Chủ trì buổi họp báo, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng ban Biên tập dự thảo Hiến pháp sửa đổi - nhắc lại mục đích việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân là nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992 nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.
Trả lời Thanh Niên tại buổi họp báo về việc nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có đưa ra nhiều phương án cho người dân góp ý, lựa chọn đối với các vấn đề còn nhiều tranh cãi, như quyền sở hữu đất đai chỉ là sở hữu toàn dân hay có sở hữu tư nhân, ông Phan Trung Lý cho biết lần này các nội dung đưa ra lấy ý kiến nhân dân đều chỉ có một phương án duy nhất.
Ông Lý khẳng định bản thân một phương án đưa ra lấy ý kiến nhân dân là đã có sự so sánh đối chiếu chắt lọc từ các phương án khác nhau trước đó và việc đưa ra một phương án không có nghĩa là chỉ khoanh ý kiến, góp ý, đề xuất của nhân dân ở đó mà người dân hoàn toàn có quyền đề nghị, góp ý các phương án khác. "Qua góp ý, nếu nhân dân ủng hộ phương án này thì giữ, nếu không thì sẽ lựa chọn phương án khác", ông Lý nói thêm.
Tất cả các tầng lớp nhân dân sẽ được tham gia vào tiến trình góp ý về sửa đổi Hiến pháp 1992 - Ảnh: Diệp Đức Minh
Không cấm kỵ điều gì
Liên quan đến câu hỏi điều 4 của Hiến pháp quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng nếu người dân muốn tham gia góp ý có được xem là vấn đề nhạy cảm, ông Lý khẳng định: "Đây là một trong những nội dung của Hiến pháp sửa đổi, nhân dân có quyền bày tỏ chính kiến nguyện vọng của mình, không có gì cấm kỵ".
Được "ủy quyền" trả lời thêm câu hỏi về việc dự thảo Hiến pháp sửa đổi đưa ra lấy ý kiến người dân quy định như thế nào về vai trò của các thành phần kinh tế, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Phúc cho biết: Dự thảo Hiến pháp sửa đổi trình QH tại kỳ họp thứ 4 vừa rồi có một điều quy định chung về các thành phần kinh tế và nêu tên vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế theo nội dung Cương lĩnh sửa đổi, bổ sung, phát triển năm 2011. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận tại kỳ họp ấy, nhiều ĐBQH đề nghị trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta không nên quy định "cứng" trong Hiến pháp tên các thành phần kinh tế (nội dung dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi trình QH có quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo - PV).
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định chung về các thành phần kinh tế tại điều 54. Theo đó, "nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác bình đẳng và cạnh tranh trước pháp luật".
Ông Phúc cho biết so với bản dự thảo trình QH tại kỳ họp 4, bản đưa ra lấy ý kiến nhân dân có một số quy định mới, ví dụ khi theo dõi thảo luận tại QH thì thiết chế Hội đồng hiến pháp chưa có trong dự thảo nhưng bản mới đã quy định một điều về Hội đồng hiến pháp.
Lấy ý kiến nhân dân từ 2.1.2013
Theo ông Phan Trung Lý, toàn bộ nội dung Hiến pháp sửa đổi 1992 sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, gồm: Lời nói đầu chế độ chính trị quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường bảo vệ Tổ quốc bộ máy nhà nước hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Người dân có thể góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 thông qua trang tin điện tử của QH tại địa chỉ http://duthaoonline.quochoi.vn và các phương tiện thông tin đại chúng cũng như thông qua nhiều hình thức khác.
Thời gian lấy ý kiến của người dân diễn ra từ 2.1 đến hết 31.3.2013. Tất cả các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức ở T.Ư và ở địa phương đều có quyền góp ý kiến.
Theo TNO