Đề xuất chấm dứt hợp đồng trước thời hạn 3 dự án BOT không thu được phí
Trên cơ sở thống nhất với địa phương, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn 3/4 dự án BOT giao thông.
Theo báo cáo gửi đến Chính phủ đề xuất giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ GTVT cho biết, từ năm 2017, Bộ GTVT đã thực hiện rà soát tổng thể các dự án chuẩn bị đầu tư, dự án mới ký kết hợp đồng và đánh giá tổng thể các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ.
3/4 dự án BOT được kiến nghị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bố trí vốn ngân sách nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư – Ảnh minh họa
Trong tổng số hơn 70 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý, Bộ đã rà soát, phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, đã thống nhất giải pháp xử lý được 14 trạm thu phí đưa vào hoạt động bình thường.
Đến nay, còn tồn tại 4 trạm thu phí BOT chưa xử lý bất cập nên chưa được thu phí, gồm: trạm thu phí La Sơn – Túy Loan; trạm thu phí Bỉm Sơn; trạm thu phí QL3; trạm thu phí trên QL91.
“Thời gian qua, mặc dù đã phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan nghiên cứu nhiều giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các trạm thu phí/dự án BOT nêu trên nhưng đều không bảo đảm hiệu quả về tài chính và tính khả thi để triển khai thực hiện”, Bộ GTVT thông tin.
Video đang HOT
Đề xuất giải pháp xử lý, Bộ GTVT kiến nghị không sử dụng trạm thu phí La Sơn – Túy Loan để hoàn vốn cho Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, bổ sung vốn nhà nước (khoảng 2.280 tỷ đồng) để hỗ trợ cho dự án.
Đối với tuyến cao tốc La Sơn – Túy Loan, giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Đề án thu phí trình cấp có thẩm quyền thông qua để thu hồi vốn nộp ngân sách nhà nước.
Đối với trạm thu phí Bỉm Sơn (hoàn vốn cho đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa đoạn Km0 – Km6), Bộ GTVT cho biết, thực hiện kết luận của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu phương án di dời trạm Bỉm Sơn về tuyến tránh phía Tây để hoàn vốn.
Tuy nhiên, do hiện tại lưu thông theo hướng Bắc – Nam qua khu vực TP Thanh Hóa đã có tuyến tránh phía Đông và tuyến QL1, nếu tổ chức thu phí trên tuyến tránh phía Tây thì các phương tiện sẽ lựa chọn lưu thông trên tuyến tránh phía Đông và QL1 để không phải mất phí.
Bên cạnh đó, trên tuyến tránh phía Tây trong phạm vi dự kiến đặt trạm thu phí có tới 16 vị trí giao cắt với các đường ngang, các phương tiện có thể sử dụng để tránh phải mất phí. Do vậy, phương án di dời trạm Bỉm Sơn về tuyến tránh phía Tây để hoàn vốn không khả thi.
Từ đây, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị phương án chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, đồng thời bố trí vốn ngân sách nhà nước (khoảng 920 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư.
Về trạm thu phí QL3 (hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp QL3 đoạn Km75 – Km100), triển khai kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ GTVT đã phối hợp với địa phương tiếp tục nghiên cứu kỹ các phương án xử lý bất cập.
Trên cơ sở đánh giá, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự khi thu phí tại trạm QL3, UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo phương án chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bố trí vốn nhà nước (khoảng 3.250 tỷ đồng) để thanh toán cho doanh nghiệp dự án.
Đề cập đến trạm thu phí trên QL91 (hoàn vốn cho Dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14 – Km50 889), theo Bộ GTVT, quá trình xử lý bất cập tại trạm T2, Bộ đã phối hợp với địa phương nghiên cứu phương án xóa bỏ trạm T2 và bố trí vốn nhà nước thanh toán phần đầu tư bổ sung đoạn Km0-Km15 793 QL91B, Nhà đầu tư tiếp tục thu phí tại trạm T1 để hoàn vốn cho dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14 – Km50 889 như hợp đồng BOT ban đầu.
Tuy nhiên, phương án này không khả thi do trong khu vực dự án đã phát sinh các tuyến đường song hành, các tuyến kết nối, các phương tiện được sử dụng không mất phí nên dẫn đến phân chia lưu lượng, không bảo đảm hiệu quả tài chính.
Trên cơ sở nghiên cứu kỹ các phương án, Bộ GTVT và UBND TP Cần Thơ thống nhất kiến nghị Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng trước hạn, bố trí ngân sách nhà nước (khoảng 1.879 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Trạm thu phí BOT Thanh Nê ùn tắc, nhiều phương tiện chọn lối đi tắt, đi vòng
Những ngày này, anh H. buộc phải chọn đường vòng để tránh ùn tắc tại khu vực trạm thu phí BOT Thanh Nê.
Người dân, chủ phương tiện tập trung tại trạm thu phí BOT Thanh Nê tại Km13 250 đường tỉnh 458 (đường 39B) để phản đối việc thu phí khiến giao thông qua khu vực ùn tắc. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Ngày 15/8, Công ty Cổ phần Tasco tăng cường các biện pháp chống thất thu tại Trạm thu phí BOT 39 Km13 250 trên Quốc lộ 39B (thường gọi là Trạm thu phí BOT Thanh Nê) thuộc địa phận xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Từ đó đến nay, phương tiện qua đây lưu thông khó khăn do nhiều người dân, chủ phương tiện tập trung phản đối phương án đặt trạm. Để tránh phải chờ đợi lâu do ùn tắc, cực chẳng đã, nhiều phương tiện buộc phải quay đầu tìm đường đi khác để vào thị trấn Thanh Nê hoặc đi huyện Tiền Hải, chấp nhận đoạn đường có thể xa hơn.
Thay vì đi đường thẳng từ thành phố Thái Bình về nhà ở thị trấn Thanh Nê, những ngày này anh H. buộc phải chọn đường vòng để tránh ùn tắc tại khu vực trạm thu phí BOT Thanh Nê. Anh H. cho biết, anh buộc phải đi qua lối tắt rẽ vào xã Bình Minh dù biết lối đi này xa hơn 1 km vì không muốn phải chờ đợi lâu tại khu vực Trạm thu phí.
Còn đối với người dân 2 thôn Hưng Đạo và Đông Thành sinh sống dọc tuyến đường trục xã Bình Minh (huyện Kiến Xương) trong ba ngày qua, việc đi lại và sinh hoạt bị xáo trộn không nhỏ bởi số lượng phương tiện đi qua khu vực tăng đột biến. Ông Trần Trọng Khanh, thôn Hưng Đạo, xã Bình Minh bức xúc: "Thôn Hưng Đạo nằm giáp trạm thu phí. Trạm tăng cường biện pháp thu như thế nào chúng tôi không biết nhưng những ngày qua lượng xe đi vào khu vực quá nhiều, xe con đến xe tải nối đuôi nhau. Đường này là đường dân sinh, nếu tình trạng này tiếp diễn lâu dài không biết con đường này có chịu tải nổi không?".
Ngày 18/8/2022, để tránh ùn tắc tại nhiều chủ phương tiện chọn di chuyển vào tuyến đường xã Bình Minh (huyện Kiến Xương, Thái Bình) khiến lưu lượng giao thông trên tuyến đường này tăng vọt. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Đây cũng là tâm tư chung của nhiều người dân xã Bình Minh và người dân 2 thôn Đông Thành, Hưng Đạo nói riêng, nhất là khi trên tuyến đường trục xã thường xuyên có học sinh đi qua. Anh Nguyễn Xuân Trường, thôn Đông Thành cho biết, năm 2017, khi Trạm thu phí BOT Thanh Nê bắt đầu thu phí nhiều xe trọng tải lớn đã đi qua đường trục xã, làm gãy barie. Đến nay tình trạng này lại tái diễn với số lượng xe nhiều hơn, cao điểm nhất là khung giờ 6 giờ 30 phút đến 8 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ, gây tắc nghẽn. Do lo lắng mất an toàn giao thông, sáng 18/8, người dân thôn Đông Thành đã thiết lập lại barie ngay đoạn đầu vào thôn đoạn giao với Quốc lộ 39B nhằm hạn chế các phương tiện có chiều cao trên 2,4 mét đi vào đường trục xã.
Ông Vũ Xuân Hướng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình Minh cho biết, tuyến đường trục xã từ đầu Quốc lộ 39B đến UBND xã Bình Minh có chiều dài gần 2 km, trải nhựa với bề rộng mặt đường 5m do UBND xã quản lý. Quy mô đường dành cho các phương tiện dưới 7 tấn đi qua. Những ngày qua khi Trạm thu phí BOT Thanh Nê tăng cường các biện pháp chống thất thu, lượng phương tiện đi vào đường trục xã Bình Minh tăng khoảng 30% so với trước đây, trong đó có nhiều xe tải hạng nặng, xe khách, ảnh hưởng đến cuộc sng của nhân dân.
Những ngày qua, nhiều người dân, chủ phương tiện tại Thái Bình phản ứng trước việc Công ty Cổ phần Tasco siết chặt các biện pháp chống thất thu tại Trạm thu phí BOT Thanh Nê. Theo chủ đầu tư, đây là trạm thu phí hoàn vốn Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê và đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến cầu Diêm Điền theo hợp đồng ký kết xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) giữa chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tasco và UBND tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, dư luận cho rằng Công ty Cổ phần Tasco đầu tư xây dựng trên tuyến đường tránh thị trấn Thanh Nê nhưng lại đặt trạm thu phí vừa trên tuyến tránh vừa trên tuyến Quốc lộ 39B đi vào thị trấn Thanh Nê là vô lý. Do vậy từ năm 2017 (thời điểm Trạm thu phí BOT Thanh Nê chính thức đi vào hoạt động) người dân địa phương đã phản đối.
Việc lưu lượng giao thông trên tuyến đường trục xã xã Bình Minh (huyện Kiến Xương, Thái Bình) tăng vọt khiến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Không chỉ đoạn đường trục xã Bình Minh mà thực tế những ngày qua nhiều lái xe phải chuyển hướng đi qua xã Vũ Lễ, Vũ Lạc hay Đình Phùng của huyện Kiến Xương để tránh ùn tắc khi qua Trạm thu phí BOT Thanh Nê, khiến lượng phương tiện qua các tuyến đường trục xã, liên xã tăng mạnh. Đây là nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông nếu những "lùm xùm" trong câu chuyện vị trí đặt Trạm thu phí BOT Thanh Nê không sớm có lời giải đáp.
Thị trường bất động sản Cần Thơ giao dịch trầm lắng, vì sao? Theo đại diện Hội môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam tại TP. Cần Thơ, giao dịch BĐS tại địa bàn TP. Cần Thơ trong những ngày qua trầm lắng nhất trong lịch sử, nguyên nhân chính là do nhiều chính sách liên quan đến thị trường BĐS có sự thay đổi đã ảnh hưởng đến tâm lý của người mua nhà....