Đề xuất căn hộ chung cư sở hữu 50 năm: Cần cân nhắc kỹ lợi, hại
Trong đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng trình thẩm định, giấy chứng nhận cấp cho căn hộ chung cư sẽ có thời hạn 50-70 năm thay vì lâu dài.
Hai phương án để lựa chọn
Theo Dự thảo này, Bộ Xây dựng đã soạn thảo đề xuất hai phương án. Phương án 1, thời hạn sở hữu căn hộ chung cư được xác định cùng thời hạn sử dụng của công trình theo pháp luật về xây dựng ( niên hạn công trình). Phương án 2, thời hạn sở hữu chung cư theo quy định của pháp luật đất đai.
Giả sử chọn phương án 1, chung cư sẽ được sở hữu có thời hạn tùy thuộc cấp công trình (ví dụ 50 năm với công trình cấp II).
Việc cấp sổ hồng cho căn hộ chung cư sẽ có thời hạn 50-70 năm thay vì sở hữu lâu dài cần được cân nhắc kỹ lưỡng
Video đang HOT
Hiện nay cũng đã có hai dạng căn hộ: Căn hộ sở hữu lâu dài và căn hộ có thời hạn sở hữu chỉ 50 năm, 70 năm. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai dạng căn hộ này là quyền lợi của người dân sau khi hết thời hạn giao đất. Khi dự án hết niên hạn, chung cư cũ hỏng không đạt chất lượng quy định an toàn của Nhà nước sẽ được yêu cầu xây mới để tái định cư tại chỗ hoặc tái định cư nơi khác.
Tuy mức giá căn hộ xây mới sẽ dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm đó nhưng người sở hữu vẫn còn quyền lợi của mình trong dự án. Trong khi đó, các căn hộ sở hữu 50 năm thì người mua sẽ không được hưởng lợi ích, bồi thường giải tỏa.
Có mâu thuẫn với mục tiêu khuyến khích phát triển chung cư của Chính phủ?
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đỉnh – chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản nhận định: liệu Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng trình thẩm định này có thực sự khuyến khích hay thực ra là hạn chế chung cư? Ông Đỉnh phân tích: Theo Điều 126 Luật Đất đai 2013, đối với dự án kinh doanh nhà ở thì thời hạn giao đất cho chủ đầu tư được xác định theo thời hạn của dự án; người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài. Đây là cơ sở để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với thời hạn lâu dài cho người mua nhà ở trong dự án (bao gồm nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư).
Như vậy theo pháp luật hiện hành thì người mua căn hộ chung cư trong dự án kinh doanh nhà ở sẽ có quyền sử dụng đất lâu dài, đồng thời có quyền sở hữu nhà ở không xác định thời hạn. Đây là chính sách quan trọng để khuyến khích người dân mua và sử dụng chung cư, góp phần thay đổi tư duy “tấc đất cắm dùi”, giúp sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả để dành quỹ đất đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng.
Trên thực tế, Chính phủ cũng có nhiều chính sách phát triển và khuyến khích nhà ở xã hội, nhà ở chung cư để giải quyết vấn đề thiếu nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp, các hộ gia đình trẻ… Tại chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021 đã đề ra quan điểm phát triển: “Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp” (Nhà ở xã hội, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân đa số cũng là nhà chung cư). Như vậy, Nhà nước khuyến khích phát triển loại hình nhà chung cư, tạo cho người dân thói quen ở chung cư. Trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của mỗi địa phương cũng đều đặt ra mục tiêu đạt một tỷ lệ % nhất định nhà ở là nhà chung cư.
Như vậy, việc dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) của Bộ Xây dựng lại đặt ra vấn đề chung cư sở hữu có thời hạn. Chẳng hạn nếu chọn phương án thời hạn sở hữu nhà chung cư xác định theo thời hạn sử dụng của công trình, nhà chung cư sẽ được sở hữu có thời hạn tùy thuộc cấp công trình (ví dụ: 50 năm với công trình cấp II). Như vậy, liệu dự án này có mâu thuẫn với chủ trương của Chính phủ hay không?
Bên cạnh đó, phải thừa nhận với văn hóa chung của người Việt, nhà ở không chỉ là nơi ở mà còn có giá trị thừa kế. Đa phần người dân đang ở chung cư đều có tâm lý băn khoăn: Nếu sổ hồng chung cư chỉ 50 năm, hết 50 năm ấy sẽ như thế nào? Với những gia đình khó khăn họ sẽ ở đâu, không có tiền mua nhà khác, con cháu học hành ra sao…Thêm vào đó, hiện tại trừ hai đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM thì người dân nhìn chung chưa có thói quen ở chung cư. 61 tỉnh, thành còn lại rất khó bán được căn hộ chung cư, ngoại trừ khu vực lõi các đô thị trung tâm. Như vậy, nếu chọn chính sách chung cư sở hữu có thời hạn 50 năm sẽ rất khó đạt được mục tiêu của Chính phủ là khuyến khích thói quen, tập quán ở nhà chung cư. Thậm chí người dân sẽ thêm hoang mang với loại hình nhà ở này.
Chính vì thế, có thể thấy rõ sự mâu thuẫn sẽ xảy ra khi Dự thảo Luật nhà ở sửa đổi này: đó là mâu thuẫn giữa mục tiêu khuyến khích phát triển nhà chung cư của Chính phủ với mục tiêu chung cư sở hữu có thời hạn tại Dự thảo.
Từ thực tế này, Thạc sĩ Nguyễn Văn Đỉnh cũng nhận định: Để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi khi xây dựng chính sách về thời hạn sở hữu nhà chung cư, cơ quan soạn thảo cần xem xét mục tiêu cốt lõi của chính sách là gì? Cần đánh giá kỹ tác động, chính sách mới sẽ tác động thế nào đến xã hội, đối tượng nào hưởng lợi, đối tượng nào bị thiệt hại? Từ đó ông Đỉnh cũng kiến nghị: không nên đặt ra vấn đề chung cư sở hữu có thời hạn trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Nếu áp dụng chỉ đối với hai đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh (có thể kèm điều khoản giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung các địa phương mà chung cư sở hữu có thời hạn theo đề xuất của Chính phủ để dự báo trong tương lai khi chung cư đã được ưa chuộng tại các địa phương khác như Hải Phòng, Đà Nẵng …).
Về phía doanh nghiệp, ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DRH Holdings cho rằng, những đề xuất quy định mới tại đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư, các sản phẩm chưa bán được của khách hàng, quyền lợi của người dân đã mua căn hộ. Ví dụ, không thể để xảy ra việc người dân mua căn hộ sở hữu lâu dài đã vào ở 5 năm nhưng nay cấp sổ chỉ còn 45 năm. Hay chủ đầu tư còn tồn kho 500 căn hộ, nay sửa luật chỉ được cấp sổ 50 năm khiến sản phẩm khó bán ra. Vì vậy, lộ trình sửa đổi, bổ sung luật cần có thời gian để chuyển tiếp, không gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân và nhà đầu tư.
Giá bất động sản đang trong xu hướng tăng
Theo Bộ Xây dựng, 3 tháng đầu năm nay, giá giao dịch bất động sản bình quân toàn thị trường đều ở xu hướng tăng, thậm chí một số loại tăng giá khá cao so với tháng trước.
Bộ Xây dụng cho biết đã khảo sát, thu thập thông tin, xác định mức độ biến động giá giao dịch một số loại bất động sản trong quý 1, nhất là tháng 3 vừa qua tại 8 địa phương là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Bộ Xây dựng, giá bất động sản bình quân trên toàn thị trường đang trong xu hướng tăng.
Kết quả cho thấy, giá bất động sản bình quân toàn thị trường vẫn trong xu hướng tăng. Nhất là trong tháng 3, tại một số địa phương kể trên, giá giao dịch bất động sản tăng khá cao so với tháng 2.
Giá bất động sản cho thuê tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của tháng 3 tăng nhẹ so với hồi tháng 2. Giá căn hộ chung cư cho thuê tại TP. Đà Nẵng của tháng 3 cũng có mức giá tăng tương đối tốt so với tháng 2.
Theo Bộ Xây dựng, chỉ số giá bất động sản của tháng 3 so với tháng 2 thể hiện: tại TP. Hà Nội, căn hộ chung cư tăng 1,53%; nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%; đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Tại TP. Hồ Chí Minh, căn hộ chung cư tăng 2,48%; nhà ở riêng lẻ tăng 2%; đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 3,6%.
Trong quý 1, Tổ công tác liên ngành do Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng chính sách xã hội làm việc với 7 tỉnh, thành: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ. Dự kiến, trong quý 3 và 4, Hà Nội sẽ khởi công 2 dự án nhà ở xã hội có quy mô 1.860 căn.
Trước đó, theo báo cáo sơ bộ tại các địa phương nêu trên, tổng số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã khởi công là 7 dự án với tổng số khoảng 23.965 căn.
Vì sao bất động sản tiếp tục tăng giá "chóng mặt"? Thị trường bất động sản một số nơi đã xuất hiện tình trạng "lãi trên giấy", khi giá sản phẩm bất động sản chào bán tăng cao nhưng lại khó tìm người mua. Giá các phân khúc trên thị trường bất động sản đều tăng Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản quý 1 năm 2022, giá giao dịch bất động...