Đề xuất cấm ôtô 5 ngày trong tuần để giảm ùn tắc
Trước đề xuất cấm ôtô cá nhân mỗi ngày 5 giờ, 5 ngày trong tuần ở khu vực nội đô của cựu phi công quân sự Mai Trọng Tuấn, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu.
Ngày 11/4, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển thư đề ngày 13/3/2012 của ông Mai Trọng Tuấn về việc chống ùn tắc giao thông tại 2 thành phố Hà Nội và TP HCM. Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/5.
Trong văn bản đề xuất, ông Mai Trọng Tuấn (cựu phi công, người từng gây xôn xao dư luận vào năm 2009 với ý tưởng “đường bay vàng”) cho biết, ngày 2/2 ông gửi đề xuất nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông lên Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và lãnh đạo Hà Nội, TP HCM với nội dung chính “để không có xe cá nhân (xe hơi và xe máy) lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố”. Tuy nhiên ông Tuấn cho rằng phương án đó nếu muốn làm được phải có thời gian chuẩn bị vài năm, phải có sự đồng thuận xã hội.
Do đó, để có bước đi đầu tiên nhằm cụ thể hóa phương án trên ông Tuấn đưa ra giải pháp 5×5. Cụ thể, thực hiện 5 giờ trong một ngày (sáng, chiều) và 5 ngày một tuần (thứ hai đến thứ sáu) không có xe hơi cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố.
Lý giải cho việc chọn cấm ôtô thay vì xe máy, ông Tuấn cho rằng, thời điểm cấm xe máy là đánh thẳng vào đời sống trên 95% người lao động đang sống và làm việc ở trung tâm thành phố. Phần lớn họ là người hàng ngày vẫn lưu thông bằng xe máy, kể cả đi xe ôm. Việc cấm xe máy sẽ khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn, gia đình thêm khó khăn… nên thời điểm hiện tại biện pháp này không thỏa đáng.
Đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn đã được UBND Hà Nội tiếp nhận. Ảnh: Hoàng Hà.
Để bảo vệ quan điểm chọn ôtô cá nhân là diện bị cấm lưu thông, ông Tuấn đưa ra nhiều lý do như ôtô chiếm dụng đường, bãi đỗ lớn hơn xe máy; số lượng người có ôtô không nhiều; người có ôtô cũng thường có xe máy và trước khi có ôtô họ vẫn dùng xe máy…
Dẫn chứng cho việc ôtô chiếm dụng đường lớn hơn xe máy, ông Tuấn đưa ra số liệu thống kê tại TP HCM. Theo đó, đến 31/1/2012 xe hơi các loại là gần 500.000 chiếc (trong đó 11.000 taxi) và xe máy trên 5 triệu chiếc. Mặc dù số ôtô chỉ bằng khoảng 10% xe máy nhưng lại chiếm diện tích mặt đường khi lưu thông là 55%, chiếm chỗ đỗ 65%. Cũng theo ông Tuấn, việc ùn tắc, rối loạn giao thông thường do 4-5 ôtô đối đầu nhau nằm giữa giao điểm dẫn tới tất cả hướng đều kẹt cứng và rối loạn.
Video đang HOT
Theo số liệu ông Tuấn thu thập, số lượng những người có ôtô chỉ chiếm 2-3% dân lao động. Khác với các nước phát triển, ôtô là phương tiện đi lại chủ yếu thì ở Việt Nam việc sở hữu ôtô mới chủ yếu bắt đầu khoảng 10 năm trở lại đây. “Những người vốn trước đây vẫn đi xe máy, gần đây mới đổi đời, lên đời nếu có phải hy sinh một chút thói quen (chưa ăn sâu, bám rễ) để nhường cho xe máy, chắc chắn số ít này sẽ vui lòng”, ông Tuấn nhận định.
Ngoài ra, theo ông Mai Trọng Tuấn, nên vận động các xe hơi biển xanh (xe nhà nước) cùng thực hiện giải pháp 5×5 (trừ các xe công vụ đặc biệt, xe đưa đón đoàn…). Người có tiêu chuẩn dùng ôtô công nếu tự nguyện thực hiện giải pháp 5×5 thì cơ quan nhà nước nên trả tiền cho để họ đi taxi, tiết kiệm được cả về chi phí lẫn lao động đồng thời thể hiện được sự gương mẫu hòa đồng với quần chúng.
Vị cựu phi công này cho rằng nếu lãnh đạo hai thành phố lớn chấp thuận phương án thì có thể triển khai được ngay sau khi quy định và ấn định thời gian cụ thể yêu cầu người dân thực hiện. “Thực tiễn chứng minh chân lý. Hà Nội đã đổi giờ học, giờ làm, cấm đỗ xe… mà vẫn chưa rút ra được kết luận chính xác nào. Thực hiện giải pháp 5×5 chắc chắn chỉ trong một tuần lễ là đã có thể kết luận được”, tác giả khẳng định.
Theo VNExpress
Cấm xe máy trong thành phố: Khó nhưng phải làm!
Bộ GTVT đang xây dựng đề án hạn chế, lộ trình cấm xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố lớn, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý 4-2012.
Những nỗ lực hạn chế xe máy
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân, cấm xe máy giảm ùn tắc giao thông được đưa ra. Trước đó, Hà Nội đã từng đưa ra biện pháp ngừng đăng ký xe máy ở 4 quận nội thành Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình vào năm 2003. Biện pháp này ban đầu đã giúp người dân thận trọng hơn trong việc mua xe máy. Nhưng ngay sau đó tiêu cực đã phát sinh, "cò" xe chuyển sang môi giới người đứng tên đăng ký hộ. Người có nhu cầu mua xe sẽ phải trả thêm 1.000.000 đồng để nhờ người đứng tên đăng ký hộ, sau đó sở hữu một chiếc xe mới không mang tên mình. Quy định này được thành phố bãi bỏ vào năm 2005 và việc cấp đăng ký xe máy được mở lại.
Hà Nội ngừng đăng ký xe máy trong năm 2003
Cũng năm 2003, cùng trong nỗ lực giảm xe môtô, xe gắn máy, Bộ Công An ra thông tư 02 yêu cầu mỗi cá nhân chỉ được đăng ký 1 xe mô tô/ xe gắn máy. Nhưng quy định này cũng bị bãi bỏ do vi phạm hiến pháp về quyền sở hữu tài sản của công dân.
Tháng 8 năm 2011, bản đề xuất "Giờ không xe máy" của tác giả Vũ Tuyên (Đường Láng - Hà Nội) đã được mang ra mổ xẻ gay gắt. Theo ông Tuyên giờ cao điểm chỉ nên sử dụng phương tiện xe bus, xe con và xe đạp. Đề án này đã bị phản bác mạnh mẽ vì vô lý và xa rời thực tiễn.
Năm nay, Bộ trưởng thứ 13 của nghành giao thông vận tải được chỉ định xây dựng đề án hạn chế và lộ trình cấm xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố lớn, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý 4-2012. Liệu lần này có thành công?
Xe máy văn hoá và bất cập
Do điều kiện đường xá, phố phường chật hẹp, xe máy đối với người Hà Nội nói riêng đã là phương tiện chủ yếu. Xe máy dễ luồn lách, tiện lợi khi đi trong phố. Nhiều khi còn là phương tiện mưu sinh của một bộ phận dân cư. Chở hàng, chở người xe máy đều có thể đáp ứng. Nếu nói không với xe máy, chính là nói không với miếng cơm manh áo của đa số người dân.
Hiện toàn thành phố có khoảng 3,8 triệu xe máy và 368.000 ôtô (đó là chưa kể phương tiện vãng lai có khoảng 50.000 xe). Mỗi ngày có gần 400.000 ôtô các loại tham gia lưu thông trên đường và hàng chục ngàn phương tiện vãng lai khiến tình trạng giao thông đô thị luôn là đề tài nóng.
Với sự gia tăng của xe máy như hiện nay thì đến năm 2020, số lượng môtô, xe máy của cả nước sẽ đạt 38,8 - 40,5 triệu xe (tương đương với 2,4 - 2,5 người/xe). Môi trường đô thị bị ô nhiễm nặng vì lượng khí thải của xe máy.
"Hệ số phát thải bụi trong không khí (PM10) đã gấp đôi mức cho phép, giao thông đường bộ Hà Nội chính là nguồn gốc của hầu hết lượng oxyde azotetrong thành phố" - Ông Marc Cagnard - Giám đốc cơ quan Thương mại UBIFRANCE (Pháp) cho biết.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã vượt nhiều lần quy chuẩn cho phép
Ô nhiễm tiếng ồn cũng tăng lên. Tiếng ồn đo được khi một chiếc xe máy chạy qua có thể lên tới 80,4dB và khi xe nổ máy là từ 90-100dB, cao hơn tiếng ồn do ô tô gây ra 31dB và cao hơn tiêu chuẩn tiếng ồn môi trường cho phép (55dB). Ô nhiễm tiếng ồn không chỉ gây stress cho người tiếp xúc mà còn gây ra một loạt các biến chứng bệnh tâm lý liên quan.
Xe máy là nguyên nhân làm xấu hình ảnh giao thông đô thị. Khi xảy ra ùn tắc giao thông, xe máy sẽ "tiên phong" leo lên vỉa hè, quay đầu ngược chiều, bấm còi inh ỏi để tìm chỗ trống len lỏi đi trước. Xe máy còn là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông. Điều này xuất phát ban đầu từ chính tiện ích của xe gắn máy và ý thức người điều khiển. Sau là sự lỏng lẻo của cơ chế đào tạo lái xe. Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện cả nước có 271 cơ sở đào tạo lái xe, Bộ GTVT hàng năm liên tục thanh tra, kiểm tra và hầu như ở cơ sở nào cũng phát hiện sai phạm.
Cần sự phối hợp của các Bộ nghành
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội cho rằng quan trọng nhất phải phát triển phương tiện vận tải công cộng trước, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, sau đó mới tiến dần đến hạn chế. Theo số liệu của Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco), Hà Nội hiện có hơn 70 tuyến xe buýt với hơn 1.000 đầu xe và trên 1.300 điểm dừng đỗ, mỗi năm phục vụ trên 400 triệu lượt khách. Mục tiêu đến năm 2020, xe buýt sẽ có 98 tuyến, khối lượng 2,73 triệu lượt khách/năm, đáp ứng 25% nhu cầu đi lại của người dân.
Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội cũng đã được tái khởi công sau sau khi bị đình trệ từ năm 2007.
Phối cảnh tuyến đường sắt đô thị trị giá hơn 1 tỷ USD của Hà Nội
Nhưng xem ra khi ý thức giao thông của người dân vẫn còn xa lạ với phương tiện giao thông công cộng, thì xe buýt hay metro có phát triển mấy thì vẫn không thu hút được người dân. Cần có một mốc lớn về thời hạn cấm xe máy trong thành phố. Sau đó chia ra thành từng mục tiêu giai đoạn theo "thuyết dầu loang". Ví dụ ban đầu cấm xe máy trong khu vực 36 phố cổ. Áp dụng các tuyến xe bus chạy trên các tuyến chính, còn xe điện chạy vào những phố nhỏ hơn. Xây dựng một loạt các bãi gửi xe xung quanh khu vực 36 phố cổ nhằm phục vụ nhu cầu của người dân khi vào phố cổ kể cả cư dân trong khu vực đó. Khi đó người dân sẽ dần dần bỏ thói quen sử dụng xe gắn máy, chuyển đổi phương tiện công cộng, hoặc phương tiên cá nhân phù hợp hơn. Trong khi đó người dân ở khu vực cấm giai đoạn 2 cũng sẽ có sự điều chỉnh để thuận tiện hơn cho việc đi lại.
Xe điện đã được đưa vào phục vụ tại phố cổ
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã khởi động lộ trình thực hiện đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy triển khai tại 2 thành phố đang bị ô nhiễm không khí trầm trọng là Hà Nội và TP HCM. Dự kiến giảm độ phát thải CO và HC trong không khí từ 20 - 30% và tiêu huỷ khoảng 1000 xe cũ, không đủ tiêu chuẩn/năm.
Để có một đô thị văn minh, việc cấm xe máy là vấn đề cương quyết. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định: "Đây là chiến lược lâu dài, và phải làm từ 10 tới 15 năm nữa phải cấm xe máy. Cái này phải có lộ trình và thông báo trước cho người dân"
Sẽ là một hành trình khó khăn, nhưng không phải không thể làm được. Để đạt được thành công không chỉ cần tâm huyết của Bộ GTVT mà còn cần đến các Ban nghành liên quan, kèm theo đó không thể thiếu là sự ủng hộ, đóng góp của người dân.
Theo Autopro