Đề xuất bỏ gần 2.000 trong hơn 4.000 “giấy phép con” cản trở DN
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất bỏ gần 2.000 điều kinh doanh tại các Bộ, ngành được cho là các “giấy phép con” gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp lâu nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật ngày 22.8. (Ảnh: VGP)
1.930 giấy phép con cản trở doanh nghiệp
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Chính phủ tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 22.8, cơ quan này đề xuất bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện về kinh doanh được cho là những giấy phép con cản trở doanh nghiệp lâu nay.
Trong số này, cơ quan ngành kế hoạch đề nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính. Ngoài ra, 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm và 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất, 127 điều kiện về phương thức kinh doanh, 80 điều kiện về quy hoạch… được đề xuất bỏ toàn bộ.
Ngoài ra, các điều kiện kinh doanh khác liên quan đến vấn đề nhân lực (trừ một số nghề thực sự đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, như nghề y, nghề kiểm toán) và một số điều kiện có nội dung không phù hợp khác, Bộ này cũng kiến nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần.
“Việc xây dựng các điều kiện kinh doanh phải trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn và tham khảo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)”, Bộ KH&ĐT nêu quan điểm.
Tổng hợp của Bộ KH&ĐT cho thấy hiện nay có có 8 nhóm yêu cầu, điều kiện điều kiện kinh doanh, gồm: (1) Phải được tổ chức dưới hình thức pháp lý nhất định; (2) Yêu cầu về nhân lực, lao động; (3) Yêu cầu về năng lực sản xuất; (4) Yêu cầu về cách thức bố trí tổ chức sản xuất, nhà xưởng; (5) Yêu cầu về năng lực tài chính tối thiểu; (6) Yêu cầu phù hợp với quy hoạch; (7) Phải được đào tạo, tập huấn do cơ quan nhà nước tổ chức; (8) Phải được chấp thuận của cơ quan nhà nước để được kinh doanh.
Các điều kiện điều kiện kinh doanh đang quy định ở nhiều văn bản khác nhau rất đa dạng, phức tạp, chồng chéo về phạm vi quản lý, rất nhiều thủ tục quy định ở các nghị định, thông tư, quyết định. Hiện có 4.284 yêu cầu, điều kiện đầu tư kinh doanh trong 243 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý của 15 bộ, được quy định ở 237 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 66 luật, 3 pháp lệnh, 162 nghị định, 3 hiệp định.
Theo Bộ KH&ĐT, các quy định hiện hành đã ngày càng rõ ràng, minh bạch hơn về: tiêu chí đánh giá sự cần thiết và hợp lý khi ban hành điều kiện; công bố các ngành nghề có điều kiện và điều kiện của từng ngành nghề; quy định chặt chẽ về thẩm quyền ban hành điều kiện; trách nhiệm của các bộ, cơ quan rà soát, đánh giá tác động và lấy ý kiến của Bộ KH&ĐT khi ban hành các điều kiện đầu tư, kinh doanh.
Video đang HOT
Tuy nhiên, hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh hiện hành còn nhiều bất cập như: các điều kiện tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới; tạo nhiều rủi ro lớn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động; giảm động lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; giảm năng suất và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; nhiều điều kiện không rõ ràng, tạo ra cơ hội cho sự tùy tiện và nhũng nhiễu của một số cán bộ thực thi công vụ.
“So với các tiêu chuẩn của OECD, chất lượng thể chế về kinh doanh của Việt Nam còn ở mức thấp”, Bộ KH&ĐT nêu rõ.
Cùng với việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, Bộ KH&ĐT đề xuất thay đổi cách thức quản lý kinh doanh theo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của OECD. Cụ thể, thay các điều kiện có tính chất tiền kiểm bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn với các tài liệu hướng dẫn tuân thủ chi tiết, rõ ràng để giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo báo cáo của VCCI, hiện có tổng cộng 5.917 điều kiện kinh doanh trong 243 lĩnh vực. VCCI và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đưa ra các số liệu khác nhau do nghiên cứu dựa trên các tiêu chí, phạm vi rà soát và cách tiếp cận khác nhau.
Chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cho phép doanh nghiệp tự kiểm tra sản phẩm và công bố hợp chuẩn, hợp quy, Nhà nước kiểm tra ngẫu nhiên để bảo đảm tuân thủ pháp luật; triệt để áp dụng công nghệ quản lý theo hướng quản lý rủi ro để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí…
Trong khi đó, báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ nêu kết quả rà soát bước đầu và lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về điều kiện kinh doanh trong 3 lĩnh vực: Công Thương, Giao thông vận tải và Khoa học và Công nghệ.
Qua rà soát từng điều kiện cụ thể trong 3 lĩnh vực này, VCCI kiến nghị: bỏ 56 điều kiện và sửa đổi 4 điều kiện của 5/28 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực của Bộ Công Thương; bỏ 27 điều kiện và sửa đổi 4 điều kiện của 4/29 ngành nghề thuộc lĩnh vực của Bộ GTVT; bỏ 13 điều kiện và sửa đổi 5 điều kiện của 5/8 ngành nghề thuộc lĩnh vực của Bộ KHCN.
Cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết
Kết luận vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu các bộ nghiên cứu các kết quả rà soát nói trên, chủ động tự rà soát để sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý, không cần thiết. Các bộ, ngành phải chủ động phối hợp với Bộ KH&ĐT, VCCI, lấy ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo sự đồng thuận về các kiến nghị sửa đổi.
Cũng theo Thủ tướng, việc rà soát kiến nghị sửa đổi nói trên cần đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh. Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để đối thoại thường xuyên hơn nữa về các điều kiện đầu tư kinh doanh để đưa ra phương án bãi bỏ.
Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng một nghị định hoặc một chỉ thị về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý IV.2017.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 7 diễn ra ngày 3.8 vừa qua, Chính phủ cũng dành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề này. Thủ tướng cho rằng “giấy phép kinh doanh rất nhiều, rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp”.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tới chi phí cấp giấy phép con với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chưa có nhiều bằng chứng cho thấy đã giảm.
“Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của Bộ. Phải loại bỏ điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý”, Thủ tướng yêu cầu.
Theo Danviet
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng: Doanh nghiệp vào lại bị bật ra
Tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Trị khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng đã tham dự và cho rằng: "Nhiều nơi doanh nghiệp vào lại bị bật ra".
Sáng 28.7, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII nhiệm kỳ 2016-2021 đã được khai mạc. Kỳ họp dự kiến diễn ra đến hết ngày mai (29.7).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nhiều nơi cán bộ nhũng nhiều, làm khó doanh nghiệp nên có thể nói: "Doanh nghiệp vào lại bị bật ra". Ảnh: Ngọc Vũ
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã tham dự buổi khai mạc kỳ họp, đồng thời trao tặng 200 triệu đồng tiền đóng góp của cán bộ, viên chức Bộ KHĐT vào Quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh Quảng Trị.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở các tỉnh miền Trung đã xảy ra hơn một năm nhưng vẫn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân. May mắn, nhờ sự đồng lòng vượt khó của cán bộ, nhân dân nên tất cả các chỉ số kinh tế-xã hội... của Quảng Trị đều tăng so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề xã hội gây bức xúc như công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân vẫn còn để xảy ra những tai biến y khoa không đáng có; tình trạng bạo lực học đường; tệ nạn ma túy tiếp tục gia tăng. Công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo thiếu kịp thời, thiếu chặt chẽ. Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều cơ quan, đơn vị chưa nghiêm túc.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính (trái) tiếp nhận 200 triệu đồng từ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao tặng Quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ
Đặc biệt, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn có những biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cá biệt còn một số trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống.
Phát biểu tại kỳ họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Quảng Trị còn thiếu thốn, gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng như chưa có sân bay, cảng biển... Vì vậy, kinh tế tỉnh Quảng Trị còn nhiều khó khăn do chưa có bàn đạp.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Ngọc Vũ
Bộ trưởng cho rằng Quảng Trị làm tốt cải cách hành chính, nhưng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh vẫn còn thấp. Vì vậy, mỗi cán bộ của tỉnh phải làm việc với một trái tim lửa, nhiệt huyết để tự mình làm thay đổi tích cực chỉ số cạnh tranh của tỉnh.
Theo Bộ trưởng, ở nhiều nơi doanh nghiệp phản ánh làm việc ở cấp tỉnh thì thuận lợi nhưng khi làm việc với sở, ngành chuyên môn, UBND huyện, thậm chí làm việc với một chuyên viên thôi lại gặp nhiều khó khăn.
"Tình trạng trên có thể nói doanh nghiệp vào lại bị bật ra" - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho rằng, nơi nào cán bộ còn nhũng nhiễu, gây khó khăn, làm chưa tốt gây trở ngại doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế thì cần nhanh chóng thay đổi, xử lý.
"Với trách nhiệm và tình cảm đối với mảnh đất thiêng liêng, anh hùng, Bộ KHĐT cam kết sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ Quảng Trị để tỉnh có thể bứt phá nhanh, đạt mục tiêu là tỉnh có trình độ phát triển trung bình của cả nước" - Bộ trưởng Dũng nói.
Theo Danviet
TP HCM cần 52.000 tỷ đồng đầu tư giao thông Để giảm ùn tắc, từ nay đến năm 2020, thành phố dự kiến đầu tư hơn 52.000 tỷ đồng để xây cầu, mở đường... Trong kế hoạch gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Tài chính, UBND TP HCM cho biết cần khoảng 150.000 tỷ đồng để đầu tư công giai đoạn 2016-2020 (tăng gần 40% so với giai đoạn trước) cho...