Đề xuất 16 tuổi được kết hôn sẽ làm bùng nổ dân số?
Nhiều thành viên ban soạn thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) đề xuất hạ tuổi kết hôn xuống 2 tuổi so với quy định hiện hành đối với cả nam lẫn nữ.
Luật Hôn nhân và Gia đình ban hành năm 2000 quy định độ tuổi kết hôn của nữ từ 18 tuổi, nam từ 20 tuổi trở lên. Bộ Tư pháp cho biết trong quá trình tổ chức lấy ý kiến phục vụ soạn thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng quy định về độ tuổi này đã không còn phù hợp, cần điều chỉnh theo hướng giảm.
Chú rể 14 tuổi cùng cô dâu 17 tuổi trong ngày cưới ở Long An
Kiến nghị hạ tuổi kết hôn
Video đang HOT
TS Ngô Thị Hường, Trường ĐH Luật Hà Nội, lập luận việc xác định tuổi được kết hôn phải dựa trên cơ sở tâm sinh lý của người kết hôn và phong tục tập quán địa phương nơi họ sinh sống. Trên thực tế, nhiều trường hợp dù không đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn chung sống với nhau và sinh con bình thường. Dựa trên lập luận này, tham gia góp ý cho dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), TS Hường mạnh dạn đề xuất hạ độ tuổi kết hôn đối với nữ xuống 17 tuổi, thậm chí 16 tuổi.
Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, đồng tình với quan điểm hạ độ tuổi kết hôn. Ông cho rằng đời sống của người dân đã được nâng lên rất nhiều so với trước đây, nhu cầu tâm sinh lý thay đổi do sự tác động từ phim ảnh, báo chí, internet nên việc xem xét hạ độ tuổi của nữ xuống 16 hoặc 17, nam đủ 18 tuổi là hợp lý.
“Nhiều người sẽ nói ở độ tuổi đó, các cháu vẫn đang còn đi học, chưa trưởng thành. Nhưng như hiện nay, người trẻ vẫn tìm mọi cách để cưới nhau đấy thôi. Cái chính là phải tuyên truyền, giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội để các cháu nhận ra thời điểm nào thì nên kết hôn và dám chịu trách nhiệm cho các quyết định của mình” – ông Phạm Quốc Anh nói.
Nên tham vấn chuyên môn
Quan điểm hạ độ tuổi kết hôn của các nhà làm luật đang bị phản ứng quyết liệt từ các chuyên gia y tế. PGS-TS Vương Tiến Hòa, chuyên Khoa Sản Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khẳng định nữ 18 tuổi chưa thể đủ chín chắn, chưa có nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản để có thể làm một người mẹ tốt.
GS-TS Nguyễn Đức Vy, nguyên giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Chủ tịch Hội Sản Phụ khoa Việt Nam, nhấn mạnh thêm đề xuất hạ độ tuổi kết hôn so với quy định hiện hành là phi lý, không phù hợp nếu xét trên phương diện y học.
“Phụ nữ ở độ tuổi 18 khung xương chậu chưa phát triển hết; đến 22 tuổi, nó mới đầy đủ và sẵn sàng cho việc sinh con. Tôi không hiểu mấy vị làm luật nghĩ thế nào mà lại đề xuất như thế, bởi việc ấy có thể làm bùng nổ dân số, số ca đẻ khó, tai biến sản khoa sẽ tăng lên, số trường hợp mổ đẻ cũng tăng cao bởi ở tuổi 16 nữ giới chưa phát triển đầy đủ”- ông Vy nhận định. Ông Vy đề xuất việc sửa đổi luật nhất thiết phải có sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan chuyên môn về sản khoa để tránh việc ban hành quy định không sát thực tế.
Nên quy định “mềm” với người dân tộc thiểu số TS Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam, đề xuất nên giữ nguyên độ tuổi kết hôn như hiện nay. Tuy nhiên, theo TS Lý, luật nên có quy định “mềm” đối với người dân tộc thiểu số vốn có truyền thống dựng vợ gả chồng sớm hơn quy định trong luật hiện hành. Tôi cho rằng trong nghị định hướng dẫn thi hành luật nên đưa ra một số quy định áp dụng cho những trường hợp đặc biệt này nhằm giúp người dân tộc thiểu số không đi chệch khuôn khổ pháp luật và gặp những rắc rối khác liên quan” – TS Lý nói.
Theo Người Lao Động
Kon Tum: "Nóng" tình trạng tảo hôn
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có trên 100 cặp tảo hôn.
Y Hluôn với cơ ngơi của mình.
Xã Rờ Cơi, huyện Sa Thầy là một trong những nơi xảy ra tình trạng tảo hôn. Nhiều trẻ chỉ khoảng 13 - 16 tuổi là "bắt chồng". Y Hluôn - trú tại làng Krem năm nay 19 tuổi, đã sinh 2 cháu, cháu đầu Y Thu 3 tuổi, cháu Y Tè mới 1 tháng tuổi đang địu trên lưng còn đỏ hỏn, khuôn mặt tái mét vì mới "vượt cạn". Căn nhà tạm bợ trống hoác, phía trên lợp tôn, vách bằng nứa che tạm, tài sản cả gia đình chẳng có gì. Năm Y Hluôn lập gia đình mới chỉ 15 tuổi. Năm vừa qua Y Ă trú tại làng Khúc Long bỏ học, bắt chồng ở tuổi 13, năm sau sinh con đầu lòng. Gặp chồng nát rượu, ăn cắp, vậy là ly hôn. Chị Y Úp - nguyên Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Rời Cơi - cho biết: Tình trạng trẻ em bỏ học, tảo hôn chính quyền địa phương không hay biết, đến khi biết thì "sự việc đã rồi".
Tại địa bàn huyện Ngọc Hồi, từ năm 2008 đến năm 2012, trung bình mỗi năm có đến 39 cặp tảo hôn. Y Che sinh năm 1996, trú tại thị trấn Plei Kần từ năm 2011 đã "bắt chồng". Ông Thao Ú trú tại xã Bờ Y cũng có con chưa đến tuổi thành niên đã lập gia đình.
Chị Nguyễn Thị Nhàn - cán bộ phụ trách công tác dân số thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi - cho biết: Do ý thức người dân về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình chưa tốt. Bên cạnh đó, kinh phi tuyên truyền vận động quá eo hẹp nên cán bộ cũng khó mặn mà. Ông Trần Đình Trình - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà - cho rằng: " Bà con đồng bào dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông, còn cán bộ tuyên truyền công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình không thông thạo tiếng địa phương nên hiệu quả tuyên truyền không cao".
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Dân số tỉnh Kon Tum - xác định giải pháp: "Trong những năm tiếp theo để ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, Chi cục Dân số mở rộng hoạt động truyền thông về cơ sở; đồng thời tham mưu UBND tỉnh, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình hỗ trợ kinh phí để mở rộng hoạt động trên địa bàn...".
Theo Lao Động
Bi kịch những sơn nữ lấy chồng từ thuở 13 Cứ học đến lớp 7, lớp 8 thì các thiếu nữ xã Rờ Cơi, huyện Sa Thầy (Kon Tum) lại thi nhau nghỉ học để đi... bắt chồng và xây dựng cuộc sống mới. Chuyện kết hôn của đời người được họ xem là việc tổ tiên "truyền" cho con cháu. Thiếu nữ nào quá 16 tuổi mà vẫn chưa "bắt" được chồng...