Dễ xơi nhầm thịt dê “đểu”!
Chó dạt, heo nái già bán chẳng ai mua nhưng qua bàn tay phù phép của các quán ăn, quán nhậu liền biến thành những món thịt dê hấp dẫn.
Rảo một vòng quanh TP, đâu đâu người ta cũng dễ dàng bắt gặp những quán lẩu dê, từ dê núi, trung du đến dê cỏ, bách thảo… Ông Trần Tài, ngụ quận 7 – TPHCM, một người từng mở trang trại nuôi dê ở Ninh Thuận, thốt lên: “Dê đâu mà lắm thế! Dê nuôi ở trang trại chủ yếu để lấy sữa chứ không bán nhiều cho quán xá như vậy. Thực chất, hầu hết các quán đều dùng thịt chó và heo nái thay cho dê”.
Một quán lẩu “dê” ở TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY
“Chuyên trị” chó dạt
Thuyết phục mãi, Khiêm, thanh niên làm công cho một quán lẩu dê ở Quốc lộ 50, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh – TPHCM, mới chịu lựa lúc vắng người dẫn tôi đến mục kích công đoạn chế biến thịt chó thành thịt dê. Trên sàn nhà xi măng rộng khoảng 15 m2 có khoảng 10 bao đựng chó đã thui sẵn. Khiêm và một thanh niên dùng dao cắt miệng bao, lôi ra từng con chó rồi nhanh chóng xẻ thịt. Những tảng thịt đã ngả màu xám, tanh nồng nặc chứng tỏ chó đã chết nhiều ngày trước đó.
Khiêm cho biết nguồn thịt chó lấy mối từ quận Bình Tân – TPHCM. “Chủ vựa thu mua chó từ khắp nơi. Chó tơ còn sống thì họ để dành bán riêng cho quán thịt chó. Còn chó bệnh, bị đánh bả thuốc hay quá già thì bán cho các quán thịt dê. Nhiều quán dê chuyên trị chó dạt” – Khiêm khẳng định.
Theo Khiêm, để “hô biến” thịt chó thành thịt dê rất dễ dàng, nhất là với loại chó già, thịt đã dai. Khiêm lóc con chó thành từng phần thịt, xương, tứ chi, đầu… rồi quăng vào những thùng chứa lớn. “Quán sẽ ướp lạnh thịt chó với nhiều loại hóa chất. Quan trọng nhất là chất tẩy mùi để át đi mùi chó. Chất này được chủ quán mua ở Chợ Lớn về để sẵn. Chỉ cần ướp chất tẩy khoảng 2 giờ là thịt chó sẽ mất hết mùi đặc trưng ngay” – Khiêm lý giải.
Khiêm đổ những thùng thịt chó đã ngấm chất tẩy mùi ra sàn rồi cùng thanh niên kia mang ủng vào, phun nước và thi nhau đạp lên. “Cho ra hết chất tẩy mùi và chất nhờn” – Khiêm giải thích. Lát sau, những tảng thịt chó chuyển sang màu trắng hồng, lớp da bên ngoài vẫn còn vàng nhạt. Hai thanh niên xắt thịt thành từng miếng theo kích cỡ của mỗi món rồi ướp một lần nữa với chất hương dê, gừng, nghệ và nhiều gia vị khác.
Chưa hết, mở tủ đông, Khiêm lấy ra một tảng mỡ và quả quyết là dê thật, bỏ vào ướp chung với thịt chó đã tẩm hương dê, gia vị. Cứ thế, để khoảng vài giờ là thịt chó đã biến thành thịt dê. Lúc này, thực khách vào quán muốn ăn dê nướng, hầm, xào, lẩu… đều được đáp ứng ngay!
Video đang HOT
Heo nái già thành… đặc sản
Bà Lan, ngụ quận 4 – TPHCM, từng làm chủ một quán lẩu dê, tiết lộ cả thịt heo nái già cũng được chế biến thành đặc sản. “Heo nái đã đẻ hết lứa thì bán cũng chẳng ai mua. Các quán nhậu lại thích thu mua heo nái già vì giá rẻ như cho mà rất dễ phù phép thành thịt dê. Da heo nái rất dày và cứng, khi thui cũng cho màu sắc như thịt dê. Vì vậy, những con heo nái già bán bên ngoài không được nhưng nhiều quán thịt dê vẫn thu mua với giá tương đương chó dạt” – bà Lan cho biết.
Theo bà Lan, heo nái khi không còn khả năng đẻ nữa thì tuyến sữa dần biến mất, những núm vú chỉ là mớ da bèo nhèo chỉ có cắt bỏ chứ không dùng vào việc gì được. Lúc này, nhiều quán sẽ hô biến mớ da thịt bèo nhèo này thành nầm dê. “Thực khách gọi món nầm dê nhưng rất dễ xơi nhầm thịt heo nái. Dê cái đang đẻ rất quý, ai lại đi giết để lấy nầm bán? Nếu đúng nầm dê thật thì giá phải lên đến 600.000 đồng/kg, lại rất hiếm, cả con dê cái xẻ ra cũng chỉ được khoảng 1 kg” – bà Lan khẳng định.
Quán lẩu dê nơi Khiêm làm công cũng không lạ gì ngón nghề biến thịt heo nái già thành thịt dê. “Mỡ và thịt heo nái sau khi tẩm ướp hóa chất cho mất mùi được ướp thêm chất tạo giòn, dai và nhiều loại hóa chất khác. Sau đó, chúng sẽ được đưa vào máy ép thành từng miếng rồi dùng sả, riềng, gừng, nghệ ướp vào. Thế là đã có cả thùng nầm dê hoàn hảo. Nếu tinh mắt, thực khách có thể dễ dàng nhận thấy món nầm dê dỏm này chẳng bao giờ có da dính vào, chỉ là miếng thịt dai dai giòn giòn” – Khiêm nói.
“Treo đầu dê bán thịt chó” Chúng tôi thắc mắc tại sao phải dùng thịt chó để giả thịt dê, Khiêm giải thích: “Không phải ai cũng ăn được thịt chó, trong khi thịt dê thì hầu như người nào dùng cũng được. Điều quan trọng là chó dạt giá rất rẻ, khoảng 50.000 – 60.000 đồng/kg; trong khi thịt dê khá hiếm, giá lại lên đến 200.000 đồng/kg, nếu bán đúng thịt dê thì rất khó có lời. Chính vì vậy, nói “treo đầu dê bán thịt chó” trong trường hợp này đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”.
Theo Dantri
Đủ chiêu trộm nước sạch
Tình trạng trộm nước sạch hết sức nghiêm trọng vì có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống chung, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân.
Gian lận nước sạch trên địa bàn TPHCM đang có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Hành vi này không chỉ gây thất thoát lượng lớn nước sạch mà còn dẫn đến nguy cơ ô nhiễm hệ thống cung cấp nước do việc đấu nối, sử dụng vô tội vạ.
Một hộ sản xuất giá ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM gian lận nước bị phát hiện. Ảnh: VL
Mất 2,4 tỉ đồng/năm
Công ty Cổ phần Cấp nước (CPCN) Chợ Lớn là đơn vị đứng đầu danh sách các công ty thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) bị gian lận nước. Chỉ trong năm 2012, đơn vị này bị 74 khách hàng "chôm" 154.128 m3 nước sạch, tương đương 2,4 tỉ đồng. Ông Thái Hồng Lĩnh, Phó Phòng Dịch vụ khách hàng của Công ty, cho biết khu vực xảy ra gian lận nước thường ở vùng ven, như quận 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh.
Từ lượng nước sử dụng giảm bất thường, tháng 7/2012, Công ty CPCN Chợ Lớn kiểm tra đột xuất và phát hiện hộ ông Đào Văn Thành, ngụ đường Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, cắt tê trước đồng hồ (đấu nối sử dụng nước không qua đồng hồ). Qua tính toán, hành vi gian lận này đã kéo dài khoảng 2 năm với lượng nước mà ông Thành "xài chùa" là 7.500 m3, tương đương 131 triệu đồng.
Một nhân viên tham gia xử lý vụ việc cho biết hành vi của ông Thành dù không mới nhưng tinh vi ở chỗ đoạn cắt tê được chôn sâu dưới đất nên rất khó phát hiện. Manh mối quan trọng để phát hiện hành vi gian lận của hộ ông Thành là nhà ông có cơ sở sản xuất giá với quy mô 75 kg/ngày, thêm vào đó là nhiều nhân khẩu cùng tạm trú nhưng hằng tháng hộ này chỉ tiêu thụ 20 m3 nước.
Điều đáng nói là cách đây gần 3 năm (tháng 6/2010), cũng chính ông Thành thuê một căn nhà khác tại phường Bình Hưng Hòa A để sản xuất giá và "ăn cắp" 1.000 m3 nước, bị Công ty phát hiện lập biên bản.
Trên địa bàn do Công ty CPCN Phú Hòa Tân quản lý, trong năm 2012, số trường hợp gian lận nước bị công ty kiểm tra phát hiện cũng khá cao: 52 trường hợp với lượng nước gian lận trên 28.000 m3, tương đương hơn 400 triệu đồng. "So với năm 2011, năm 2012 số trường hợp "ăn cắp" nước tăng gấp 3 lần. Gian lận nước sạch đang có chiều hướng tăng mạnh!" - ông Nguyễn Văn Đắng, Phó Giám đốc Công ty CPCN Phú Hòa Tân, lo lắng.
Doanh nghiệp cũng gian lận
Đối tượng gian lận không chỉ hộ gia đình. Gần đây đang rộ lên tình trạng nhiều doanh nghiệp tư nhân thi công các công trình của TP cũng "ăn cắp" nước sạch. Tháng 11/2012, Công ty CPCN Chợ Lớn phát hiện Công ty TNHH TM-DV-XNK Lê Thanh (quận 7) đấu nối trực tiếp vào đường ống nước 600 mm để lấy nước trồng cây xanh dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh, đồng thời dẫn vào bồn chứa để 30 công nhân tắm giặt, sinh hoạt thoải mái tại lán trại...
Qua làm việc, lãnh đạo Công ty Lê Thanh khai nhận đã sử dụng nước gian lận từ năm 2010. Công ty CPCN Chợ Lớn đã lập biên bản vụ việc với khối lượng nước bị gian lận là 8.640 m3, tương đương 100 triệu đồng.
Mới đây nhất, tháng 4/2013, Công ty CPCN Chợ Lớn phát hiện Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tiến Lộc (phường 25, quận Bình Thạnh) thi công bờ kè Tân Hóa - Lò Gốm cắt tê trên hệ thống ống nhánh để lấy nước phục vụ sinh hoạt cho công nhân.
Trong quá trình thi công, Công ty Tiến Lộc còn làm bể ống, gây thất thoát nước. "Cả 2 doanh nghiệp này dù bị bắt quả tang nhưng đều không hợp tác và không thanh toán tiền nước đã "ăn cắp" theo thông báo của chúng tôi!" - ông Lĩnh bức xúc.
Lo nguồn nước sẽ bị đầu độc
Theo SAWACO, thống kê từ năm 2012 đến nay, có 181 khách hàng gian lận nước bị phát hiện với nhiều hình thức khác nhau, như cắt tê trước đồng hồ, cưa ngang mặt số, phá mặt số đồng hồ, đấu nối chung 2 hệ thống nước...
Trong số 74 trường hợp gian lận nước bị Công ty CPCN Chợ Lớn phát hiện, có 20 trường hợp các hộ dân thuê nhà ở phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) để làm cơ sở sản xuất giá với hành vi gian lận chủ yếu là cắt tê trước đồng hồ, châm kẽm sau đồng hồ để "hãm" lượng nước sử dụng qua đồng hồ. Các hộ dân này đều "ngụy trang" để qua mắt nhân viên kiểm tra bằng cách đào giếng khoan rồi nói sử dụng nước giếng nhưng thực tế kiểm tra giếng không hoạt động.
Theo Phòng Dịch vụ khách hàng của Công ty CPCN Phú Hòa Tân, một trong những hành vi gian lận xảy ra trên địa bàn do đơn vị quản lý là khách hàng bơm ngược nước giếng vào nước máy để đồng hồ quay chậm. Vào tháng 10/2012, công ty đã kiểm tra và lập biên bản xử lý một hộ dân ở đường Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú, với hành vi bơm ngược nước giếng vào nước máy.
Ông Nguyễn Văn Đắng cảnh báo đây không chỉ là hành vi "ăn cắp" nước mà nghiêm trọng hơn là làm ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống chung, ảnh hưởng đến việc sử dụng nước của hàng triệu người dân.
Khó xử lý
Theo các công ty cấp nước, rất nhiều hành vi gian lận nước có mức độ vi phạm nghiêm trọng, số tiền phải truy thu lớn nhưng chỉ dừng lại ở hình thức "thỏa thuận bồi thường thiệt hại" giữa đơn vị cấp nước và khách hàng.
Theo Quyết định 20 do UBND TPHCM ban hành năm 2007 về việc cung cấp, sử dụng và bảo vệ hành lang cấp nước trên địa bàn TP, đối với những khách hàng gian lận thì ngoài việc truy thu, đơn vị cấp nước được truy cứu trách nhiệm hình sự.
Song, ông Thái Hồng Lĩnh cho biết: "Chúng tôi rất khó truy cứu người gian lận vì việc đưa ra tòa rất phức tạp, nhiều thủ tục rắc rối nên chủ yếu chỉ áp dụng hình thức truy thu". Chính không có hình thức chế tài mạnh nên không ít trường hợp sẵn sàng "ăn cắp" nước lần hai mà không sợ bị xử lý.
"Hiện thiếu luật quy định về xử lý hành vi trộm cắp nước, các văn bản dưới luật chưa đủ tính pháp lý để làm cơ sở xử lý. Vì vậy, cơ quan thẩm quyền cần có quy định xử phạt hành chính như ngành điện lực đang áp dụng mới có thể hạn chế được khách hàng vi phạm"- ông Lĩnh đề xuất.
Theo Dantri
Muôn vẻ mưu sinh trên phố Phố cổHà Nộicũng chính là một cái "chợ lớn" giúp bao người lao động kiếm kế mưu sinh. Phố cổ - luôn là nơi thể hiện rõ nhất cuộc sống của người Hà Nội. Phố cổ cũng chính là một cái "chợ lớn" giúp bao người lao động kiếm kế mưu sinh. Chỉ một túm bóng bay, chong chóng, 1 xấp vé số,...