Để xảy ra sai sót, Ban quản lý cảng cá Quy Nhơn bị kiểm điểm
Tỉnh Bình Định đã gặp phải sai sót rất nghiêm trọng và chịu trách nhiệm trực tiếp khi khiến cho Liên minh châu Âu (EU) phải gia hạn “thẻ vàng” thêm 6 tháng đối với hải sản Việt Nam.
Sở NNPTNT Bình Định đã thành lập Văn phòng đại diện khai thác thủy sản tại Chi cục Thủy sản và 3 tổ thường trực tại các cảng cá: Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan để thanh tra, chứng nhận nguồn gốc thủy sản. Theo quy định, trước khi tàu cá xuất bến, các chủ tàu phải thông báo trước ít nhất 1 giờ cho tổ thường trực tại các cảng cá để kiểm tra thông tin về tàu cá và hành trình khai thác. Đối với tàu cập cảng, chủ tàu cũng phải thông báo trước ít nhất 1 giờ cho tổ thường trực để được kiểm tra. Tuy nhiên, vào ngày 18.5.2018, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đến cảng cá Quy Nhơn đã ghi nhận thực tế Ban quản lý cảng cá Quy Nhơn chưa kiểm soát được tàu cá cập cảng, lên cá.
Cụ thể, Tàu cá cập cảng và Ban quản lý nơi đây không thực hiện khai báo theo quy định. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc phục cảnh báo “thẻ vàng”.
Tàu cá cập cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) vào ngày 8.7. ảnh: Dũ Tuấn
Ngư dân Nguyễn Văn Việt (trú TP.Quy Nhơn, Bình Định) tỏ ra rất thất vọng khi nghe thông tin EU gia hạn thêm 6 tháng “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam: “Thực ra, chúng tôi được trang bị các kiến thức về quy định của EU rất kỹ càng. Trước khi khởi hành, chúng tôi phải trình báo ngày giờ xuất bến và khi về cập cảng thì báo nhật lý khai thác, sản lượng cho cơ quan chức năng. Nếu không thực hiện đầy đủ thì sẽ bị phạt và cắt chế độ hỗ trợ về dầu. Tuy nhiên, rất đáng buồn vì vẫn còn trường hợp tàu cá “quên” chấp hành”.
Video đang HOT
Ông Phan Trọng Hổ – Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định đã báo cáo vụ việc với đoàn công tác của trung ương do ông Trần Quốc Vượng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dẫn đầu, làm việc với địa phương này vào ngày 4.7. Ông Hổ cho rằng, trước khi đoàn thanh tra của EC đến cảng cá Quy Nhơn khoảng 1 tháng, Bộ NNPTNT đã kiểm tra và đánh giá Bình Định là một trong những tỉnh thực hiện tốt nhất cả nước về các nội dung liên quan.
“Việc kiểm tra có 3 nội dung chính: Kiểm tra văn phòng đăng ký các cảng, giấy tờ và tình hình tàu cá vi phạm. Về giấy tờ thì rất tốt, thế nhưng trong ngày kiểm tra, chúng tôi đã để xảy ra sai sót. Có 1 tàu của Nghệ An từ phía ngoài chạy vào, do không nắm quy trình nên chạy thẳng vào cảng cá Quy Nhơn, anh em không ngăn kịp. Khi ấy, đoàn kiểm tra có 18 người đã phát hiện ra sai sót” – ông Hổ cho hay.
Cũng theo ông Hổ, Bộ NNPTNT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định kiểm điểm trách nhiệm Ban quản lý cảng cá Quy Nhơn vì để xảy ra sự cố nghiêm trọng. “Hiện, chúng tôi đang tiến hành kiểm điểm và sẽ báo cáo với UBND tỉnh về việc này trong thời gian sớm nhất” – ông Hổ nói.
Theo Danviet
Ngư dân hợp sức xóa "thẻ vàng"
Ghi nhận tại Bà Rịa - Vũng Tàu, phần lớn ngư dân đã tự giác chấp hành tốt các quy định khi khai thác hải sản, chung tay cùng với cơ quan chức năng xóa "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) để hướng tới phát triển ngành thủy sản bền vững.
Ngư dân đã biết sợ "thẻ vàng"
Ông Lê Anh Vũ (phường 5, TP.Vũng Tàu) - người có đội tàu 4 chiếc thường xuyên ra khơi xa cho biết, trước đây hầu hết các ngư dân đều lơ là trong việc tìm hiểu các quy định của Việt Nam và quốc tế trong hoạt động khai thác thủy sản. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, thông qua công tác tuyên truyền của ngành thủy sản, ngư dân đã hiểu rõ hơn những quy định về khai thác thủy sản cũng như những hệ lụy nếu cố tình vi phạm.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bến Đá (TP.Vũng Tàu) đến động viên, tuyên truyền ngư dân tuân thủ việc đánh bắt đúng cam kết để xóa thẻ vàng. Ảnh: P.T
"Chúng tôi đã thực hiện đúng các quy định về đánh bắt hải sản như: ghi sổ nhật ký khai thác, báo cáo sản lượng đánh bắt, chỉ khai thác ở ngư trường thuộc lãnh thổ Việt Nam... để chung tay khắc phục "thẻ vàng" của EC"- ông Vũ cho biết.
Ông Võ Vượng - ngư dân xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) cho hay, hiện nay ngành khai thác hải sản đang gặp nhiều khó khăn. Nếu bị EC rút "thẻ đỏ", ngư dân sẽ càng khó sống vì doanh nghiệp chế biến hải sản sẽ không thu mua nguyên liệu do không xuất khẩu được. Do vậy, mỗi ngư dân cần phải chung tay với cơ quan chức năng khắc phục sớm những cảnh báo của EC trước khi quá muộn.
Ông Vượng cho rằng, ngư dân cần tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật về khai thác hải sản cũng như vùng lãnh hải của Việt Nam để đánh bắt an toàn, nâng cao ý thức trách nhiệm trong hoạt động khai thác trên biển.
Với hơn 30 năm trong nghề đi biển và đang sở hữu 3 cặp tàu đánh bắt xa bờ, ông Nguyễn Văn Bạch (SN 1956, phường 5, TP.Vũng Tàu) chia sẻ, gia đình ông luôn thực hiện tốt các quy định mà Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai. Ngoài ra, thông qua các buổi tuyên truyền, bản thân ông Bạch đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc đánh bắt hải sản, tuyệt đối không xâm phạm lãnh hải của nước khác. Cùng với đó, ông cũng sẽ tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè khai thác hải sản đúng pháp luật để EC rút lại "thẻ vàng" đối với hải sản Việt Nam.
100% ngư dân ký cam kết
Ông Nguyễn Bi - Phó phòng Quản lý khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, trong thời gian qua, để khắc phục "thẻ vàng" của EC, ngành thủy sản tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam, vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, các quy ước về vùng lãnh hải được và không được khai thác hải sản...
Bên cạnh đó, ngư dân cũng được tìm hiểu về Chỉ thị 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; Chỉ thị số 24/CT-UBND (16.10.2017) của UBND tỉnh về việc tập trung ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Qua đó, đến nay 100% ngư dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký cam kết nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật, không xâm phạm ngư trường vùng chồng lấn và vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực để đánh bắt hải sản; không dùng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước; không khai thác hải sản trong hành lang bảo vệ các công trình dầu khí; không khai thác cáp ngầm viễn thông dưới mọi hình thức.
Ngoài ra, ngư dân cũng cam kết không khai thác trong khu vực bảo tồn biển; không khai thác những loài thuỷ sản thuộc đối tượng cấm khai thác, kích cỡ không được phép khai thác, thời gian cấm khai thác; không sử dụng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định; nộp sổ nhật ký khai thác thuỷ sản, báo cáo kết quả từng chuyến biển cho cơ quan quản lý thủy sản của tỉnh...
Để khắc phục "thẻ vàng" của EC, nếu chỉ có các ngành chức năng vào cuộc sẽ không mang lại kết quả như mong muốn. Do vậy, rất cần sự chung tay của ngư dân trong việc thực hiện đúng các quy định của quốc tế và Việt Nam trong khai thác thủy sản".Ông Nguyễn Bi - Chi cục Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu
Theo Danviet
Tối nay bão Sanba vào Biển Đông Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khoảng tối nay (14/2) bão Sanba sẽ đi vào vùng biển Đông Nam Biển Đông. Vị trí và hướng di chuyển của bão Sanba. (Ảnh: NCHMF). Hồi 1h ngày 14/2, vị trí tâm bão Sanba ở vào khoảng 9,0 độ Vĩ Bắc; 122,2 độ Kinh Đông, cách đảo Pa-la-oan (Philippines) khoảng 420km...