Đề Toán lớp 3 gây tranh cãi: Không phải đề ôn tập chính thức
Ông Nguyễn Kim Long, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng cho biết đề bài toán lớp 3 được dư luận trong và ngoài nước quan tâm thời gian qua không phải đề thi hay bài ôn tập chính thức. Ông Long khẳng định đề Toán không phù hợp với khả năng học sinh lớp 3.
Ngày 22/5, phóng viên Dân trí đã đến Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu về đề bài toán lớp 3 được dư luận quan tâm mấy ngày qua. Phóng viên đã liên hệ ông Nguyễn Kim Long, Trưởng phòng Tiểu học để xác minh thông tin về đề toán nêu trên. Ông Long cho biết hiện đang đi công tác nên trả lời qua điện thoại luôn. Ông Long khẳng định, bài toán này không phải đề thi hay bài ôn tập chính thức.
Ông Long cho biết, Sở GD-ĐT Lâm Đồng chưa nhận được thông tin phản hồi từ phụ huynh mà chỉ được biết thông qua báo chí. Theo đó, đề bài do một phụ huynh học sinh ở TP Bảo Lộc phản ánh với báo chí nhưng không nêu danh tính, địa chỉ hoặc trường học nào cụ thể mà các trường tiểu học đã nghỉ hè nên rất khó xác định.
Đánh giá về đề toán nêu trên, ông Long khẳng định, đề Toán không phù hợp với khả năng của học sinh lớp 3, Sở và Phòng không có chủ trương ra những đề như vậy để làm khó học sinh.
Ông Long nói: “Sở không có chủ trương ra một đề toán “tầm bậy tầm bạ” như vậy cho học sinh ôn tập. Tôi nói “tầm bậy tầm bạ” bởi không ai lại ra một cái đề khó như vậy để đánh đố học sinh, nó không có tác dụng rèn luyện tư duy cho các em. Tuy nhiên, đề toán này không ảnh hưởng tới kết quả học tập chung vì không được đưa vào đề thi, các em cũng đã thi xong và nghỉ hè. Còn các trường tiểu học là do Phòng trực tiếp quản lý. Tôi nghe nói hiện Phòng Giáo dục TP Bảo Lộc đang tìm giáo viên nào đã ra bài toán đó cho học sinh ôn tập để nhắc nhở, cũng như tìm ra cuốn vở có đề in sẵn là của nhà xuất bản nào để trình Bộ GD-ĐT xử lý.”
Cùng ngày, phóng viên đã liên lạc với ông Từ Ngọc Thanh, Trưởng phòng Giáo dục TP Bảo Lộc để tìm hiểu thêm nhưng số máy thuê bao không liên lạc được.
Hoàng Diệu
Theo Dantri
Video đang HOT
Nhiều giáo viên có nguy cơ mất việc làm
Những ngày qua, nhiều giáo viên, nhân viên ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thuộc diện hợp đồng lao động với huyện rất hoang mang khi Sở Nội vụ Hà Tĩnh vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị chấm dứt hợp đồng lao động đối với những đối tượng này
Nhiều người bỗng dưng mất việc?
Ngày 22/4, Sở Nội vụ Hà Tĩnh đã có văn bản số 343/SNV-TCBC về phương án bố trí nhân sự. Theo đó yêu cầu huyện Kỳ Anh phải chấm dứt đối với hợp đồng lao động do UBND huyện hợp đồng làm việc không qua tuyển dụng trong cơ quan nhà nước.
Ngay sau đó, ngày 23/4/2015, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh ký văn bản văn số 570/ UBND - NV về việc thực hiện công tác đối với cán bộ hợp đồng.
Một phần nội dụng trong văn bản chỉ đạo của UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Trong đó có yêu cầu đối với các đơn vị sự nghiệp thì rà soát nhu cầu sử dụng cán bộ hợp đồng và lập danh sách đề nghị UBND huyện cho chủ trương để thủ trưởng đơn vị hợp đồng lao động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (UBND huyện sẽ chấm dứt hợp đồng do UBND huyện đã ký trước đó).
Đối với các trường Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non thì giao cho Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường lập danh sách đề nghị chấm dứt hợp đồng gửi về UBND huyện. Đồng thời rà soát nhu cầu sử dụng để lập danh sách đề nghị UBND huyện cho chủ trương để Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện đứng ra hợp đồng lao động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Thực hiện công văn chỉ đạo trên, ngày 24/4/2015, Phòng Giáo và đào tạo huyện Kỳ Anh ký văn bản số 44/PGD&ĐT-TCCB gửi các trường yêu cầu lập danh sách đề nghị UBND huyện chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp là giáo viên, nhân viên đã được huyện ký quyết định hợp đồng vào làm việc tại trường ...
Sau khi biết thông tin này, hàng trăm giáo viên trong diện hợp đồng với UBND huyện rất hoang mang, lo lắng.
Một giáo viên đang thuộc diện lao động hợp đồng cho biết: "Em vừa làm việc được hơn 1 năm nay. Công việc vừa mới bắt đầu, vừa mới quen dần và bắt nhịp với môi trường làm việc thì nhận được thông báo của Phòng Giáo dục là sẽ cắt hợp đồng lao động đối với những người như chúng em. Thật vô lý quá".
"Bây giờ nếu có được hợp đồng với phòng mà theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì liệu phòng có đáp ứng được về vấn đề tài chính để hợp đồng đến mấy trăm con người không", giáo viên này phân tích thêm.
"Sẽ bồi thường theo luật lao động"!
Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc này, chúng tôi đã có buổi làm việc với Sở Nội vụ Hà Tĩnh là đơn vị vừa ban hành công văn số 343/SNV-TCBC về phương án bố trí nhân sự.
Tại đây ông Trần Huy Liệu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết đối với đơn vị hành chính, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo là không được hợp đồng với công chức hành chính. "Tỉnh chưa bao giờ cho hợp đồng đối với lao động trong khối cơ quan hành chính", ông Liễu cho biết.
Ngay sau khi có văn bản của UBND huyện Kỳ Anh, Phòng Giáo dục huyện Kỳ Anh đã có văn bản gửi đến các trường yêu cầu các trường lập danh sách những giáo viên đang thuộc diện hợp đồng lao động với huyện để xem xét việc chấm dứt hợp đồng.
Còn đối với đơn vị sự nghiệp, trường học thì chỉ được tuyển hợp đồng có thời hạn ở những vị trị cần thiết có chỉ tiêu nhưng chưa được tuyển.
Ông Liễu cho biết: "Cái này không phải là cắt hết. Mà các đơn vị đó sẽ ký hợp đồng có thời hạn ở những vị trí có chỉ tiêu tuyển mà chưa được tuyển theo cơ chế tự chịu trách nhiệm, tự chủ".
Ông Liễu cũng cho biết thêm là những lao động bị chấm dứt hợp đồng thì sẽ được bồi thường nếu vi phạm luật lao động chứ không được bố trí vào vị trí khác nữa.
"Đơn vị nào có lao động bị cắt thì phải có trách nhiệm xử lý theo hợp đồng lao động. Nếu chưa hết hợp đồng lao động mà chấm dứt hợp đồng thì đơn vị đó phải tự bồi thường cho lao động đó theo quy định của luật lao động". Điều này đồng nghĩa là nhiều lao động sẽ mất việc làm.
Khi PV hỏi tại sao Sở chỉ ra công văn gửi cho UBND huyện Kỳ Anh mà không phải tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh thì vị này cho biết là: "Do huyện Kỳ Anh đề nghị đưa lên danh sách cán bộ hợp đồng để chuẩn bị huyện chia cho đơn vị hành chính sắp tới (Thị xã Kỳ Anh) nên chúng tôi mới gửi công văn này. Các huyện khác chúng tôi chưa gửi".
Trong khi đó ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Anh cho biết: "Việc ký hợp đồng lao động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tức là trường nào còn thiếu giáo viên muốn ký hợp đồng để dạy thì trường đó phải làm văn bản gửi phòng. Sau đó phòng sẽ thẩm định xem trường đó có nhu cầu thực sự hay không. Người lao động sẽ ký kết có đầy đủ và đáp ứng được các điều kiện về chuyên môn năng lực hay không. Sau khi ký kết thì trường đó phải tự chịu trách nhiệm liên quan đến việc trả kinh phí cho người lao động đó.
Khi được hỏi liệu trường có đủ khả năng về tài chính để chi trả cho các lao động hợp đồng này hay không thì ông Sum cho biết: "Trường nếu có nhu cầu tuyển dụng thì chắc sẽ có năng lực chi trả. Với lại việc này là cũng đang chỉ đạo trên văn bản chứ chưa thực hiện".
Được biết, hiện toàn huyện Kỳ Anh đang có hơn 200 giáo viên, nhân viên thuộc diện hợp đồng lao động với huyện.
Xuân Sinh
Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!
Theo dantri
Về nơi học sinh không biết chữ vẫn lên tới... lớp 7 Câu chuyện học sinh không biết chữ vẫn được nhà trường cho lên lớp tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm lớn thuộc về nhà trường, nhưng nhiều bậc cha mẹ cũng thiếu sự quan tâm đến con mình. Thực tiễn cho thấy, bấy lâu nay...