Đề tài giáo dục giới tính trên phim ảnh: Làm cho trúng chứ đừng làm cho đúng!
Giáo dục giới tính tuy là nội dung phim ảnh nhạy cảm và dễ trở thành phản cảm, thế nhưng nó lại thực sự cần được khai thác kĩ để phim ảnh không chỉ là thứ trò giải trí.
Phim ảnh chính là một phương pháp giáo dục thực sự tuyệt vời dành cho khán giả, đặc biệt là nhóm khán giả trẻ. Thế nhưng giáo dục thế nào để vừa hay, vừa hấp dẫn nhưng cũng đầy đủ mọi phương diện lại là một chuyện vô cùng khó. Những tình tiết hở bạo, những cảnh nóng là điều cần thiết để làm bộ phim giáo dục giới tính thêm chân thực. Tuy vậy ranh giới giữa “chạm vào điểm nhạy cảm” và “gây phản cảm” lại rất nhỏ.
Series American Pie (1999) – “Miếng bánh ngọt” tiên phong cho phong trào tìm hiểu về giới tính qua phim ảnh
American Pie – series gồm 8 phần ăn khách của Mỹ (phần 1 ra mắt năm 1999, phần 8 ra mắt vào năm 2012) sau biết bao nhiêu năm vẫn được ví von như “miếng bánh ngọt” của mọi lứa tuổi. Đây là bộ phim hài về giáo dục giới tính ở lứa tuổi trưởng thành, được dán mác 16 để khán giả có thể cân nhắc trước khi xem.
Các diễn viên của American Pie
Bộ phim là câu chuyện kéo dài 12 năm của dàn nhân vật kể từ khi còn học trung học cho tới khi trưởng thành. Những câu chuyện dở khóc dở cười, những trò đùa ra nước mắt của cô cậu học trò siêu quậy sau bao năm vẫn khiến khán giả cảm thấy thú vị. Ở những phần tiếp sau, khi dàn diễn viên cũng như chính nhân vật trong phim trưởng thành hơn, bài học về giới tính lại được lồng ghép khéo léo qua kí ức hay những hoài niệm của hội bạn lâu năm được tái ngộ.
Sex Is Zero (2002) – 96 phút cuồng nhiệt của điện ảnh Hàn Quốc
Thực ra mô tuýp nội dung của Sex Is Zero không quá xa lạ, thế nhưng cách các nhà làm phim Hàn Quốc đưa những bài học về giới tính, lòng tin, tình bạn và tình yêu vào lại khiến nó trở nên vô cùng thú vị. Phim là câu chuyện về Eun Shik (Im Chang-Jung) luôn âm thầm, lặng lẽ giúp đỡ người bạn mình thầm thương trộm nhớ vượt qua khó khăn đầu đời. Cậu yêu Eun-hyo (Ha Ji Won) nhưng cô lại trót có thai với anh chàng nổi tiếng nhất trường. Nhờ tình yêu dành cho Eun-hyo, Eun Shik đã không màng bất cứ điều gì chỉ để bảo vệ cô.
Poster của Sex Is Zero
The Girl Next Door (2004) – “Chết” vì gái là cái chết không hề dại
The Girl Next Door là câu chuyện về cuộc đời của một chàng trai đã hoàn toàn thay đổi sau khi nhìn thấy toàn bộ cảnh cởi đồ của cô gái hàng xóm. Nhân vật chính Matthew Kidman (Emile Hirsch) được giới thiệu chuẩn “con nhà người ta” với biết bao chuyện li kì đã làm được như Chủ tịch Hội đồng học sinh trường trung học Wesport, lập quỹ quyên góp giúp đỡ “thần đồng” người Campuchia có tiền sang Mỹ ăn học và ước mơ phát minh ra thuốc trị ung thư. Với những tố chất ấy, cậu đã được chấp thuận vào học tại đại học Georgetown (nơi chuyên đào tạo những nhà lãnh đạo tương lai).
Poster của The Girl Next Door
Lên đại học, Matthew kết thân với Klitz và Eli. Khi thấy các bạn cứ liên tục bồ bịch gái gú, Matthew cũng muốn thử một lần cho biết nhưng cái tội nhát gái khiến cậu chẳng dám làm gì. Sau một lần tình cờ nhìn thấy Danielle (Elisha Cuthbert) – cô cháu gái của bà hàng xóm cởi đồ, Matthew đã “được” cô mời đi chơi. Danielle còn “phạt” Matthew phải “tồng ngồng” như mình vì tội nhìn lén. Matthew cũng nhiều lần muốn thử “trái cấm” với Danielle nhưng cậu lại không thể làm vì tự thấy đó là điều tệ bạc với người yêu đầu đời.
Cô hàng xóm quyến rũ
Sau rất nhiều chuyện xảy ra, Matthew cùng hai cậu bạn ngày càng thụt lùi tại trường học, nhưng lại rất “phất” khi biết kinh doanh phim ảnh liên quan đến việc quan hệ tuổi mới lớn. Matthew thất bại trong cuộc thi giành học bổng của trường Georgetown, nhưng vẫn hiên ngang bước chân lên giảng đường nhờ lợi nhuận từ những phi vụ làm ăn trước đó. Có thể nói, nhờ Danielle, Matthew tuy vất vả để tốt nghiệp trường học, nhưng lại có những bước đi vững chãi tại trường đời.
Series Hormones (2013) – Thái Lan tái hiện tuổi nổi loạn qua series đầy ấn tượng
Bên cạnh Hàn Quốc, Thái Lan cũng là nước tiếp theo tại Châu Á thực hiện series phim giáo dục giới tính rất ấn tượng. Tuy phần 1 của series bị chê là một “nồi lẩu thập cẩm” vì cố gắng nhồi nhét quá nhiều tình tiết khiến khán giả bị “bội thực”, thậm chí thấy bộ phim quá lố vì chẳng ai phải trải qua quãng thời gian đầy drama như vậy. Thì đến phần 2 và 3 đã giải thích rất rõ ràng từng câu chuyện, đồng thời mở ra hướng tiếp nhận mới mẻ về bộ phim. Hormones đem đến cho khán giả một cái nhìn đầy chân thực về vấn nạn thiếu hiểu biết về việc “vượt rào” dẫn tới có thai ngoài ý muốn, chuyện đồng tính luyến ái và bạo lực học đường.
Sex Education (2019) – Khán giả chờ đợi 20 năm để các nhà làm phim hoàn thiện cuốn từ điển về giáo dục giới tính
Đầu năm 2019, Sex Education đã tạo nên cơn sốt tìm kiếm các bộ phim về giáo dục giới tính bởi nó đã thực hiện rất ngọt các tình tiết tâm lý của tuổi mới lớn. Và nếu ví American Pie là bộ phim đầu tiên, thì sau 20 năm sau, Sex Education đã lĩnh hội đầy đủ những điều đúng – sai của các bộ phim đi trước về chủ đề nhạy cảm này.
Theo cái tên được dịch ra tiếng Việt, bộ phim hiểu là “Giáo dục giới tính”, thế nhưng những gì Sex Education nói đến không hoàn toàn là giáo dục giới tính. Bộ phim còn là tiếng nói của những con người e ngại và né tránh sex công khai dù rất ham muốn tìm hiểu nó. Bên cạnh đó, series nổi tiếng của Netflix còn truyền đi một thông điệp rằng thay vì sửa sai, hãy làm thế nào để đừng sai. Hãy biết trang bị cho mình những thông tin cần thiết về giới tính vì để bảo vệ bản thân thì bao cao su hay thuốc tránh thai là chưa đủ.
Otis suy nghĩ về lời đề nghị mở trung tâm tư vấn sức khoẻ quan hệ thể xác
Điều quan trọng làm nên thành công cho Sex Education không phải là nội dung, mà cách triển khai nội dung ấy mượt mà và nhịp nhàng như hơi thở. Những câu trêu đùa của phim chắc hẳn dù phương Tây hay phương Đông thì bạn cũng đã từng nghe một lần. Những tò mò về giới tính khác mình được đề cập trong Sex Education cũng chính là điều khiến rất nhiều bạn trẻ phải lập hoặc gia hạn tài khoản Netflix. Thế mới nói, làm phim giáo dục giới tính thì chỉ đúng thôi là chưa đủ, quan trọng là phải đánh trúng vào tâm lý người xem.
Chắc chắn ngoài đời, ai cũng muốn có một cậu bạn thông thái như Otis
500 Nhịp Yêu – Dự án phim giáo dục giới tính đầu tiên của Việt Nam
Mới đây, Việt Nam cũng đã mạnh dạn dấn thân vào khai thác chủ đề giới tính với một ekip trẻ, nhiệt huyết. 500 Nhịp Yêu là webdrama được xây dựng dựa trên câu chuyện của chàng trai có mối quan hệ với 500 cô gái, mỗi người lại có một nét cá tính riêng biệt. Minh TT (Minh Tít) vốn là chàng trai trăng hoa, coi phụ nữ như thú vui, cho nên khi đã có người yêu, anh vẫn ham của lạ ngoài xã hội. Điều thú vị của 500 Nhịp Yêu ấy là không chỉ mang tới những bài học giới tính, bộ phim còn đẩy khán giả vào vòng lặp thời gian đầy thú vị để hiểu ra những hậu quả từ thú ăn chơi trác táng.
Cảnh trong phim 500 Nhịp Yêu
Tạm kết
Giáo dục giới tính thực sự là một vấn đề cấp thiết, nhất là ở xã hội hiện đại – nơi các bạn trẻ dần cởi mở hơn, sống thoáng hơn. Khi Việt Nam còn đứng đầu danh sách các nước có trường hợp nạo phá thai, có nghĩa là việc giáo dục giới tính của chúng ta vẫn đang thất bại. Thiết nghĩ, thay vì cứ né tránh, cứ cho rằng đừng vẽ đường kẻo hươu chạy thì chúng ta nên và cần phải vẽ đường cho hươu chạy còn hơn để chúng chạy lung tung, như vậy hậu quả sẽ rất khó lường.
Theo Helino
"Sex Education" Câu chuyện về tổ tư vấn tuổi teen "thật thà" nhất quả đất
Quyến rũ, hài hước, thấm thía - đó là những tính từ được sử dụng để miêu tả series "Sex Education" đáng xem nhất trên Netflix vào thời điểm hiện tại.
Nhắc đến phim truyền hình Anh quốc người ta vẫn thường hay nghĩ đến một Sherlock hay Peaky Blinders cực kì "quý tộc" và nghiêm túc. Trong khi đó, dòng phim hài - tình cảm vốn là thế mạnh của phim Mỹ hay Hàn nhờ các tình tiết lãng mạn khiến tim hồng bay phấp phới hay những nút thắt sốc tới óc. Ấy thế mà Sex Education (Tạm dịch: Giáo Dục Giới Tính) - một tác phẩm mang đậm sắc màu của xứ sở sương mù - lại có thể dễ dàng vượt qua hàng loạt đối thủ cùng thể loại khác để trở thành một trong những bộ phim tuổi trưởng thành hay nhất mà Netflix từng sản xuất.
Trailer "Sex Education"
Nghe đến tiêu đề phim thì chắc hẳn ai cũng đoán được sơ sơ nội dung. Nhưng có thể khẳng định rằng dù đã được cảnh báo trước thì bạn vẫn sẽ cảm thấy choáng váng được độ táo bạo của tác phẩm này, vì vậy nên hãy cân nhắc và đừng xem Sex Education ở nơi công cộng (hoặc giữa phòng khách có phụ huynh) nhé.
Câu chuyện xoay quanh Otis (Asa Butterfield), một cậu học sinh cấp 3 nhút nhát. Mẫu nhân vật như vậy thì trong phim hay có cuộc sống như nào nhỉ? Gia đình tan vỡ? Một bà mẹ đơn thân hết mực yêu chiều? Một cậu bạn thân bóng lộn, hài hước? Crush của anh chàng thì vừa thông minh, vừa xinh đẹp lại còn cặp kè với chàng hotboy của trường? Rồi cả chuyện nhân vật lỡ vô tâm với bạn thân mình vì bận theo đuổi "crush" nữa chứ.
À đừng quên cả một hội nữ sinh xinh đẹp, nổi tiếng nhưng lại xấu tính, giả tạo, lắm điều. Ấy chết, không thể thiếu cả một kẻ bắt nạt coi trời bằng vung nữa nhé. Nếu thấy mấy cái kịch bản này quá quen thuộc rồi và chẳng còn gì để khai thác thì bạn đã coi thường Sex Education quá rồi. Cho dù hội tụ mọi yếu tố tưởng chừng như cũ rích của phim thanh xuân vườn trường thì Sex Education vẫn là món ăn tinh thần cực kì tươi mới, lạ mắt được bày trên bàn tiệc "phim truyền hình" năm nay.
Một hội "Mean girls" đặc trưng của dòng phim vườn trường.
Mẹ của Otis - Jean (Gillian Anderson) là một chuyên viên tâm lý điều trị cho những bệnh nhân gặp khó khăn trong đời sống... quan hệ. Bà chẳng ngại ngần chia sẻ với con cái (thậm chí là bạn của con) mọi thứ từ chuyện "tự sướng", yếu sinh lý đến những cách quan hệ hiệu quả. Cơ mà ông cha nói chẳng sai "Dao sắc không gọt được chuôi", chính Otis lại đau khổ, vật vã vì dù đã dậy thì bao lâu rồi nhưng cậu bé lại chẳng hề có tí ham muốn thể xác nào giống bạn bè cùng trang lứa.
Dù có mẹ tâm lý đến đâu thì cũng chẳng cậu con trai nào dám tâm sự chuyện không thể "tự sướng" được đâu nhỉ?
Bù lại Otis thừa hưởng từ mẹ mình kĩ năng tư vấn tâm lý siêu đỉnh cùng với một kiến thức rộng rãi, sách vở về quan hệ cũng như tình yêu. Biết được chuyện này, Meave (Emma Mackey), cô bạn nổi loạn, khó gần đề nghị cậu cùng tham gia vào một thương vụ kinh doanh đặc biệt: mở phòng khám tư vấn cho bạn bè ở trong trường, những người gặp khó khăn trong mối quan hệ với người yêu hoặc tán mãi mà chẳng ai đổ.
Otis chẳng khác nào mấy đứa bạn "ế mốc ế meo" nhưng lúc nào cũng được phong làm quân sư tình yêu mà mỗi chúng ta đều có (hoặc chính là chúng ta đây). Công việc chuyên viên tâm lý tuy đem lại cho Otis cơ hội để khám phá bản thân nhưng cũng khiến cậu gặp rất nhiều rắc rối.
Sex Education còn có cả những tình bạn đẹp.
Và những tình yêu bất ngờ nữa.
Dàn diễn viên trong Sex Education là một điểm cộng của series này. Asa Butterfield là một diễn viên trẻ có xuất phát điểm vượt xa đồng nghiệp cùng lứa nhưng chưa bao giờ ngưng làm việc chăm chỉ. Cậu bé Hugo năm nào nay đã quyết định nhường cơ hội trở thành Spider-Man cho Tom Holland để có cơ hội tập trung cho nhiều vai diễn đa dạng hơn. Qua vai diễn Otis, Asa Butterfield khẳng định bản thân là một diễn viên có thực lực và đáng được nhận sự chú ý của người hâm mộ trong tương lai.
Gillian Anderson, người phụ nữ đã trở nên quá quen thuộc với khán giả phim truyền hình qua các tác phẩm ăn khách như The X-Files, Hannibal, American Gods,... "Gừng càng già càng cay", qua mỗi bộ phim mà mình tham gia, Gillian Anderson lại càng thể hiện nét mặn mà, quyến rũ không tưởng. Hai gương mặt mới: Emma Mackey và Ncuti Gatwa cũng đã nhận được nhiều tình cảm của khán giả sau series.
Emma Mackey không ngừng được so sánh với nữ diễn viên sexy có tiếng của Hollywood Margot Robbie khi sở hữu ngoại hình cũng như thần thái không thua kém đàn chị. Ncuti Gatwa đã góp phần giúp cho vai diễn Eric - bạn thân của Otis, một drag queen cực kì khí chất, dám dũng cảm đấu tranh để được sống với chính mình - trở thành nhân vật được yêu thích nhất của series.
"Tiểu Margot Robbie" Emma Mackey
Bộ phim như một lớp học kĩ năng sống online mà ta chẳng thể tìm thấy ở trường học hay bất cứ sách vở nào. Tuy là một nhu cầu khá cơ bản nhưng quan hệ lại được coi như một vấn đề tưởng chừng nhạy cảm và khó nói vô cùng. Ít cha mẹ nào dám dạy cho con mình về chuyện ấy, các bậc phụ huynh nghiễm nhiên coi đó là một chuyện mà con trẻ khi đến tuổi ta phải tự tìm hiểu, tự trải nghiệm, tự rút kinh nghiệm và tự học.
Điều này có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn về trải nghiệm quan hệ cho những bạn trẻ khi bước vào giai đoạn trưởng thành, đồng thời cũng giúp người lớn hiểu hơn về vai trò của mình trong việc giáo dục. Với rating 16 , dự án giúp những cô cậu tuổi thanh thiếu niên gỡ rối vấn đề này bằng những bài học vừa duyên dáng, vừa hài hước nhưng chẳng kém phần sâu lắng. Đằng câu mỗi tập phim, mỗi một câu chuyện nhỏ của từng nhân vật trong phim, ta có thể phần nào tự giúp bản thân trả lời cũng khúc mắc "thầm kín" mà bạn chẳng biết hỏi ai, tích lũy một số kinh nghiệm không bao giờ là thừa thãi.
Sex Education hiện đang được chiếu trên Netflix.
Theo Trí thức trẻ
'Sex Education': Cư dân mạng nô nức học 'yêu' trong series giáo dục giới tính táo bạo của Netflix Bạn có tự tin với hiểu biết của mình về vấn đề quan hệ không? Hãy kiểm chứng ngay với "Sex Education" trên Netflix! Thông thường các bộ phim có chữ "sex" ở trên tiêu đề chỉ có tác dụng giật tít "làm màu". Thế nhưng show mới của Netflix mang tên Sex Education(tạm dịch: Giáo Dục Giới Tính) chắc chắn không phải...