Đề phòng COVID-19, bệnh viện chỉ cho bố mẹ thăm con sơ sinh qua video
Một số bệnh viện Mỹ bắt đầu hạn chế người ra vào để đề phòng COVID-19 lây lan. Kể cả bố mẹ cũng không được thăm con vừa sinh mà chỉ được nhìn qua video.
Theo kênh CNN (Mỹ), khi Shelby Law sinh con sớm 7 tuần hồi cuối tháng 3, cô và chồng tự do gặp em bé trong khoa chăm sóc tích cực sơ sinh của bệnh viện Northside Cherokee ở Camden, bang Geogia. Nhưng ba ngày sau, bệnh viện này thay đổi quy định, không cho ai vào các khoa chăm sóc đặc biệt do ngày càng lo ngại về dịch bệnh COVID-19.
Cha mẹ dùng ứng dụng NICU2Home để nhìn và nói chuyện với con đang nằm viện. Ảnh: CNN
Law kể: “Họ bảo chúng tôi không được thăm con trai Rory trong khoa chăm sóc tích cực sơ sinh nữa. Chúng tôi đành chào con và về nhà”.
Hai vợ chồng giờ ngắm con ngày hai lần qua FaceTime trên điện thoại khi có y tá gọi điện vào giờ cố định lúc con đang tắm hoặc ăn.
Law nói: “Chúng tôi yên tâm vì có FaceTime để nhìn con trai và chúng tôi hiểu tại sao lại có quy định đó, nhưng tôi phải thừa nhận là tôi đã khóc nhiều ngày liền”.
Các bệnh viện khắp nước Mỹ tiếp tục quá tải bệnh nhân COVID-19. Ở New York, giường bệnh xếp dọc hành lang, nhà xác quá tải, máy thở ngày càng thiếu.
Hậu quả là ngày càng nhiều bệnh viện cấm hoặc hạn chế người vào thăm, đặc biệt là các khoa chăm sóc trẻ sinh non hoặc bị ốm – những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương nếu nhiễm bệnh bên ngoài.
Dịch vụ trò chuyện qua video do đó đã trở thành kênh quan trọng cho nhiều gia đình để nhìn ngắm con từ xa.
Julianna Grogan, một bà mẹ ở thành phố New York mắc COVID-19 trước khi sinh con gái ngày 2/4, cho biết khi cô sinh con, chồng đã động viên cô qua điện thoại vì không được vào phòng.
Giờ khi đang hồi phục một bình trong bệnh viện sau sinh và để điều trị COVID-19, cô được y tá cho nhìn con qua điện thoại vào giờ nhất định trong ngày.
Mairead McKenna, vừa sinh con lúc 26 tuần, cho biết cô và chồng phải gặp con qua FaceTime nhưng cô cũng cảm thấy rất khó khăn vì không được nhìn trực tiếp. Cô được yêu cầu tạm thời tránh xa con vì đang có triệu chứng ốm dù không liên quan tới COVID-19.
Một số bệnh viện đã áp dụng quy trình chính thức hơn. Tại Bệnh viện Phụ nữ Prentice ở Trung tâm y khoa Northwestern, chỉ cho bố hoặc mẹ vào thăm con nằm tại khoa chăm sóc tích cực sơ sinh. Bệnh viện có ứng dụng tên là SmartNICU2Home để cha mẹ kiểm tra con từ xa.
Cha mẹ có thể nhận thông tin cập nhật trong ngày về sinh hiệu của con, như thông tin nhịp thở, cân nặng, thuốc uống. Ứng dụng cũng giúp họ tiếp cận các tính năng về sức khỏe tâm thần như cách giảm căng thẳng.
Mairead McKenna chia sẻ hình ảnh con trên Twitter.
Giáo sư nhi khoa Craig Garfield ở trung tâm Northwestern nói: “Khi COVID-19 bắt đầu lây lan và bệnh viện bắt đầu không cho người vào thăm, chúng tôi nhận thấy đây là mối liên hệ cần thiết và quan trọng giữa cha mẹ và con mới sinh”.
Ứng dụng này ra mắt cách đây vài năm để dành cho một nhóm trẻ ốm yếu nhất tại khoa chăm sóc tích cực nhưng giờ đã cho các gia đình có em bé nằm trong khoa sử dụng.
Để người thân yêu trong bệnh viện một mình mà không thể vào thăm là điều khó khăn. Với các bậc cha mẹ, họ đặc biệt bị tổn thương vì có khi phải chờ hàng tháng mới được đóng vai trò bố mẹ.
Trong khi đó, một số bệnh viện đã có hệ thống trò chuyện qua video chuẩn hóa. Chương trình FamilyLink của Trường Y khoa Davids thuộc Đại học California ra mắt năm 2014 cho phép bố mẹ có con mới sinh cần nằm viện lâu dài trong viện có thể về nhà để chăm sóc những đứa con khác hoặc trở lại làm việc.
Tương tác từ xa với trẻ sơ sinh dường như không tình cảm nhưng Tiến sĩ Kristin Hoffman tại Trường Y khoa Davids cho biết nghiên cứu cho thấy cha mẹ vẫn có thể gắn kết với trẻ theo cách này, đặc biệt là liên quan tới việc hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ sau này. Bà Hoffman nói: “Từ nghiên cứu trước đó, chúng tôi biết gia đình sử dụng FamilyLink có thể duy trì ý định nuôi con bằng sữa mẹ. Sữa mẹ như thuốc, đặc biệt với trẻ nhỏ và vì thế, phát hiện này rất thú vị”.
Mặc dù gắn kết với trẻ nhỏ từ xa không phải là điều mà nhiều cha mẹ muốn và nghĩ tới nhưng với nhiều người, đó dần trở thành điều bình thường.
Thùy Dương
Người sơ tán từ Trung Quốc bị ném đá tại Ukraine
Nỗ lực cách ly hơn 70 người đưa về từ Trung Quốc của Ukraine vì dịch virus corona đã thành hỗn loạn khi cư dân địa phương ném đá họ và đụng độ với cảnh sát để phản đối việc này.
Xe chở người sơ tán cuối cùng đã có thể đến cơ sở cách ly sau nhiều giờ đụng độ. Người biểu tình ném đá làm vỡ cửa sổ của một xe, nhưng người sơ tán dường như không ai bị thương, theo AP.
Từ sáng sớm 20/2, hàng trăm cư dân của làng Novi Sanzhary ở vùng Poltava đã chặn đường đến bệnh viện dự kiến tiếp nhận người sơ tán, vì sợ họ có thể bị nhiễm bệnh.
Người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát. Ảnh: AP.
Người biểu tình, một số say xỉn, dựng chướng ngại vật, đốt lốp xe và đụng độ với cảnh sát chống bạo động đến để dẹp đường. Một người biểu tình đã cố lao xe vào cảnh sát.
Chín cảnh sát và một dân thường đã phải nhập viện, cảnh sát khu vực cho biết trong một tuyên bố.
Vào đầu ngày 20/2, một máy bay với 45 người Ukraine và 27 người nước ngoài đã cất cánh từ Vũ Hán, trung tâm của dịch virus corona đến nay đã lây nhiễm cho hơn 75.000 người trên thế giới và giết chết hơn 2.100 người.
Những người được sơ tán bao gồm công dân Belarus, Kazakhstan, Argentina, Ecuador, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Panama và các quốc gia khác.
Một người biểu tình bị cảnh sát chống bạo động bắt giữ. Ảnh: AP.
Hơn 10 người biểu tình đã bị bắt giữ, và Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Aven Avakov đã đích thân đến địa điểm biểu tình. Ông kêu gọi người biểu tình "không để bị khiêu khích và hiểu được sự cần thiết của các biện pháp tạm thời này".
"Tình hình khá nóng", người phát ngôn cảnh sát vùng, Yuri Sulayev, nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng, nói rằng cuộc biểu tình cho thấy "không phải là mặt tốt nhất trong tính cách của chúng ta". Ông nói những người sơ tán bị cách ly sẽ không gây nguy hiểm cho cư dân địa phương.
Trong tuyên bố được đăng trên Facebook, ông Zelensky cho biết những người được đưa về từ Trung Quốc vẫn khỏe mạnh và sẽ sống tại một trung tâm y tế khép kín do Vệ binh Quốc gia điều hành trong làng để phòng ngừa.
"Trong hai tuần tới, đây có thể sẽ là cơ sở được bảo vệ nghiêm ngặt nhất cả nước", ông Zensensky nói.
Bộ trưởng Y tế Ukraine Zoryana Skaletska cho biết bà sẽ ở cùng những người bị cách ly trong hai tuần để xoa dịu lo ngại của dân làng. Bà kêu gọi cư dân thể hiện sự thông cảm và hỗ trợ cho người sơ tán, nhấn mạnh rằng cơ sở cách ly hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
"Tôi đã bị sốc bởi sự hoảng loạn, phản đối, cảm giác tiêu cực và hung hăng", bà nói. "Những người về từ Trung Quốc thậm chí còn sốc hơn".
Người được sơ tán từ Trung Quốc trên xe. Ảnh: AP.
Song các nhà lập pháp thành phố tại ngôi làng tuyên bố sẽ tiếp tục phản đối việc sơ tán, nói rằng đường ống nước thải của bệnh viện có liên kết với một hệ thống trong làng và kết thúc tại một cơ sở xử lý nước thải gần đó.
"Chúng tôi không thể để sức khỏe và tính mạng của cư dân địa phương gặp rủi ro và yêu cầu các quan chức cấp cao thực hiện các động thái khẩn cấp để ngăn chặn người về từ Trung Quốc bị đưa vào đây", họ nói trong một tuyên bố.
Giữa lúc người dân địa phương đụng độ với cảnh sát, Thủ tướng Ukraine Oleksiy Honcharuk cho biết ông sẽ ngay lập tức bay đến hiện trường để trực tiếp giám sát sự việc.
Cuộc sống của một gia đình tại Vũ Hán giữa đợt dịch virus corona
Giữa đợt dịch virus corona, cuộc sống một gia đình tại Vũ Hán gần như thay đổi hoàn toàn. Người già thì tập thể dục trong nhà, học sinh học tập online và không ai dám ra ngoài.
Theo news.zing.vn
Nữ sinh Trung Quốc miệt mài ôn bài trong bệnh viện dù nhiễm Covid-19 Không ít học sinh tại Trung Quốc vẫn quyết tâm ôn thi trong bệnh viện ngay cả khi bị nhiễm Covid-19. Mới đây, truyền thông Trung Quốc đã ghi lại một số khoảnh khắc ôn tập bài của một nữ sinh nhiễm Covid-19 tại Vũ Hán. Huang Yuting quyết tâm học tập dù bị nhiễm Covid-19. Em Huang Yuting đang miệt mài ôn...