Đề phòng biến chứng nặng sau sởi
Hơn 100 ca tử vong liên quan đến sởi và 8.000 bệnh nhân có xét nghiệm nhiễm sởi trong cả nước từ đầu năm đến nay khiến bệnh sởi đang trở thành nỗi lo lắng của phụ huynh.
Viêm phổi là biến chứng và bệnh sau sởi nổi lên trong mùa dịch sởi năm nay – Ảnh: Nguyên Mi
Các bác sĩ cảnh báo phụ huynh cần chú ý các biểu hiện biến chứng sởi ở trẻ, đặc biệt bệnh hậu sởi (trẻ mắc 1-2 tuần sau khi hết bệnh sởi) chuyển biến nặng, có thể gây tử vong.
10% ca bệnh nặng
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết hiện bệnh sởi lây lan rộng và đã có biểu hiện lây nhiễm chéo trong bệnh viện, khiến bệnh nhi có thể mắc lồng ghép sởi đồng thời với bệnh khác. Khi đó, theo quy luật, số lượng bệnh nhiều thì số ca nặng cũng tăng, với khoảng 10% trong tổng số ca bệnh là ca nặng, biến chứng.
Tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện có 2 trường hợp biến chứng viêm phổi nặng, phải thở máy.
Song song đó, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết tại bệnh viện, tuy chưa có trường hợp nào tử vong do bệnh sởi nhưng đã có ca mắc bệnh viêm phổi hậu sởi, tức sau khi hết sởi 1-2 tuần trẻ bị viêm phổi, trường hợp nặng cũng đã không qua khỏi.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ đầu năm đến hết tuần đầu tháng 4.2014, TP.HCM có 1.180 ca mắc sởi (gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2013). Trong đó có 815 ca mắc sởi thường và 365 ca sởi bị viêm phổi (chiếm 31%).
Video đang HOT
Sợ nhất là biến chứng sau sởi
Theo bác sĩ Khanh, bệnh sởi tiến triển nhanh, nặng và gây biến chứng ở trẻ có cơ địa suy dinh dưỡng, có bệnh nền như tim bẩm sinh, phổi mãn tính, suy giảm hệ miễn dịch.
Bác sĩ Khanh lý giải do trẻ vốn có hệ miễn dịch, sức đề kháng còn yếu. Khi mắc bệnh sởi, sức đề kháng của trẻ lại suy giảm. Vì vậy, giai đoạn này trẻ rất dễ nhiễm thêm các bệnh khác. Đặc biệt, đối với trẻ vốn có bệnh nền thì cơ thể yếu, sức đề kháng cũng yếu. Khi nhiễm sởi, nhóm trẻ này mau xuống sức, tạo cơ hội cho bệnh nền vốn có kết hợp chuyển biến nặng.
Trẻ nhỏ dưới 9 tháng, trẻ có bệnh nền mãn tính rất dễ mắc các bệnh nặng sau sởi – Ảnh: Nguyên Mi
“Bệnh sởi biến chứng ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thường là viêm phổi, suy dinh dưỡng; ở trẻ lớn và người lớn là viêm cơ tim, viêm não”, bác sĩ Khanh cho biết.
Bác sĩ Khanh ghi nhận thêm trẻ bị sởi nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 đợt này tập trung chủ yếu dưới 5 tuổi nên đi kèm là viêm phổi. Có trẻ vừa mới phát ban đã viêm phổi ngay, có trẻ dứt ban thì viêm phổi.
Đồng thời, sau trường hợp viêm phổi nặng, tử vong hậu sởi, bác sĩ Việt cảnh báo: “Phụ huynh hầu như chỉ chú ý bảo vệ trẻ khi có dấu hiệu phát bệnh, đang bị phát ban sởi, giai đoạn hậu kỳ sau khi đã hết sởi lại lơ là. Trong khi đó, giai đoạn vừa hết bệnh này, sức đề kháng còn yếu, trẻ rất dễ nhiễm và diễn tiến nặng các bệnh viêm hô hấp, đặc biệt với trẻ nhỏ dưới 9 tháng, có bệnh nền, mãn tính như tim, suyễn, suy dinh dưỡng…”.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định: “Đối với bệnh sởi thì sợ nhất là biến chứng sau sởi”.
Các biến chứng thường gặp sau sởi là: viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm trùng, khô loét giác mạc mắt dẫn đến mù lòa, viêm não. Tuy nhiêm, trong mùa dịch năm nay, hầu như trẻ chỉ xuất hiện biến chứng viêm phổi.
Qua đó, bác sĩ Việt khuyến cáo, khi trẻ vừa hết bệnh sởi, phụ huynh vẫn nên chăm sóc con cẩn thận, tăng cường ăn uống bổ sung dinh dưỡng, cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng, ăn uống trái cây, nước cam bổ sung vitamin C, nhằm tăng cường sức đề kháng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, cảnh báo các dấu hiệu giúp phụ huynh nhận biết khi bệnh sởi trở nặng: Trẻ mắc bệnh sởi sẽ trải qua bốn giai đoạn là: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và phục hồi. Trong đó, thời gian ủ bệnh kéo dài từ 7-10 ngày. Ở giai đoạn này, bệnh nhi có thể sốt nhẹ. Giai đoạn khởi phát của bệnh sởi kéo dài từ 3-5 ngày. Trong giai đoạn này, bệnh nhi sốt từ 39-40 độ C, kèm theo các triệu chứng như đổ ghèn mắt, viêm hô hấp. Giai đoạn toàn phát, bệnh nhi sẽ nổi ban đỏ khắp người. Các ban này xuất hiện đầu tiên từ sau tai. Sau đó, ban lan lên mặt, rồi từ từ lan xuống ngực, bụng và khắp cơ thể. Sau đó là giai đoạn phục hồi: nếu trẻ được chăm sóc tốt, không có biến chứng thì các vết ban sẽ lặn dần sau 2-3 ngày nổi khắp cơ thể. Kể từ khi bệnh khởi phát tới lúc khỏi khoảng 7-10 ngày. Sởi là bệnh có thể tự điều trị tại nhà. Vì vậy, trong tình trạng bệnh sởi đang lây lan rộng, các bệnh viện quá tải như hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh đối với các trường hợp mắc sởi nhẹ thì phụ huynh nên để trẻ ở nhà tự chăm sóc, điều trị để tránh lây chéo, nhiễm lồng ghép các bệnh khác khi nằm viện như thế sẽ rất nguy hiểm, dễ chuyển biến nặng. Phụ huynh chú ý phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi thấy con bị sởi và xuất hiện các triệu chứng: thở nhanh, chảy mủ tai, lơ mơ, đi cầu ra máu, co giật.
Theo TNO
Nhiều phòng tiêm chủng Hà Nội hết vắcxin ngừa thủy đậu
Dịch thủy đậu đang diễn biến phức tạp nhưng nhiều điểm tiêm chủng ở Hà Nội đã hết vắcxin ngừa bệnh. Nguyên nhân bởi loại vắcxin này được cung ứng theo đường tiêm dịch vụ.
Tại phòng tiêm chủng trên đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội), nhiều phụ huynh đưa con đi tiêm phòng thủy đậu đều nhận được câu trả lời "không có thuốc". Theo một nhân viên tại đây, vắcxin ngừa thủy đậu hết từ nửa năm nay, không rõ khi nào sẽ có lại. Vì thế, những người có nhu cầu tiêm đều được hẹn 1-2 tháng gọi lại.
Các phòng tiêm chủng trên phố Lò Đúc, Ông Ích Khiêm... cũng rơi vào tình trạng tượng tự.
Một chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng nhận định, người Việt Nam chưa có thói quen tiêm vắcxin phòng bệnh. Vắcxin ngừa thủy đậu lại được cung ứng theo đường tiêm dịch vụ nên các đơn vị nhập khẩu không muốn nhập nhiều, sợ không bán được. Vì thế, cứ mỗi khi có dịch nhiều người lại đổ xô đi tiêm, dẫn đến tình trạng thiếu vắcxin.
Biện pháp phòng thủy đậu hiệu quả là tiêm vắcxin. Ảnh: N.P.
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ y tế), vắcxin phòng bệnh thủy đậu không nằm trong danh sách 11 vắcxin thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, vì vậy các cơ sở tiêm chủng chưa có dự trù kịp thời.
Trước thực tế này, Cục đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành; các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, đăng ký lưu hành để cung ứng đủ vắcxin ngừa thủy đậu. Trước mắt, Cục đã xét duyệt khẩn cấp để công ty Vắcxin và Sinh phẩm số 1 nhập khẩu 77.600 liều Varicella Vaccine-GCC inj (phòng bệnh thủy đậu).
Cục cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn liên hệ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vắcxin chủ động lập dự trù, tránh để xảy ra tình trạng thiếu vắcxin, biến động giá dẫn đến khó khăn trong kiểm soát bệnh.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh thủy đậu lây theo đường hô hấp, lan mạnh như sởi. Trường hợp nào đã mắc thì sẽ không bị lại nữa. Biểu hiện của bệnh là lên bọng nước nên dân gian gọi là bỏng dạ. Đây là bệnh lành tính, biến chứng không nặng nề như sởi.
Thời gian ủ bệnh (tính từ khi bắt đầu nhiễm virus đến khi có biểu hiện bệnh đầu tiên) trung bình khoảng 14 ngày. Thủy đậu lây mạnh nhất ở tuần đầu tiên trước khi có biểu hiện.
Để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần chú ý tăng cường vấn đề vệ sinh, ăn uống, giữ đường hô hấp, da. Quan trọng là đưa trẻ đi tiêm phòng khi được 12 tháng tuổi. Trẻ đã bị thủy đậu thì không cần tiêm phòng nữa.
Hiện Việt Nam chưa sản xuất được vắcxin ngừa thủy đậu. Các loại vắcxin nhập khẩu xuất xứ từ Bỉ, Pháp có giá khoảng 400.000 đồng một mũi.
Nam Phương
Theo VNE
Hơn 30 trẻ bị lây sởi trong bệnh viện "Hiện tại chúng ta đã có dịch sởi, 61/63 tỉnh thành đã ghi nhận có ca mắc sởi. Số tử vong liên quan đến sởi là 112 ca, trong đó 25 ca mắc sởi", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết như vậy tại cuộc họp báo chiều 18.4. Ông Long cho biết: "Chúng ta chưa công bố dịch vì...