Để người bệnh dễ dàng tiếp cận Methadone
52.000 người đang được điều trị Methadone với những hiệu quả nhìn thấy được ngay như giúp bệnh nhân thay đổi hành vi nhận thức; giảm sử dụng heroin; điều trị an toàn; giảm đáng kể chi phí cho gia đình người nghiện…
Thế nhưng, theo TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), sau hơn 12 năm triển khai, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã bộc lộ một số hạn chế.
Người điều Methadone phải dùng thuốc hàng ngày.
Tính đến nay, cả nước có trên 52.000 người đang được điều trị Methadone ở hơn 330 cơ sở tại 63 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ tuân thủ điều trị sau 6 tháng đạt tới 83%, được đánh giá xếp loại tốt (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là 80%).
Theo TS Hoàng Đình Cảnh, chương trình Methadone được triển khai đã làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân sử dụng heroin, sau 24 tháng tỷ lệ này chỉ còn 15,87%. Trước điều trị hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 48,5% bệnh nhân sử dụng trên 5 lần/ngày, 45,1% bệnh nhân sử dụng từ 3-4 lần/ngày và chỉ có 6,3% bệnh nhân sử dụng với tần suất 1-2 lần/ngày. Kết quả sau 24 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ còn từ 2-3 lần/tháng.
Video đang HOT
Nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng, chương trình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bệnh nhân thay đổi hành vi nhận thức; giảm sử dụng heroin; điều trị an toàn; giảm đáng kể chi phí cho gia đình người nghiện. Nếu việc điều trị được kết hợp với các biện pháp khác như: Giáo dục, trị liệu, quản lý và hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm ổn định lâu dài sẽ có hiệu quả rất tốt. Đặc biệt, bệnh nhân đã giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ lây nhiễm HIV…
Mặc dù đạt được những kết quả đáng kể, thế nhưng sau hơn 12 năm triển khai, TS Cảnh cho biết, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã bộc lộ một số hạn chế. Đó là tỷ lệ tiếp cận điều trị còn thấp cũng như tuân thủ điều trị rất khác nhau giữa các khu vực; tỷ lệ bỏ điều trị chiếm trên 50%, tập trung ở các tỉnh miền núi.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc bỏ điều trị là do người bệnh không đủ kiên trì để tiếp tục điều trị khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày trong một thời gian liên tục nhiều năm. Bởi điều trị Methadone là loại hình điều trị đặc thù, bệnh nhân uống thuốc 365 ngày/năm. Cán bộ của các cơ sở điều trị thường phải trực cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết…
Theo kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới, để giảm bỏ điều trị do phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày, họ đã triển khai cho người bệnh tuân thủ điều trị tốt được mang thuốc về sử dụng tại nhà. Việc cho người bệnh mang thuốc Methadone nhiều ngày sẽ giảm thời gian đi lại, giảm các chi phí liên quan đến đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận, duy trì và tuân thủ điều trị mà vẫn đảm bảo thời gian cho công việc, sinh hoạt.
Còn tại Việt Nam, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế tỉnh Điện Biên cũng vừa tổ chức sự kiện Khởi động cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại địa phương. Ngoài Điện Biên thì Lai Châu và thành phố Hải Phòng đã được Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức thí điểm sự kiện này.
Theo TS Cảnh, Điện Biên là tỉnh miền núi rộng, đi lại khó khăn, nhiều người bệnh phải đi hàng chục km mới đến cơ sở điều trị để uống thuốc hàng ngày. Các điểm cấp phát thuốc Methadone đã được triển khai tại một số tại trạm y tế xã nhưng vẫn không đáp ứng được cho những người bệnh vì các làng, bản quá xa và đường đi đến cơ sở điều trị, cấp phát thuốc miền núi rất khó khăn.
Vì vậy, việc triển khai thí điểm thành công chương trình này ở tỉnh Điện Biên, tỉnh Lai Châu và thành phố Hải Phòng sẽ làm cơ sở để triển khai mở rộng trên toàn quốc việc cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về sử dụng, nhằm tăng tỉ lệ người được tiếp cận và điều trị bằng Methadone.
Khởi động thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày
Trong ngày 5/4, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hải Phòng tổ chức Lễ Khởi động triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày tại 3 tỉnh, thành phố trên.
TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại Lễ khởi động. Ảnh: VGP/Thuỳ Chi
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tại Việt Nam, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai từ năm 2008. Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước hiện có 52.725 bệnh nhân đang được điều trị Methadone tại 63 tỉnh/thành phố. Hiệu quả của điều trị bằng thuốc Methadone đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu và kết quả triển khai tại nhiều nước trên thế giới, cải thiện cả về sức khỏe (giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, nâng cao thể lực), cải thiện về an ninh, trật tự xã hội, phát triển kinh tế của gia đình, phục hồi về thể chất và tinh thần. Điều trị Methadone cũng đã giúp nhiều người bệnh có cuộc sống ổn định hơn, có được công ăn việc làm.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, điều trị Methadone vẫn còn một số hạn chế như người bệnh phải đến cơ sở y tế uống thuốc hằng ngày, dẫn đến tình trạng người bệnh bỏ điều trị khá cao, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, do phải đi lại quá xa. Các nghiên cứu và báo cáo của các tỉnh cho thấy người bệnh ở xa cơ sở điều trị Methadone từ 5 km trở lên bỏ điều trị cao gấp 3 lần so với các người bệnh ở gần cơ sở điều trị. Cũng theo báo cáo của các địa phương, số người bệnh lũy tích dùng Methadone kể từ khi bắt đầu triển khai chương trình từ năm 2008 đến nay tới hơn 100.000 lượt người, như vậy có thể nói số người bệnh điều trị Methadone từng điều trị và ra khỏi chương trình là rất lớn.
Trong nhiều năm qua, đã có nhiều giải pháp để mở rộng và tăng số người tiếp cận chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone như giảm các điều kiện và thủ tục tham gia chương trình, thành lập các điểm cấp phát thuốc Methadone tại trạm y tế xã cho những người bệnh ổn định và tuân thủ điều trị tốt như biện pháp khuyến khích người bệnh duy trì và thay đổi hành vi tích cực trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, tổng số người bệnh tham gia điều trị không tăng lên. Do vậy, song song với các giải pháp mở rộng sự tiếp cận của chương trình, các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng điều trị thì việc cho người bệnh tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được phép mang thuốc Methadone về sử dụng để giảm thời gian đi lại, giảm các chi phí liên quan đến đi lại, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận, tuân thủ điều trị và điều trị liên tục, từ đó giúp cải thiện việc điều trị cho người bệnh.
Cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho đại diện bệnh nhân điều trị Methadone tại Lai Châu. Ảnh: VGP/Thuỳ Chi
TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương có chương trình điều trị Methadone thành công nhờ những sáng kiến trong công tác điều trị. Đặc biệt là Việt Nam đã chú trọng phương pháp lấy người bệnh làm trung tâm. Việc triển khai cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày sẽ giúp cho các bệnh nhân tiết kiệm được thời gian đi lại, có nhiều thời gian hơn để tập trung cho công việc, kiếm tiền để trang trải cuộc sống.
Mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tuy nhiên Việt Nam đã thực hiện rất tốt cả công tác phòng, chống COVID-19 và HIV/AIDS, không có sự gián đoạn đối với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. "Tôi tin rằng, thách thức đi đôi với cơ hội, do đó, đây là thời điểm để Việt Nam thể hiện sự quyết tâm trong việc ứng phó với dịch COVID-19 và HIV/AIDS, bảo đảm tính liên tục các dịch vụ thiết yếu trong phòng, chống HIV/AIDS và triển khai cách tiếp cận mới cho việc cấp phát Methadone.
Tỷ lệ người tiêm chích ma túy nhiễm HIV giảm nhờ tham gia điều trị bằng chất thay thế Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy giảm từ khoảng 30% năm 2001-2002 xuống còn 9,5% năm 2016. Tổng số trường hợp nhiễm mới HIV hàng năm giảm từ khoảng 30.000 ca từ những năm 2006-2007 xuống còn khoảng 10.000 ca năm 2015. Kết quả có được nhờ người nghiện các chất dạng thuốc phiện tham gia điều trị...