Đề nghị y án tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, bác kháng cáo của Đỗ Thị Nhàn
Sau quá trình xét hỏi, đại diện VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã nêu quan điểm và đề nghị HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh chấp nhận môt phần kháng cáo, đồng thời giữ nguyên mức án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Sáng 15/11, phiên tòa phúc thẩm vụ án Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 được mở lại sau khi đại diện VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đề nghị ngưng phiên tòa để nghiên cứu hồ sơ vì có một số tình tiết mới.
Trước đó, trong quá trình xét xử, HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tập trung vào phần xét hỏi đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Lan và 47 đồng phạm, làm rõ nguồn gốc khối tài sản “khổng lồ” của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Trương Mỹ Lan không kêu oan, chỉ xin tòa xem xét giảm hình phạt đối với mức án tử hình, và khối tài sản rất lớn đang bị kê biên.
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị y án tử hình.
Bất ngờ, tại tòa, Trương Mỹ Lan đòi SCB trả lại 5.000 tỷ đồng mà trước đó bị cáo đưa vào SCB để tăng vốn điều lệ. Mục đích là để bị cáo khắc phục hậu quả cho chính ngân hàng này. Ngoài ra bị cáo Trương Mỹ Lan còn đưa ra các phương án khác, chấp nhận đưa nhiều mã tài sản cùng các dự án lớn vào khắc phục thiệt hại…
Bản án sơ thẩm ngày 11/4/2024 của TAND TP Hồ Chí Minh bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên phạt mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”; 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.
Về trách nhiệm dân sự, bản án sơ thẩm nêu bản chất số tiền bị cáo Lan chiếm đoạt để sử dụng, nên bị cáo phải có nghĩa vụ bồi thường cho SCB. Theo bản án sơ thẩm, ngoài việc nộp thêm một số tiền để khắc phục hậu quả, cạnh đó một số khoản vay cũng đã được tất toán, bản án sơ thẩm buộc bị cáo Lan phải bồi thường hơn 673.800 tỷ đồng.
Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm đã có đơn kháng cáo, trong đó bị cáo Lan kháng cáo bản án tử hình về hành vi tham ô, gây thiệt hại 677.000 tỷ đồng của SCB và xin tòa phúc thẩm miễn 673 tỷ đồng án phí.
Theo đại diện VKS, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan thay đổi từ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, sang kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Trương Huệ Vân được Viện Kiểm sát đề nghị giảm án.
VKS xác định, bị cáo Trương Mỹ Lan là Chủ tịch của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết. Sau khi hợp nhất 3 ngân hàng: Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Tín Nghĩa và Ngân hàng SCB cũ thành Ngân hàng SCB như hiện nay, bà Lan đã nắm giữ hơn 91% cổ phần. Bà Lan sử dụng Ngân hàng SCB như là công cụ tài chính để rút tiền nhằm sử dụng cho mục đích cá nhân. Từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, bị cáo Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt số tiền 304.000 tỷ đồng và 129.000 tỷ đồng lãi phát sinh.
Ở tội danh “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, VKS nêu rằng, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, bị cáo Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau. Đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ 132.000 tỷ đồng và không còn khả năng thu hồi.
Ở tội danh “Đưa hối lộ”, theo VKS, nhằm che giấu sai phạm của Ngân hàng SCB với đoàn thanh tra, bị Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) nhiều lần chở 5,2 triệu USD đến đưa cho bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN).
VKS nhận thấy, bị cáo Lan là người cầm đầu, cùng lúc thực hiện 3 hành vi phạm tội, gây tác động xấu hoạt động tài chính, ngân hàng, gây hoang mang và dư luận xấu trong xã hội. HĐXX sơ thẩm TAND TP Hồ Chí Minh đã xét xử và tuyên án là đúng với tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Tại phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo Trương Mỹ Lan thừa nhận hành vi phạm tội, tỏ ra ăn năn hối cải, làm đơn tự nguyện khắc phục hậu quả vụ án, cung cấp toàn bộ các mã tài sản để khắc phục hậu quả, bị cáo cũng nộp thêm gần 3.000 tỷ đồng sau phiên tòa sơ thẩm… Dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng theo đại diện VKS, chưa đủ căn cứ để giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Trương Mỹ Lan. Do vậy đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo nhưng giữ nguyên mức án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan.
Đại diện VKS còn đề nghị HĐXX bác kháng cáo cả bị cáo Đỗ Thị Nhàn, bị tuyên án chung thân về tội “Nhận hối lộ”.
Đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Trương Huệ Vân, Võ Tấn Hoàng Văn, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung…
Với Nguyễn Cao Trí, bị tuyên án 8 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được đại diện VKS đề nghị giảm mức án xuống còn 5 – 6 năm tù.
Vụ Trương Mỹ Lan: Gia đình cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn hiến nhiều đất
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn người bị kết tội nhận hối lộ 5,2 triệu USD đã kể ra nhiều công sức đóng góp cho cộng đồng như hiến đất xây cầu đường, nuôi con liệt sĩ...
Ngày 7.11, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm về các sai phạm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở giai đoạn 1. Các bị cáo kháng cáo xin tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt.
Tòa tiếp tục làm việc với nhóm các bị cáo trong đoàn thanh tra nhận hối lộ để bỏ qua sai phạm trong quá trình thanh tra SCB.
Trương Mỹ Lan 'cương quyết xin lại' tòa nhà Times Square
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II), bị tòa phạt tù chung thân do đã nhận hối lộ tới 5,2 triệu USD để bao che sai phạm tại SCB. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nhàn đã trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ mới để mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
Theo bị cáo, mình đã có gần 30 năm làm việc ở Ngân hàng Nhà nước, trong đó có 24 năm làm nghề thanh tra. Trong nhiều năm qua, bị cáo đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong lao động, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, huân chương từ các cơ quan nhà nước.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo cũng đã nộp lại 100% số tiền nhận từ bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (51 tuổi, Tổng giám đốc SCB) và nộp phạt 100 triệu đồng. Đồng thời, gia đình bị cáo cũng có đóng thêm 500 triệu đồng để góp phần khắc phục hậu quả vụ án.
Ngoài ra, bị cáo Nhàn còn nêu thêm một số tình tiết giảm nhẹ mới khác. Nhiều năm qua, bị cáo đã tiếp nối truyền thống của gia đình, nhận nuôi một em là con của liệt sĩ. Bản thân bị cáo còn có nhiều đóng góp chăm sóc, ổn định cuộc sống cho nạn nhân chất độc da cam ở xã Tân Học, tỉnh Thái Bình. Bên cạnh đó, bị cáo còn chủ động kêu gọi, đóng góp xây dựng trường học, nhà ăn, nhà vệ sinh cho trường cấp 1, 2 ở tỉnh này. Gia đình bị cáo cũng đã hiến rất nhiều đất để xây dựng cầu đường trong phong trào nông thôn mới.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II). ẢNH: NHẬT THỊNH
Bản thân bị cáo sau một quá trình dài cống hiến thì hiện nay đã nghỉ hưu, bị cáo mang trong mình nhiều bệnh mãn tính, hiểm nghèo. Hồ sơ bệnh án của bị cáo sẽ được luật sư trình lên HĐXX. Bị cáo xin HĐXX xem xét đến tình tiết, bị cáo sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Chồng bị cáo cũng được đóng góp nhiều bằng khen, huân chương, huy chương.
"Kính mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo hưởng đầy đủ và tối đa sự khoan hồng của pháp luật với mức hình phạt thấp nhất để bị cáo sớm được trở về với gia đình dưỡng bệnh. Bị cáo đã phải trả cái giá quá đắt, dường như đã mất hết tất cả. Vậy nên bị cáo chỉ cầu mong HĐXX cho bị cáo sớm ngày được trở với gia đình", bị cáo Nhàn trình bày.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị tòa phạt tù chung thân do đã nhận hối lộ tới 5,2 triệu USD để bao che sai phạm tại SCB.
Theo tòa sơ thẩm, quá trình thanh tra, Trương Mỹ Lan gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra tại SCB. Đồng thời bị cáo chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) đưa 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn. Ngoài ra, phía SCB còn đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra, cao nhất là 390.000 USD.
Từ đó, Đỗ Thị Nhàn che giấu, báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB theo hướng giảm nhẹ, có lợi cho SCB để ngân hàng này không bị đưa vào kiểm soát đặc biệt và tiếp tục kiến nghị đề xuất tạo điều kiện được tái cơ cấu.
Theo tòa sơ thẩm, hành vi của các bị cáo trong đoàn thanh tra vì vụ lợi đã chỉ đạo, lập báo cáo không trung thực, không đầy đủ, bao che sai phạm của SCB. Việc này dẫn đến không kịp thời ngăn chặn để Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của SCB trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho ngân hàng này.
Trong vụ án, ngoại trừ bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị cấp sơ thẩm kết tội nhận hối lộ; còn 16 bị cáo là thành viên trong đoàn cũng nhận tiền nhưng bị tòa sơ thẩm kết tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ, có khung hình phạt thấp hơn tội nhận hối lộ.
Theo đó, trong lần thanh tra đợt 1, bị cáo Đỗ Thị Nhàn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới để bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu gần 38.000 tỉ đồng; làm thay đổi toàn bộ các chỉ tiêu tài chính của SCB theo hướng có lợi cho ngân hàng này...
Trong đợt thanh tra lần 2, Nhàn chủ động đề xuất cấp trên thay đổi kế hoạch thanh tra nhằm thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với 71 khách hàng...
Ngoài ra, tòa còn hỏi bị cáo Nguyễn Thị Phụng (51 tuổi, Phó cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) bị TAND TP.HCM xử phạt 4 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tại tòa, bị cáo Phụng thừa nhận mình có nhận 20.000 USD và 210 triệu đồng là quà của SCB. Toàn bộ số đó, bị cáo đã nộp lại trước khi khởi tố vụ án.
Bị cáo Phụng nói: "Hình phạt trong bản án sơ thẩm là quá nặng nề. Kính mong HĐXX xem xét cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt xuống dưới 3 năm tù và được hưởng án treo".
Bị cáo Phụng cung cấp một số tình tiết giảm nhẹ mới. Trong quá trình điều tra làm rõ vụ án, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải trước hành vi phạm tội của mình. Bị cáo là người có thành tích xuất sắc trong công tác làm việc, học tập, chiến đấu. Trong gần 30 năm làm việc tại Ngân hàng Nhà nước, bị cáo chưa bao giờ bị kỷ luật, được tặng nhiều giấy khen, huy chương từ Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng nhiều cơ quan, tổ chức.
Gia đình bị cáo cũng xin hứa sẽ đóng góp một khoản (hiện tại bị cáo chưa rõ cụ thể là bao nhiêu) để góp phần khắc phụ hậu quả vụ án. Gia đình bị cáo có công với cách mạng, bố đẻ bị cáo được Nhà nước tặng huân chương kháng chiến hạng 3. Chú ruột cũng được tặng huân chương kháng chiến hạng 3 và là thương binh hạng 4/4.
Khi nhắc đến gia đình, bị cáo Phụng nghẹn ngào bật khóc: "Bị cáo giờ chỉ còn mẹ già, cha của bị cáo vừa mới mất cách đây không lâu".
Bị cáo Phụng trình bày thêm, trong quá trình tham gia đoàn thanh tra, bị cáo có vai trò không đáng kể và phạm tội lần đầu. Bị cáo có nhiều bệnh trong người nhưng vì bị tạm giam mà không thể đi khám được.
"Tổng thời gian tạm giam của bị cáo tính đến nay là 20 tháng. Đây là hình phạt quá lớn đối với bị cáo trong suốt quãng đời còn lại. Bị cáo mong được nhận sự khoan hồng của Nhà nước, mong được hưởng án treo để được quay về với gia đình, hòa nhập với xã hội", bị cáo Phụng nói trước tòa.
Xem xét kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm Bị tuyên án tử hình, bị cáo Trương Mỹ Lan làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án, xin giảm nhẹ hình phạt. Sáng 4/11, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh mở phiên phúc thẩm, xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 bị cáo...