Đề nghị xử lý văn bản “chụp ảnh CSGT”
Ghi hình ảnh CSGT tuần tra kiểm soát là quyền của người dân. Không phải vì người đang quay phim, chụp ảnh “không phải là nhà báo” mà dễ dàng quy kết là “giả danh nhà báo”.
Ông Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp) vừa ký Báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp về kết quả kiểm tra văn bản liên quan quy định “ chụp ảnh CSGT” của Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt.
Cục Kiểm tra Văn bản QPPL cho hay, văn bản của Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt có “ nhiều nội dung có dấu hiệu sai trái cần phải được xử lý“.
Trước đó, Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt (C67 – Bộ Công an) có văn bản gửi trưởng phòng CSGT các địa phương về việc “ giả danh nhà báo ghi hình CSGT“. Trong đó có nội dung kiên quyết, đấu tranh làm rõ những đối tượng quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được CSGT đồng ý.
Theo Báo cáo, Văn bản của Cục CSGT có thể được hiểu rằng, khi bất kỳ người nào quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, buộc phải “ được phép đồng ý” của CSGT đang làm nhiệm vụ. CSGT có quyền yêu cầu xuất trình giấy tờ để xác định là “được phép” hay chưa, và xác định “đúng là nhà báo hay giả danh nhà báo”. Văn bản của Cục CSGT còn có nội dung “ nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản“. Nội dung này càng thể hiện rõ việc trao quyền cho CSGT truy hỏi, truy xét giấy tờ, danh tính của người quay phim, chụp ảnh để xác định “đúng là nhà báo” hay “giả danh nhà báo”.
Hình ảnh ghi lại cảnh “làm luật” tại một chốt CSGT ở tỉnh Quảng Bình
Cục Kiểm tra Văn bản QPPL cho rằng, nội dung trên không phù hợp với các quy định hiện hành về quyền của nhà báo (hoặc người dân) khi quay phim, chụp ảnh. Nội dung trên cũng không phù hợp với nhiệm vụ của CSGT khi tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Pháp luật hiện hành chỉ quy định trường hợp vì bí mật nhà nước, các khu vực an ninh, quốc phòng mà có quy định cấm hoặc hạn chế người dân (hoặc nhà báo) quay phim chụp ảnh thì mới buộc phải tuân thủ.
Qua rà soát, Cục Kiểm tra văn bản QPPL khẳng định, “ chưa thấy có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ, công chức và chiến sĩ công an đang thi hành công vụ (nếu không thuộc các trường hợp cấm, hạn chế)“.
Video đang HOT
“ Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, CSGT không được quyền truy hỏi người đang quay phim, chụp ảnh là được phép hay không được phép, cũng không được quyền truy xét giấy tờ để xác định là nhà báo hay giả danh nhà báo“. – Báo cáo nêu rõ.
“Quay phim chụp ảnh CSGT khi đang tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm không phải là ghi hình ảnh riêng tư của một hay vài cá nhân cụ thể. Như vậy, điều này không thuộc phạm trù bí mật đời tư theo quy định của Bộ luật dân sự.” – Cục Kiểm tra Văn bản QPPL nhấn mạnh.
Theo cơ quan này, ghi hình ảnh thi hành công vụ của cơ quan, cá nhân đại diện cho Nhà nước tại nơi công cộng (công khai) là việc làm bình thường, không cần được CSGT (hay bất kỳ cá nhân nào) có mặt ở nơi công cộng này cho phép. Đó là việc giám sát hoạt động lực lượng thực thi công vụ bình thường của công dân.
Người dân cũng như nhà báo đều có quyền thực hiện việc này. Không phải vì người đang quay phim, chụp ảnh “không phải là nhà báo” mà dễ dàng quy kết là “giả danh nhà báo”.
Mặt khác, Cục Kiểm tra Văn bản khẳng định: Những nội dung nói trên cũng không thuộc thẩm quyền quy định của một lãnh đạo Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt.
Qua đó, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đề nghị Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho tổ chức họp với đại diện Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt để trao đổi, xử lý về nội dung có dấu hiệu sai trai trong văn bản trên.
Theo Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định của Chính phủ quy định, việc xử lý trước hết do các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Công an. Trường hợp các cơ quan này không xử lý, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện trách nhiệm kiểm tra, xử lý theo quy định.
Cục Kiểm tra Văn bản cũng cho rằng, nhờ những hoạt động quay phim, chụp ảnh mà những hình ảnh đẹp của lực lượng CSGT được tôn vinh, những sai phạm được kịp thời phát hiện, xử lý.
Theo Cảnh Kiên (Khampha.vn)
Không thu hồi văn bản "chụp ảnh CSGT"
Đại diện Cục CSGT đường bộ, đường sắt - Bộ Công an ngày 21/8 khẳng định sẽ không thu hồi văn bản có nội dung yêu cầu việc chụp ảnh CSGT phải xin phép đang khiến dư luận "dậy sóng" những ngày qua.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 21/8, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng C67 khẳng định sẽ không thu hồi văn bản số 1042/2013 có nội dung yêu cầu việc chụp ảnh CSGT phải xin phép.
Theo Phó cục trưởng Tuấn, đó là văn bản chỉ đạo nội bộ, không có gì sai cả.
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định dư luận đã hiểu sai về nội dung chỉ đạo trong văn bản. Theo ông Tuấn, không hề có chuyện C67 chỉ đạo cấm phóng viên và người dân chụp ảnh, ghi hình CSGT đang thực thi nhiệm vụ.
Những ngày qua, dư luận "dậy sóng" vì văn bản 1042/2013 do Đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt (C67 - Bộ Công an) ký gửi Trưởng phòng CSGT các địa phương có nội dung yêu cầu lực lượng chú ý, xử lý đối với những hành vi chụp ảnh, ghi hình CSGT mà không xin phép. Có rất nhiều ý kiến cho rằng văn bản này trái luật và cần được thu hồi.
TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, cho biết sẽ tiến hành kiểm tra ngay về tính hợp pháp của văn bản 1042 để có ý kiến chính thức tới C67, Bộ Công an.
Hình ảnh ghi lại cảnh "làm luật" tại một chốt CSGT ở tỉnh Quảng Bình
Trong khi đó, một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội khẳng định văn bản 1042 có chứa quy phạm pháp luật là trái với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hơn nữa khi trả lời báo chí thì quan điểm của lãnh đạo C67 cũng không thống nhất và khớp với những nội dung chỉ đạo trong văn bản 1042: "Luôn luôn nâng cao tinh thân cảnh giác, kiên quyêt đâu tranh làm rõ với những đôi tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chông đôi CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt đông tuân tra, kiêm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiêm vụ. Nêu đúng là nhà báo thì tâp hợp thông báo cho cơ quan chủ quản; nêu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lâp hô sơ chuyên cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luât".
Luật sư này phân tích: Các quy định của pháp luật hiện hành không cấm người dân, nhà báo chụp ảnh, ghi hình lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát. Theo đúng chỉ đạo của C67 thì khi phát hiện tất cả những người ghi hình, chụp ảnh mà chưa được phép thì lực lượng CSGT phải lập tức kiểm tra giấy tờ. Dù thực hiện quyền giám sát của mình nhưng khi ấy rất có thể người dân sẽ gặp rắc rối với khái niệm "giả danh nhà báo" nếu không trình được giấy giới thiệu của cơ quan báo chí hoặc thẻ nhà báo và có thể bị "tạm giữ, lập hồ sơ".
"Thế nào là giả danh nhà báo? Chả lẽ chỉ có nhà báo mới được quyền chụp ảnh, quay phim hay sao mà C67 lại sử dụng khái niệm này? Nếu sau này phát hiện người chụp ảnh, quay phim CSGT thi hành công vụ để tống tiền hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác thì mọi chuyện đã khác rồi, sẽ được xem xét xử lý theo đúng các quy định hiện hành. Chỉ đạo như vậy rất dễ khiến lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường lạm quyền" - luật sư này nói.
Ông Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng nội dung văn bản 1042 không phù hợp với quy định của Luật Báo chí.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh thì khẳng định mọi công dân đều có quyền ghi hình, chụp ảnh lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường mà không cần xin phép trước. "Khi anh nghiêm chỉnh, đàng hoàng, thực thi nhiệm vụ đúng quy định của ngành thì không phải sợ gì việc chụp ảnh, ghi hình tung lên mạng, Facebook bôi xấu nữa" - ông Quốc Anh nói.
Không phù hợp chỉ đạo của Bộ Công an
Rất nhiều bạn đọc của Báo Người Lao Động phản ánh nội dung văn bản 1042 của C67 không khớp, phù hợp với chỉ đạo cách đây không lâu của Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an với các tổng cục, đơn vị trực thuộc bộ, giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường các biện pháp để nâng cao hiệu lực công tác, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Để thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, C67 cũng đã thành lập các tổ công tác vừa công khai, vừa bí mật đi giám sát, kiểm tra việc CSGT địa phương thực hiện nhiệm vụ trên đường. Lãnh đạo C67 còn đề nghị người dân và tài xế có thể gọi qua số điện thoại đường dây nóng 24/24h (069.42608) nếu phát hiện CSGT làm sai quy trình, điều lệnh. Khi báo cần nêu rõ vị trí xảy ra vi phạm, số hiệu xe hoặc số hiệu ngành CSGT đeo trên người. Một bạn đọc cho biết từng gọi điện đến số điện thoại đường dây nóng này nhưng người trực ban đã yêu cầu gửi thêm bằng chứng. "Muốn có bằng chứng thì chúng tôi phải quay clip, chụp ảnh chứ ?" - bạn đọc này thắc mắc.
Theo Thế Kha (Người lao động)
Thanh tra vào cuộc vụ dọa giết phóng viên Đoạn phim thể hiện người vi phạm không ký vào biên bản vi phạm nhưng công an vẫn trả lại giấy tờ xe sau khi nghe điện thoại. Ngày 25/9, Thanh tra Công an tỉnh Đồng Nai đã đến Đài PT-TH Đồng Nai làm việc. Công an đề nghị đài cung cấp đoạn video mà hai phóng viên Thiên Vương (Đài PTTH Đồng...