Đề nghị xử lý nhiều cá nhân sai phạm trong tu bổ bờ kè kinh thành Huế
Nhiều cá nhân, tập thể liên quan đến sai phạm trong tu bổ bờ kè kinh thành Huế bị đề nghị xử lý.
Ngày 9/7, tin từ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô (BTDTCĐ) Huế, đơn vị vừa ban hành kế hoạch khắc phục hạn chế, thiêu sót trong thi công tu bổ, tôn tạo hệ thống kè Hộ Thành Hào, mặt Nam Kinh thành Huế.
Kế hoạch do ông Phan Văn Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế ký, đã đưa ra hướng kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan trước những thiếu sót trong thực hiện dự án và biện pháp xử lý, chấn chỉnh khắc phục.
Công trình bờ kè Kinh thành Huế được làm mới bằng đá garanit sau khi tu bổ.
Đối với đơn vị thi công, tư vấn thiết kế công trình là Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung (Bộ Xây dựng), Trung tâm BTDTCĐ Huế đề nghị đình chỉ toàn bộ các thành viên tổ cán bộ kỹ thuật thi công, chỉ huy trưởng công trường vì những sai sót trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Những người này phải viết báo cáo kiểm điểm, giải trình để có biện pháp xử lý phù hợp.
Những cá nhân này còn bị đề nghị không được tham gia chủ trì thiết kế các công trình tương tự trong vòng 3 năm đối với chủ trì thiết kế công trình và 2 năm đối với cán bộ thiết kế công trình trên.
Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng đề nghị xử lý khiển trách đối với Giám đốc Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung, chủ trì hợp đồng thực hiện dự án do thiếu sâu sát trong công tác quản lý tổ chức thi công dẫn đến những hạn chế, thiếu sót.
Đối với đơn vị tư vấn giám sát công trình là Ban tư vấn bảo tồn di tích Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế đề nghị điều chỉnh công tác toàn bộ thành viên tổ giám sát công trình sau khi chịu trách nhiệm cùng với đơn vị thi công hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, thiếu sót của đoạn kè đã thi công.
Các thành viên tổ giám sát, Giám đốc Ban tư vấn bảo tồn di tích Huế phải có bản kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân để Hội đồng kỷ luật trung tâm xem xét, xử lý theo quy định.
Một đoạn bờ kè làm từ đá gan gà theo kỹ thuật xếp khan chưa tu bổ.
Video đang HOT
Đối với đơn vị quản lý dự án là Ban Quản lý dự án di tích cố đô Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế đề nghị điều chỉnh công tác các thành viên liên quan trong tổ quản lý dự án tham gia công tác chuẩn bị đầu tư đối với dự án trên. Các thành viên liên quan tổ quản lý dự án, tổ quản lý kỹ thuật công trường và Giám đốc Ban Quản lý dự án phải có bản kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân để Hội đồng kỷ luật trung tâm xem xét, xử lý theo quy định.
Kế hoạch của Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng xác định trách nhiệm của đơn vị này với tư cách là chủ đầu tư dự án. Theo đó, các thành viên liên quan việc quản lý điều hành của chủ đầu tư và Giám đốc Trung tâm phải có bản kiểm điểm xác định trách nhiệm để Hội đồng kỷ luật Trung tâm xem xét, xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng đưa ra giải pháp khắc phục đối với đoạn kè đã thi công. Cụ thể, đơn vị thi công phải tiến hành nào vét lòng hào, kết hợp tìm kiếm, trục vớt, thu hồi các viên đá cũ còn rơi rớt, sót lại để tái sử dụng theo yêu cầu; khắc phục thiếu sót trong việc thi công mặt ngoài kè đá bằng cách thay thế tối đa bằng đá cũ tại những vị trí chưa đúng với hồ sơ thiết kế được duyệt.
Ban Quản lý dự án, đơn vị giám sát phối hợp với đơn vị thi công và đơn vị tư vấn tiến hành rà soát, thu thập tư liệu liên quan đến các đoạn kè theo như phản ánh còn khá nguyên vẹn nhưng đã hạ giải để nghiên cứu, tu bổ phục hồi thí điểm theo kỹ thuật truyền thống trên nền móng đã được gia cường.
Đối với đoạn kè chưa thi công thì sẽ được khảo sát đánh giá chất lượng hiện trạng để phân loại mức độ hư hỏng và chất lượng còn lại để xác định giải pháp tu bổ phục hồi theo ý kiến của Cục Di sản văn hóa và các cơ quan thẩm định, phê duyệt. Trong quá trình thực hiện sẽ có giải pháp thu hồi tối đa lượng đá cũ, giữ lại tối đa các đoạn kè nguyên gốc đảm bảo đủ kích thước, ổn định và khả năng chịu lực để bảo tồn tu bổ nguyên trạng. Trước đó, Trung tâm BTDTCĐ Huế triển khai trùng tu, tu bổ bờ kè kinh thành Huế, đơn vị thi công là Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung.
Hồ sơ dự án tu bổ ghi rõ bảo tồn nguyên trạng những đoạn kè còn tốt; hạ giải, tu bổ những đoạn kè hư hỏng vừa và nhỏ. Lòng hào nạo vét 0,6 m, đất thải chuyển đến vị trí quy định. Tuyến phòng lộ được san nền, trồng cỏ 3 lá, lát tuyến đường dạo bằng gạch Bát Tràng rộng khoảng 1,6 m.
Tuy nhiên, khi triển khai thi công bờ kè mặt Nam kinh thành Huế đoạn từ Nam Minh Đài đến cửa Quảng Đức, thay vì hạ giải đá gan gà (nguyên bản) theo phương pháp thủ công, đơn vị thi công đã dùng máy móc để tháo dỡ. Họ cũng không tu bổ, giữ nguyên hiện trạng lớp đá gan gà theo kỹ thuật xếp khan như người xưa, mà đổ bê tông cốt thép, sử dụng đá granit thay thế…
Sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã tạm dừng thi công tu bổ bờ kè kinh thành Huế để đánh giá lại hiện trạng công trình.
Theo Danviet
Cuộc di dân lịch sử ở Huế: Khó khăn về nguồn kinh phí
Tỉnh Thừa Thiên - Huế gặp khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện di dời những hộ dân "sống treo" tại các di tích Kinh thành Huế.
Sáng 22.3, UBND TP.Huế tổ chức hội nghị gặp gỡ các hộ dân sống "treo" tại Kinh thành Huế nằm trong diện di dời, giải tỏa bởi Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế.
Tại hội nghị, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Huế báo cáo phương án di dời và công bố các chính sách của khung chính sách đặc biệt về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư áp dụng cho người dân bị ảnh hưởng bởi đề án.
Ngôi nhà "vá chằng vá đụp" của một hộ dân sống tại di tích Kinh thành Huế. Ảnh: Trần Hòe.
Theo khung chính sách do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các trường hợp người dân sử dụng đất lấn chiếm nhận được sự hỗ trợ lớn khi bị di dời, giải tỏa.
Cụ thể, các trường hợp sử dụng đất lấn chiếm trong giai đoạn từ 19.5.1976- 15.10.1993, trên đất có nhà ở thì được hỗ trợ 100% theo hiện trạng, nhưng không vượt quá 200m2, phần còn lại hỗ trợ đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở. Những trường hợp xây dựng nhà trên mặt nước cũng được hỗ trợ 100% theo diện tích xây dựng, nhưng không vượt quá 200m2.
Các trường hợp sử dụng đất do lấn chiếm trong giai đoạn từ 15.10.1993-1.7.2004, đất có nhà ở được hỗ trợ 50% theo hiện trạng nhưng không vượt quá 200m2, phần còn lại hỗ trợ đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở. Những trường hợp xây dựng nhà trên mặt nước trong giai đoạn này được hỗ trợ 50% theo diện tích xây dựng, không vượt quá 200m2.
Việc hỗ trợ đối với các trường hợp sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1.7.2004 nhưng chưa nộp tiền để được sử đất được chia làm 2 loại đối tượng. Đối tượng sử dụng đất trước 15.10.1993 được hỗ trợ 100% theo diện tích hiện trạng, không vượt quá 200m2. Đối tượng sử dụng đất giai đoạn từ 15.10.1993 -1.7.2004 được hỗ trợ 50% theo diện tích hiện trạng, không vượt quá 200m2. Phần diện tích đất lớn hơn hạn mức giao đất ở thì được hỗ trợ theo quy định về bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở.
Đối với nhà ở, công trình sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường thì được hỗ trợ bằng 80% giá trị xây mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.
Đặc biệt, khung chính sách này quy định, các hộ gia đình, cá nhân khi được bồi thường hoặc hỗ trợ về tài sản là nhà ở và công trình xây dựng khác có số tiền bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn 120 triệu đồng mà phải di chuyển chỗ ở đến nơi tái định cư mới thì được hỗ trợ thêm cho đủ 120 triệu đồng để có điều kiện làm nhà ở nơi ở mới...
Người dân lấn chiếm di tích Hộ Thành Hào xây dựng nhà cửa tạm bợ. Ảnh: Trần Hòe.
Tại hội nghị, nhiều người dân đã nêu những thắc mắc và đưa ra các kiến nghị về chính sách di dời, tái định cư cũng như vấn đề sinh kế sau di dời. Các ý kiến của người dân đã được các cơ quan chức năng của TP.Huế trả lời khá chi tiết.
Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Cư - Bí thư Thành ủy Huế đề nghị người dân giám sát chặt chẽ và có ý kiến phản ánh những bất hợp lý, sai sót trong quá trình thực hiện đề án.
Ông Cư cho hay, việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế tốn một nguồn lực khá lớn. Do dự án không nằm trong kế hoạch dài hạn của tỉnh nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn về nguồn tài chính. "Hiện tỉnh đang rất lo lấy nguồn lực ở đâu để đáp ứng kịp tiến độ dự án", ông Cư nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế là chủ trương lớn cả về quy mô tiền bạc và quy mô dân cư. Chưa từng có một dự án nào trên địa bàn tỉnh quy mô lớn như vậy.
Theo ông Thọ, sở dĩ lâu nay tỉnh không thực hiện được việc di dời dân là do chưa có khung chính sách phù hợp. Để thực hiện đề án, tỉnh đã xây dựng khung chính sách và được Chính phủ phê duyệt, nhờ đó giải quyết được những vướng mắc về pháp luật trong công tác giải phóng mặt bằng.
"Vì dụ làm nhà chồ trên mặt nước lâu nay không được đền bù, nhưng nay Chính phủ cho hỗ trợ tương đương với giá trị tiền đất. Hay làm nhà sau giai đoạn khu vực di tích được khoanh vùng nay vẫn được hỗ trợ", ông Thọ cho hay.
Cũng theo ông Thọ, việc cân đối vốn để thực hiện đề án đang gặp nhiều khó khăn. Hiện Chính phủ mới chỉ hỗ trợ 100 tỷ đồng cho việc thực hiện đề án năm 2019 và tỉnh phải huy động các nguồn khác nhằm đảm bảo số tiền khoảng 250 tỷ đồng để thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mong muốn người dân chia sẻ với những khó khăn của tỉnh và bình tĩnh, không nghe theo những tác động bên ngoài để dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc làm ảnh hưởng đến việc thực hiện đề án.
Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế là "cuộc di dân lịch sử" của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đề án được thực hiện nhằm di dời, giải phóng mặt bằng 4.201 hộ dân với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư 1.362 tỷ đồng.
Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Đề án được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2019 - 2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân ở các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ. Giai đoạn 2 (từ 2022 - 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài, hệ thống hồ 4 phường nội thành TP.Huế.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, riêng trong năm 2019, tỉnh hoàn thành di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng Thành. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng diện tích 9,98ha khu tái định cư trước ngày 30.3; đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để giao đất tái định cư cho các hộ xây dựng nhà ở...
Theo Danviet
Cuộc di dân lịch sử ở Huế: Dân được hỗ trợ sinh kế ra sao? Tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra phương án hỗ trợ sinh kế cho hơn 4.200 hộ dân "sống treo" tại các di tích Kinh thành Huế khi thực hiện "cuộc di dân lịch sử". Ngày 22.2, theo thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, UBND tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án Di dời dân cư, giải...