Đề nghị thu hồi lồng đèn TQ độc hại
Trao đổi với PV, xung quanh việc mẫu lồng đèn con chuồn chuồn có chất độc gấp 123 lần mức cho phép, có khả năng gây ung thư, ông Trần Hùng – phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương – khẳng định sẽ chỉ đạo rà soát kiểm tra, thu hồi và kiến nghị cấm nhập khẩu mặt hàng này.
Ông Hùng cho biết theo quy định, tất cả các loại đồ chơi đưa ra lưu thông trên thị trường phải đảm bảo chất lượng, được kiểm soát chặt chẽ về độ an toàn phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN3). Đối với đồ chơi trẻ em nhập khẩu, tất cả sản phẩm đều phải được kiểm định, gắn dấu hợp quy trước khi nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.
Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm được quy định rất rõ do các đơn vị có chức năng bao gồm các trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1, 2 và 3, Trung tâm Chứng nhận phù hợp của Bộ Khoa học – công nghệ. “Đối với các sản phẩm đồ chơi trẻ em chứa hàm lượng độc tố vượt mức cho phép, cần xem xét lại việc kiểm định chất lượng, cho phép nhập khẩu sản phẩm đối với các trung tâm kiểm định.
Vì hiện nay, những trung tâm kiểm định này là đơn vị “gác cổng” đầu tiên và quyết định cho sản phẩm này được phép nhập khẩu và lưu thông” – ông Hùng cho hay.
Lồng đèn có xuất xứ từ Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường – Ảnh: T.T.D.
Video đang HOT
Ông Hùng cũng cho biết thêm Cục Quản lý thị trường cũng chỉ đạo chi cục quản lý thị trường các tỉnh thành tăng cường kiểm soát đối với sản phẩm đồ chơi trẻ em. Hiện nay tình trạng các sản phẩm đồ chơi trẻ em được nhập lậu, không được kiểm định độ an toàn cũng như các sản phẩm đồ chơi bạo lực bị cấm được bày bán khá nhiều trên thị trường. Hầu hết sản phẩm này có nguồn gốc từ Trung Quốc.
“Hiện nay tình trạng kiểm soát việc lưu thông hàng hóa tại các tỉnh biên giới còn khá lỏng lẻo. Thậm chí hàng giả, nhập lậu từ Trung Quốc có thể đi nguyên xe tải lớn không có giấy tờ từ biên giới vẫn đi sâu vào nội địa tiêu thụ. Nhiều cán bộ kiểm tra có dung túng cho hoạt động này” – ông Hùng khẳng định.
Theo quy định của Bộ Khoa học – công nghệ, kể từ ngày 15/4/2010, tất cả sản phẩm đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường phải có chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu CR. Theo quy định này, sản phẩm đồ chơi trẻ em được kiểm tra rất chặt chẽ với các phương pháp thử: thử cơ lý, thử chống cháy, thử hóa học, các nguyên tố độc hại, hàm lượng formaldehyde… Tuy nhiên theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay các sản phẩm đồ chơi trẻ em không đủ tiêu chuẩn vẫn được bày bán tràn lan tại các cửa hàng cũng như trước cổng trường học, vỉa hè…
Khu vực Chợ Lớn (Q.5, TP.HCM) được xem là nơi bán sỉ các loại đồ chơi trẻ em lớn nhất ở phía Nam. Tại đây, đồ chơi được đóng thành những bịch lớn hoặc đựng trong các rổ lớn bày la liệt cho khách lựa chọn. Những loại đồ chơi nhựa hình siêu nhân, robot, nhân vật hoạt hình… được sơn phết màu sắc lòe loẹt có giá 10.000-30.000 đồng/cái không hề có bất cứ thông tin gì về nhà sản xuất, thông tin chất lượng.
Bà H., chủ sạp tại đây, cho biết sản phẩm chủ yếu được thương lái ở Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây mua về bán lẻ. Tất cả sản phẩm đều có nhãn mác đầy đủ nhưng “dán không xuể”. Đặc biệt, với sản phẩm “bong bóng trái tim” có dung dịch chứa trong bịch nhỏ. Khi tác động lực mạnh vào bịch, sản phẩm phình to thành hình trái tim. Tuy nhiên bao bì sản phẩm toàn chữ Trung Quốc, không có bất cứ thông tin cảnh báo về dung dịch này bằng tiếng Việt.
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết sau một thời gian dài thực hiện quy định dán tem hợp quy CR trên đồ chơi trẻ em, nhiều đơn vị đã áp dụng. Tuy nhiên, tình trạng “quên” dán tem hoặc thậm chí sử dụng tem tự in để đối phó cơ quan chức năng, qua mặt người tiêu dùng vẫn còn nhiều. Từ đầu năm đến nay, đơn vị xử lý hàng chục vụ vi phạm không dán tem CR, sai phạm công bố chất lượng sản phẩm, nhãn hàng hóa… Vi phạm không dán tem CR được áp dụng theo khung xử phạt từ 10-15 triệu đồng. Trường hợp tái phạm nhiều lần, cơ sở bị tước giấy phép kinh doanh.
Theo 24h
Tìm thấy hóa chất gây sẩy thai trong sơn móng
Các loại sơn móng "vô danh" và siêu rẻ được bày bán công khai ở nhiều nơi là nguồn sản phẩm có nguy cơ nhiễm độc cao.
Cơ quan Kiểm soát chất độc hại (DTSC) của Mỹ cảnh báo tìm thấy 3 hóa chất toluene, dibutyl phthalate và formaldehyde có nguy cơ gây sẩy thai, tổn hại đến sức khỏe con người trong một số loại sản phẩm sơn móng lưu thông trên thị trường nước này. Không loại trừ các sản phẩm này đã lưu hành từ lâu ở Việt Nam, nhất là ở dạng sản phẩm trôi nổi, không nhãn hiệu.
Tại chợ Thái Bình (Q.1), hàng trăm loại mỹ phẩm, nước hoa, dầu gội, son môi, phấn, lăn khử mùi, sơn móng tay chân chất đống trong các khay nhựa đặt dưới nền đất. Nhờ ưu thế giá rẻ, chủng loại phong phú, màu mè xanh đỏ bắt mắt nên được khá nhiều phụ nữ lựa chọn.
Các loại sơn móng này rất đa dạng về xuất xứ. Có loại hàng Trung Quốc, Hàn Quốc, một số loại tem nhãn lem luốc, không nhận ra xuất xứ, thành phần hóa chất.
Không chỉ "sạp" nền đất, ngay các sạp có tủ kiếng cũng bán đủ loại sơn móng, xuất xứ khá mơ hồ. Tại "chợ" tự phát phía sau chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), các "sạp" mỹ phẩm đặt ở nền đất ẩm ướt, dơ bẩn xen kẽ trong các quầy thịt cá. Đủ loại sơn móng không rõ nguồn gốc, chất lượng đổ đống ngổn ngang. Muốn biết, khách chỉ còn cách hỏi, người bán hàng "phán" sao biết vậy. Khảo sát các chợ Bình Tây, An Đông, Tân Định... đều tìm thấy các loại sơn móng tương tự như trên. Ngoài ra, dễ dàng tìm thấy các loại sơn móng trôi nổi tại vỉa hè.
Các loại sơn móng đủ màu sắc, giá rẻ bày bán tại các chợ
Các "tiệm" làm móng di động ở chợ Phạm Văn Hai khá đông khách lui tới. Khách chỉ chọn màu sơn, không quan tâm lắm đến chất lượng hay nguy cơ độc hại từ các sản phẩm làm đẹp này. Ghi nhận thực tế, cả thợ lẫn khách đều không thực hiện biện pháp bảo vệ sức khỏe nào.
Anh Lâm Uyên - chủ tiệm làm tóc trong Làng đại học Thủ Đức, cho biết sơn móng tiệm anh sử dụng là hàng công ty, mỗi lần hết hàng gọi nhân viên công ty mang xuống. Tuy nhiên, anh cũng không biết công ty này nằm ở đâu cũng như không biết hàng xuất xứ nơi nào, đã qua kiểm tra về chất lượng, hàm lượng chất độc hại, khuyến cáo độc hại hay chưa. "Lâu nay tiệm tôi vẫn dùng loại sơn móng này. Trời kêu ai nấy dạ, biết sao bây giờ" - anh Lâm Uyên phân trần.
Đã 3 tuần kể từ ngày DTSC đưa ra cảnh báo, đến nay các cơ quan quản lý ở nước ta, đặc biệt các cơ quan giám sát về chất lượng hàng hóa vẫn chưa làm rõ nghi vấn sơn móng chứa chất cấm để trấn an hay cảnh báo người dân.
Bác sĩ Trần Ngọc Ánh - Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết các loại hóa chất trong sơn móng có thể gây ngộ độc cấp tính, viêm da dị ứng hay viêm da kích thích, gây ngứa, đỏ da, nổi mụn nước, trợt, chảy nước, đôi khi bội nhiễm, có mụn mủ... Ngoài ra còn gây rối loạn tiêu hóa, như buồn nôn, đau bụng, chóng mặt, ói, tiêu chảy... Nếu sử dụng lâu ngày làm hư móng, sần sùi, mất bóng, dày, đổi màu, lỗ chỗ, lồi lõm...
Các nhãn hiệu sơn móng bị Mỹ phát hiện nhiễm độc gồm: Sation 99 basecoat, Sation 53 red-pink nail color, Dare to Wear nail lacquer, Chelsea 650 Baby"s Breath Nail Lacquer, New York Summer Nail Color, Paris Spicy 298 nail lacquer, Sunshine nail lacquer, Cacie Light Free Gel Basecoat, Cacie Sun Protection Topcoat, Golden Girl Topcoat, Nail Art Top-N-Seal và High Gloss Topcoat.
Theo Thanh Niên
Đồ chơi Trung Quốc có thể gây vô sinh Mới đây, thông tin được tổ chức Hoà Bình Xanh (Greenpeace) cho biết, trong nhiều đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc có thể gây dị tật cơ quan sinh dục của trẻ em khiến các bậc phụ huynh khá lo lắng. Trẻ mắc bệnh "hiểm" từ đồ chơi Mấy ngày gần đây, nhiều bậc phụ huynh phát sốc về nghiên cứu...