Đề nghị lấy tiền tham nhũng để bồi thường oan sai
Chánh án TAND Tối cao đề nghị lấy tiền từ thu hồi tài sản tham nhũng, buôn lậu… để thành lập quỹ bồi thường oan.
Khi phát biểu ý kiến về Luật Bồi thường nhà nước tại buổi thảo luận tổ chiều 27-10, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng nói: “Ở đây có cả phóng viên báo chí, tôi xin nói thẳng về vấn đề bồi thường oan, sai mà dư luận rất quan tâm”. Trước đó, ông Bình cũng khẳng định nguyên tắc rằng: “Nhà nước làm sai thì phải bồi thường cho dân”.
Chánh án TAND Tối cao cho biết, bản thân ông đang theo dõi mấy vụ án oan gần đây và thấy rằng: bồi thường oan, sai kiểu gì cũng bị phản ứng.
“Nếu theo đúng quy định của luật, Bộ Tài chính yêu cầu phải có giấy tờ, chứng từ… xác nhận các khoản đã chi cho việc kêu oan, thì người bồi thường không có bao nhiêu cả. Ví dụ như vụ ông Nén ở Bình Thuận hiện nay, nếu theo đúng quy định thì bồi thường sẽ rất ít. Nhưng nếu ít như vậy, dư luận sẽ nói mười mấy năm bị oan mà bồi thường có thế thôi sao”, ông Bình nêu thực tế.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi thảo luận tổ về Luật Bồi thường nhà nước chiều 27-10. Ảnh: CHÂN LUẬN
Theo ông Bình, có nhiều khoản mà người bị oan sẽ không thể “chứng cứ hóa” được. Chẳng hạn như thiệt hại về danh dự, tinh thần là rất khó định lượng. “Điều này lại tùy vào việc vận dụng chính sách, quy định. Có hai luồng ý kiến, một là yêu cầu vận dụng thật nhiều, hai là vận dụng quy định, chính sách như thế sẽ tạo ra sự tùy tiện”, ông Bình phân tích.
Đề cập đến những vụ án oan như Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn và Trần Văn Thêm mới đây, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng: khi không thương lượng được thì có thể kiện ra tòa. “Nhưng khi kiện ra tòa cũng khó vì phải có căn cứ về các thiệt hại”, ông Bình nói.
Về vấn đề quy trách nhiệm để xảy ra oan, sai, ông Bình cho rằng: khi xảy ra oan sai là lỗi tổng hợp, từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử và lỗi ở khâu nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. “Tôi đã từng đề nghị ý kiến phải có trách nhiệm liên đới giữa các cơ quan tố tụng”, ông Bình cho biết.
Video đang HOT
“Nếu giai đoạn xét xử gây ra oan, sai thì tòa án phải xin lỗi. Nhưng việc đền bù thì phải là cả ba cơ quan điều tra, truy tố và xét xử. Vì một vụ oan, sai là “sản phẩm” chung của cả ba cơ quan này”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu quan điểm.
Ông Bình cũng đồng ý rằng: nhân dân lên án việc để xảy ra án oan là đúng và câu chuyện nóng hơn hiện nay là lấy tiền đâu để bồi thường cho những người bị oan.
“Dư luận đặt ra câu hỏi: tiền nhân dân đóng thuế không phải để trả cho các ông gây ra oan, sai. Các anh làm sai, các anh bảo dân đóng thuế cho các anh đền bù à?”, ông Bình phát biểu và cho rằng: câu hỏi của dân là chính đáng.
Ông Bình cho biết: thế giới đã giải quyết được bài toán này. Theo đó, tất cả những khoản tiền thu được từ những vụ tham nhũng, buôn lậu, ma túy… đều được đưa vào một quỹ. Và khi xảy ra oan, sai… thì lấy tiền từ quỹ này để bồi thường cho dân. Ông Bình đề nghị nên cân nhắc phương án này và cho rằng: việc người dân băn khoăn về việc lấy tiền thuế để bồi thường là chính đáng.
Theo Chân Luận ( Pháp Luật TPHCM)
Ông Huỳnh Văn Nén đã chấp nhận những khoản bồi thường nào?
Sau nhiều lần thương lượng, gia đình ông Nén và TAND tỉnh Bình Thuận đã chấp nhận 4 trong 7 khoản đòi bồi thường (tương đương 2,6 tỷ đồng), nhiều khoản khác hai bên chưa đạt được tiếng nói chung.
Trao đổi với VnExpress, luật sư Phạm Công Út - người bảo vệ quyền lợi cho ông Huỳnh Văn Nén trong giai đoạn giải quyết bồi thường oan sai - cho biết, tổng cộng ông Nén yêu cầu bồi thường 7 khoản, tương đương 18 tỷ đồng, cho hơn 15 năm ngồi tù oan.
Bao gồm: Tổn hại tinh thần cho ông Nén, chi phí nhờ luật sư, thu nhập thực tế bị mất, tiền thăm nuôi, tổn hại sức khỏe, chi phí kêu oan và tổn thất tinh thần, danh dự nhân phẩm cho cha mẹ vợ con.
Trong lần thương lượng thứ 3 vào 31/8, ông Nén đồng ý hạ mức yêu cầu bồi thường xuống còn hơn 14 tỷ đồng, còn TAND tỉnh Bình Thuận chấp nhận con số 10,2 tỷ đồng.
Trong đó, cả tòa án và ông Nén đều chấp nhận mức bồi thường cho 4 khoản tương đương hơn 2,65 tỷ đồng gồm: tổn hại sức khỏe 932 triệu đồng; chi phí nhờ luật sư 172,5 triệu đồng; thu nhập thực tế bị mất 1,184 tỷ và 364 triệu đồng tiền thăm nuôi.
Riêng 3 khoản còn lại là tổn hại sức khỏe, ông Nén yêu cầu bồi thường 3 tỷ đồng tòa chấp nhận mức 2,1 tỷ. Khoản tổn thất về tinh thần và danh dự cho người thân, ông Nén yêu cầu 4,2 tỷ đồng nhưng tòa chấp nhận 3,7 tỷ bởi mẹ ông Nén đã chết nên không được xem xét. Riêng khoản đòi bồi thường chi phí kêu oan, gia đình ông Nén yêu cầu 5,1 tỷ đồng nhưng tòa chấp nhận 1,5 tỷ.
Theo luật sư Út, trong suốt hơn chục năm kêu oan cho ông Nén, người cha già đã bán 3 thửa đất ở quê, người anh rể cũng phải bán 9 hecta đất, còn ông Nguyễn Thận (thầy của ông Nén) cũng bán cả nhà đất cho đi kêu oan cho học trò. Những giấy tờ này cũng được nộp cho tòa để xem xét. Tuy nhiên, do mức bồi thường của hai bên còn chênh nhau nên lần thương lượng thứ 3 bất thành.
Nhiều khoản bồi thường cho ông Nén bị tòa bác trong lần thương lượng thứ 4 khiến ông bức xúc. Ảnh: Phước Tuấn.
Trong buổi thương lượng lần thứ 4 ngày 14/10 do Phó chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thị Hiệp Hòa chủ trì, cả hai bên vẫn thống nhất mức bồi thường cho 4 khoản là 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, những khoản còn lại bất ngờ bị tòa bác bỏ dù những lần trước đã gần đạt mức thỏa thuận.
Theo kết luận giám định sức khỏe ông Nén bị tổn thương 63%, tòa Bình Thuận chỉ chấp nhận khoản 35 triệu đồng chi phí chữa mắt vì đã có hóa đơn. Những tổn hại khác cơ quan này cho rằng chỉ được xem xét khi phát bệnh và có chứng từ rõ ràng.
Mức bồi thường chi phí kêu oan được tòa ấn định là 12 triệu đồng một năm, tổng cộng chấp nhận bồi thường cho ông Nén và gia đình 200 triệu đồng.
Lần này, yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần, danh dự cho người thân ông Nén không được tòa xem xét. Đại diện cho ông Nén, ông Thận Nguyễn cũng không đồng ý với TAND tỉnh Bình Thuận về việc sẽ tách các khoản đã thương lượng thành (2,6 tỷ đồng) ra để ứng trước. Hiện việc thương lượng giữa hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Theo ông Nguyễn Thận, việc toà bất ngờ bác bỏ hết những thỏa thuận trước đó và không chấp nhận bồi thường khoản tổn thất tinh thần cho ông Nén trong "kỳ án" vườn điều khiến ông vô cùng bức xúc, đứng dậy bỏ ra khỏi phòng.
"Kết thúc buổi làm việc tôi có hỏi đại diện tòa Bình Thuận về việc có tiếp tục thương lượng nữa hay không. Chị Hòa nói tòa sẽ có bản hướng dẫn sau. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm tiếp tục giải quyết bằng con đường thương lượng. Việc phải khởi kiện TAND tỉnh để yêu cầu đòi bồi thường oan sai cho một người tù đã chịu quá nhiều mất mát là không có lợi cho cả hai bên", ông Thận nói.
Theo nội dung vụ việc, tháng 4/1998, ông Nén bị cho là dùng đoạn dây thừng làm hung khí giết bà Lê Thị Bông cướp nhẫn vàng. Hơn 2 năm sau TAND Bình Thuận xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Nén tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tội Cướp tài sản và 2 năm về tội Cố ý hủy hoại tài sản; tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên vợ bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ trong "kỳ án vườn điều" xảy ra 5 năm trước. Do không chứng minh được hành vi phạm tội, 12 năm sau đó cơ quan điều tra phải minh oan cho họ, bồi thường gần một tỷ đồng. Riêng ông Nén đang thi hành bản án chung thân nên không được giải quyết.
Là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan về tội Giết người, cuối năm ngoái, ông Nén được TAND Bình Thuận công khai xin lỗi tại địa phương do cảnh sát tìm được hung thủ giết bà Bông. Hồi tháng 4, ông Nén nộp đơn yêu cầu TAND Bình Thuận bồi thường 18 tỷ đồng do bị kết án oan trong hai bản án.
Chánh án TAND Tối cao sau đó chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận cần tạo điều kiện và giải quyết theo hướng có lợi cho ông Nén. Những khoản không cần phải hỏi hóa đơn, nếu xét thấy hợp lý nên thỏa thuận.
Hải Duyên
Theo VNE
Mức bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén bị hạ còn 2,6 tỷ đồng Cho rằng nhiều khoản không nằm trong mục quy định, TAND Bình Thuận bất ngờ hạ mức bồi thường cho 15 năm ngồi tù oan của ông Nén từ 10,5 tỷ đồng xuống còn 2,6 tỷ. Ông Nén cho biết sẽ khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi cho mình và gia đình. Ảnh:Phước Tuấn TAND tỉnh Bình Thuận hôm qua có...