Đề nghị không cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi
Đề nghị không cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để tránh lãng phí là quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về dự luật Căn cước công dân chiều nay 28.10.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Căn cước công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết, việc cấp thẻ Căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp năm 2013, không có sự phân biệt công dân theo độ tuổi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho biết, quy định cấp thẻ Căn cước công dân từ khi công dân sinh ra để thay thế cho việc sử dụng giấy khai sinh sẽ góp phần giảm các thủ tục hành chính, tránh việc công dân phải mang giấy khai sinh hoặc nộp bản sao giấy khai sinh…
Nhiều ĐBQH đề nghị chỉ nên cấp thẻ Căn cước cho công dân trên 14 tuổi – Ảnh: Hoàng Trang
Dẫn báo cáo từ Bộ Tư pháp về việc hiện có 27 thủ tục hành chính yêu cầu mang bản chính giấy khai sinh, 32 thủ tục hành chính yêu cầu nộp bản sao giấy khai sinh, 11 thủ tục hành chính yêu cầu nộp bản sao chứng thực loại giấy này, Ủy ban TVQH cho rằng: việc cấp thẻ Căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi chỉ là hình thức hiện đại hóa giấy tờ khai sinh mà không làm mất quyền được khai sinh của trẻ em.
Vì vậy, Ủy ban TVQH đã chỉnh lý dự luật theo hướng: giao UBND cấp xã, cấp huyện nơi làm thủ tục đăng ký khai sinh sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký khai sinh có trách nhiệm cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định số định danh cá nhân và thực hiện quy trình cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định.
Tuy nhiên, nhiều ĐBQH không đồng tình với quy định này.
Video đang HOT
Theo ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên), thực tế thì người dưới 14 tuổi không thể tự giao dịch mà phải nhờ đến vai trò của người giám hộ. Người dưới 14 tuổi chủ yếu là đi học nên giấy tờ sử dụng chủ yếu là giấy khai sinh. “Bỏ ra khoản tiền 650 tỉ đồng để cấp Căn cước công dân cho khoảng 20 triệu người chủ yếu để cất giữ chứ ít quan hệ giao dịch là điều cần tính toán trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn”, ĐB Chi đề nghị.
ĐB Chi cho rằng nên quy định theo hướng trẻ khi sinh ra bên cạnh đăng ký khai sinh vẫn đăng ký thông tin nhân dạng vào Cơ sở dữ liệu quốc gia và cấp số định danh cá nhân, đến 14 tuổi sẽ cấp bổ sung các thông tin như ảnh, dấu vân tay và cấp thẻ Căn cước công dân với số định danh đã có, thay vì cấp Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi.
“Quy định như vậy tạo điều kiện quản lý dữ liệu dân cư quốc gia từ khi con người sinh ra đến khi mất đi mà không tốn kém nhiều về kinh phí”, ĐB này lý giải.
ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cũng cho rằng, việc cấp đổi thẻ Căn cước công dân theo độ tuổi rất tốn kém cho xã hội nên cần quy định thời hạn cố định phải đổi thẻ Căn cước công dân. Về vấn đề thu phí đối với việc cấp thẻ Căn cước công dân, ông Phương kiến nghị không thu lệ phí cấp, đổi thẻ Căn cước công dân vì “đây là phương tiện để Nhà nước quản lý công dân”, mà chỉ thu phí trong trường hợp công dân làm mất thẻ Căn cước công dân hoặc làm rách, nát.
Theo TNO
Đề nghị vẫn cấp giấy khai sinh cho trẻ
Các ĐBQH đề nghị tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em. Ngoài ra, không cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi để tránh lãng phí.
Sáng nay, QH thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Hộ tịch. Việc cấp giấy khai sinh và thẻ căn cước công dân được các ĐB quan tâm nhiều nhất.
UBTVQH cho biết hiện có 2 loại ý kiến.
Thứ nhất là tán thành tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như quy định hiện hành. Thứ hai, bỏ việc cấp giấy khai sinh trong luật, thay vào đó cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như trong dự án luật Căn cước công dân.
UBTVQH đánh giá việc đăng ký khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận việc ra đời của một con người. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trẻ em sinh ra được Nhà nước cấp giấy khai sinh, trong đó ghi những thông tin cơ bản của trẻ em. Giấy khai sinh có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước.
Hơn nữa, việc cấp giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc.
Do đó, UBTVQH tán thành với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh.
ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc): Giấy khai sinh là căn cứ pháp lý cho các loại giấy tờ khác.
Rất nhiều ĐBQH cũng đồng tình với ý kiến này. Theo ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) việc tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em là phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em, bộ luật Dân sự. Giấy khai sinh là căn cứ pháp lý cho các việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước.
Nhất trí với ý kiến trên song ĐB Hồ Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng giấy khai sinh không có thời hạn, có giá trị suốt đời. Vì vậy việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi là tốn kém, không cần thiết. ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng có chung nhận định.
ĐB Nguyễn Văn Minh (TP HCM) đặc biệt lưu ý việc đăng kí hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Đây là việc phức tạp, hồ sơ nhiều, cán bộ đăng kí hộ tịch cấp xã, quận huyện chưa đáp ứng được, đặc biệt là các giấy tờ đều là tiếng nước ngoài.
Cho nên, ông đề nghị giao UBND tỉnh có sở ngoại vụ, tư pháp để thẩm tra, xác minh được thông tin trước khi cấp.
Về nội dung này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng thẩm quyền đăng kí hộ tịch thì nên để 1 cấp đăng kí là cấp xã, cùng lắm đến cấp huyện, còn cấp tỉnh tập trung quản lý, tập trung dữ liệu. Hơn nữa, tất cả các giấy tờ khi nộp lên đều bằng tiếng Việt.
Còn ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì nhấn mạnh cần quy định cấp giấy khai sinh cho trẻ trong trường hợp cha mẹ đã qua đời hoặc cha mẹ sử dụng công nghệ cao để thụ thai (như trường hợp người bố đã qua đời mấy năm mẹ mới sinh con do đông lạnh tinh trùng) thì đặt ra việc khai sinh sẽ thế nào, cần quy định rõ để tạo thuận lợi cho cán bộ hộ tịch và công dân trong các trường hợp đặc biệt.
Các ĐBQH đề nghị cần xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cùng với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để đảm bảo tính tích hợp, hệ thống, tránh lãng phí, chồng chéo.
Chiều nay, QH sẽ thảo luận dự thảo luật Căn cước công dân.
Theo Vietnamnet
Thẻ căn cước không thay thế được giấy khai sinh Theo Bộ trưởng Tư pháp, giấy khai sinh có giá trị toàn cầu, mang ra nước ngoài vẫn có giá trị, còn thẻ căn cước công dân chỉ có giá trị trong nước là giấy thông hành khi đi lại. - Ông có thể nói rõ hơn vì sao lại có sự vênh nhau lớn như thế khi mà các cơ quan soạn...