Đề nghị khởi tố vụ án đứt cầu treo Chu Va 6 ở Lai Châu
Sau khi nghe báo cáo của Tổ điều tra độc lập vụ lật cầu treo Chu va 6, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sẽ có văn bản đề nghị cơ quan công an khởi tố vụ án này.
Cầu bị lật không vì quá tải mà do làm sai thiết kế
Sáng 6/3, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp với Tổ điều tra độc lập vụ lật cầu Chu Va 6 xảy ra tại Tam Đường, Lai Châu. Các thành viên Tổ điều tra đã đưa ra hai nguyên nhân chính dẫn đến ắc neo bị đứt đột ngột là do bộ phận này đã được chế tạo sai thiết kế.
Theo thiết kế, ắc neo phải có tiết diện 50cm2, nhưng đo thực tế tại hiện trường chỉ khoảng 24 -25cm2. Hơn nữa, thiết kế đã lưu ý rõ ràng không được phép dùng phương pháp gia nhiệt để tạo lỗ ắc neo, mà chỉ được dùng phương pháp khoan tạo lỗ để đảm bảo không bị biến dạng vật liệu. Nhưng qua kiểm tra, tổ điều tra khẳng định ắc neo đã bị chế tạo bằng phương pháp gia nhiệt thổi xuyên chiều dày dẫn đến biến đổi tính chất cơ lý của vật liệu, giảm khả năng chịu lực và gây đứt đột ngột.
Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Tổ trưởng Tổ điều tra độc lập nguyên nhân vụ lật cầu treo Chu Va 6, khẳng định nguyên nhân đoàn người đi trên cầu gây quá tải có thể bãi bỏ hoàn toàn. Tải trọng trên cầu có thể chịu được 11,34 tấn. Ngay cả dao động cộng hưởng cũng không thể xảy ra vì đoàn người đi không đều. Dao động cộng hưởng chỉ xảy ra khi đoàn người đi đều.
“Cầu Chu Va 6 dài 54m, rộng 1,5m. Cáp neo xuất xứ Hàn Quốc có khả năng chịu lực 72,4 tấn. Khả năng chịu lực của cáp neo gấp 4,43 lần khả năng tính toán, ắc neo chịu lực gấp 6 lần, bộ phận nhỏ nhất của bộ phận neo có khả năng chịu khoảng 120 tấn, gấp 3,67 lần so bình thường. Vì vậy ngay cả đoàn người đi chiếm 1/2 cũng không thể gây lật được”, ông Hà khẳng định.
Video đang HOT
Vấn đề còn lại là công nghệ chế tạo dẫn đến suy giảm vật liệu của ắc neo. Cường độ ắc neo phải xuống rất thấp, chỉ khoảng 200 – 300kg/1cm2 nên đã đứt ắc neo. Tuy nhiên bộ phận này đang được cơ quan điều tra niêm phong nên muốn xác định rõ nguyên nhân phải giám định bằng phương pháp phân tích quang phổ và độ cứng của ắc neo. Nguyên nhân về kỹ thuật đã rất rõ. Cần xác định thêm khả năng chịu lực của ắc neo.
Đề nghị khởi tố vụ án
Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là tai nạn rất lớn, không thể đổ lỗi do người dân đi quá tải gây lật cầu. Vì vậy, cần sớm giám định ắc neo, có thể mang máy giám định lên hoặc mượn về giám định. Cần công bố nguyên nhân sớm nhất, xác định rõ trách nhiệm của đơn vị thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu. “Chậm nhất ngày 10 này phải có kết luận bằng văn bản và công khai trên báo chí”, Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng yêu cầu Tổ điều tra độc lập của Bộ GTVT phối hợp với công an để giám định ắc neo. Bên cạnh đó kiểm tra toàn bộ trụ tháp cầu được làm đúng quy trình không? Tại sao phải ốp gạch? Từ đó xác định rõ trách nhiệm các bên liên quan. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ có văn bản đề nghị cơ quan công an khởi tố vụ án, phải làm đến cùng để làm gương.
“Chúng ta đang nợ người dân Chu Va một lời xin lỗi, một kết luận nguyên nhân rõ ràng vụ lật cầu. Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, xử lý trách nhiệm các đơn vị liên quan”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Theo Xahoi
Lật cầu Chu Va 6: Đoàn đưa tang được giải oan
Nguyên nhân lật cầu Chu Va 6 không phải do đoàn đưa tang như một số thông tin trước đó, tổ điều tra vụ lật cầu cho biết.
Hôm nay (6/3), báo cáo với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Tổ điều tra độc lập cho biết, nguyên nhân lật cầu Chu Va 6 (ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) không phải do quá tải.
Trước đó, trả lời báo chí, chính quyền địa phương tại Lại Châu cho rằng, cầu lật là do đoàn người đưa tang quá đông, gây quá tải. Một số lãnh đạo tỉnh Lai Châu cũng cho rằng, cầu chỉ có tải trọng 1,5 tấn nhưng gần 50 người đi đám ma đứng trên câu khiến sức nặng vượt quá chỉ số này.
Theo Tổ điều tra của Bộ, bộ phận ắc neo tăng đơ bị gãy đã được chế tạo sai so với thiết kế. Ắc neo này phải được thiết kế với tiết diện 50cm2, nhưng thực tế tại hiện trường chỉ khoảng 24cm2. Bản thiết kế lưu ý, ắc neo phải được chế tạo bằng phương pháp khoan tạo lỗ, không được dùng phương pháp gia nhiệt, để đảm bảo không bị biến dạng vật liệu.
Nhưng qua kiểm tra, Tổ điều tra phát hiện, ắc neo đã được chế tạo bằng phương pháp gia nhiệt thổi xuyên chiều dày. Điều này dẫn đến biến đổi tính chất cơ lý của vật liệu, giảm khả năng chịu lực, gây đứt đột ngột.
Cây cầu đứt cách mặt suối gần 10m
Tổ điều tra cũng cho hay, cầu có thể chịu được tải trọng hơn 11 tấn. Đoàn người đi đưa đám ma cũng không đi đều nên không thể tạo ra lực cộng hưởng. Vì vậy, tổ điều tra loại bỏ nguyên nhân lật cầu do đoàn người đi trên cầu gây quá tải.
Trả lời chúng tôi, kỹ sư Phan Xuân Đại (giảng viên về cầu - Đại học Dân lập Phương Đông) cho biết: Theo tiêu chuẩn, tải trọng cầu bộ hành phải đạt khoảng 3 kN/m2. Nghĩa là, cứ 1m2 cầu có thể chịu tải trọng của khoảng 4 người. Trong khi đó cầu Chu Va dài 54m và rộng 2m. Tổng diện tích cầu là 108m2. Vậy số người đi trên cầu có thể rất nhiều. Theo kỹ sư này, lấy lý do tải trọng ghi trên cầu 1,5 tấn rồi cho rằng số người qua cầu quá đông, gây quá tải là không đúng.
ThS. Chu Viết Bình (Phó trưởng Bộ môn Cầu hầm - Đại học GTVT Hà Nội) cho biết, tải trọng cầu bộ hành phải được tính trên mét vuông mặt cầu. Tính tương đối, cầu đi bộ phải đạt tiêu chuẩn 300kg/m2.
Theo ông Bình, cầu Chu Va 6 không thiết kế cho xe đi lại nên tất nhiên phải ghi giới hạn tải trọng xe qua. Ông Bình không đánh giá sự cố lật cầu Chu Va 6 có phải do quá tải trọng hay không. Bởi ngoài số người đi trên cầu còn có thể có những vật nặng mang theo. Việc này do cơ quan chức năng giám định.
"Với người đi không, tải trọng cầu bộ hành không bao giờ hạn chế số người. Cứ dắt tay nhau mà đi!" - ThS. Bình nói.
Một vấn đề khác đang được xem xét là công nghệ chế tạo dẫn đến suy giảm vật liệu của ắc neo. Tổ điều tra của Bộ GTVT cho hay, phải giám định bằng phân tích quang phổ để xác định độ cứng của ắc neo.
Tại cuộc họp với Tổ điều tra sáng nay, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói rằng, sẽ đề nghị cơ quan công an khởi tố vụ án lật cầu Chu Va 6.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng cũng yêu cầu nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, xử lý trách nhiệm các đơn vị liên quan.
"Chúng ta đang nợ người dân Chu Va một lời xin lỗi, một kết luận nguyên nhân rõ ràng vụ lật cầu. " - Bộ trưởng Thăng nói tại cuộc họp.
Trước đó, trong thông cáo báo chí của Bộ GTVT sau 10 ngày xảy ra vụ lật cầu, Tổ công tác kỹ thuật cũng đã nói đến việc ắc neo cầu Chu Va 6 bị giảm khả năng chịu lực so với thiết kế.
Thông cáo nêu rõ: Theo thiết kế, bộ phận ắc neo tăng đơ làm bằng vật liệu thép đúc có khả năng chịu lực 100 tấn/1 bên, tổng khả năng chịu lực là 200 tấn, lớn hơn khả năng chịu lực yêu cầu 6,1 lần. Tuy nhiên qua kiểm tra, Tổ công tác kỹ thuật của Bộ nhận thấy, ắc neo nói trên có hiện tượng phá hoại giòn, đứt vỡ đột ngột. Bề mặt lỗ chốt ắc neo phía trong lồi lõm, có biểu hiện được gia công tạo lỗ bằng cách gia nhiệt thổi xuyên chiều dày, làm thay đổi tính chất cơ lý của vật liệu, giảm khả năng chịu lực.
Sáng 24/2, khi đoàn đưa tang một người dân qua cầu Chu Va 6 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) thì cầu bị lật , khiến 8 người chết và 38 người bị thương. Trong khi cơ quan chức năng đang đặt nghi vấn về chất lượng của ắc neo bị đứt, người dân lại phát hiện trụ cầu Chu Va 6 có gạch bên trong chứ không phải bê tông. Sau đó, Sở GTVT Lai Châu giải thích rằng, đã kiểm tra và xác định đó chỉ là lớp gạch bao ngoài để đảm bảo mỹ quan.
Theo Khampha
Mấu chốt trong vụ sập cầu Chu Va "Khi thép từ ắc neo tăng đơ chịu cường độ cao thì sẽ thay đổi. Khả năng chịu lực rất yếu và gặp tải trọng nặng thì có thể xảy ra đứt ốc neo dẫn đến sập cầu..." - TS cầu đường Hồ Tuấn Sỹ phân tích nguyên nhân có khả năng dẫn đến việc sập cầu Chu Va 6 ở Lai Châu....