Đề nghị bổ sung “tội lãng phí” để xử hình sự người… vung tiền
Đại biểu Quốc hội yêu cầu nhấn mạnh quyền giám sát của người dân về việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trách nhiệm xử lý thông tin tố giác lãng phí, quy định xử lý hình sự người lãng phí, đề nghị bổ sung tội danh vào Bộ luật hình sự…
Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, có nhiều ý kiến đề nghị luật chỉ quy định vấn đề này đối với khu vực nhà nước, không quy định đối với khu vực sản xuất, kinh doanh ngoài nhà nước và tiêu dùng của nhân dân vì lãng phí xảy ra và gây bức xúc trong xã hội chủ yếu trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Việc đưa ra các quy định điều chỉnh đối với khu vực tư nhân đòi hỏi nhà nước phải kiểm soát, điều chỉnh các hoạt động này. Điều này có thể dẫn đến hạn chế quyền sở hữu về tài sản của các tổ chức, cá nhân. Còn nếu chỉ dừng dừng ở mức độ khuyến cáo và không có chế tài xử lý thì không nên quy định trong luật.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển trăn trở với tình trạng lãng phí tài sản công (Ảnh: Việt Hưng)
Không tán thành hướng lập luận này, ông Hiển lật lại, luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí có liên quan đến hầu hết quy định thuộc các luật khác, nhưng vì những luật này chưa quy định đầy đủ các hành vi, chế tài xử lý đối với nhiều lĩnh vực quan trọng, dẫn đến tình trạng xảy ra lãng phí lớn xảy ra. Vì vậy, quy định với cả khu vực tư vẫn bảo đảm quyền tự định đoạt tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Hiến pháp, vẫn bảo đảm thực hiện chủ trương “tiết kiệm là quốc sách”, nhằm khuyến khích và nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân.
Về các cơ chế công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc chống lãng phí, nhiều ý kiến “phê” những quy định này còn chung chung.
Tiếp thu góp ý này, UB Thường vụ QH đã bổ sung thêm một số lĩnh vực, hoạt động dễ xảy ra lãng phí phải công khai như chương trình, kết quả xử lý vi phạm về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đồng thời giao Chính phủ quy định rõ nội dung, hình thức, thời điểm công khai trong từng lĩnh vực cho phù hợp và bảo đảm tính khả thi.
Về giám sát, dự thảo luật quy định công dân có quyền giám sát việc thực hiện quy định thông qua hình thức dân chủ trực tiếp (như tố giác, khiếu nại, tố cáo) hoặc gián tiếp (như phản ánh với đại biểu dân cử, MTTQ). Để khuyến khích, động viên công dân phát hiện và phản ánh lãng phí, luật không quy định về trách nhiệm giám sát của công dân mà chỉ đặt ra trách nhiệm với các cơ quan nhà nước liên quan.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định bổ sung trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, người đứng đầu cơ quan chủ quản cấp trên trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin phát hiện lãng phí.
Video đang HOT
Báo cáo của Chủ nhiệm UB Thường vụ Quốc hội cũng khái quát, một số ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm trong việc ban hành chính sách không phù hợp gây lãng phí. Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo đã thống nhất tiếp thu ý kiến này, bổ sung Điều 16 trong dự thảo luật quy định cụ thể nội dung này.
Về tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành công trình xây dựng, đại biểu cũng góp ý cần quy định, làm rõ điều kiện đối với công trình của địa phương, tránh tổ chức động thổ, khánh thành tràn lan, gây lãng phí.
UB Thường vụ Quốc hội giải thích, dự thảo luật đã giao Thủ tướng quyết định việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành đối với công trình quan trọng quốc gia. Còn đối với địa phương, nếu quy định cứng trong luật sẽ khó khăn trong thực hiện nên vẫn giao Thủ tướng quy định chi tiết vấn đề này.
Sau hết, nhiều đại biểu băn khoăn về việc luật có quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lãng phí nhưng Bộ luật Hình sự hiện không có điều khoản, tội danh nào quy định việc xử lý hành vi này. Nhận định ý kiến của đại biểu hoàn toàn xác đáng, UB Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề sớm hoàn thiện, đưa nội dung xử lý hành vi lãng phí vào Bộ luật Hình sự.
P.Thảo
Theo Dantri
Quốc hội quyết ngân sách kiểu... chuyện đã rồi (!?)
Bàn về "quyền lực nhà nước ở địa phương", đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, quan điểm này sẽ duy trì nhiều HĐND hoạt động rất hình thức. Ông cảnh báo, ngay cả Quốc hội hiện tại, trong việc quyết định ngân sách cũng đành gật đầu cho những... chuyện đã rồi.
Từ ngày 25/9, UB Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 (bắt đầu từ cuối tháng 10/2013). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh yêu cầu tạo ra sự đồng thuận cao nhất tại kỳ họp thứ 6 về việc sửa đổi Hiến pháp 1992, Luật Đất đai để có thể thông qua hai văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng này đúng kỳ hạn .
Đối với dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội gợi ý 7 vấn đề lớn cần tập trung thảo luận như quy định về vai trò, vị trí, sự lãnh đạo của Đảng (Điều 4); thể chế chính trị; chế độ kinh tế, các thành phần kinh tế, vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước; nội dung đất đai; về xây dựng bộ máy nhà nước, sự cần thiết, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hướng tổ chức của Hội đồng Hiến pháp.
Về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là tài nguyên có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội và thậm chí cả quốc phòng, an ninh. Đến nay, các vấn đề về thu hồi đất đai, đền bù đất đai, đền bù, hỗ trợ sau khi thu hồi, hỗ trợ tái định cư, giá đất... vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau cần tiếp tục thảo luận để thống nhất.
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để bàn về dự thảo Hiến pháp, dự thảo luật Đất đai sửa đổi sẽ kéo dài 2 ngày.
Hà Nội, TPHCM có "thành phố trong thành phố"?
Đề cập câu chuyện đang nổi lên liên quan đến việc tổ chức chính quyền địa phương, xây dựng mô hình chính quyền đô thị... các đại biểu đề cập nhiều đến quy định tại Điều 113 của dự thảo về "quyền lực nhà nước ở địa phương".
Không tán thành quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, tiếp tục quan điểm này thì "sẽ còn duy trì nhiều HĐND hoạt động một cách rất hình thức, xuân thu nhị kỳ họp để quyết định những việc mà... người khác đã quyết rồi". Ông Lịch thậm chí cảnh báo, ngay cả Quốc hội hiện tại, như trong việc quyết định ngân sách cũng trong tình trạng đành bấm nút, gật đầu cho những chuyện đã rồi.
Tán thành hướng phân tích của ông Lịch, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho biết, qua giám sát tại địa phương có thể thấy việc thực hiện quyền lực của HĐND ở cấp tỉnh rất tốt, cấp huyện chỗ được chỗ không, nhưng cấp xã thì rất yếu, HĐND mang tính hình thức.
Băn khoăn với tất cả các hướng đề xuất đưa ra về mô hình chính quyền địa phương, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) chỉ rõ mọi lập luận đều chưa thông vì chưa có kết quả tổng kết việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Vậy nên, duy trì cách tổ chức 3 cấp chính quyền như hiện nay thì được cho là cồng kềnh, không hiệu quả, hình thức nhưng mô hình đề xuất phân biệt chính quyền đô thị, chính quyền nông thông, tổ chức "thành phố trong thành phố" cũng rất khó hiểu.
"Lý lẽ thế nào, khi mà cách đây không lâu chúng ta chuyển TP Hà Đông thành quận, TP Sơn Tây thành thị xã thuộc Hà Nội, rồi bây giờ lại đưa ra mô hình "thành phố trong thành phố?" - ông Châu đặt câu hỏi.
Giải đáp thắc mắc của ông Châu, đại biểu Huỳnh Thành Lập (TPHCM) đi từ thực tế tại thành phố của mình. Với một đô thị phát triển lan tỏa như TPHCM, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được dùng chung, một con đường đi qua nhiều phường, nhiều quận, nhà cạnh nhà phố cạnh phố. Nay thay vì tổ chức 3 bộ máy chính quyền địa phương ở quận Thủ Đức, quận 9, quận 12 thì nhập lại thành thành phố Thủ Đức trực thuộc TPHCM (thực chất trước đây đã là huyện Thủ Đức cũ) là phù hợp và thuận tiện trên nhiều phương diện, cả cho công tác quản lý, cả cho người dân.
Như vậy, việc bổ sung đơn vị hành chính "thành phố trực thuộc TƯ" với 2 cấp chính quyền (HĐND, UBND được tổ chức ở cấp tỉnh/thành phố trực thuộc, cấp "thành phố trong thành phố", bỏ cấp quận, phường) là hợp lý. Ở địa bàn nông thôn, chính quyền địa phương vẫn duy trì 3 cấp tỉnh - huyện - xã.
Hội đồng Hiến pháp không cao hơn Quốc hội nhưng lại được "hủy" luật?
Về vấn đề thành lập cơ quan bảo hiến, đa số ý kiến phát biểu đều tán thành quy định trong dự thảo về chế định Hội đồng Hiến pháp, song yêu cầu làm rõ về vị thế, thẩm quyền của cơ quan này.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (Ủy viên thường trực UB Tư pháp) phân vân: "Cơ quan này không thể có vị thế cao hơn Quốc hội. Vậy việc kiểm soát các luật, nghị quyết của Quốc hội cũng như các văn bản quy phạm pháp luật do Chủ tịch nước, Thủ tướng ban hành có vướng gì không?".
Ông Đương gợi ý cách tổ chức cơ quan này ở nhiều nước là trao quyền "tiền kiểm", tức kiểm soát từ trước khi thông qua đối với các văn bản loại văn bản này.
Còn đối với loại văn bản dưới luật do các bộ ngành, địa phương ban hành, vì số lượng rất lớn và tình trạng vi phạm pháp luật cũng nhiều, đại biểu cho rằng vẫn nên áp dụng cơ chế "hậu kiểm". Khi đó, Hội đồng Hiến pháp cần được trao quyền tạm đình chỉ, sau 3 tháng không sửa đổi thì văn bản tự động hết hiệu lực thi hành.
Bỏ một "phiếu thuận" cho đề xuất của ông Đương, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) góp ý thêm là nên quy định trong Hiến pháp vấn đề Hội đồng Hiến pháp là cơ quan chuyên trách của Quốc hội và quy định về vai trò, chức năng và tổ chức bộ máy trong luật.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị bổ sung chức năng của Hội đồng Bầu cử quốc gia cho Hội đồng Hiến pháp và cho rằng không cần phải có thêm thiết chế "Hội đồng Bầu cử quốc gia" vốn không hoạt động thường xuyên.
P.Thảo
Theo Dantri
"Đếm" số giấy tờ có thể bỏ sau khi cấp mã số định danh Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quản lý dân cư quốc gia giai đoạn 2013-2020 (đề án 896) chính thức ra mắt và họp phiên thứ nhất tại trụ sở Chính phủ sáng nay, 6/9. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh,...