Đề nghị bỏ quy định đăng ký giữ quốc tịch với kiều bào
Trình UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sửa Điều 13 của luật Quốc tịch để gỡ tình trạng hàng triệu Việt kiều sẽ mất quốc tịch từ tháng 7/2014 tới, Chính phủ đề xuất phương án nới thời hạn cuối thêm 5 năm, đến 2019.
Đông đảo kiều bào trong một cuộc gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch năm 2008, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.
Theo quy định này, thời hạn đăng ký giữ quốc tịch sẽ kết thúc vào ngày 1/7/2014. Khi đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật Quốc tịch Việt Nam, những người không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ đương nhiên mất quốc tịch.
5 năm qua, theo thống kê, mới chỉ khoảng 6.000 Việt kiều đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trong khi hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài. Như vậy, từ tháng 7 tới, hàng triệu Việt kiều sẽ mất quốc tịch.
Để gỡ vướng trong tình huống này, Chính phủ đề xuất sửa Điều 13 luật Quốc tịch hiện hành. Dự thảo luật sửa đổi trình UB Thường vụ Quốc hội xem xét trong buổi làm việc ngày 16/5 nêu 2 phương án.
Phương án 1 quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 1/7/2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trước ngày 1/7/2019 để giữ quốc tịch Việt Nam. Theo đó, thời hạn đăng ký giữ quốc tịch dành cho Việt kiều được nới thêm 5 năm.
Phương án 2 không quy định thời hạn cụ thể mà chỉ khẳng định người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam nhưng phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.
Video đang HOT
Thẩm tra nội dung này, UB Pháp luật của Quốc hội cho biết, ngoài 2 loại ý kiến như trên, nhiều người còn đề nghị bỏ quy định về việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam vì quy định này đã thể hiện sự bất cập, thiếu tính khả thi và không phù hợp với thực tiễn. Đa số ý kiến trong Thường trực UB tán thành với loại ý kiến này. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số ý kiến băn khoăn về hệ quả pháp lý cần giải quyết khi bãi bỏ các quy định này, đặc biệt là tình trạng không rõ ràng về quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ tiếp tục kéo dài mà không có hồi kết.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý chốt lại 2 phương án trình Quốc hội thảo luận, quyết định, khác với nội dung đề xuất của Chính phủ.
Phương án 1, gia hạn thời hạn đăng ký quốc tịch Việt Nam đối với Việt kiều thêm 5 năm, đồng thời bổ sung quy định người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được làm thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam để tạo sự liên thông, gắn kết giữa việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam với thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam.
Phương án 2, bãi bỏ quy định tại khoản 2 Điều 13 và khoản 3 Điều 26 của Luật quốc tịch Việt Nam về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng ký giữ quốc tịch. Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa thôi quốc tịch Việt Nam hoặc chưa bị tước quốc tịch vẫn đương nhiên có quốc tịch Việt Nam; được cấp, đổi hộ chiếu Việt Nam khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật Việt Nam.
P.Thảo
Theo Dantri
Vì sao 350.000 tú tài chưa biết học thêm nghề gì?
Cộng cả số học sinh tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số học sinh bỏ học và trượt tốt nghiệp hàng năm thì con số này khoảng 350.000 HS. Đây là con số mà Bộ GD-ĐT đã tổng hợp và thông báo. Vậy, vì sao các em lại chưa biết học thêm nghề gì?
Nhiều học sinh tốt nghiệp THPT chưa biết học thêm nghề gì. (Ảnh: Hồng Hạnh)
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, quy mô tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm học 2011 - 2012 tăng hơn năm học trước quy mô tuyển sinh vào ĐH, CĐ trên 433.000 sinh viên chiếm 46,5% học sinh (HS) tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, HS tốt nghiệp THPT vào TCCN là 208.833 HS, chiếm 22,4%. Phần còn lại vào học nghề hoặc chưa tiếp tục học.
Theo thống kê trong năm học 2010 - 2011 cả nước có khoảng 185.000 HS tốt nghiệp THPT nhưng không vào ĐH, CĐ hoặc TCCN. Năm 2011 - 2012, con số này là 290.000. Đặc biệt số HS bỏ học và trượt tốt nghiệp khá lớn trong 2 năm qua. Năm 2010 - 2011 có khoảng 163.000 HS, năm 2011 - 2012 khoảng 109.000 HS trượt tốt nghiệp và bỏ học giữa chừng.
Nếu cộng cả số HS tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số HS bỏ học và trượt tốt nghiệp hàng năm thì con số này khoảng 350.000 HS. Nếu những HS này được học nghề từ sớm thì hiệu quả kinh tế cao hơn.
Giải thích nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, lãnh đạo Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều nguyên nhân do nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội nói chung đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; Hệ thống thông tin thị trường lao động nghèo nàn; Thiếu việc làm trên thị trường lao động và điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận do công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường yếu kém do thiếu đội ngũ chuyên gia am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động. Chương trình giáo dục hướng nghiệp dạy nghề phổ thông được thiết kế thiếu kết cấu liền mạch phát triển con đường học nghề cho các em. Bên cạnh đó, quy mô và điều kiện của các cơ sở dạy nghề và trường TCCN chưa đáp ứng được nhu cầu phân luồng HS. Chương trình đào tạo liên thông từ trường TCCN lên ĐH,CĐ còn hạn chế. Bên cạnh đó thiếu chính sách khuyến khích đối với HS, các trường tuyển hệ tốt nghiệp THCS.
Học sinh chỉ thích chọn nghề "nhàn nhã", phụ huynh sính bằng cấp
Tiến sĩ Phạm Văn Khanh - Chủ tịch Hội khoa học tâm lý và giáo dục tỉnh Tiền Giang cho biết, đã có một khảo sát về những khó khăn công tác phân luồng HS hiện nay ở 4 tỉnh phía Bắc đồng bằng sông Cửu long. Theo đó, với HS sau THPT sự hiểu biết về thế giời nghề nghiệp còn nhiều sai lệch,chỉ thích chọn nghề "nhàn nhã", nghề có đẳng cấp, vị thế trong xã hội nhiều hơn là nghề phù hợp với bản thân. Đa số HS cho rằng mình chọn nghề chứ không phải là nghề chọn mình nên có tới 98% HS THPT được hỏi đã chọn dự thi ĐH, CĐ, không chọn trường trung cấp, trường nghề mặc dù có tới 22% HS có lực học trung bình, kém.
"Giáo dục hướng nghiệp chưa giúp cho HS ý thức sẵn sàng trở thành người lao động vì có nhiều HS sau học vấn phổ thông lại dễ dàng chấp nhận tham gia lao động giản đơn không qua đào tạo, chấp nhận làm việc bấp bênh, dễ thay đổi, dễ bỏ việc, mất việc. Những nguyên nhân trên góp phần làm cho các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong 3 năm qua không tuyển đủ chỉ tiêu, có trường đứng trước nguy cơ giải thể mặc dù nguồn tuyển trong địa bàn là không thiếu" - TS Khanh cho hay.
TS Khanh cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới nhiều HS không biết làm gì sau tốt nghiệp THPT là đa số phụ huynh tâm lý khoa bảng, bằng cấp còn khá nặng nề. Nhiều phụ huynh chỉ muốn con em tiếp tục học lên ĐH,CĐ chứ không muốn vào học GDTX hay TCCN, trung cấp nghề mặc dù học lực của con em yếu kém. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị máy móc cho dạy và học nghề không đáp ứng yêu cầu, kỹ năng thực hành nghề, xin việc làm của HS sau khi ra trường còn nhiều hạn chế. Công tác hướng nghiệp trong các trường trung học chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trường còn bỏ ngỏ công tác này.
Công tác hướng nghiệp học nghề hiện nay, nhiều địa phương, trường học còn thờ ơ.
Tiến sĩ Lê Đông Phương - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, đa số HS, nhất là HS THCS đều "đói" thông tin nghề nghiệp, điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự lựa chọn phân ban và định hướng học tập hàn lâm sau này của HS THPT.
Tiến sĩ Phương cho hay, bây giờ có tới 2/3 HS lớp 10 đăng ký học ban Khoa học tự nhiên để thi khối A, trong khi rất nhiều em có năng lực và sẽ có tương lai thực sự nếu lựa chọn các hướng khác. Cùng với hiện tượng này, phần lớn HS chọn thi vào những trường, những ngành có cái danh "kêu" mà không quan tâm tới mình có đủ năng lực hay không, ngành này có cơ hội việc làm ra sao? Điều này được phản ánh bởi con số trên 30% thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ trong những năm vừa qua chọn các ngành thuộc khối Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng mà không quan tâm tới khả năng "lọt cửa" của mình.
"Chương trình, nội dung giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông không đồng bộ, thiếu tính thực tế. Việc thực hiện không được giám sát chặt chẽ. Nội dung hướng nghiệp đưa đến cho HS quá muộn" - TS Phương nhấn mạnh.
Lãn đạo Sở GD-ĐT Cần Thơ cho rằng: Cần có chiến lược tổng thể trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Cần tuyên truyền mạnh mẽ cho các em thấy được lao động ở lĩnh vực nào cũng cần thiết, được kính trọng và được đãi ngộ xứng đáng nếu có tay nghề cao và làm việc hết mình. Bên cạnh đó, cần có chính sách miễn, giảm học phí cho đối tượng HS tốt nghiệp THCS vào học các trường TCCN, trung cấp nghề của địa phương, nhất là những đối tượng ở vùng nông thôn, vùng kinh tế còn khó khăn.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh kiến nghị: Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để HS học tại các trường TCCN và dạy nghề học tiếp nâng cao trình độ. Chỉ đạo tích cực các địa phương thực hiện có kết quả nhiệm vụ phổ cập giáo dục bậc trung học, trong đó có 15% HS tốt nghiệp THCS vào học tại các trường TCCN và 15% vào học tại các trường nghề.
Hồng Hạnh
Theo Dantri
Sẽ gia hạn thêm 5 năm đề Kiều bào đăng ký giữ quốc tịch Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam có thêm 5 năm để đăng ký giữ quốc tịch (đến ngày 1/7/2019)... Chính phủ đồng ý gia hạn thêm 5 năm để kiều bào đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam Ngày 21/7, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng về...