Để nêu gương trở thành tự giác
Các tiêu chuẩn đạo đức, tư cách của toàn xã hội phải được nâng cao một bước, trong đó, đạo đức tư cách của CBCC phải trở thành tiêu chuẩn tiêu biểu…
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã lưu ý cần có giải pháp phù hợp đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và nêu gương trong công tác nhân sự. Theo đó, cán bộ tự cảm thấy không đủ năng lực, điều kiện, tiêu chuẩn, không đáp ứng yêu cầu công việc thì chủ động xin nghỉ, đó mới là nêu gương.
Chia sẻ quan điểm hoàn toàn đồng tình với nhận định trên, TS Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp đã phân tích thêm về vấn đề này.
TS Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp. Ảnh: TTO
Cán bộ phải nêu gương đạo đức
PV: – Ông đánh giá thế nào về chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư? Quan điểm của ông về việc này thế nào?
TS Lê Hồng Sơn: – Trước hết, tôi rất đồng tình với ý kiến của ông Trần Quốc Vượng. Việc đưa ra các giải pháp phù hợp để cán bộ, công chức nêu gương trong cuộc sống, trong thi hành công vụ là một giải pháp gốc rễ nhằm nâng cao đạo đức, điều chỉnh hành vi của họ.
Thực ra, nói nêu cao đạo đức phải trở thành tấm gương trong cuộc sống của cán bộ, công chức là biện pháp rất căn cơ, quan trọng trong chống tham nhũng, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền. Tôi hoàn toàn đồng tình điều này. Cần phải nhìn rộng ra, vấn đề đạo đức, tư cách của cán bộ, công chức là một trong những nền tảng tiêu chuẩn đầu tiên của từng cá nhân trong xã hội. Như vậy nó phải xuất phát từ một nền tảng xã hội trong sạch, lành mạnh. Các tiêu chuẩn đạo đức, tư cách của toàn xã hội phải được nâng cao một bước và trong đó, đạo đức tư cách của cán bộ, công chức phải trở thành một tiêu chuẩn tiêu biểu.
Nói như vậy nghĩa là, trước hết cán bộ, công chức phải là một công dân tiêu biểu có đạo đức, tư cách tốt cái đã. Đấy là nền tảng. Từ cái nền tảng đạo đức, tư cách của một công dân tốt trong xã hội thì một cán bộ công chức mới có được nền tảng, chỗ dựa để trở thành một cán bộ, công chức có tư cách, đạo đức tốt, mới nêu gương được cho xã hội.
Tôi nói như vậy để ta thấy được tính liên thông, kết nối giữa đạo đức chung của xã hội với đạo đức, sự nêu gương của cán bộ, công chức.
Đã có lần tôi nói, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức tiêu cực, tham nhũng, tha hóa, biến chất. Điều này một số lãnh đạo cao cấp đã khẳng định. Tôi xin nói thêm là, trong số không nhỏ đó, có một bộ phận thực chất đã bị tha hóa, biến chất một cách nghiêm trọng. Số bị tha hóa này chính là tác giả của các hành vi tiêu cực, tham nhũng, tha hóa, biến chất mà lâu nay Đảng và Nhà nước đã đấu tranh quyết liệt, đưa ra xử lý nhiều trường hợp điển hình làm cho xã hội hài lòng, ủng hộ, niềm tin được củng cố.
Bên cạnh số bị tha hóa, biến chất nghiêm trọng này mới là một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức coi vị trí, nơi làm việc của mình như một nơi lưu trú bình yên, an toàn cho cuộc đời của họ. Số này hiện nay cũng không nhỏ đâu, họ lười biếng, vô cảm, thiếu suy nghĩ, thiếu động não khi thi hành công vụ, “mũ ni che tai”. Đây cũng là chỗ dựa cho những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất khi thực hiện những tham vọng, ý đồ cá nhân của họ.
Nói biện pháp để cho cán bộ, công chức có thể nêu gương trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực là biện pháp căn cơ, gốc rễ, ta cũng không nên quên muốn phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì ở các nước người ta đã có kết luận rồi, là tạo một môi trường, điều kiện thi hành công vụ sao cho cán bộ, công chức “không thể, không muốn và không dám tham nhũng”.
Như thế nào là không thể, như thế nào là không muốn và không dám thì công luận đã nói nhiều rồi và tôi không nói lại. Ta phải thấy ở Việt Nam cả ba yếu tố “không thể, không muốn, không dám” đều đang có những vấn đề cần chấn chỉnh, cần phải gia công, hoàn thiện thì mới đạt được yêu cầu, mong muốn.
Quay trở lại vấn đề nêu gương, tôi cũng xin nói một thực tế là, trong môi trường hiện nay, việc giữ một nhân cách trong sáng, cuộc sống bình yên, an nhiên mà không cần tiêu cực, tham nhũng không hề dễ chút nào. Thậm chí có nơi, có lúc, người trong sáng, có đạo đức, có tư cách, có nhân cách và liêm sỉ tồn tại một cách khá khó khăn, khá chật vật. Cá biệt có nơi, người tốt, người có tư cách đạo đức không khéo sẽ bị cô lập, bị vô hiệu hóa trước một số đông vô cảm, “mũ ni che tai”, a dua theo tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình.
Tôi có thể mạnh dạn nói rằng vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực lớn, nghiêm trọng hiện đang thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, đã có những dấu hiệu lan tỏa kết quả và hiệu quả tới nhiều bộ ngành và địa phương. Đấy là dấu hiệu rất đáng mừng.
Video đang HOT
Tuy nhiên, tôi xin nói thêm là, tiêu cực, tham nhũng vừa, tham nhũng vặt trong các cơ quan, đơn vị, địa phương hiện đang khá phổ biến. Từ thực tiễn của tôi, tôi có thể nói rõ một số công chức, lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh từ trước đến nay là tác giả và là người tạo điều kiện cho tham nhũng vừa, tham nhũng vặt trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình từ trước đến nay. Vậy nhưng vẫn thấy họ điềm nhiên ngồi trong nhiều hội nghị bàn về tham nhũng, tiêu cực.
Tham nhũng vặt ở một số bộ ngành, địa phương đang là câu chuyện khá phổ biến, trở thành chuyện bình thường mà nếu ai đó muốn ngăn cản, muốn chống sẽ lập tức bị cô lập, dễ bị vô hiệu hóa. Một trong những biểu hiện điển hình của loại tham nhũng này là làm khống hồ sơ chứng từ, ký khống hợp đồng, danh sách họp để giải ngân.
Thường là trong một hội nghị các đại biểu bị yêu cầu ký từ 2 đến 3 chứng từ họp. Các hợp đồng đều để trống giá trị của hợp đồng.
Hành vi tham nhũng vặt này thường giúp những kẻ tiêu cực, tham nhũng vặt lấy được – 1/3 ngân sách chi cho việc này để tư túi, chia nhau. Rất đáng lưu ý là tại các hoạt động này, phần lớn cán bộ, công chức trẻ mới vào đều được giao và điềm nhiên đưa ra yêu cầu để các đại biểu ký khống vào danh sách họp, chứng từ có liên quan. Họ vô tư, thoải mái khi thực hiện các hành vi ăn cắp vặt này. Khi được hỏi thì thường nhận được câu trả lời: “Các sếp yêu cầu làm vậy”.
Rất chua xót, bất lực và thật buồn vì thế hệ trẻ đang bị lôi vào, trở thành một chủ thể của tham nhũng vặt trong cơ quan, đơn vị. Nhiều cán bộ, công chức trẻ đang bị tha hóa, đang bị lôi kéo vào tiêu cực, tham nhũng một cách rất tự nhiên. Tôi cũng tham gia nhiều hoạt động đào tạo và cũng biết nhiều thông tin về thực tiễn giáo dục đào tạo nói chung, nên đã có lần nói nửa đùa, nửa thật rằng: “Các bạn làm quen với tiêu cực, tham nhũng này từ lúc còn bé, từ lúc còn đi học, từ lúc mới vào cơ quan, đơn vị, nên đạo đức, tư cách, nhân cách, liêm sỉ bị nhuốm màu, bị tha hóa từ bao giờ không biết”.
Những thực tế tôi điểm qua ở trên cho thấy, việc nâng cao đạo đức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức khó biết chừng nào. Sự tha hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong một môi trường xã hội được nói ở trên khó khắc phục biết chừng nào. Tuy vậy, trong thời gian gần đây, ta thấy trong xã hội cũng như trong nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, lực lượng tích cực có trách nhiệm, có liêm sỉ đang dần được phát huy, được nâng lên. Cùng với các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội được nêu ra gần đây, tin rằng các yêu cầu cơ bản về đạo đức, tư cách, liêm sỉ trong xã hội, trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ được vực dậy, được nâng lên.
Như trên đã nói, vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, công chức là vấn đề cốt lõi, gốc rễ, nhưng cũng cực kỳ gian nan. Lý do chính ở đây là môi trường xã hội và nhận thức của từng cá nhân cán bộ, công chức để điều chỉnh hành vi của mình, của từng cá nhân theo hướng nào? Đã có thời gian khá dài môi trường xã hội và nhận thức chung rất dễ làm cho cán bộ, công chức bị điều chỉnh, lôi kéo theo hướng tiêu cực. Đến mức mà, khi nghe ý kiến tham mưu về xử lý cán bộ, công chức tiêu cực, tham nhũng, một lãnh đạo cấp cao đã từng nói “Xử lý cán bộ, công chức vi phạm như các cậu đề xuất thì còn lấy ai làm việc nữa”. Việc này đã khá lâu rồi.
Theo tôi được biết trong khí thế và kết quả tích cực của việc phòng, chống tham nhũng hiện nay, vẫn còn thi thoảng, ở đâu đó, những e ngại muốn né tránh, làm giảm bớt tinh thần và quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta.
Tổng Bí thư và một số lãnh đạo cao cấp đã tiếp tục khẳng định quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Việc ngăn cản xu hướng cực đoan là đương nhiên, nhưng thế nào là cực đoan, đến đâu là vừa phải, thì lại rất cần phải tính toán thật kỹ lưỡng, nếu không sẽ sa vào bẫy “duy trì đoàn kết”, bẫy “bảo vệ cán bộ” của lực lượng tiêu cực, tham nhũng đang muốn tìm bình phong, tìm nơi trú ẩn an toàn cho chính họ.
Mở đường cho văn hóa từ chức
PV: – Từng có ý kiến cho rằng, nêu gương là trách nhiệm và đạo lý của cán bộ, đảng viên, vì thế nêu gương sẽ mở đường cho văn hóa từ chức; thực hiện trách nhiệm nêu gương phải được gắn với văn hóa từ chức của cán bộ lãnh đạo.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào hàng loạt vụ việc vi phạm vừa qua thì thấy ngoài lý do cán bộ không nêu gương, không muốn từ chức, trốn tránh trách nhiệm, thì còn được cho là không có lòng tự trọng, không có sự liêm sỉ, thêm vào đó là bản tính tham lợi nên không buông bỏ được, dù không xứng đáng. Vậy thì tinh thần không làm được thì nêu gương từ chức cần thúc đẩy như thế nào?
TS Lê Hồng Sơn: – Nêu gương là mong muốn, là ý tưởng tốt. Một khi đã đạt được yêu cầu của việc nêu gương, của việc nâng cao đạo đức, tư cách, nâng cao nhân cách và liêm sỉ trong đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo thì một kết quả tiếp theo, kéo theo nó sẽ là văn hóa từ chức.
Ở Việt Nam lâu nay văn hóa từ chức là một hành vi khá xa lạ, khá hiếm hoi, khá đặc biệt, bởi vì môi trường xã hội, nhận thức xã hội, đạo đức xã hội chưa thực sự thuận lợi.
Trước đây, khi còn đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Kiểm tra văn bản trong phạm vi toàn quốc, do tác động, áp lực, tiêu cực, đôi lúc tôi cũng đã từng nghĩ tới việc “treo ấn từ quan”, rút lui khỏi vị trí nhạy cảm, đụng chạm. Nghĩ vậy mà không làm được, chủ yếu ở chỗ, nếu mình không quyết tâm, không dũng cảm làm thì sợ rằng người khác không làm được như tâm huyết và mong muốn của mình. Thực tế cho thấy, suy nghĩ của mình là đúng.
Cùng với việc nâng cao đạo đức xã hội, nâng cao đạo đức, nhân cách, liêm sỉ của cán bộ, công chức, thì nhận thức của xã hội cũng như điều kiện của xã hội cho việc từ chức sẽ dần được hình thành, tạo điều kiện cho những ai tự nhận thấy mình không đủ điều kiện, trình độ, bản lĩnh để tiếp tục đảm nhiệm chức vụ thì họ có thể lựa chọn con đường “treo ấn từ quan”.
Cá nhân tôi nghĩ, trong điều kiện hiện nay, đây là việc cực kỳ khó vì các điều kiện khách quan chưa cho phép một cán bộ công chức, lãnh đạo hưởng nhiều ưu tiên trong cơ chế, chính sách, tự mình lựa chọn con đường “treo ấn từ quan”. Áp lực xã hội, áp lực gia đình, dòng họ, áp lực từ anh em, bạn bè rất lớn ở đây.
Xin nhắc lại, vấn đề là Đảng, Nhà nước và xã hội phải tạo lập cho được những điều kiện khách quan để việc từ chức trở thành đơn giản, nhẹ nhàng, dễ thực hiện. Còn như hiện nay thì muôn trùng khó khăn, cản trở, một khi muốn từ chức. Vấn đề vẫn là ở chỗ cơ chế, chính sách chưa đạt chuẩn, chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện.
Chỉ xin lấy một ví dụ, khi muốn tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay, nhiều nơi trên thực tế là lựa chọn tinh giản, tự nguyện xin nghỉ đối với những cán bộ, công chức đã “quá lứa, nhỡ thì”, bản chất là xin nghỉ hưu sớm khi không có được lợi lộc gì thì họ mới xin nghỉ việc. Điều rất lạ ở đây là, Nhà nước lại phải bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để bù đắp cho họ.
Việc lựa chọn đối tượng cũng như cơ chế, chính sách ở đây có nhiều điều chưa ổn. Cách thực thi chính sách như lâu nay ở nhiều nơi phản tác dụng ở chỗ, người làm được, người có trình độ kinh nghiệm lại xin ra, xin nghỉ. Phần lớn những đối tượng lười biếng, vô cảm, “mũ ni che tai” lại cứ muốn “cố thủ”, làm cho mục tiêu của tinh giản không đạt được như mong muốn.
Tham nhũng vặt ở một số bộ ngành, địa phương đang là câu chuyện khá phổ biến… Ảnh minh họa
PV: – Tuy nhiên, mới đây là trường hợp của ông Đoàn Ngọc Hải tự thấy không làm được việc muốn từ chức nhưng lại không thuận lợi. Loại trừ những điểm mang tính chất đặc thù của vụ việc, rõ ràng việc từ chức khi chưa làm được việc vẫn vấp phải các điều kiện khách quan. Vậy những vướng mắc trên cần phải xem xét và giải quyết thế nào?
TS Lê Hồng Sơn: – Trường hợp ông Đoàn Ngọc Hải tôi cũng có theo dõi. Có một số điểm trong thực tiễn, bản chất vụ việc tôi chưa nắm được. Tuy nhiên như công luận, báo chí đã phản ánh và nếu những phản ánh này là đúng thì rõ ràng ở đây có nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, xem xét một cách thấu đáo.
Một người tâm huyết, quyết tâm, quyết liệt như ông Đoàn Ngọc Hải liệu có vấn đề gì chưa chuẩn, chưa đạt hay không, tôi chưa nghe nói. Bản chất ông Đoàn Ngọc Hải xin nghỉ có điều gì lẩn khuất hay không? Và vấn đề nữa là cơ chế, chính sách khi ông Hải xin nghỉ, tại sao lại có một số khó khăn, vướng mắc không giải quyết nhanh chóng, thuận lợi? Rõ ràng ở đây những thông tin đưa đến cho công chúng, cho xã hội dễ đưa người ta đến những suy luận, kết luận là về phía cơ quan tổ chức có thẩm quyền đang gây khó khăn cho cá nhân ông Hải một cách thiếu chuẩn mực, không chính đáng. Có đúng như vậy không?
Nếu đúng như vậy thì rõ ràng cơ chế, chính sách liên quan tới vấn đề từ chức cần phải được nghiên cứu, hoàn thiện, từ cơ chế, cách thức, phương thức chấp thuận khi một cá nhân xin từ chức, kéo theo đó là cơ chế, chính sách giải quyết khi một cá nhân xin từ chức như thế nào.
Trong sự việc này còn một số điểm chưa thật rõ, chưa thật minh bạch nên bàn vào đây cũng không dễ và có thể bị cuốn theo những định hướng không tốt, không thân thiện.
Cá nhân tôi cũng đã từng phát biểu, việc một cá nhân cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ nhạy cảm, đụng chạm như ông Hải thì rất cần có cơ chế bảo vệ họ. Họ phải được bảo vệ thật minh bạch, thật rõ ràng, thật khách quan khi họ thi hành công vụ ở những vị trí phức tạp, nhạy cảm, đụng chạm. Nếu không giải quyết trọn vẹn, đầy đủ cơ chế chính sách cho những trường hợp đảm nhiệm vị trí phức tạp, nhạy cảm, đụng chạm thì hiện tượng mà như công luận nói, cá nhân bị gây khó khăn, cản trở, buộc phải lựa chọn con đường xin từ chức sẽ không phải là cá biệt như ông Hải.
Như trên tôi đã nói, vấn đề là phải tạo ra được một cơ chế đồng bộ, thân thiện cho một cá nhân khi họ nhận thấy không đủ trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh để thực thi công vụ ở vị trí được giao có thể tự nguyện xin từ chức, thôi chức. Cơ chế này phải làm khung thể chế thật thuận lợi, thật thân thiện khi họ xin từ chức.
Một vấn đề quan trọng khác là không chỉ những người tốt, những người cảm thấy vướng mắc, đụng chạm khi thi hành công vụ ở những vị trí được giao, mà yêu cầu không kém phần quan trọng là phải tạo cơ chế, điều kiện cho những người cảm thấy họ không đủ điều kiện để thực thi công vụ ở những vị trí dễ “sa chân lỡ bước”, dễ tiêu cực, tham nhũng, muốn được thôi chức, hạ cánh một cách an toàn trước các cám dỗ và lợi ích mà khách quan đưa lại cho họ. Đây là biện pháp tự vệ của những người có tư cách, đạo đức, có liêm sỉ trong quá trình thực thi công vụ, thi hành nhiệm vụ. Điều này rất cần thiết trong điều kiện hiện nay.
Đừng để trên nóng dưới lạnh
PV: – Theo ông, để tinh thần nêu gương trở thành thực chất, thì yêu cầu xây dựng một nền văn hóa công vụ chuẩn mực cần được đặt ra như thế nào? Ngoài những giá trị cốt lõi của văn hoá công vụ là tính trung thực và khách quan, theo ông, yêu cầu công khai, minh bạch, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tham những, tiêu cực cũng cần phải được thực hiện như thế nào? Nếu làm tốt việc này sẽ giúp nâng cao hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ người dân và doanh nghiệp ra sao?
TS Lê Hồng Sơn: – Ở trên tôi đã nói rồi, mặt khách quan đó là nâng cao đạo đức, khắc phục những thoái hóa, biến chất trong xã hội, tạo lập một xã hội trong lành, tinh khiết. Trong xã hội, bên cạnh việc phát triển tốt về mặt kinh tế-xã hội, còn phải nâng cao từng bước đạo đức, nhân cách trong xã hội, đó là điều kiện khách quan. Điều kiện khách quan này không chỉ trong tầm nhìn chung của toàn xã hội, mà còn trong từng cơ quan, đơn vị, từng ngành. Tức là phải tạo ra được môi trường trong lành, tinh khiết cho một cá nhân tồn tại trong đó.
Điều tiếp theo, đó là phải đổi mới, nâng cao hiệu quả việc lựa chọn, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo khác nhau. Như hiện nay, cá nhân tôi trực tiếp chứng kiến không ít trường hợp được bổ nhiệm lên vị trí lãnh đạo đang nghiễm nhiên tồn tại một số cá nhân tiêu cực, cơ hội, tham nhũng vặt, tham nhũng vừa. Đây là một thực tế.
Chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí cũng như nêu cao tinh thần nêu gương, đúng như quyết tâm và chủ trương của một số lãnh đạo cao cấp trong Đảng và Nhà nước đã xác định, đó là từ khâu tuyển chọn, sử dụng, đánh giá một cách thực chất, nghiêm chuẩn ngay từ đầu. Nếu kẻ cơ hội, thực dụng, tham nhũng vặt đang ngồi đó, nghiễm nhiên ở một số vị trí lãnh đạo thì làm sao trong cơ quan, đơn vị, cấp dưới có thể nghiêm chuẩn được? Thực tế này đang tồn tại ở nhiều bộ ngành, nhiều địa phương.
Tôi cũng được biết, nhiều cơ chế dân chủ đang bị những kẻ cơ hội, thực dụng lợi dụng. Khi lợi dụng cơ chế này, họ dựa phần lớn vào đội ngũ cán bộ, công chức lười biếng, cơ hội, “mũ ni che tai”. Chính lực lượng này làm cho cơ chế dân chủ bị vô hiệu hóa. Dễ hiểu khi vào cuộc kiểm tra, thanh tra, nếu chỉ hời hợt, hình thức sẽ có được một câu kết luận xanh rờn là “làm đúng quy trình, làm đúng quy định”, thực tế này đã diễn ra ở một số nơi. Muốn phát huy một cách thực chất cơ chế dân chủ liên quan tới vấn đề tổ chức, cán bộ, trước hết phải có một cơ chế thực chất khi triển khai các biện pháp thực hiện cơ chế dân chủ.
Nói ra thì cứ tưởng lý thuyết nhưng hiện nay chúng ta chưa thực sự sử dụng một cách hiệu quả, chất lượng các lực lượng khác nhau trong hệ thống chính trị. Đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ… ở nhiều nơi đang hoạt động khá hình thức. Nếu biết cách sử dụng các lực lượng này một cách thiết thực, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, trong ngăn chặn những tiêu cực trong chính cơ quan, đơn vị, ở từng lực lượng, sẽ phát huy được vai trò thực chất của các lực lượng trong hệ thống chính trị.
Ví dụ chống tiêu cực, tham nhũng trong đoàn viên thanh niên thì từng đoàn viên thanh niên phải được huy động, phải được tạo điều kiện đối mặt với từng câu hỏi thiết thực, cụ thể, trong việc phát huy vai trò chống tiêu cực, tham nhũng trong từng cơ quan, đơn vị, trong từng loại công việc, chứ không chỉ dừng lại ở chỗ hô hào chung chung. Đoàn thể phụ nữ, công đoàn cũng nên như vậy. Phải cho từng thành viên đối mặt và trả lời một cách thực chất từng câu hỏi thiết thực, cụ thể về yêu cầu phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, tại từng vị trí công tác thì việc huy động các lực lượng này mới mong đạt được yêu cầu như mong muốn. Còn cứ chung chung, hời hợt, hô hào một cách hình thức như lâu nay thì việc chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí sẽ rơi vào hình thức, đối phó.
Nhìn tổng thể, tôi thấy hiện nay chủ trương quan điểm từ cấp lãnh đạo cao nhất khá rõ ràng, tích cực. Tuy nhiên, xuống đến cấp dưới, xuống đến địa phương, xuống đến cơ sở thì hiện tượng phát mà không động, trên nóng dưới lạnh, nói một đường làm một nẻo là những hiện tượng không xa lạ, thậm chí khá phổ biến. Vấn đề là chúng ta phải tạo cho được sự chuyển biến đồng bộ từ cấp trên xuống cấp dưới, từ trung ương đến cơ sở. Đặc biệt là ở cấp trung gian và cấp dưới, cấp cơ sở.
Hệ thống chủ trương, thể chế của chúng ta khá ổn, khá đồng bộ. Tuy nhiên vấn đề còn lại vẫn là ở việc triển khai, thực thi ở nhiều nơi, nhiều lúc còn hình thức, hời hợt, qua loa đối phó. Trong chỉ đạo điều hành phải tập trung khắc phục cho được những điểm yếu này thì mới mong tạo được hiệu ứng, hiệu quả đồng bộ, thống nhất trong phạm vi toàn quốc, tất cả mọi ngành, mọi địa phương, ở mọi cấp trong toàn quốc.
PV: Xin cảm ơn ông!
Lan Vũ
Theo baodatviet
Nữ ĐBQH, Phó Cục trưởng Công an được Chủ tịch nước thăng hàm tướng
Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách Hành chính, Tư pháp của Bộ Công an đã được Chủ tịch nước thăng cấp hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng.
Bà Nguyễn Thị Xuân (đứng cạnh Đại tướng Tô Lâm) nhận quyết định thăng cấp hàm Thiếu tướng (ảnh báo An ninh Hải phòng).
Mới đây, trong số 6 sỹ quan Công an nhân dân được Chủ tịch nước thăng cấp hàm tướng, có một nữ sỹ quan, bà là Nguyễn Thị Xuân, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Lắk.
Trước đó vào tháng 11/2019, khi đang trên cương vị Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, bà Nguyễn Thị Xuân được Bộ trưởng Bộ Công an điều động, bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách Hành chính, Tư pháp (Bộ Công an).
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân sinh năm 1967, quê Thái Bình. Bà có nhiều năm công tác trong lĩnh vực an ninh tại địa bàn Tây Nguyên, đã từng là cán bộ Trinh sát, Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng An ninh Công an tỉnh Đắk Lắk; Phó Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên, Tổng cục An ninh; Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk.
ĐBQH Nguyễn Thị Xuân phát biểu tại nghị trường (ảnh quochoi.vn).
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân hiện là ĐBQH Khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, hiện trong lực lượng Công an Nhân dân có một số sỹ quan cấp tướng là nữ, đó là Trung tướng Trần Thị Ngọc Đẹp - Cục trưởng Cục Xây dựng Phong trào Toàn dân Bảo vệ An ninh Tổ quốc; Thiếu tướng Bùi Tuyết Minh - Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang; Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt - Phó Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Thiếu tướng Hoàng Thị Thủy - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, đến nay có thêm Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân.
Theo danviet.vn
Lý do cha mẹ cần chấm dứt ngay hình phạt với trẻ Trừng phạt không thể khiến trẻ thay đổi hành vi, mà còn phá hỏng tình mẫu - phụ tử, gây ra nỗi sợ hãi, thúc đẩy hành vi tiêu cực. Dưới đây là những lý do trừng phạt trẻ chỉ gây bất lợi: Phản ứng thái quá gây ra cảm xúc tiêu cực Khi trẻ cố ý hoặc vô thức làm bạn tổn...