Để lâm tặc mở đường phá rừng, cựu hạt trưởng kiểm lâm lĩnh án
Cựu Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa (Phú Yên) lĩnh 2 năm 3 tháng tù vì để hàng chục đối tượng vào phá rừng già ở vùng giáp ranh huyện Tây Hòa và Sông Hinh.
Sau 3 ngày xét xử, sáng 28/4, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đã tuyên án đối với 34 bị cáo trong vụ phá rừng khu vực giáp ranh 2 huyện Tây Hòa và Sông Hinh.
Theo đó, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoài Linh (đối tượng đóng vai trò cầm đầu việc phá rừng) 7 năm tù về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản và 2 năm tù về tội Hủy hoại rừng. Tổng hình phạt bị cáo Nguyễn Hoài Linh phải nhận là 9 năm tù.
Các bị cáo trong vụ án phá rừng đứng nghe tòa tuyên án.
Trong nhóm 23 bị cáo bị xét xử về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, các bị cáo Nguyễn Rạng bị phạt 6 năm 6 tháng tù, Trương Thái Vương và Trần Văn Hưng 5 năm 9 tháng tù, Trần Văn Tấn 5 năm tù; các bị cáo còn lại từ 9 tháng đến 4 năm tù.
Có 2 bị cáo phạm tội Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ gồm bị cáo Dương Tấn Định – cựu Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa và Phạm Văn Tâm – cựu Cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã Sơn Thành Tây cùng bị phạt 2 năm 3 tháng tù.
Video đang HOT
8 bị cáo phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; trong đó có Trần Đức Hòa – Phó chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây bị phạt 1 năm 3 tháng tù, Nguyễn Văn Thuận là nhân viên bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý bảo vệ rừng huyện Sông Hinh bị phạt 6 tháng tù; 6 bị cáo khác được cho hưởng án treo.
Theo cáo trạng, từ 17/2/2020 đến 25/4/2020, Nguyễn Hoài Linh cùng với Trần Văn Tấn thuê Trương Thái Vương dùng xe múc phá rừng mở đường để Linh, Tấn tổ chức chặt phá cây rừng đem về bán cho các xưởng gỗ.
Các đối tượng này đã san lấp hơn 2.070 m2 đất rừng tự nhiên (chức năng sản xuất) tại tiểu khu 358 do UBND xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) quản lý và 2.100 m2 đất rừng tự nhiên (chức năng phòng hộ) tại tiểu khu 312 do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh quản lý.
Sau đó, Linh tiếp tục thuê nhiều đối tượng khác để vào rừng chặt phá rồi dùng máy cày có rơ moóc và xe tải để kéo, vận chuyển gỗ đi tiêu thụ. Tổng diện tích đất rừng tự nhiên mà Linh đã trực tiếp và giúp sức san lấp hoàn toàn là hơn 5.300 m2 đất rừng sản xuất và 2.100m2 đất rừng phòng hộ, gây ra thiệt hại gần 800 triệu đồng. Còn Rạng và đồng phạm gây thiệt hại gần 400 triệu đồng.
Từ tháng 2-4/2020, Dương Tấn Định, Phạm Văn Tâm vì động cơ cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao; Trịnh Lâm Hải, Trần Đức Hòa, Huỳnh Kim Trúc, Trương Minh Hoàng đã không thực hiện đầy đủ, đúng nhiệm vụ được giao trong công tác bảo vệ rừng để Linh, Tấn, Rạng cùng các đồng phạm và một số người khác phá rừng, mở đường, khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 358 do mình quản lý gây thiệt hại gần 640 triệu đồng.
Còn Phạm Đình Phúc, Cao Tấn Khôi, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Hữu Toàn là nhân viên quản lý bảo vệ rừng buôn Thung thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh đã không thực hiện đầy đủ và đúng nhiệm vụ được giao trong công tác bảo vệ rừng để xảy ra vụ phá rừng mở đường, khai thác gỗ trái phép trên diện tích do rừng được giao quản lý, gây thiệt hại gần 373 triệu đồng.
Ngang nhiên phá 27ha rừng phòng hộ để xây dựng công trình
Hơn 27ha rừng phòng hộ, nằm cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh chỉ khoảng 10km, bị một doanh nghiệp san ủi, ồ ạt đưa máy móc vào thi công, xây dựng công trình trái phép.
Sự việc xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật trong thời gian dài nhưng các cơ quan quản lý, bảo vệ rừng vẫn loay hoay trong việc xử lý.
Đầu tháng 4/2022, cán bộ Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh phát hiện tại Tiểu khu 299, trên địa bàn xã Nam Điền, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), là khu vực rừng phòng hộ nằm cạnh lưu vực hồ Bộc Nguyên - là hồ nước duy nhất cung cấp nước thô cho Nhà máy nước Hà Tĩnh, bị cạo trọc, san ủi để xây dựng một số công trình, hạng mục. Sự việc có nguy cơ gây nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước nên lãnh đạo công ty đã báo với kiểm lâm và chính quyền xã Nam Điền.
Một phần diện tích đang thực hiện san ủi nằm trong lưu vực hồ Bộc Nguyên.
Vào cuộc kiểm tra, Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà ghi nhận, sự việc khai thác lâm sản, san ủi đất diễn ra tại khu vực nói trên là có thật. Theo đó, lâm sản trước khi bị khai thác là rừng keo, việc san ủi nghi vấn thực hiện dự án du lịch sinh thái ở Khoảnh 1A, tiểu khu 299A thuộc xã Nam Điền. Sự việc này diễn ra từ trước Tết Nguyên đán, và ngày 10/1/2022, phát hiện ra sự việc, Trạm Kiểm lâm Đá Hàn thuộc Hạt Kiểm lâm Thạch Hà đã kiểm tra và lập biên bản.
Kiểm tra tại khu vực bị san ủi cho thấy, phần rừng có GCNQSDĐ số BĐ 704124 cấp năm 2011 mang tên ông Nguyễn Văn Ngọc (SN 1947) và bà Nguyễn Thị Hà (SN 1956) trú ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh với diện tích hơn 27ha là đất rừng sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà thì theo Quyết định số 2380 ngày 23/6/2015 của UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh thì khoảnh 1A, tiểu khu 299A ở xã Nam Điền đã được phê duyệt là rừng phòng hộ. Năm 2019, không hiểu sao quá trình cấp đổi giấy chứng nhận cho cá nhân, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Tĩnh lại ghi là đất rừng sản xuất.
Trở lại với việc hàng chục hécta rừng phòng hộ bị khai thác, san ủi và xây dựng nhiều công trình trong một thời gian dài, theo ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà thì từ ngày 15/3, huyện này đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm kiểm tra, lập biên bản việc khai thác lâm sản của chủ rừng, với yêu cầu khai thác xong phải trồng lại rừng theo quy định. Ngày 24/3, Hạt Kiểm lâm Thạch Hà tiếp tục kiểm tra hoạt động trên đất lâm nghiệp tại khoảnh 1A, tiểu khu 299A và đã lập biên bản về việc đã san ủi, làm mặt bằng với diện tích khoảng 2.000m2.
Thời điểm kiểm tra, phía đơn vị thi công không xuất trình được giấy tờ cho phép của cơ quan chức năng nên đã yêu cầu phải trồng rừng lại theo đúng quy định và không được tự ý xây dựng các công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Tiếp đó, vào ngày 8/4, đoàn liên ngành gồm Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà, Phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà và lãnh đạo UBND xã Nam Điền kiểm tra hiện trường tại Khoảnh 1, Tiểu khu 299A phát hiện tại đây đã xây dựng thô một ngôi nhà kiên cố, móng bê tông có 5 phòng bằng gạch đỏ với diện tích 6,5m x 13m, cao 2,5m.
Đoàn kiểm tra ghi nhận, sau khi kiểm tra hiện trường rừng đã có hoạt động xây nhà, san gạt đường, lắp trạm biến áp, dựng cột điện trên rừng phòng hộ khi chưa có hồ sơ thủ tục nên đã đề nghị UBND xã Nam Điền đình chỉ hoạt động nêu trên, thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn không để xảy ra hiện tượng xây dựng các công trình kiên cố, sử dụng đất trái quy định trên đất quy hoạch mục đích lâm nghiệp.
Báo cáo của Hạt Kiểm lâm Thạch Hà ngày 8/4 gửi Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cũng nêu, ngoài xây ngôi nhà diện tích khoảng 112m2 thì chủ thực hiện công trình còn làm đường đi xung quanh thửa đất với chiều rộng khoảng 6m, đã lắp đặt 1 trạm biến thế và khoảng 20 cột điện bê tông, đã kéo đường dây điện.
Có mặt tại hiện trường khu vực rừng phòng hộ bị khai thác, san ủi vào ngày 22/4, phóng viên ghi nhận nhiều quả đồi bị cạo trọc, một số ngọn đồi bị san bằng, đắp đất theo dạng mô hình. Khu vực đang thực hiện cải tạo đất và xây dựng nhà trái phép nằm cạnh hồ Bộc Nguyên, hồ cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân ở TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận.
Điều đáng nói, mặc dù đã bị UBND xã Nam Điền lập biên bản đình chỉ việc xây dựng nhà trái phép, nhưng tại thời điểm phóng viên có mặt ghi hình, tại đây một số công nhân vẫn tiến hành việc xây dựng, hoàn thiện ngôi nhà. So với thời điểm bị đình chỉ, đến nay ngôi nhà dã được lợp mái, và thợ đang tiến hành các công đoạn hoàn thiện.
Tìm hiểu của phóng viên, được biết diện tích rừng này trước đây thuộc sở hữu của ông Hoàng Xuân Lân, thuộc đối tượng là rừng sản xuất. Sau đó, ông Lân chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Ngọc, trú tại quận 1, TP Hồ Chí Minh. Đầu năm 2022, khu vực này được chuyển nhượng cho ông Nguyễn Trọng Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam, trụ sở chính ở xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.
Theo lý giải của doanh nghiệp này, do nhầm lẫn giữa rừng sản xuất và rừng phòng hộ nên họ chỉ có ý định san lấp để trồng cây ăn quả chứ không phải làm khu vui chơi giải trí như nhiều người võ đoán. "Việc xây nhà, kéo đường điện, mở đường là để thay thế nhà cũ đã xuống cấp, sau này cho công nhân ở và lắp đặt trạm bơm để phục vụ tưới tiêu. Hiện, phía công ty đã dừng việc xây dựng, san lấp và sẽ trồng keo để phủ xanh lại diện tích rừng nói trên", đại diện Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam cho biết.
Lãnh đạo huyện Thạch Hà cho biết thêm, sau khi nắm bắt sự việc, huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, lập biên bản. Tuy nhiên, do chủ sở hữu diện tích đất trên hiện không có ở địa phương nên chưa rõ việc cải tạo, san lấp mặt bằng để phục vụ cho mục đích gì. Hiện, các đơn vị liên quan đang phối hợp để có phương án xử lý.
Khởi tố vụ án hình sự gỗ "vô chủ" bất ngờ nằm trong Trung tâm Bảo tồn voi Khoảng 27 m3 gỗ nằm tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk nhưng lãnh đạo đơn vị này không nắm được gỗ do khai thác tại chỗ hay từ nơi khác mang đến tập kết. Ngày 19/10, bà HLan Niê Buôn Dap - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) - xác nhận đơn vị đã ra quyết định...