‘Đè đầu cưỡi cổ’ di tích ở Hội An để chụp hình cưới là xâm hại di tích
Lãnh đạo Hội An khẳng định việc nhiều thanh niên trèo lên mái nhà cổ để chụp hình cưới là hành động xâm hại di tích và cần bị xử lý.
Ngày 20/4, trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Văn Sơn (Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho biết, sau khi báo chí cũng như nhiều trang mạng xã hội đăng tải thông tin kèm theo hình ảnh các cặp đôi leo lên mái ngói nhà cổ ở Hội An chụp ảnh cưới, chính quyền thành phố đã lập đoàn kiểm tra.
Hai bạn trẻ nằm trên mái ngói của một ngôi nhà cổ ở Hội An để chụp ảnh cưới. (Ảnh: F.B)
Theo ông Sơn, lãnh đạo thành phố quyết định giao Phòng Văn hóa thông tin trực tiếp kiểm tra những quán cà phê trong phố cổ đã để xảy ra tình trạng các cặp đôi leo qua nhà dân thuộc diện di tích cổ để chụp ảnh.
Việc này chủ yếu xảy ra tại các căn nhà số 92, 130, 158, 166 của đường Trần Phú.
Ngoài ra, thời gian gần đây, một số ngồi nhà cổ trên đường Nguyễn Thái Học cũng bị các cặp đôi ngồi chình ình hay nằm sõng soài lên “đầu” để chụp ảnh.
Ông Sơn cho rằng, việc những bạn trẻ trèo lên các mái ngói của nhà cổ để chụp ảnh là hành vi xâm hại di tích. (Ảnh:F.B)
“Việc các cặp đôi leo lên mái ngói của di tích cổ để chụp ảnh cưới thực sự rất phản cảm. Theo Luật Di sản, đây là hành vi xâm phạm di tích.
Trước tiên, chủ quán cà phê cũng phải chịu trách nhiệm để xảy ra tình trạng này khiến người dân bức xúc. Thành phố sẽ đưa ra biện pháp cứng rắn nhằm dẹp bỏ hình ảnh xấu xí này”, ông Sơn quả quyết.
Video đang HOT
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin TP Hội An cho biết, sau khi lập đoàn kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số chủ quán cà phê đã dựng hàng rào để ngăn cản những người có ý định leo qua mái ngói nhà dân để chụp ảnh cưới.
Thành phố Hội An đang yêu cầu các chủ quán cà phê tháo dỡ ngay hàng rào làm mất mỹ quan phố cổ. (Ảnh: F.B)
Ông Lanh nhận định, đây là giải pháp có thể giải quyết dứt điểm tình trạng xâm hại di tích. Tuy nhiên, hình ảnh các công trình có tuổi đời hàng trăm năm bị bao bọc bởi hàng rào lại gây mất mỹ quan phố cổ.
“Chúng tôi sẽ yêu cầu chủ quán cà phê phải tháo dỡ các lớp tường rào. Thay vào đó, chúng ta sẽ thông tin, tuyên truyền, yêu cầu các bạn trẻ ngừng ngay hành động phản cảm trên. Còn nếu cố tình vi phạm, tùy theo mức độ có thể xử phạt vi phạm hành chính”, ông Lanh cho hay.
Trước đó, từ chiều 16/4, bức ảnh một cặp đôi leo lên mái ngói của ngôi nhà cổ ở Hội An, nằm tạo dáng chụp ảnh cưới lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và nhanh chóng nhận sự phản ứng dữ dội từ phía cộng đồng mạng.
Cộng đồng mạng hết sức phẫn nộ trước bức ảnh cưới của cặp đôi này.
Đơn cử, khi chứng kiến di tích hàng trăm năm tuổi bị “đè đầu cưỡi cổ”, anh V.T. (một người dân TP Hội An) đã không khỏi xót xa. Trên Facebook cá nhân của mình, anh T. nhận định, đây là hành động vi phạm quy định của pháp luật về bảo tồn di sản.
“Hệ mái ngói âm dương của nhà cổ là di sản có giá trị đặc biệt của Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An. Các bạn lên mái để chụp ảnh sẽ làm ảnh hưởng đến giá trị di sản về nhiều mặt, vi phạm các quy định của pháp luật về bảo tồn di sản”, anh T. chia sẻ.
Cũng “chướng tai gai mắt” với bức ảnh tạo dáng trên mái ngói của nhà cổ, một Facebook có tên K.X.N. bộc bạch: “Hãy đừng để những hình ảnh này xảy ra nữa. Mỗi người phải tự cảm thức cái hồn thiêng của phố từ mái ngói âm dương, thảm rêu, đầu hồi, bờ chảy… đến mắt cửa, hiên nhà, giàn hoa, tiếng chim, cánh bướm… Đừng làm tổn thương phố vì nó sẽ chạm vào nỗi đau không chỉ riêng ai…”.
Ngoài bức ảnh ghi lại cặp đôi chụp ảnh cưới ngoại cảnh, cộng đồng mạng cũng đang lên án dữ dội trước tấm hình chụp hai bạn trẻ ngồi chình ình trên nóc một ngôi nhà cổ ở Hội An.
THANH BA
Theo VTC
Trận lũ lịch sử ở Thu Bồn hình thành nên cồn cát Cửa Đại?
Trong 2 năm 2016 và 2017, lũ lớn trên sông Thu Bồn đã mang một lượng bùn cát khổng lồ bồi đắp nên cồn cát hiện nay trên nền một cồn cát ngầm. Giả thiết khoa học này được đưa ra tại Hội thảo về bãi cát bồi tại Cửa Đại, Hội An vào chiều qua, được một số nhà khoa học đồng tình.
Chuyên gia hé lộ nguyên nhân hình thành cồn cát 15 ha ở biển Quảng Nam
Theo các nhà khoa học, lịch sử ghi nhận tại khu vực biển Cửa Đại từng xuất hiện một cồn cát khoảng 30 năm trước. Dù số liệu về thời gian và quá trình thay đổi của cồn cát này chưa thống nhất hoàn toàn song các nhà khoa học đều khẳng định, khoảng năm 1988, một cồn cát từng nổi lên ở phía bắc Cửa Đại, được người dân gọi là Cồn Áng, nằm cách bờ 2km, dài 4,5km, rộng trung bình 500m. So với cồn cát hiện nay, cồn cát này rộng hơn và nằm gần bờ hơn.
Năm 1989, trận bão Cecil đã khiến Cồn Áng bị dịch chuyển, nối với bờ bắc, tạo ra doi cát nổi kiểu bán đảo và một vịnh nửa kín bên trong Cửa Đại. Suốt từ đó đến nay, hình thái bờ biển liên tục bị thay đổi song luôn tồn tại cồn ngầm nối giữa bờ bắc và bờ nam biển Cửa Đại. Theo PGS Trần Thanh Tùng, Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, đây là nền tảng để hình thành nên một cồn cát nổi như hiện nay. Tuy nhiên, vì sao cồn cát mới nhô lên khỏi mặt biển từ cuối năm 2017. Theo các nhà khoa học , trận lũ lịch sử trên sông Thu Bồn tháng 11/2017 chính là chất xúc tác mạnh mẽ để cồn cát hình thành.
Trong thời gian diễn ra trận lũ lịch sử từ 4-7/11/2017, sông Thu Bồn đã mang ra biển một lượng bùn cát bằng một nửa tổng lượng bùn cát cả năm. Theo ước tính của các nhà khoa học, trong 4 ngày lũ, sông Thu Bồn đã mang ra biển tới 3,12 triệu tấn bùn cát, bằng 55% tổng lượng bùn cát của lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn trong cùng năm. Lượng bùn cát này lớn hơn so với trung bình lượng bùn cát đổ ra biển hàng năm của Vu Gia - Thu Bồn (khoảng 2,5-2,8 triệu tấn).
PGS Trần Thanh Tùng cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến hình thành cồn nổi là do sóng Đông Nam chiếm ưu thế, tạo cồn nổi, gió vun cát bề mặt bãi nổi. Kết hợp với việc sông Thu Bồn xuất hiện lũ lớn, tải lượng bùn cát lớn ra biển trong thời gian ngắn. Sau đó một thời gian dài không có lũ, bão hay các trận gió mùa đông bắc mạnh. Các yếu tố trên hội tụ giúp cồn cát ở Cửa Đại nhô lên khỏi mặt biển, trở thành hiện tượng thiên nhiên đáng quan tâm.
PGS.TS Trần Thanh Tùng, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, trận lũ lịch sử ở Thu Bồn năm 2017 góp phần đột biến tạo nên cồn cát ở Cửa Đại.
Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, chuyên gia về biển, hải đảo, cồn cát mới tại Cửa Đại, Quảng Nam được hình thành là do tác động của các quá trình động lực rất phức tạp ở cửa sông Thu Bồn, bao gồm dòng chảy sông, dòng chảy ven biển và sóng.
Hiện tượng cồn cát hình thành tại cửa sông rất phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Dân vùng ven biển thường gọi các cồn cát chưa hoàn toàn xuất hiện trên mặt biển là "cồn mờ", còn cồn cát xuất hiện hoàn toàn trên mặt biển, như cái cồn cát ở Cửa Đại hiện nay là "cồn tỏ". Ông cho rằng, lượng cát tạo thành cồn chủ yếu là do cát xói lở bờ biển Cửa Đại và có một phần do sông Thu Bồn chảy ra trong mùa mưa vừa qua.
GS Lương Phương Hậu cũng cho rằng nguyên nhân chính hình thành cồn cát Cửa Đại do chất trầm của sông Vu Gia - Thu Bồn. Việc hình thành cồn cát song hành với quá trình sạt lở, bồi tụ bờ biển Cửa Đại với chu kỳ khoảng 20-30 năm.
Tuy nhiên, theo ông Phùng Đăng Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam ), những thông tin trên là có cơ sở khoa học nhưng mới chỉ là giả thiết, chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Còn nhiều câu hỏi cần phải làm rõ như cồn cát hình thành từ đâu? Dòng xói lở ở bờ bãi phía bắc mang cát đi đâu? Liệu vật chất ở cồn có phải phần lớn từ bãi phía bắc Cửa Đại hay không?
Phó chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, dù cuộc hội thảo có nhiều ý kiến hay nhưng chưa giải đáp thỏa đáng những câu hỏi ông mang ra từ Quảng Nam. Nhiều câu hỏi cần làm rõ hơn như việc hình thành bãi bồi Cửa Đại là bình thường hay dị thường? Cồn cát tạo ra từ nguồn vật chất nào? Nên để thuận theo tự nhiên hay can thiệp bằng một công trình?
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, còn nhiều câu hỏi về cồn cát cần được giải đáp.
Ông Thanh cho rằng, để can thiệp vào một hiện tượng ở cửa sông, bờ biển cần có nhiều thời gian với sự tham gia đông hơn của các bộ, ngành liên quan đồng thời mong muốn các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu để giải đáp những câu hỏi trên.
NGUYỄN HOÀI
Theo TPO
Chuyên gia Hà Lan hiến kế chống lở bờ biển Cửa Đại bằng đảo nhân tạo Các chuyên gia Hà Lan đã hiến kế với tỉnh Quảng Nam xây đảo nhân tạo để giải cứu sự sạt lở của bờ biển Cửa Đại (Hội An). Chiều 10.4, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn công tác cùng Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan - bà Cornelia Van Nieuwenhuizen và hàng...