Dễ dãi với độ cao chung cư, khắt khe với số tầng trường học, sĩ số thêm quá tải
Các cơ sở giáo dục ở các quận nội thành thuộc thành phố lớn đông dân cư đều thiếu phòng học, nhưng lại quá khó khăn trong việc bố trí quỹ đất xây thêm lớp.
Ngày 18/2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: “Nhà trường trong đô thị – những quy định trói buộc về xây dựng cơ sở vật chất”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà báo Đào Ngọc Tước – Phó tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cho biết: Năm 2018, Thủ đô Hà Nội đã dành 19.000 tỷ đồng để đầu tư cho giáo dục đào tạo, chiếm tỷ trọng 25,5% ngân sách.
Video: Bộ Xây dựng cần sửa đổi QCVN06 : 2010/BXD cho phù hợp thực tế
Tuy nhiên, những đầu tư đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Năm học 2018-2019, số lượng học sinh lớp Một ở Hà Nội khoảng 130.000 em, tăng 30.000 học sinh so với năm trước đó.
Số lượng học sinh vào lớp 6 tăng khoảng 11.000 em. Số học sinh vào lớp 10 tăng trên 20.000 em. Số học sinh tăng nhanh trong khi cơ sở vật chất có hạn đã khiến cho sỹ số lớp học được đẩy lên cao.
Đối với các cơ sở giáo dục tại các quận nội thành thuộc thành phố lớn đông dân cư đều thiếu phòng học, nhưng lại quá khó khăn trong việc bố trí quỹ đất để xây thêm phòng học.Ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, nhiều trường sỹ số lên đến trên 60 học sinh/lớp, gần gấp đôi so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho bậc tiểu học là không quá 35 học sinh/lớp.
Hà Nội đã kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ Xây dựng cho phép nâng tầng một số trường học ở nội đô, nhưng phải tùy từng trường hợp cụ thể lập phương án nâng tầng các công trình hiện có bảo đảm đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, không thể giải quyết được vấn đề quá tải sĩ số trường công nội đô cũng như việc đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân ở các đô thị lớn.
Trong khi quỹ đất xây trường tại các đô thị ngày càng khó khăn, yêu cầu về số tầng trường học hiện nay tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06 : 2010/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành năm 2010 liệu có còn phù hợp?”.
Tới dự tọa đàm có các đại biểu:
Ông Lê Như Tiến – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa 12, 13.
Bà Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa 13.
Ông Nguyễn Đại Minh – Viện trưởng Viện khoa học công nghệ xây dựng.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội).
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế.
Tiến sĩ Hoàng Anh Giang – Trưởng phòng nghiên cứu phòng chống cháy, Viện Khoa học công nghệ xây dựng.
Tùng Dương
Theo giaoduc.net.vn
TP.HCM lo 'sốt vó' chuyện dạy 2 buổi ngày theo chương trình phổ thông mới
Phòng học thiếu, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu khiến nhiều quận huyện ở TP.HCM lo lắng nếu dạy 2 buổi/ngày theo chương trình phổ thông mới.
Một lớp học tại Trường tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12, TP.HCM) có sĩ số đến 60 học sinh và toàn trường chỉ tổ chức dạy 1 buổi do không đủ phòng học - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ngày 29-11, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cấp tiểu học, trong đó bàn kỹ các khó khăn với phương án khi dạy học 2 buổi/ngày, phương án dạy và học 6 ngày/tuần, tức cả ngày thứ bảy.
Chưa đáp ứng đủ số phòng học
Chương trình giáo dục phổ thông mới cấp tiểu học được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, phát huy tiềm năng vốn có của mỗi học sinh, chú ý phát triển con người xã hội và con người cá nhân.
Theo Sở GD-ĐT TP, điểm mới của chương trình là dạy 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Hai môn tiếng Anh và tin học từ môn tự chọn thành môn học bắt buộc.
Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT, khó khăn mà TP gặp phải là việc tổ chức học 2 buổi/ngày. Đây cũng là một trong những thách thức đối với một số quận, huyện nội ô mở rộng, chưa đáp ứng đủ số phòng học, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân là khó khăn về quỹ đất, kinh phí, điều kiện sống của người dân, dân số cơ học tăng cao.
Hiện nay, cấp tiểu học, tỉ lệ phòng học trung bình toàn TP là 0,9 (0,9 lớp/phòng học). Để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì tỉ lệ phòng học phải đạt 1,0 (1 lớp/1 phòng học). Với yêu cầu này, nhiều trường chưa đủ số phòng học.
Tương tự, khi thực hiện dạy học 2 buổi/ngày thì dự kiến số giáo viên sẽ tăng, đảm bảo ít nhất 1 giáo viên dạy nhiều môn/lớp, nhưng tỉ lệ giáo viên tiểu học/lớp là 1,3 hiện chưa đáp ứng đủ để tổ chức các môn học khi yêu cầu tỉ lệ này phải đạt 1,5 (ví dụ trường có 20 lớp thì phải cần 30 giáo viên mới đảm bảo dạy và học 2 buổi/ngày).
Dự kiến phương án học 6 ngày/tuần
Làm sao tăng lớp học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số học sinh là bài toán mà các quận, huyện, các trường trăn trở không chỉ tại hội nghị. Vì thế có khá nhiều ý kiến, kiến nghị, giãi bày về khó khăn, từ các quận, huyện và các trường, mong muốn có phương án tối ưu nhất khi thực hiện chương trình mới.
Ông Khưu Mạnh Hùng, trưởng Phòng GD-ĐT Q.12, cho biết dự kiến năm học 2020-2021, quận sẽ có gần 11.000 học sinh vào lớp 1 nhưng nếu tất cả học 2 buổi/ngày, với sĩ số học sinh này là không thể tổ chức.
"Với con số dự kiến này, yêu cầu 35 học sinh/lớp thì quận cần có 311 phòng học. Dù số học sinh lớp 5 ra trường sẽ trống 122 phòng nhưng tính ra quận vẫn không đủ số phòng học, các phường cũng không đồng bộ số phòng học.
Hiện tại số học sinh học 2 buổi/ngày của quận chỉ là 22,2%, rất thấp so với TP. Để tỉ lệ này tăng cao thì phải tập trung xây trường, chưa kể giáo viên tiếng Anh, tin học còn thiếu nhiều. Năm học 2019-2020 chỉ có 3 ứng viên trúng tuyển trong chỉ tiêu 11 người, nhưng một giáo viên không nhận nhiệm sở. Địa phương đang gặp khó khăn trong tuyển dụng giáo viên tiếng Anh và tin học" - ông Hùng thông tin chi tiết.
Qua đó, ông Hùng cũng nêu ra phương án để UBND quận xem xét. "Có 2 phương án, một là nơi nào đủ phòng sẽ tổ chức học 2 buổi/ngày, nếu không đủ số phòng thì sẽ tăng số học sinh lên 45 em/lớp. Phương án 2 là không đủ phòng, không nâng số học sinh lên được thì chúng tôi sẽ tổ chức học 6 ngày/tuần, tức học luôn thứ bảy" - ông Hùng nhấn mạnh.
Không riêng Q.12, H.Bình Chánh cũng luôn nằm trong "điểm nóng" về dân nhập cư, lượng học sinh tăng đột biến thì việc giải quyết trường, lớp hay một phương án nào tốt hơn để chương trình học 2 buổi/ngày được khả thi là bài toán khó.
Ông Nguyễn Trí Dũng, trưởng Phòng GD-ĐT H.Bình Chánh, nêu: "Huyện chúng tôi cũng có áp lực như Q.12. Địa phương hiện có số học sinh lớp 1 gần 10.418 em, tổ chức thành 286 lớp. Huyện mới xây thêm được 182 phòng học, vẫn còn thiếu 82 phòng học. Theo kế hoạch TP phấn đấu đạt 300 phòng học/10.000 dân trong năm 2020 thì huyện không thực hiện được".
Ông Dũng cũng cung cấp thêm thông tin riêng 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, số học sinh đông và tăng chóng mặt nên chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày. Phương án huyện kiến nghị là xây thêm trường, nếu không được thì trước mắt sẽ cố gắng dạy "cuốn chiếu" cho học sinh lớp 1, tức là ưu tiên các em học 2 buổi/ngày, các khối lớp còn lại học 1 buổi/ngày.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên một số môn như tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc năm nào cũng có nhu cầu tuyển dụng nhưng thiếu ứng viên đăng ký.
Sẽ báo cáo lên UBND thành phố
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết hiện nay, toàn TP đạt tỉ lệ 278 phòng học/10.000 dân, tỉ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đạt gần 73% nhưng không đồng đều giữa các quận, huyện. Vẫn còn một số quận, huyện có tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp. Đây là thách thức lớn đặt ra cho các quận, huyện khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Trước những ý kiến, kiến nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng: "Chúng ta gỡ không ra chuyện về đội ngũ giáo viên, về chế độ chính sách thừa thiếu, về phòng ốc, trang thiết bị... thì sở sẽ tổng hợp ý kiến để báo cáo lên UBND TP".
Nhiều băn khoăn về học phí, sách giáo khoa...
Về học phí, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, phó chủ tịch UBND Q.Thủ Đức, ngoài lo lắng về những vấn đề quá tải số học sinh, thiếu trường lớp, còn kiến nghị không thu học phí buổi 2 khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
"Đề nghị TP có tính toán, bởi nói học sinh học chương trình 2 buổi/ngày là chương trình chính thức thì không thể thu học phí buổi chiều. Hiện nay TP thu học phí buổi chiều, ở quận chúng tôi có thu tối đa là 120.000 đồng. Sở GD-ĐT, Sở Tài chính tham mưu với TP để giúp các quận huyện giải bài toán này. Ngoài ra, các chương trình ngoại khóa, các chương trình tiếng Anh tự nguyện phải thu nhưng hướng dẫn thu như thế nào, nếu không đồng bộ sẽ dễ dẫn đến ách tắc khiếu nại, thậm chí là tố cáo" - bà Thúy kiến nghị.
Về việc sử dụng SGK mới, TP.HCM định hướng tất cả các trường học đều phải mua 32 đầu SGK, đưa vào tủ sách chung và giáo viên phải đọc hết các bộ SGK được Bộ GD-ĐT thẩm định, công bố.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP, nhận định tất cả các đầu sách đã được bộ thẩm định và phê duyệt đều có chất lượng, giá trị để triển khai trong các trường phổ thông. Tuy nhiên, lựa chọn bộ sách nào phù hợp với đặc điểm của từng trường thì hiệu trưởng phải cân nhắc, tham khảo ý kiến của tập thể giáo viên cũng như theo hướng dẫn về lựa chọn SGK.
Ông Hiếu nhấn mạnh: "Chúng ta không kiểm tra đánh giá theo kiến thức nội dung trong SGK nào mà dựa trên hướng phát triển năng lực của học sinh, không phải học SGK này kiểm tra nội dung SGK khác, ngữ liệu không đồng bộ, nên có thể thay thế nội dung này bằng nội dung khác miễn sao phát triển được năng lực yêu cầu. Giáo viên phải tham khảo nhiều SGK để lựa chọn phù hợp".
Về tổ chức nội dung chương trình, cô Trần Bé Hồng Hạnh, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1), cho rằng rất háo hức đón chờ luồng gió mới nhưng còn nhiều băn khoăn. Cô phân tích và đề xuất: "Thứ nhất, với hoạt động trải nghiệm là tích hợp các môn học, đây cũng là môn học bắt buộc, tôi băn khoăn về nội dung tích hợp.
Còn với hoạt động trải nghiệm, sẽ có nội dung tổ chức trong hoặc ngoài trường học, hoặc tự bản thân học sinh, tôi lại băn khoăn về kinh phí vì có những lúc tổ chức trải nghiệm ngoài nhà trường. Thứ hai, các môn tin học, công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc... hiện trường cũng rất thiếu giáo viên ở nhiều môn. Tôi kiến nghị có chế độ chính sách thu hút, hỗ trợ bồi dưỡng cho giáo viên".
Theo tuoitre
Vì sao các lớp tiểu học được bố trí trên tầng cao? Cho đến nay, nhiều trường học ở Hà Nội vẫn bố trí khu hiệu bộ, phòng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, phòng hội đồng... ở tầng 1 hoặc 2 trong khu nhà học cao tầng, còn các lớp học nằm trên tầng cao. Điều này trái với hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, vì sao? Ảnh minh họa/INT Thực tế ngược quy định Thực...