Để chó cắn người: Sự dễ dãi hay bất lực?
Tôi thấy chính quyền quá dễ dãi với chủ chó, nhà nào nuôi chó “khủng” thì trở thành thảm họa cho hàng xóm cả về vấn đề vệ sinh lẫn an toàn.
Những con chó cắn chết người bị nhốt trong rào sắt
Liên quan đến vụ bé trai 7 tuổi bị đàn chó cắn tử vong thương tâm ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, Báo Giao thông nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc bày tỏ sự bức xúc trước sự việc đã từng xảy ra nhiều lần nhưng không được ngăn chặn.
Dưới bài viết “ Nhân chứng bàng hoàng kể khoảnh khắc đàn chó lao vào cắn bé 7 tuổi tử vong” trên Báo Giao thông, bạn đọc Hoàng Nhi bình luận: “Đọc mà trào nước mắt thương bé. Không thể để chó thả rông, không rọ mõm chạy khắp nơi mãi được. Chuyện chó cắn người xảy ra nhiều rồi mà chính quyền không có giải pháp nào mạnh tay hết”.
Bạn đọc Quốc Anh cho rằng, đã có quy định phải rọ mõm chó khi dắt ra đường nhưng chỉ được vài ngày đầu thực hiện nghiêm ở Hà Nội và TP HCM. Đến nay, lại nhan nhản cảnh chủ đi xe máy, chó béc giê to lừng lững há mõm chạy theo sau ngay trên đường phố. Thành phố còn thế thì ở các tỉnh, việc chó thả rông dường như không có cách nào cấm được.
Bạn đọc Hoài An có góc nhìn khác: “Chó ở quê là bạn, giữ nhà cho chủ, nếu rọ mõm thì còn có ích gì. Bọn trộm chó mà dân bắt được là bị đánh nhừ tử, thậm chí đánh chết. Thực sự xảy ra vụ việc này quá thương tâm nhưng cũng chưa biết nên xử lý thế nào”.
Bạn đọc Lý Quốc Tuấn chia sẻ: “Thực ra, Nghị định 90 của Chính phủ đã ghi rõ để chó thả rông, không rọ mõm ra nơi công cộng sẽ bị phạt tối đa 800 nghìn đồng, để chó tấn công người khác phạt tới 1 triệu đồng. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường tùy mức độ. Nếu chó thả rông 72 giờ không có người nhận sẽ bị đưa về các trại chó hoặc bị tiêu hủy nếu mắc bệnh truyền nhiễm. Vấn đề là quy định có mà không có ai xử phạt, nên chả ai sợ, chả ai thực hiện”.
“Tôi thấy chính quyền quá dễ dãi với chủ chó, nhà nào nuôi chó “khủng” thì trở thành thảm họa cho hàng xóm cả về vấn đề vệ sinh lẫn an toàn. Cứ bất lực với chủ chó thế này thì sẽ có thêm nhiều nạn nhân phải trả giá”, bạn đọc Hoàng Mến viết.
Video đang HOT
Theo baogiaothong
Bé trai 7 tuổi bị đàn chó dữ cắn chết: Chủ chó có thể bị xử phạt 3 năm tù
Luật sư cho biết, trường hợp thả rông chó dẫn đến cắn chết người, chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt lên đến 3 năm tù.
Liên quan đến vụ việc bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên bị đàn chó dữ cắn thiệt mạng, trả lời PV VTC News, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trường hợp thả rông chó dẫn đến cắn chết người, chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn nơi đông người" theo điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất lên đến 3 năm tù.
Theo Luật sư Cường, an toàn nơi đông người được hiểu là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với người ở những nơi sinh hoạt nơi đông người.
"Việc thả rông đàn chó cắn chết cháu bé tại sân vận động có dấu hiệu tội phạm quy định tại điểm a khoản 1 điều 295 vi phạm quy định về an toàn nơi đông người làm chết người. Mức hình phạt đối với hành vi này là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm", luật sư Cường cho biết.
Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, thời gian gần đây, nhiều trường hợp nuôi chó cảnh không tuân thủ quy định về nguyên tắc an toàn, để chó cắn gây thương tích cho người khác. Ngoài ra, việc chó thả rông nơi công cộng khiến nhiều người lo sợ, mất an toàn công cộng mà chưa bị xử lý nghiêm minh, kịp thời.
Trong vụ việc này, pháp luật quy định bắt buộc là nuôi chó thì phải xích, nhốt, phải quản lý ở trong khu vực của chủ nhà. Trường hợp thả chó ở nơi công cộng thì phải rọ mõm để đảm bảo an toàn cho người khác.
Tuy nhiên, chủ nhà người nuôi chó đã không tuân thủ các nguyên tắc này, gây mất an toàn cho công cộng nên có dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn nơi đông người theo quy định tại điều 295 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
"Trường hợp này không thể xử lý về tội vô ý làm chết người bởi rất khó để chứng minh được người chủ nuôi chó bắt buộc phải biết là chó sẽ cắn người. Giữa hành vi thả chó ra nơi công cộng và hậu quả chó cắn chết người không có mối quan hệ nhân quả tất yếu.
Bởi vậy, trong vụ việc này có thể cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố về tội vô ý làm chết người nhưng vẫn có thể xem xét xử lý hình sự về tội vi phạm các quy định về an toàn nơi đông người theo quy định tại điều 295 Bộ luật Hình sự.
Để xử lý về tội danh này, cơ quan điều tra cần làm rõ yếu tố về mặt chủ thể, yếu tố lỗi và các tình tiết khác có liên quan đến việc xác định đúng dấu hiệu cấu thành của tội danh này", luật sư Cường nói thêm.
Đàn chó của gia đình bà Lê Thị An đã bị lực lượng chức năng bắt giữ sau khi cắn chết bé trai 7 tuổi.
Ngoài ra, theo luật sư Cường, việc chủ đàn chó không quản lý chó nuôi cẩn thận, thả rông chó, khiến chó tấn công cắn cháu bé đã xâm phạm đến tính mạng cháu bé. Việc bồi thường trong trường hợp này được quy định tại khoản 1 điều 603 Bộ luật Dân sự 2015.
"Cụ thể chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại gây ra cho người khác. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm, chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, thiệt hại khác do luật quy định", luật sư Cường cho biết.
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, để hạn chế những trường hợp vật nuôi gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ con người, bên cạnh các chế tài xử phạt, cơ quan chức năng cần thắt chặt công tác quản lý đối với gia súc đặc biệt là đối với chó.
"Cần công khai và có biện pháp nghiêm minh đối với các hộ không đăng ký chó nuôi, thả rông chó, không chấp hành tiêm vắc xin phòng dại chó. Cần thành lập tổ bắt chó thả rông theo đúng quy định pháp luật và áp dụng chế tài xử phạt hành chính đối với chủ nuôi không chấp hành quy định về quản lý nuôi. Những dòng chó dữ như cho ngao tây tạng, becgie, pitbull,... cần được quản lý chặt chẽ hơn.
Mặt khác, gia đình cũng cần chủ động để trẻ em có khoảng cách an toàn với chó, chỉ được tiếp xúc khi có người lớn bên cạnh. Ngay kể cả việc nuôi thú cưng trong nhà, chuồng trại cũng phải cách xa khu vực sinh hoạt và người nuôi phải đảm bảo tiêm phòng đầy đủ và không thả rông thú cưng ra ngoài. Đặc biệt đối với trẻ em không nên tiếp xúc quá gần gũi với những thú nuôi lạ vì bạn không biết tính tình chúng hiền hay dữ", luật sư Cường nói thêm.
Liên quan đến vụ việc, theo chia sẻ của người dân thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, nơi xảy ra vụ việc, trước khi cắn chết bé trai 7 tuổi, đàn chó của gia đình bà Lê Thị An từng cắn nhiều người trong khu vực bị thương.
"Gần nhất là hôm chủ nhật tuần trước (31/3) có một cháu bị cắn, bố mẹ cháu cũng đến nhà phản ánh nhưng bà A. không nghe mà vẫn tiếp tục thả chó. Đối với gà hay chó con của người dân quanh đây bị đàn chó nhà bà An cắn chết rồi tha ra sân vận động là chuyện thường xuyên", một người dân cho biết.
Theo ông Q. (hàng xóm của gia dình bà An), gia đình bà An nuôi rất nhiều chó, lại không có chuồng trại, thường xuyên thả rông và không được đeo rọ mõm. Bà An thường xuyên cho chó ăn thức ăn sống khiến đàn chó rất hung dữ.
"Đã từng có nhiều người và gia súc bị chó nhà bà An cắn, người dân chúng tôi đến tận nhà phản ánh nhưng bà ấy không nghe. Bà còn bảo sân của tập thể, ai có gia súc thì tự trông.
Hôm đó tôi cũng cảnh báo rằng bà phải nhốt chó lại để tránh xảy ra hậu họa sau này nhưng bà A. không nghe cho tới khi vụ việc đau lòng xảy ra tối qua", ông Q. nói.
XUÂN TRƯỜNG
Theo VTC
Người dân kể phút kinh hoàng khi cháu bé ở Hưng Yên bị chó cắn chết Lúc đó, cháu bé bị thương khắp người, chúng cắn nhiều nhất vào đầu, cổ và người. Cháu còn tỉnh táo, đứng dậy được nhưng ngã xuống lập tức, tôi hỏi cháu con nhà ai rồi bảo mọi người gọi bố cháu ra. 4 trong số những con chó đã cắn cháu bé tử vong. Sáng 4/4, nhiều người dân tập trung tại...