Để cho âm vốn hơn 18.000 tỷ đồng ở VNCB, vì đâu nên nỗi?
Sau khi nhóm cổ đông mới (Phạm Công Danh) vào điều hành ngân hàng còn phải trích lập dự phòng tới 12.000 – 13.000 tỷ đồng cho giai đoạn trước.
Tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm ngày 29/7, bị cáo Phạm Công Danh và Phan Thành Mai đã khai ra với nhiều tình tiết đáng chú ý liên quan tới hoạt động của Ngân hàng Xây dựng.
Cả Danh và Mai đều khai rằng họ bị sốc sau khi vào tiếp quản ngân hàng vì không nghĩ tình hình xấu tới mức đó. Tại thời điểm mà chỉ cần người gửi tiền rút 1 đến 2 tỷ đồng đã khiến thanh khoản khó khăn như vậy, lãnh đạo ngân hàng phải tìm cách để huy động vốn bằng mọi cách, và việc chi trả lãi suất ngoài là biện pháp được áp dụng để ngân hàng tồn tại. Danh khai rằng đã sử dụng tiền của Thiên Thanh, cả tiền cá nhân Danh từ việc bán xe máy cho đến nhà cửa để đổ vào tái cơ cấu ngân hàng.
Thêm nữa, theo Phạm Công Danh, khi mua lại cổ phần từ phía bà Hứa Thị Phấn, Danh chi ra hơn 4.000 tỷ đồng là để mua các bất động sản mà nhóm này sở hữu và bà Phấn đại diện cho nhóm 30 công ty, với kỳ vọng bất động sản lên giá sẽ bán đi, tính toán của Mai cho thấy có lãi khoảng 700 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi mua cổ phiếu Danh mới biết bà Phấn không được các công ty kia ủy quyền, họ cũng không chịu chuyển quyền sở hữu cho Danh nên Danh không bán được, thị trường bất động sản lại đi xuống. Bị mất nhiều tiền để mua các tài sản này (tiền Danh mượn từ ngân hàng, trong đó có tiền gửi của nhóm Trần Ngọc Bích, cụ thể là ông Trần Quí Thanh) nên Danh lại càng lún sâu vào vòng xoáy.
Khi đề cập đến chuyện ngân hàng thua lỗ và âm vốn nặng nề, theo lời khai của Phạm Công Danh thì ngoài phải xoay tiền trả lãi ngoài, còn do nợ khó đòi vì các nhóm không trả nợ trong nhiều tháng, nhiều năm. Hơn nữa, khác với các ngân hàng khác là 95% tài sản của ngân hàng này là nằm trong nhóm nợ của một nhóm khó đòi ấy, phần còn lại là nợ lẻ tẻ. Ngân hàng lại rơi vào cảnh bị kiểm soát đặc biệt, tín dụng không được tăng và không thu hồi được nợ nên lỗ là tất yếu.
Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB, khai thêm phần nợ nần trước năm 2012 là trách nhiệm của nhóm Phú Mỹ, sang năm 2013 là của nhóm cổ đông mới. Nhưng năm 2013, ngân hàng phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ mà năm 2012 chưa trích lập, chủ yếu liên quan nhóm Phú Mỹ và Phương Trang, tổng cộng tới 12.000 – 15.000 tỷ đồng.
Video đang HOT
Nhưng Danh và Mai cũng thừa nhận, các khoản lỗ gây ra từ đầu năm 2014 cho đến thời điểm bị khởi tố là thuộc về trách nhiệm của nhóm này.
Theo nội dung của cáo trạng, kết luận thanh tra ngày 10/7/2012 của NHNN cho thấy, tại thời điểm thanh tra, vốn chủ sở hữu của ngân hàng bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng. Nhưng đến cuối năm, theo BCTC ngân hàng Xây dựng năm 2012 đã kiểm toán thì kết quả kinh doanh lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng.
Theo BCTC năm 2013 đã kiểm toán, lỗ lũy kế 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Vào thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu ngân hàng âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng.
Hồi tháng 6 đã rộ lên câu chuyện Ngân hàng Xây dựng đòi nợ nhóm Phương Trang gần 3.000 tỷ đồng.
Theo đó, Ngân hàng Xây dựng cho rằng họ chỉ mới đòi gần 3.000 tỷ dựa trên 10 hồ sơ, còn trên hồ sơ pháp lý tại CB, nhóm Phương Trang đang có nợ gốc hơn 9.400 tỉ đồng (phát sinh từ thời Ngân hàng Đại Tín – Trust Bank), chưa kể khoản lãi phát sinh và đã quá hạn từ năm 2011.
Tuy nhiên phía Phương Trang cho rằng thực tế họ chỉ nhận số tiền nợ hơn 3.436 tỷ đồng của 47 khoản vay và một khoản mua bán trái phiếu của Công ty CP đầu tư Phương Trang chứ không có dư nợ gần 10.000 tỷ như Ngân hàng nói.
Ngay từ năm 2012, nhóm Công ty Phương Trang đã chủ động đưa ra phương án xử lý là hoán đổi tài sản bằng sổ tiết kiệm nhưng phía ngân hàng không chấp nhận với lý do số nợ của nhóm Phương Trang cao hơn.
Theo CafeF
Đại án tại VNCB: Phạm Công Danh than mình... bị lừa
Được xác định là "chủ mưu" các hành vi vi phạm gây thất thoát cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) hơn 9.000 tỷ đồng, tuy nhiên bị cáo Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng này lại cho rằng "cáo trạng về cơ bản nêu đúng hành vi của bị cáo, nhưng xin xem xét bối cảnh xảy ra hành vi đó"...
Xin xem lại bối cảnh
Mở đầu phiên xét xử, bị cáo Phạm Công Danh cho biết, về cơ bản, cáo trạng nêu đúng về mặt hành vi của bị cáo. Tuy nhiên, bị cáo xin Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét lại hoàn cảnh, bối cảnh xảy ra hành vi đó. Cụ thể, Danh khai có quen biết với Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương - PV) và được giới thiệu mua lại cổ phần của nhóm Phú Mỹ tại Ngân hàng Đại Tín. "Khi đó, Hà Văn Thắm đã đưa người vào quản lý Ngân hàng Đại Tín rồi. Việc chuyển nhượng cổ phần, bị cáo phải trả cho Hà Văn Thắm 500 tỷ đồng và có giấy tờ biên nhận. Còn số cổ phần của nhóm Phú Mỹ, bao nhiêu tiền bị cáo không nhớ hết vì thời gian quá dài" - cựu Chủ tịch HĐQT VNCB khai trước tòa.
Phạm Công Danh trong phiên xét xử ngày 29.7. Ảnh: Q.H
Trong suốt phiên xét xử ngày 29.7, bị cáo Phạm Công Danh cho rằng do sức khỏe yếu nên không nhớ nhiều vấn đề, trả lời lòng vòng không đúng trọng tâm câu hỏi, đồng thời cũng ấm ức vì đã..."bị lừa" khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín.
Theo lời Danh, số tiền 500 tỷ đồng trả cho Hà Văn Thắm là tiền trả cho chi phí chăm sóc khách hàng và đây không phải là con số cuối cùng. "Chi phí chăm sóc khách hàng quá lớn khiến bị cáo rất sốc. Khi đó, mức chi phí chăm sóc khách hàng lên đến 6-7%, vượt trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định. Biết điều này trái quy định NHNN nhưng bị cáo vẫn phải trả trực tiếp, phải trả mới huy động được do ngân hàng mất thanh khoản" - bị cáo Danh nói.
Ngoài ra, Danh cũng đề nghị HĐXX xem xét hành vi của mình trong hoàn cảnh thời điểm đó Ngân hàng Đại Tín đang ở tình trạng "cấp cứu đặc biệt". Tất cả các ngân hàng thời điểm đó đều có tình trạng "đi đêm lãi suất" chứ không riêng gì Ngân hàng Đại Tín.
Cổ đông có tiền đều... bỏ chạy
Tại phiên tòa, HĐXX cũng làm rõ nguyên nhân việc bị cáo Phạm Công Danh đưa "người quen" làm cổ đông (20 cá nhân, 1 tổ chức) nhưng đa số đều... không có tiền. Trả lời vấn đề này, Danh cho biết, những cổ đông dự kiến trình NHNN không nằm trong danh sách này, nhiều cổ đông có tiền thấy thực trạng ngân hàng quá căng thẳng nên sau khi xem xét đã rút lui. Cực chẳng đã, Danh mới đưa những "người quen" này vào danh sách cổ đông (trong đó có cả ông Phạm Toàn - bố của Danh).
HĐXX chất vấn, sao danh sách nhiều người không có tiền nhưng bị cáo vẫn để cổ phần thì việc làm này như thế nào?- Danh trả lời: "Đây là nguyên nhân lớn nhất khiến bị cáo muốn rút hồ sơ đề trả lại dù đã trả tiền 500 tỷ đồng cho ông Thắm. Nhưng khi được Chánh thanh tra NHNN nhiều lần động viên, chúng tôi đưa ra quyết định vẫn tiếp tục làm".
Tòa tiếp tục đặt câu các câu hỏi liên quan đến khoản thanh toán nợ xấu cho nhóm Phú Mỹ, việc huy động lãi suất ngoài hợp đồng... nhưng bị cáo Phạm Công Danh trả lời không nhớ hết, không nghe kịp, đề nghị chủ tọa cho phép đưa giấy bút để Danh ghi tại tòa.
HĐXX cũng đặt vấn đề, tình trạng Ngân hàng Đại Tín khi đó có vốn 3.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu làm tròn khoảng 2.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng thì căn cứ vào đâu bị cáo mua lại với số tiền hơn 4.600 tỷ đồng? Trả lời HĐXX, Danh cho rằng bản thân mình kỳ vọng vào tiềm lực tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh. Đồng thời, tài sản của Ngân hàng Đại Tín còn có 2 mảnh đất ở quận 2 và Nhà Bè- theo thẩm định giá khoảng 7.000 tỷ đồng.
"Lúc đó, NHNN đang kiểm soát VNCB do ở tình trạng ngân hàng yếu kém, không thể huy động được vốn, lại bị rút tiền không thể duy trì thanh khoản nên bị cáo phải huy động vốn bằng lãi suất ngoài hợp đồng. Việc duy trì lãi suất ngoài hợp đồng này, bị cáo hy vọng bất động sản sẽ ấm lại và hai bất động sản ở quận 2 và Nhà Bè sẽ giúp bị cáo có tiền để tái cơ cấu"- Danh khai.
Theo Danviet
Ông Phạm Công Danh xin cơ chế riêng để khắc phục thiệt hại 9.000 tỷ Khẳng định tài sản hiện nay của mình có giá trị rất lớn, cựu Chủ tịch Ngân hàng xây dựng xin được bán các bất động sản đang bị kê biên với giá cao nhất và gặp gỡ người thân bàn cách khắc phục thiệt hại trong vụ đại án. Trình bày trong phiên xử chiều 29/7, ông Phạm Công Danh (51 tuổi,...