Để chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả
Nhiều chính sách thu hút cũng như tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp đã được ban hành; trong đó có Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đây là nghị định thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị định 57/2018/NĐ-CP vẫn gặp nhiều bất cập.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng nghị định mới mới thay thế Nghị định 57/2018/NĐ-CP theo hướng phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với các luật như: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Để nghị định thay thế sẽ đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ hơn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Xin Thứ trưởng cho biết tình hình các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua?
Với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực. Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp. Năm 2021 có 6 dự án, cơ sở với tổng mức đầu tư trên trên 5.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động. Điều này tạo bước đột phá về chế biến xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.
Doanh nghiệp quyết định năng lực cạnh tranh của ngành, lĩnh vực. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Năm 2021, thành lập mới và trở lại hoạt động 1.640 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp.
Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: C.P. Việt Nam, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Doveco…
Điển hình như trong chăn nuôi, rất nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư sản xuất, chế biến, với công nghệ cao, quy mô lớn, theo chuỗi khép kín đặc biệt là có chế biến sâu như: C.P. Việt Nam đầu tư tổ hợp với 250 triệu USD tại Bình Phước với mục tiêu 45% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, xây dựng nhà máy giết mổ gia súc tại Hà Nội; Masan đầu tư nhà máy giết mổ tại Hà Nam và Vĩnh Long…
Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Kiên Giang, phường An Bình, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP. Việc xây dựng nghị định thay thế cần lưu ý điểm gì, thưa Thứ trưởng?
Trước đây là Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, rồi đến Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, qua đánh giá thực hiện cho thấy, nguồn lực tổ chức thực hiện còn hạn chế. Chẳng hạn như những hỗ trợ trong nhập giống gốc, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi về đất đai… những nội dung quan trọng và cốt yếu chưa cập nhật với thực tế.
Video đang HOT
Hiện cả nước có trên 800.000 doanh nghiệp nhưng số doanh nghiệp nông nghiệp chỉ có trên 14.400. Số lượng đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế trong khi ngành phải chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Điều này đòi hỏi phải có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn sản xuất theo chuỗi, vùng nguyên liệu gắn với chế biến, thị trường. Do đó, chúng ta phải rà soát lại hết các vấn đề và những thiết chế liên quan đầu tư nông nghiệp.
Thực tế triển khai cho thấy, nguồn lực tổ chức rất quan trọng. Tại các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đã có ý kiến về việc xây dựng các luật, pháp lệnh, chính sách phải tính đến nguồn lực để thực hiện. Chẳng hạn như dự án đường Hồ Chí Minh đã có rất nhiều nghị quyết nhưng vẫn chưa đủ nguồn lực để làm hoàn thiện.
Lần này ban hành nghị định thay thế Nghị định 57/2018/NĐ-CP cần giao rõ trách nhiệm các bộ, ngành địa phương trong triển khai. Với định hướng sửa đổi sát thực tiễn, đủ nguồn lực triển khai, giao trách nhiệm thì sẽ là yếu tố quyết định thực hiện thành công việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
Trong số 14.400 doanh nghiệp có 7.500 doanh nghiệp chế biến nhưng các thủ tục về đất đai, các ưu tiên, ưu đãi vẫn chưa có nguồn lực triển khai. Điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương phải nhận thức về vai trò của nông nghiệp chứ không chỉ tập trung vào hạ tầng, dịch vụ, du lịch.
Nông nghiệp là tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng vào ổn định đất nước. Trong những giai đoạn khó khăn, nông nghiệp đã thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế, đặc biệt khi dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine xảy ra. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo sẽ có trên 1 tỷ người bị đói, nhưng Việt Nam vẫn có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào. Từ nhận thức đó, các bộ, ngành, địa phương mới dành nguồn lực cho phát triển và ưu đãi trong đầu tư trong nông nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN
Bên cạnh việc phát triển các doanh nghiệp, thì các hợp tác xã, trang trại… cần có sự quan tâm, định hướng thế nào để việc đầu tư vào nông nghiệp bền vững?
Chúng ta có hệ sinh thái nông nghiệp với lượng doanh nghiệp nói trên và hơn 19.100 hợp tác xã và 78 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; có trên 30.000 tổ hợp tác và trên 19.600 trang trại theo tiêu chí mới trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với bà con nông dân. Đến nay, phương thức sản xuất ở các hợp tác xã hiệu quả là một trong những giải pháp, mắt khâu quan trọng để sinh thái nông nghiệp phát triển toàn diện.
Không chỉ tạo môi trường cho doanh nghiệp, các hợp tác xã, trang trại và đặc biệt là gần 10 triệu hộ nông dân cùng đồng hành thì các tiến bộ kỹ thuật sẽ được chuyển từ các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp FDI, các viện nghiên cứu… vào sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp đúng định hướng, sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng trình Chính phủ ban hành: Nghị quyết về phát triển hợp tác xã nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Các chính sách nhằm khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ, coi đây là đột phá phát triển sản xuất quy mô lớn và thay thế sản xuất nhỏ lẻ.
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; thực hiện “đồng hành” và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cáo, nông nghiệp số, sạch, hữu cơ, ngành phấn đấu thành lập mới 2.000 doanh nghiệp năm nay.
Dự kiến hết năm 2022, cả nước sẽ có 21.000 hợp tác xã nông nghiệp; trên 2.300 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao; có trên 20.500 trang trại theo tiêu chí mới.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đăng ký mã số xuất khẩu sang Trung Quốc
Nhằm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Lệnh số 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu thực phẩm có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, đặc biệt việc chậm cấp mã số với nhóm mặt hàng do Bộ Công Thương quản lý đăng ký, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan rà soát lại số doanh nghiệp và sản phẩm đã đề xuất với Hải quan Trung Quốc nhưng chưa được phê duyệt, cấp mã số.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ở cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: Văn Đức/TTXVN
Cùng với đó, Bộ Công Thương đôn đốc Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm phản hồi và cấp mã số đăng ký đối với danh sách doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam, đảm bảo cho hoạt động thương mại song phương được duy trì ổn định.
Mặt khác, Bộ cũng phản ánh kịp thời những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đăng ký để phản ánh tới phía cơ quan chức năng phía Trung Quốc kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phổ biến tới địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp triển khai thực hiện đáp ứng các quy định tại Lệnh 248 của Trung Quốc.
Theo Bộ Công Thương, Lệnh 248 của Cơ quan Hải quan Trung Quốc có hiệu lực từ 1/1/2022 ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã và đang có nhu cầu xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.
Bởi vậy, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đangđẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp sớm đăng ký mã số xuất khẩu sang thị trường này.
Lệnh 248 quy định rõ, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu đi Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc.
Cụ thể, nhóm 1 với 19 nhóm mặt hàng gồm thịt và các sản phẩm thịt; sản phẩm thủy sản; sản phẩm từ sữa; yến sào và sản phẩm từ tổ yến; ruột động vật dùng làm vỏ xúc xích; sản phẩm từ ong; trứng và các sản phẩm trứng; dầu thực phẩm và nguyên liệu; bánh có nhân các loại; ngũ cốc dùng làm thực phẩm; sản phẩm bột ngũ cốc và mạch nha; các loại rau tươi, rau tách nước (rau khô, rau sấy) và đậu khô; cia vị nguồn gốc tự nhiên; quả hạch và các loại hạt; trái cây sấy khô; hạt cà phê và ca cao chưa rang; trái cây cấp đông, bảo quản lạnh; thực phẩm ăn kiêng đặc biệt; thực phẩm chức năng. Doanh nghiệp thuộc nhóm này phải đăng ký mã số thông qua các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhóm 2 gồm thực phẩm ngoài 18 mặt hàng thuộc nhóm 1 đăng ký trực tiếp với cơ quan Hải quan Trung Quốc.
Trong số 19 mặt hàng thuộc diện doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, có 3 mặt hàng thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương phụ trách gồm: dầu thực phẩm và nguyên liệu; dản phẩm bột ngũ cốc và mạch nha; bánh có nhân các loại.
Đối với 2 nhóm sản phẩm gồm thực phẩm ăn kiêng đặc biệt; thực phẩm chức năng thuộc lĩnh vực Bộ Y tế phụ trách; nhóm sản phẩm còn lại thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách.
Nhận định về Lệnh 248, Bộ Công Thương cho hay: Điều này không quá mới đối với Bộ Công Thương và một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, với không ít doanh nghiệp nó lại là trở ngại. Vì thế, thời gian qua, các bộ, ngành đã nỗ lực để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất hiểu và nắm rõ quy định từ Lệnh 248.
Hơn nữa, để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương đã xây dựng Bộ tài liệu hướng dẫn chi tiết doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo với Lệnh 248.
Theo đó, đối với doanh nghiệp đăng ký với cơ quan Hải quan Trung Quốc thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thời điểm trước 31/10/2022, doanh nghiệp đăng ký chỉ cần gửi cho cơ quan chức năng đăng ký kinh doanh và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương sẽ đưa vào danh sách và gửi cho Hải quan Trung Quốc.
Bộ Công Thương cho biết thêm, từ 1/11/2021, doanh nghiệp đăng ký với cơ quan Hải quan Trung Quốc thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ phải thông qua 6 bước.
Cụ thể, doanh nghiệp xác định cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; doanh nghiệp đăng ký thông tin với cơ quan có thẩm quyền Việt Nam; cơ quan có thẩm quyền Việt Nam phải đến kiểm tra doanh nghiệp, rà soát, đối chiếu thông tin của doanh nghiệp, hiệu lực đăng ký; cơ quan có thẩm quyền phía Việt Nam gửi danh sách doanh nghiệp và tài liệu liên quan tới Hải quan Trung Quốc thông qua đường ngoại giao; Hải quan Trung Quốc tiến hành rà soát đối chiếu, tiếp nhận đăng ký sau đó cung cấp mã số tới cơ quan thẩm quyền hoặc doanh nghiệp Việt Nam; doanh nghiệp dựa vào mã số do Hải quan Trung Quốc cấp để in ấn bao bì, nhãn mác của sản phẩm.
Đối với doanh nghiệp tự đăng ký trực tuyến (online) với cơ quan Hải Quan Trung Quốc sẽ thực hiện theo 7 bước tại đường link www.singlewindow.cn sau đó hoàn thiện các yêu cầu.
Tuy nhiên, việc tự đăng ký online với cơ quan Hải quan Trung Quốc là việc khó đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi trên trang web này mới có tiếng Anh và tiếng Trung.
Hiện tại, thông tin trên trang web này bằng tiếng Trung được hướng dẫn rất cụ thể cho doanh nghiệp, tuy nhiên, thông tin hướng dẫn bằng tiếng Anh thì còn rất ít.
Đánh giá từ chuyên gia thương mại, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, đây cũng là thị trường quan trọng bậc nhất của Việt Nam đối với riêng mặt hàng nông sản và thực phẩm.
Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7 tỷ USD nông sản sang thị trường Trung Quốc, trong tổng số khoảng gần 50 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới. Bởi vậy, bất kỳ sự thay đổi nào của thị trường Trung Quốc cũng khiến cho người nông dân, doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng.
Chính vì thế, ngay khi nhận được thông tin về Lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc, Bộ Công Thương cũng đã thông qua nhiều kênh đề nghị phía Trung Quốc lùi thời hạn hoặc có thời gian quá độ để cho các doanh nghiệp chuẩn bị do thời hạn thực thi quá gấp, tuy nhiên, phía Trung Quốc không có động thái.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận các thị trường trong đó có thị trường Trung Quốc.
Thống kê cho thấy, tính đến ngày 7/3/2022, cơ quan Hải quan Trung Quốc đã cấp 1.853 mã số cho doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, vẫn còn một số lỗi kỹ thuật khi sử dụng hệ thống đăng ký doanh nghiệp nước ngoài trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc do hệ thống mới vận hành. Hơn nữa, việc phê duyệt mã sản phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn chậm và chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký doanh nghiệp.
Kiểm điểm tiến độ thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh Chiều 19/4, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư định danh xác thực điện tử trên...