Để cấm được xe máy, thành phố này đã giúp người dân thế nào?
Cấm xe máy khi xe buýt đã trở nên phổ biến, đi kèm với đó là sự hỗ trợ tối đa để người dân được thuận tiện và hưởng lợi khi không còn được sử dụng xe máy nữa.
Đó là trường hợp của thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), một ví dụ đang được không ít người nhắc tới khi đề cập tới chính sách hạn chế xe máy đang được đề xuất tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam hiện nay.
Những người dân dùng xe máy làm việc mưu sinh được hỗ trợ tìm việc làm mới.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết rõ được Quảng Châu đã mất bao nhiêu thời gian, triển khai các biện pháp ra sao để giúp các cư dân của mình khi thực hiện lệnh cấm xe máy.
Xe máy thành “vấn nạn”
Theo nghiên cứu của Viên Nghiên cứu Giao thông và Chính sách Phát triển (ITDP), trong thực tế vào đầu những năm 2000, số lượng xe máy ở khu vực đô thị Quảng Châu ước tính lên tới 790.000 chiếc. Số xe máy hoạt động trên đường ước tính 500.000 chiếc, nhưng lại chỉ có 260.000 xe là có đăng ký. Năm 2003, xe máy chiếm hơn 1/4 trong tổng số các phương tiện đường bộ, chỉ đứng sau xe buýt. Số xe máy tiếp tục tăng nhanh vào năm 2005.
Đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng của xe máy, thành phố Quảng Châu cũng gặp phải một loạt vấn đề liên quan đến loại phương tiện. Điển hình như vấn đề ô nhiễm tiếng ồn vượt quá ngưỡng cho phép, ô nhiễm không khí do khí thải carbon monoxide và hydrocarbon cao hơn tất cả các phương tiện khác gộp lại.
Xe máy phát triển nóng từng là “vấn nạn” của Quảng Châu.
Không những thế tắc nghẽn giao thông và tai nạn đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở Quảng Châu lúc đó. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2003 đã có tới 3.044 tai nạn xe máy, khiến 363 người thiệt mạng, trung bình mỗi ngày có 2 người chết do tai nạn xe máy. Số lượng người chết do xe máy chiếm tới 43,61% số người chết do tai nạn giao thông.
Video đang HOT
Hoạt động xe ôm bất hợp pháp làm phá hỏng quy tắc vận chuyển hành khách thông thường. Trật tự giao thông trở nên hỗn loạn. Hình ảnh của thành phố phần nào cũng bị phương hại. Vấn đề trộm cắp liên quan tới xe máy gia tăng. Từ tháng 1-10/2003 có 9.320 vụ trộm được thực hiện bằng lái xe máy xảy ra ở thành phố chủ yếu để cướp giật của người đi bộ.
Lộ trình dần dần cả hơn 10 năm
Mặc dù vậy, phải tới những năm đầu 2000, chính quyền thành phố Quảng Châu mới nghĩ tới việc cấm xe máy. Trong thực tế các nhà chức trách tại đây đã có lộ trình thực hiện từ trước đó hơn 10 năm.
Vào tháng 10/1991, Cơ quan An ninh công cộng của Quảng Châu đã tuyên bố việc hạn chế đăng ký xe máy đối với 8 quận đô thị của Quảng Châu. Từ ngày 14/10/1991, chỉ có 500 xe máy được chấp nhận đăng ký mỗi tháng.
Chủ xe máy được hỗ trợ bằng tiền mặt.
Từ năm 1995 không có xe máy mới nào được đăng ký ở Quảng Châu. Chỉ có cho phép việc cập nhật lại thông tin, thay đổi mã số đăng ký các xe máy cũ. Vào ngày 2/6/1996, kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 9 của Quảng Châu đã kêu gọi phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng, hạn chế nghiêm ngặt sự phát triển của xe máy và giới hạn xe máy chạy trên một số tuyến phố.
Vào năm 1999, xe máy không được đăng ký ở khu vực đô thị và bị cấm hoạt động hoàn toàn ở khu vực đô thị. Từ ngày 10/11/2000, xe máy và xe mô-tô ba bánh bị cấm hoạt động ở 4 khu vực bên ngoài khu vực đô thị chính của Quảng Châu gồm: quận Panyu, quận Huadu, Zengcheng, và Conghua.
Sau khi cấm xe máy, cơ cấu phương tiện đã chuyển dịch sang hướng mới.
Năm 2003 thông qua quy định về thu các xe máy ở thành phố. Năm 2004 thông qua tuyên bố về hạn chế xe máy chạy trên các tuyến đường ở các vùng đô thị theo ba giai đoạn: giai đoạn 1 cấm xe máy hoạt động theo giờ nhất định, giai đoạn thứ hai được tiến hành từ năm 2006 cấm xe máy hoàn toàn ở một số tuyến đường. Đến giai đoạn thứ 3 được tiến hành vào năm 2007 cấm hoàn toàn xe máy ở khu vực đô thị.
Như vậy, từ năm 1991 tới năm 2007, chính sách cấm xe máy của Quảng Châu đã được thực hiện theo lộ trình dần dần, bắt đầu với một loạt biện pháp hạn chế, thắt chặt đến cấm hoàn toàn. Chính sách này đã dựa trên sự nghiên cứu, phân tích và lắng nghe từ ý kiến từ phía công chúng rất nhiều, dựa trên sự khảo sát của hàng nghìn người đi xe máy.
Hỗ trợ người dân tối đa
Một trong những điểm mấu chốt để thực hiện chính sách trên thành công là do Quảng Châu đã triển khai lộ chính cấm xe máy đi kèm với loạt biện pháp hỗ trợ khác. Trước tiên đó là sự phát triển hệ thống giao thông công cộng. Để tránh vấn nạn xe đạp thồ và mini buýt hoạt động chui, thành phố đã phát triển các tuyến xe buýt nhỏ chạy ở khoảng cách ngắn.
Những người dân có xe máy thuộc diện thu hồi được trợ giá. Tính đến tháng 5/2006 đã có hơn 5.000 xe máy bị thu hồi và được trợ giá lên tới 920.000 USD. Với những xe máy đã sử dụng nhưng ở thời gian dưới 10 năm thì mức trợ giá sẽ được tính theo trị giá của tiền mua và trừ đi khấu hao sau 10 năm sử dụng.
Xe buýt mini được triển khai ở các tuyến đi ngắn thay cho xe ôm.
Đối với những người trước đây sử dụng xe máy làm phương tiện sinh sống hoặc làm việc trong lĩnh vực xe máy thì sẽ được hỗ trợ tìm các việc làm mới. Thành phố tổ chức rất nhiều hội trợ việc làm để hỗ trợ những người này.
Cùng với đó, thành phố cũng thành lập các nhóm làm việc để đảm bảo không còn xe máy hoạt động chui. Các hàng rào cũng được lập nên để hạn chế việc người dân sử dụng xe máy bất hợp pháp.
Sau quá trình cấm xe máy, cấu hình các phương tiện đường bộ đã chuyển dịch hẳn. Hơn một nửa là xe buýt và để xe buýt hoạt động hiệu quả thì việc đưa vào sử dụng các xe buýt có hiệu suất cao với sức chứa 70-80 người mỗi chuyến đã được Quảng Châu khai thác tích cực.
Theo dân việt
Cấm xe máy, người dân ở thành phố này phản ứng ra sao?
Đứng đợi cả tiếng mới có xe buýt, lái xe ôm phải về quê sinh sống... là những gì mà người dân ở Quảng Châu, Trung Quốc từng than phiền khi nơi đây mới thi hành lệnh cấm xe máy.
Bắt đầu từ năm 2007, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện lệnh cấp xe máy khỏi các tuyến đường chính và các khu vực trung tâm. Lúc đó chính quyền thành phố này cho biết dĩ nhiên đó chỉ là bước đầu để thực hiện lệnh cấm xe máy ở mọi ngõ ngách của thành phố.
Bãi để xe máy sau khi có lệnh cấm xe máy ở Quảng Châu, Trung Quốc.
Ngay trong đầu tháng 2/2007, chính quyền thành phố đã nhận được rất nhiều cuộc gọi và thư từ người dân gửi tới. Hầu hết đều quan tâm tới việc rất nhiều người đi xe máy, nhất là những người phải dựa vào xe máy để mưu sinh, sẽ bị ảnh hưởng.
Chia sẻ với truyền thông Trung Quốc lúc đó, một lái xe ôm tên là Li Mingqing cho biết sau lệnh cấm anh trở nên bận rộn hơn vì ít đi sự cạnh tranh. Tuy nhiên, Li Mingqing rất lo sợ hoạt động xe ôm chui sẽ bị cảnh sát phát hiện.
"Tôi sẽ cố gắng duy trì công việc tới ngày cuối cùng, nếu có thể tôi sẽ tìm công việc khác. Còn nếu không có công việc nào khác thì có lẽ tôi sẽ về nhà làm ruộng", Li Mingqing nói trên China Daily.
Trong khi nhiều người bạn của Li cũng làm nghề xe ôm, khi có lệnh cấm xe máy họ đã di chuyển ra vùng ngoại ô để tiếp tục công việc của mình.
Lái xe ôm hoạt động chui ở Quảng Châu khi mới có lệnh cấm xe máy.
Khi xe máy bị cấm, rất nhiều người dân quen sử dụng phương tiện này để đi làm sẽ phải chuyển sang đi xe buýt và tàu điện. Huang, một cư dân 56 tuổi ở Quảng Châu lúc bấy giờ cho biết, cấm xe máy sẽ làm lợi cho nhiều người. Huang rất sợ nạn cướp giật sử dụng xe môtô.
Tuy nhiên, Huang cũng lo lắng rằng dịch vụ xe buýt và tàu điện lúc này còn quá đông đúc. Các phương tiện công cộng cần hoạt động hiệu quả hơn để có thể tăng được lượng người di chuyển.
Trong khi đấy, một số cư dân sống ở khu vực ngoại ô cũng thấy quá nhiều bất tiện để di chuyển vào trung tâm thành phố sau khi lệnh cấm xe máy có hiệu lực. Gong Xiaoqing, người sống ở ngoại ô Quảng Châu, cho biết, ngoài xe buýt thì mình không có lựa chọn nào. Nhiều khi anh phải đợi cả tiếng đồng hồ mới bắt được tuyến xe buýt.
Theo dan viet
Cấm xe máy, phát triển xe đạp quá nóng và cái kết bất ngờ Không phủ nhận đi xe đạp giảm tắc đường nhưng việc phát triển quá nóng xe đạp chia sẻ ở Trung Quốc đã dẫn tới sự dư thừa vô kể nguồn cung. Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chính sách hạn chế sử dụng xe máy để giảm mức độ ô nhiễm môi trường và...