ĐD Phi Tiến Sơn: ‘Tại sao Xin thề anh nói thật bị đánh ghê gớm đến vậy?’
“ Xin thề anh nói thật” đang phát sóng trên VTV1 vừa bị một số tờ báo phê phán với những từ khá nặng nề: “nhảm”, “vớ va vớ vẩn”, thậm chí có tờ đòi ngừng phát sóng.
Điều đó khiến nhóm làm phim chúng tôi phát hoảng, phải ngồi lại với nhau tìm nguyên nhân. Nghĩ đi nghĩ lại thấy đây là một kịch bản viết kỹ càng, câu chuyện sinh động hấp dẫn, lời thoại khá sắc đời thường đúng tâm lý giới trẻ, các nhân vật có tính cách ấn tượng. Khi triển khai làm, bộ phim được dàn dựng, góc máy, ánh sáng, thiết kế, âm thanh khá bài bản. Các diễn viên được lựa chọn cẩn thận và đều hoàn thành tốt vai diễn…
Đạo diễn Phi Tiến Sơn
Vậy tại sao bộ phim bị đánh ghê gớm đến vậy?
Bắt đầu từ một vài bài báo đánh giá phim “cường điệu”, nhân vật “vớ vẩn, thiếu i ốt”… Điều này thật đáng mừng vì đúng với thông điệp tác giả muốn gửi gắm, là dùng thủ pháp hài để chế diễu thói xấu, cách sống thực dụng, thiếu lý tưởng của một bộ phận thanh niên trong xã hội tiêu dùng. Tác giả mấy bài báo trên do chưa hiểu ý đồ của tác giả vì xem phim chưa kỹ, chưa hết nên đã chụp mũ là “nhảm”, là “vớ vẩn”.
Sự vội vã và nông nổi trên lại rơi đúng thời điểm báo chí đang muốn cảnh báo về chất lượng phim Việt chiếu trên truyền hình. Thế là một loạt bài viết hùa theo, chê bộ phim đủ điều. Tới lúc này tôi tin chắc rằng nhiều người trong số họ đã không theo dõi kỹ lưỡng bộ phim, xem bữa đực bữa cái rồi phán theo kiểu thày bói xem voi, về điều này đoàn phim chúng tôi sẵn sàng trao đổi, tranh luận công khai.
Video đang HOT
Để khách quan, một số tờ báo còn trích phản hồi của khán giả, chủ yếu là những phản hồi ủng hộ quan điểm của tờ báo. Trong khi trên thực tế, đây là bộ phim có số khán giả xem đông, đem lại tiếng cười sảng khoái và bổ ích. Riêng lượng khác giả trẻ theo dõi phim trên mạng cũng lên tới hàng trăm ngàn với những comment thiện chí.
Khi tôi thổ lộ sự cố này với một đồng nghiệp lớn tuổi, ông liền an ủi: “Cậu bị đánh nhầm và thế là may, vì đó chẳng qua chỉ là tai nạn. Nhiều người, nhiều tác phẩm khác còn bị “đánh hội đồng” kia. Một kiểu đánh cho gục luôn!”. Ông lấy ví dụ phim Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Khi mới ra đời, bộ phim này đã bị đánh tơi tả vì cho là có “vấn đề quan điểm”, đến nỗi vị đạo diễn nổi tiếng này sau đó gần như tuyệt giao với cánh nhà báo viết mảng văn hóa- nghệ thuật.
Gần đây, bộ phim lịch sử Lý Công Uẩn – đường về Thăng Long cũng điêu đứng vì dư luận. Rất ít người được xem bộ phim này. Chỉ qua một đoạn ngắn giới thiệu phim và thông tin “đạo diễn Trung quốc, quay tại Trung Quốc” đã đủ bùng lên ngọn lửa phê phán về bản sắc dân tộc, về tính thuần Việt… Toàn những lời lẽ quy chụp nặng nề đến mức sau khi Hội đồng duyệt phim quốc gia góp ý kiến, nhà sản xuất đã chỉnh sửa mà phim vẫn không lên sóng nổi. Thiết nghĩ, trong khi chúng ta còn ít kinh nghiệm và điều kiện để làm một phim lịch sử cho chỉn chu, thì việc sử dụng thế mạnh của nước láng giềng có gì là sai. Thế giới phẳng, biết đâu mai sau có nhà sản xuất Việt Nam thuê Hollywood thực hiện một bộ phim về chiến thắng Khe Sanh?
Thời gian gần đây, một số tờ báo nhân sự cố của vài bộ phim đã đánh giá: Chất lượng phim việt yếu kém, bị khán giả quay lưng lại. Đây là sự đánh giá chưa chuẩn. Tỷ lệ người xem phim Việt vẫn cao so với các chương trình giải trí khác. Nhân đây tôi muốn nói đến một vấn đề lớn hơn, là sự phát triển của dòng phim Việt trên truyền hình.
Trước hết, nhờ sự sáng suốt của một chủ trương lớn (luật điện ảnh) và sự sáng tạo, quyết tâm của các đài truyền hình, phim Việt đã chiếm vị trí thống lĩnh trên các kênh, giờ vàng. Sau là sự cố gắng nỗ lực của rất nhiều nghệ sĩ, của rất nhiều đơn vị tham gia sản xuất phim (VFC, TFS, BHD, Galaxy, FPT, Sao thế giới…) chúng ta đã cho ra đời hàng vạn tập phim gần gũi, có tác dụng tích cực với khán giả Việt.
Nền sản xuất phim truyền hình của chúng ta còn rất mới mẻ, phim có hay có dở là đương nhiên. Các công ty do còn thiếu kinh nghiệm nên để xảy ra sự cố này nọ là chuyện dễ hiểu. Nhưng có một thực tế là, chưa bao giờ việc xã hội hóa trong truyền hình lại rộng khắp và mạnh mẽ như lúc này. Xã hội hóa được hiểu theo nghĩa bỏ vốn và cả ý nghĩa xã hội, văn hóa nữa. Việc nhìn lại, đánh giá hoạt động này là cần thiết, nhưng phải trên cơ sở xây dựng, ủng hộ một xu hướng phát triển tích cực.
Đánh giá, phê bình một bộ phim, một tác phẩm nghệ thuật cần có trình độ chuyên môn, năng lực thẩm định và sự công tâm. Những ý kiến thiên lệch dễ làm tổn thương các nghệ sĩ – những người nhạy cảm và có ít khả năng tự vệ. Những đóng góp đúng đắn, chân thành, khoa học luôn là mong muốn của một xã hội công bằng văn minh.
Vừa qua, trong đại hội báo chí toàn quốc, ông Trương Tấn Sang, thường trực ban bí thư, đã nhấn mạnh: báo chí cần xác định “chống để xây”. Trong phạm vi bài báo này đã dùng từ “đánh”, nên có thể hiểu là “đánh để xây”. Nhưng khi đã không có sự công tâm khi “đánh” thì liệu có “xây” được không?
Theo vietnamnet
Dàn diễn viên "VIP" của "Xin thề anh nói thật" !
Được thực hiện với sự hợp tác giữa Đài THVN và FPT Media, "Xin Thề Anh Nói Thật" dài 35 tập, đã chính thức được phát sóng từ ngày 7/3/2011, lúc 20h các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ 4 trên VTV1.
"Xin Thề Anh Nói Thật" mang đậm phong cách vừa hóm hỉnh, vui tươi, vừa trữ tình, lãng mạn thông qua các tình tiết cùng cách thể hiện của các nhân vật trong phim.
Bên cạnh những yếu tố đặc sắc kể trên, điểm đặc biệt kế tiếp đáng lưu ý của "Xin Thề Anh Nói Thật" là bộ phim quy tụ dàn diễn viên cùng ê kip thực hiện là những "nhân vật" khá nổi tiếng trong làng điện ảnh nước nhà. Phim được thực hiện với sự chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn Phi Tiến Sơn - người từng được biết đến với vai trò "cầm trịch" trong các bộ phim: Lập Trình Cho Trái Tim, Người thổi tù và hàng tổng, Nghề Báo, Lưới Trời, Vào Nam ra Bắc...
Đạo diễn Phi Tiến Sơn
Đối với tuyến nhân vật chính trong phim, "Xin Thề Anh Nói Thật" có sự tham gia diễn xuất của Hoa Hậu Châu Á tại Mỹ - Jennifer Phạm. Với Jennifer, đây là một vai diễn khá hấp dẫn - hấp dẫn cô ngay từ lúc đầu đọc kịch bản cho đến lúc nhận vai và thể hiện nhân vật. Trong phim Jennifer vào vai Bảo Lâm - một cô gái thông minh, năng động, có cá tính rất mạnh mẽ, đôi khi giống "đàn ông", Bảo Lâm không muốn sự ủy mị, dịu dàng vì cô mong luôn là chỗ dựa cho mẹ khi gia đình chỉ có 2 người, bởi theo lời của mẹ, bố cô đã bỏ hai mẹ con để đến với một người phụ nữ khác. Bảo Lâm mong muốn trong quá trình đi tìm tình yêu cô sẽ tìm được người đàn ông tuyệt đối chung thủy với mình.
"Sóng đôi" với Bảo Lâm trong phim là Phan Vũ (MC Danh Tùng) thể hiện. Đây là một chàng trai rất đẹp trai, hiếu thảo với gia đình, có "biệt tài" giỏi "tán gái"; giỏi nấu ăn. Anh có tính cách rất đàn ông, mạnh mẽ, quyết liệt, muốn gì phải đạt bằng được. Trong công việc và cuộc sống Vũ là người rất nghiêm túc, thật thà nhưng Vũ có một tật xấu là yêu nhiều và sở trường là nói dối phụ nữ kèm với câu "Xin thề anh nói thật".
Bên cạnh cặp đôi Jennifer Phạm và Danh Tùng, phim còn có sự tham gia diễn xuất của đôi diễn viên "gạo cội" là NSUT Tiến Đạt và DV Hà Xuyên trong vai Ông Bách - Bà Trâm là bố mẹ của Phan Vũ. Với vai ông Bách, NSUT Tiến Đạt có tính cách hiện đại, vui tính, thích đi nhẩy, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, hay đi nước ngoài và là người rất "yêu cái đẹp" nhưng không bao giờ đi quá giới hạn của một người có vợ. Luôn bao che cho con và cứu Vũ thoát khỏi các mỹ nhân khi Vũ lâm vào cảnh khốn khổ. Khác với sự hiện đại của "chồng", bà Trâm (DV Hà Xuyên) lại là tuýp người phụ nữ cổ không nhạy bén với thời cuộc, đảm đang, dễ tin, luôn coi con trai là bé bỏng và hay lo lắng thái quá.
Ngoài hai cặp đôi kể trên, "Xin Thề Anh Nói Thật" còn có sự tham gia của các diễn viên cũng đã từng được khán giả cả nước biết đến như: NSUT Minh Châu, DVĐA Diệu Hương, Minh Hà, Diễm Hằng, Lương Giang, Tuấn Quang, Đới Anh Quân, Kim Hoàn, ...Cùng đón xem bộ phim đậm chất hài, tình cảm "Xin Thề Anh Nói Thật", phát sóng lúc 20h10 các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ tư trên kênh VTV1, bắt đầu vào ngày 07/03/2011.
Theo 2Sao
'Cô dâu đại chiến' dính nghi án đạo kịch bản Hiện đang rộ lên thông tin kịch bản phim này giống với phim Xin thề anh nói thật của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Đạo diễn Sơn cho biết, về nội dung, Xin thề anh nói thật và Cô dâu đại chiến có sự trùng hợp. Bộ phim Cô dâu đại chiến do Saiga Films và Việt Nam Studio sản xuất, hãng BHD...