ĐD Lưu Trọng Ninh nhận có… “sạn” trong “Khát vọng Thăng Long”
“Có chăng là tôi là một đạo diễn kém nên đã để “người khác” phát hiện ra những… hạt sạn này”, vị đạo diễn cười nói.
Sau thời gian chờ đợi, cuối cùng bộ phim chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Khát vọng Thăng Long đã được chiếu ra mắt vào chiều qua (5/11) tại Megastar – Hà Nội.
Tham dự sự kiện có đạo diễn Lưu Trọng Ninh và những diễn viên trong phim như Ngọc Ngoan, Đình Toàn và Thu Trang…
Vua Lý Công Uẩn (Ngọc Ngoan), ca nữ Diệu Hương (Thu Trang) và vua Lê Long Đĩnh (Đình Toàn) tại buổi ra mắt phim
Cũng trong buổi ra mắt Khát vọng Thăng Long này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã trả lời báo chí về những thắc mắc xoay quanh bộ phim.
Theo ĐD Lưu Trọng Ninh thì sở dĩ Khát vọng Thăng Long giờ mới ra mắt trong khi một số bộ phim khác về Thăng Long đã được công chiếu rộng rãi là bởi ông và những nhà làm phim đã “cố ý” lùi lại để nhằm “hút” sự chú ý của khán giả.
“Tuy vậy, chúng tôi cũng đã có một buổi ra mắt phim vào hôm 7/10. Tôi xin khẳng định là bộ phim đã hoàn thành những cảnh quay cuối cùng vào ngày 15/9. Cũng có lý do khác là chúng tôi muốn chau chuốt hơn nữa cho những cảnh quay cần đến kỹ xảo nên để chậm lại buổi ra mắt phim. Hơn nữa, theo tôi, Đại lễ không phải chỉ có 10 ngày mà là 1 năm”.
“ Khát vọng Thăng Long là một bộ phim chứa nhiều tâm huyết của đoàn làm phim. Vì thế, sự chú ý của khán giả là điều chúng tôi quan tâm. Tất cả những người trong đoàn làm phim đã phải vất vả, cố gắng và nỗ lực rất nhiều giữa mùa hè nắng nóng. Tôi ghi nhận điều này. Tuy nhiên, Khát vọng Thăng Long vẫn chưa thỏa mãn hết những mong muốn của tôi và mọi người”, ĐD Lưu Trọng Ninh nói.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh trả lời báo giới
Khi được hỏi tại sao ông không chọn những diễn viên nổi tiếng “ai cũng biết” mà lại chọn Ngọc Ngoan, Đình Toàn hay Thu Trang – những tên tuổi ít người nghe – thì vị đạo diễn này cho biết: “Tôi không quan tâm đến diễn viên nổi tiếng hay không nổi tiếng dù nếu có được những diễn viên chuyên nghiệp là điều rất tốt. Điều tôi quan tâm nhất là việc diễn viên đó có hợp với nhân vật của tôi hay không”.
“Nhân vật Lý Công Uẩn xuất phát từ chùa nên người đóng vai này phải sở hữu một gương mặt có những nét nhân hậu. Hơn thế, vì là một người học võ nên cơ thể phải to lớn hơn người khác…”.
“Cả nhân vật Lý Công Uẩn mà Ngọc Ngoan đảm nhận và Lê Long Đĩnh mà Đình Toàn đóng đều đã thỏa mãn được tôi. Ngọc Ngoan biết khóc và cậu ấy đã thể hiện được những gì một Thánh Nhân cần có còn Đình Toàn sắc sảo, thể hiện được một vị vua tàn bạo…”.
Ngọc Ngoan trả lời báo giới
Về nhận xét rằng, Ngọc Ngoan vào vai Lý Công Uẩn với diễn xuất rất… “sến”, ĐD Lưu Trọng Ninh “phản hồi”: “Nếu vậy tôi sẽ coi từ “sến” này là một lời khen bởi theo tôi, Ngọc Ngoan đã khắc họa được một Lý Công Uẩn biết đau nỗi đau của nhân loại. Đó là người thấu hiểu được tình người và đọc được tâm can người dân. “Ông ấy” đã không kiềm lòng được trước một xã hội với những người dân chịu cảnh đau thương, “ông ấy” không làm ngơ được với một cô gái chửa hoang bị “gọt đầu bôi vôi cho trôi sông”… Ngọc Ngoan đã làm được điều đó. Tôi thấy hài lòng”.
Video đang HOT
Đình Toàn ngoài đời nhìn rất trẻ và cởi mở
Còn những chi tiết được cho là “buồn cười”, là “sạn”, là “kịch” như đoạn đối thoại giữa Lý Công Uẩn và một đứa bé mất cha hay chi tiết một người lính đỡ giáo cho Lý Công Uẩn mà vẫn “cải lương” thì ĐD Lưu Trọng Ninh cười nói: “Các đạo diễn không khác nhau trong việc xử lý những tình huống trong phim của mình bởi ai cũng muốn làm tốt nhất. Còn tôi, có chăng là tôi kém nên đã để “người khác” phát hiện ra những “hạt sạn” này. Những chi tiết đó, nếu có thời gian tôi sẽ chỉnh sửa cho bộ phim hoàn hảo hơn nhưng nếu thế, Khát vọng Thăng Long sẽ… tan hoang hết. Tuy nhiên, có người vẫn xúc động với cảnh Lý Công Uẩn bế đứa bé mất cha, còn chi tiết người lính đỡ giáo cho Lý Công Uẩn tôi cũng nghĩ, anh ta không cần nói gì cũng đã đầy đủ ý nghĩa… Tôi xin nhận có “sạn” trong Khát vọng Thăng Long”.
Khát vọng Thăng Long là bộ phim lịch sử kể về cuộc đời của vua Lý Thái Tổ, người đã dời đô từ cố đô Hoa Lư về Đại La và ngày nay là thủ đô Hà Nội. Nội dung phim khắc họa hình ảnh Lý Thái Tổ ở bốn giai đoạn từ lúc ông còn nhỏ, trưởng thành, vào cung và lên ngôi. Bên cạnh đó, phim cũng tái hiện một cách sinh động sinh hoạt của người dân 1.000 năm trước, từ cảnh chợ Hoa Lư, bến sông Đại La… cho đến trang phục, vũ khí… Tất cả bối cảnh của phim đều được dựng và quay tại Việt Nam ở những địa điểm nổi tiếng của Hà Nội, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Đăk Lăk…
Một số hình ảnh khác tại buổi ra mắt phim Khát vọng Thăng Long:
Đình Toàn nhận được rất nhiều sự quan tâm của báo giới
Ngọc Ngoan mặc long bào vua Lý Công Uẩn
Đình Toàn
Thu Trang
Người đẹp Giáng My chụp với các diễn viên của đoàn làm phim
3 nhân vật chính của “Khát vọng Thăng Long”
Người đẹp Giáng My làm MC của sự kiện
Màn múa ấn tượng của Thu Trang
Phoenix, photo: Mr Bee (Theo Bưu Điện Việt Nam)
Phim dự kiến chiếu dịp Đại lễ đâu rồi?
Rất nhiều dự án phim "dán mác" chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long được xúc tiến, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, khi đại lễ đã qua, vẫn chưa có bộ phim nào được ra mắt chính thức số đông công chúng.
Làm phim lịch sử vẫn còn là vấn đề nan giải với điện ảnh Việt?
Từ năm 2007, giới làm phim đã xôn xao bàn chuyện sản xuất những bộ phim lịch sử thật hoành tráng để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Từ những ngày ấy, người ta đã tranh cãi kịch liệt xem phải làm phim lịch sử ra sao, xây dựng hình tượng vua Thái Tổ Lý Công Uẩn như thế nào (nhất định phải có phim về vua Lý Thái Tổ, người sáng suốt dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long), phải đầu tư bao nhiêu tiền để có được một tác phẩm điện ảnh lịch sử đích thực... Những cuộc tranh cãi nổ ra trên nhiều các tờ báo, trên khắp các diễn đàn, nhiều khán giả đã nghĩ, biết đâu từ những cuộc tranh cãi nảy lửa, những bộ phim lịch sử ý nghĩa sẽ ra đời, biết đâu dịp kỷ niệm Hà Nội ngàn năm chúng ta sẽ tha hồ được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh đích thực? Tiếc thay, điều đó đã chưa tới.
Sau những cuộc tranh cãi năm 2007, từ năm 2008 đã có những kịch bản được định hình, đã có những dự án phim "dán mác" chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long được triển khai, dự án nào cũng bạc tỷ. Các nhà làm phim cũng tỏ ra hết sức phấn khởi, hào hứng.
Bộ phim Đường tới thành Thăng Long của đạo diễn Cận Đức Mậu (phải) đã phải dừng phát sóng dịp đại lễ do có quá nhiều tranh cãi.
Nhiều dự án phim về Lý Công Uẩn được đưa vào sản xuất sau những tranh cãi, có thể kể đến Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long, Khát vọng Thăng Long, Huyền sử thiên đô... Một vài dự án phim lịch sử khác cũng bấm máy với không khí hướng tới đại lễ: Trần Thủ Độ, Long Thành cầm giả ca... Trong gần chục dự án phim chào mừng đại lễ, phim nhựa cũng có, phim truyền hình cũng có, nhưng đúng dịp đại lễ, hầu hết các phim đều "im thin thít, lặn mất tăm".
Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long với 19 tập phim (số tiền tiêu tốn được công bố là hơn 100 tỷ) của một đơn vị tư nhân đứng ra sản xuất. Với cái tâm hướng đến tổ tiên, với mong muốn có được bộ phim lịch sử thật hoàng tráng, Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long được "bê" cả ê-kíp sang Trung Quốc sản xuất. Quay tại trường quay Hoành Điếm, do đạo diễn Trung Quốc chỉ huy, biên kịch Trung Quốc chỉnh sửa kịch bản... Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long ngay khi "tung" ra trailer quảng cáo phim đã bị phản đối dữ dội. Dư luận cho rằng, đây là một bộ phim Trung Quốc nói tiếng Việt. Bộ phim bị dừng phát sóng dịp đại lễ vì dư luận tranh cãi gay gắt, số đông công chúng không chấp nhận một bộ phim lịch sử Việt bị "Trung Quốc hóa" lên sóng.
Bộ phim nhựa Khát vọng Thăng Long của đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng được ấp ủ ra rạp dịp đại lễ. Bộ phim đã được thực hiện âm thầm trong gần một năm. Sau những kiện cáo về mặt kịch bản, Khát vọng Thăng Long xin cấp phép phổ biến phim trong dịp Hà Nội hân hoan chào đón một ngàn năm. Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Văn Hóa- Thể Thao và Du lịch TPHCM, Khát vọng Thăng Long cần phải chỉnh sửa thêm. Ngày 7/10, Khát vọng Thăng Long chiếu ra mắt báo chí tại Hà Nội với một bản DVD.
Một cảnh trong phim Khát vọng Thăng Long
Đến dự buổi chiếu, ngoài các phóng viên báo chí, còn có nhiều đạo diễn tiếng tăm trong giới làm phim. Đạo diễn- NSƯT Thanh Vân (đạo diễn nổi tiếng với những bộ phim Đời cát, Trái tim bé bỏng...) chia sẻ: "Về nội dung phim, tôi xem có cảm giác như là, "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Tên phim là Khát vọng Thăng Long, nhưng phim sa vào khai thác nhân vật Lê Long Đĩnh và cuộc chém giết "huynh đệ tương tàn" của anh em nhà Lê nhiều hơn. Nội dung phim chưa bật lên được Khát vọng Thăng Long của nhân vật lịch sử Lý Công Uẩn...". Đạo diễn Thanh Vân nói thêm "Đứng về phía tác giả, nếu là tôi, tôi sẽ không chiếu ra mắt với một bản DVD như thế này. Chất lượng âm thanh quá kém, hình ảnh tối, chưa kể còn có những lỗi kỹ xảo... Hy vọng, với bản phim nhựa, Khát vọng Thăng Long sẽ hay hơn".
Cả hai bộ phim nhựa Khát vọng Thăng Long và Long Thành cầm giả ca đều sử dụng lồng tiếng. Khác với dòng chảy tiến bộ của điện ảnh hiện nay là đầu tư sản xuất phim thu tiếng trực tiếp, hai bộ phim nhựa được chờ đợi dịp đại lễ lại sử dụng thoại lồng tiếng. Phải khẳng định, cách thức lồng tiếng đã trở nên lỗi thời, ngay cả với phim truyền hình. Khán giả màn ảnh nhỏ đã được xem những bộ phim truyền hình thu tiếng trực tiếp hiện đại như Nhà có nhiều cửa sổ, Cô gái xấu xí, Vệt nắng cuối trời... Cách thức lồng tiếng khiến cho hai bộ phim nhựa trở nên... bình dân.
Cảnh trong phim Long thành cầm giả ca
Trả lời về việc sử dụng lồng tiếng của phim Long Thành cầm giả ca, đạo diễn- NSƯT Trần Lực cho biết: "Cá nhân tôi cũng đảm nhận một vai trong phim, nên tôi còn tiếc hơn cả bạn, khi việc lồng tiếng đã khiến Long Thành cầm giả ca phần nào thiệt thòi. Nhưng phải khẳng định, đó là bệnh chung của điện ảnh Việt Nam. Diễn viên mình chưa chuyên nghiệp, ai diễn được về hình thì giọng chán, và ngược lại, giọng tốt, hình lại hỏng. Chúng ta sẽ còn phải khắc phục lâu dài những hạn chế chung của điện ảnh".
Huyền sử thiên đô là một dự án phim truyền hình nhưng cũng được quảng bá rầm rộ về chất liệu lịch sử, và rằng, nhân vật lịch sử Lý Công Uẩn sẽ được khai thác sâu sắc trong bối cảnh từ triều đại nhà Đinh, Tiền Lê đến triều Lý. Huyền sử thiên đô hứa hẹn sẽ lên sóng dịp đại lễ với 20 tập đầu tiên để hòa cùng không khí chào mừng của thủ đô, tuy nhiên, cho đến thời điểm này, cả Huyền sử thiên đô, cả Trần Thủ Độ đều "biệt vô âm tín".
Huyền sử thiên đô đã không kịp lên sóng dịp đại lễ như dự kiến
Gần chục dự án phim lịch sử được đầu tư nhưng chỉ có Long Thành cầm giả ca gấp rút được hoàn tất để kịp tham dự LHP quốc tế VN lần thứ nhất. Dù thi đấu trên sân nhà, nhưng Long Thành cầm giả ca chỉ giành được một giải thưởng duy nhất cho nữ diễn viên xuất sắc trong đêm bế mạc liên hoan phim.
***
Không thể có được một bộ phim về vua Lý Thái Tổ kịp ra mắt dịp đại lễ "ngàn năm có một" dù đã có cả 3-4 năm trời chuẩn bị. Lý do vì sao? Câu hỏi lớn ấy ai sẽ trả lời cho khán giả, các nhà làm phim hay các cấp quản lý?
Theo Dân Trí
Hàng loạt phim lịch sử Việt Nam tung trailer mãn nhãn Sắp tới, hàng loạt phim về đề tài lịch sử của Việt Nam sẽ đồng loạt được chiếu đó. Cùng xem qua hình ảnh của các bộ phim đó nhé. Trong một vài ngày qua, hàng loạt trailer của các bộ phim về đề tài lịch sử việt Nam đã ra mắt trên mạng và ngay lập tức khiến khán giả vô cùng...