ĐBSCL: Xâm nhập mặn tiếp tục lên cao đến nửa đầu tháng 4
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết: Lưu lượng nước ngọt bình quân trong tháng 3 tại ĐBSCL ở mức thấp, mặn tiếp tục xâm nhập sâu vào nội đồng, đỉnh mặn trong tháng 3-2020 xuất hiện từ ngày 7-3 đến 15-3-2020 và từ ngày 22-3 đến 28-3-2020. Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài sang nửa đầu tháng 4-2020, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trong vùng.
Kênh, rạch dự trữ nước ngọt tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang bị khô kiệt do hạn mặn, thiếu nước ngọt. Ảnh: CTV
Vào khoảng thời gian này (đầu tháng 4-2020), nguồn nước ngọt ở vùng thượng ĐBSCL (bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ), đầu nước tiếp tục thấp, khó khăn cho bơm tát ở các vị trí xa kênh trục. Vùng giữa ĐBSCL (bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre), nước ngọt có khả năng xuất hiện ở các cửa sông khi chân triều thấp, sông Cổ Chiên 35-40km, sông Hậu 30-35km, sông Vàm Cỏ 90-100km, sông Cái Lớn 55-60km. Các sông Hàm Luông, cửa Đại và cửa Tiểu khả năng lấy nước hạn chế do mặn nền tiếp tục duy trì cao. Các địa phương cần chủ động các biện pháp tích trữ nước phục vụ sinh hoạt, đồng thời tích nước ngay khi có thể để đề phòng mặn cao trở lại ở nửa đầu tháng 4. Vùng ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang) cần ứng phó với tình hình mặn lịch sử, chủ động các biện pháp chống hạn mặn và cấp nước sinh hoạt, chủ động tích nước trước khi mặn tăng cao hơn… Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng ĐBSCL tập trung vận hành hệ thống công trình hợp lý, kiểm soát mặn thường xuyên ở các hệ thống thủy lợi, các cửa lấy nước, đảm bảo tích trữ nước và bảo vệ nguồn nước trong thời kỳ mặn lịch sử này; cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với diễn biến của nguồn nước…
H.VĂN
82.000 hộ dân ĐBSCL thiếu nước ngọt sinh hoạt
Chiều 8-1, Bộ NN-PTNT cho biết, xâm nhập mặn ở ĐBSCL xuất hiện sớm và ở mức cao, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Từ giữa tháng 12-2019, độ mặn 4g/lít theo sông Hàm Luông xâm nhập sâu vào đất liền hơn 57km. Dự báo từ giữa tháng 1-2020, xâm nhập mặn sẽ vào sông Vàm Cỏ và diễn biến gay gắt vào tháng 2, tháng 3; trong khi các cửa sông Cửu Long đã bị mặn từ giữa tháng 12-2019 và mức độ cao nhất vào các tháng 1,2,3. Vùng biển Tây, mặn ảnh hưởng gay gắt từ tháng 1 và xâm nhập sâu từ tháng 2-2020.
Trước tình hình hạn mặn phức tạp, các địa phương ở ĐBSCL cho biết, hiện có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, Sóc Trăng có khoảng 24.400 hộ, Kiên Giang 20.400 hộ, Bến Tre 12.700 hộ, Cà Mau 4.500 hộ, Tiền Giang 2.200 hộ... Nguyên nhân do nguồn nước có độ mặn vượt ngưỡng cho phép, các hộ dân thiếu dụng cụ trữ nước ngọt để sử dụng. Điều đáng lo ngại là tới đây khi vào cao điểm mùa khô, dự báo ở ĐBSCL có tới 158.900 hộ thiếu nước sinh hoạt, trong đó có 24.000 hộ ở vùng của công trình cấp nước tập trung, 134.800 hộ ở vùng cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.
Những ngày qua, các tỉnh ĐBSCL hỗ trợ hơn 20.000 bồn trữ nước cho người dân với các dung tích khác nhau, ưu tiên hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, người có công với cách mạng. Các ngành chức năng ở Sóc Trăng tiến hành kéo dài 719.688m đường tuyến ống cấp nước tập trung, đối với công trình còn dư công suất; tỉnh Trà Vinh đã đắp nhiều đập tạm giữ nước ngọt; tỉnh Kiên Giang tiến hành thổi rửa hơn 1.200 giếng khoan nhằm tăng khả năng cấp nước; tỉnh Bến Tre trang bị thiết bị lọc nước nhiễm mặn tại các trạm cấp nước...
Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể cấp nước sinh hoạt trong suốt mùa khô, với phương châm không để người dân thiếu nước sinh hoạt; chủ động bố trí ngân sách thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn mặn và cấp nước sinh hoạt nông thôn. Ngoài ra, bộ kêu gọi các tổ chức quốc tế, tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước cho người dân bị ảnh hưởng, ưu tiên hộ nghèo, hộ sống phân tán, ven sông, ven biển chưa được tiếp cận nguồn nước sạch; tính toán đầu tư bồn nhựa loại 10m3, túi nhựa dẻo từ 15-30m3 đặt tại địa điểm tập trung (UBND xã, nhà văn hóa...) để cung cấp nước cho đông đảo người dân.
HUỲNH LỢI
Theo SGGP
Trung Quốc chưa gia tăng lượng xả trên sông Mekong, hạn mặn ĐBSCL có thể kéo dài Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện Trung Quốc vẫn chưa gia tăng xả nước từ đập Cảnh Hồng như tuyên bố trước đó để hỗ trợ các nước láng giềng về hạn hán, xâm nhập mặn. Đợt hạn mặn ở ĐBSCL có thể kéo dài sang nửa đầu tháng 4 tới. Người dân ở ĐBSCL quay cuồng...