ĐBSCL: Giá dứa tăng cao, nông dân thu lãi lớn
Thời gian gần đây, khóm (dứa) ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được thương lái thu mua với giá cao, ổn định nên nông dân có lãi lớn. Bình quân sau khi trừ chi phí, nông dân trồng khóm có lãi trên 80 triệu đồng/ha.
Hiện tại, ở vùng Tân Phước (Tiền Giang) thương lái thu mua xô ngay tại ruộng (không phân biệt lớn nhỏ) với giá khoảng 8.500 đồng/kg (cao gần bằng đỉnh điểm cuối năm 2015).
Ông Nguyễn Văn Vạn, nông dân trồng khóm ở xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước cho biết: “Gần đây, giá khóm thu mua tại ruộng khóm được các thương lái đẩy lên mức 8.000 – 9.000 đồng/ka (tùy theo loại), còn khóm dạng xô cũng được thương lái thu mua với giá 8.500 đồng/kg. Đây là giá khóm cao nhất trong vòng 10 năm qua và bằng với mức giá đỉnh điểm vào tháng 10 năm ngoái.
Nông dân Tân Phước (Tiền Giang) thu hoạch khóm bán cho thương lái.
Theo ông Vạn, nguyên nhân khiến giá khóm tăng cao như hiện nay là do đợt hạn mặn vừa qua làm cho năng suất khóm giảm, nhiều diện tích khóm già cõi phải trồng lại nên sản lượng khóm cung cấp cho thị trường chưa nhiều. Trong khi đó sức tiêu thụ khóm trên thị trường đang tăng do nhu cầu tiêu dùng trong nước và khóm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu tăng.
Tại vùng nguyên liệu khóm Cầu Đúc (TP Vị Thanh, Hậu Giang), giá khóm được thương lái thu mua cũng khá cao. Hiện tại khóm loại 1 (trên 1 kg/quả) được thương lái thu mua với giá từ 11 đến 12 ngàn đồng/quả. Tính trung bình giá khóm loại 1 cũng có giá hơn 9.000 đồng/kg. Nông dân Nguyễn Thị Lệ Hằng, trồng 6 công khóm ở xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Khóm tăng cao nhưng sản lượng không nhiều do ảnh hưởng của đợt hạn mặn vừa rồi. Tuy nhiên, với giá như hiện nay nông dân cũng sống khỏe với nghề trồng khóm ở vùng đất phèn này”.
Nông dân Hậu Giang phấn khởi vì khóm được giá cao.
Theo tính toán của một số nông dân trồng khóm, với giá khóm thời điểm này và năng suất khóm bình quân khoảng 15-20 tấn/ha, sau khi trừ chi phí chăm sóc, phân bón…, nông dân có khóm thu hoạch có thể lãi không dưới 80 triệu đồng/ha.
Video đang HOT
Tuy nhiên, không phải tất cả nông dân trồng khóm đều được hưởng lợi từ giá khóm cao hiện nay do một số ruộng khóm cho lưa thưa trái, sản lượng khóm thấp. Dự báo trong thời gian tới giá khóm còn có thể tiếp tục tăng do nguồn cung khóm chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước cho biết: “Hiện nay, diện tích trồng khóm của xã đạt gần 2.700 ha, chủ yếu trồng khóm Queen và nông dân trồng khóm đang hướng tới VietGAP. Những năm gần đây, giá khóm tăng cao, nông dân trồng phấn khởi và tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên nông dân ngày càng giảm”.
Do hiệu quả kinh tế khá cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, từ lâu cây khóm Tân Phước đã được tỉnh xác định là cây ăn trái chính để phát triển kinh tế và đã được tỉnh đăng ký bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý, nhờ vậy diện tích trồng khóm ở địa phương này gia tăng theo từng năm.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Phước, hiện nay tổng diện tích trồng khóm của huyện đạt khoảng 16.350 ha, tập trung nhiều nhất ở các xã Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Hưng Thạnh, Thạnh Tân, Thạnh Hòa, Tân Hòa Đông, Tân Lập 1, Tân Lập 2 và Phước Lập.
Khóm không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa mà còn được chế biến xuất khẩu.
Hiên nay, huyên Tân Phươc đã xây dựng được 1 mô hình nhóm nông dân sản xuất khóm của HTX Quyết Thắng đat chưng nhân VietGAP lần 1 vào năm 2009 với quy mô 30 ha và đạt chứng nhận VietGAP lần 2 vào năm 2013 với quy mô 37 ha (sản lượng 50 tấn/tháng). Đây la điêu kiên đê xây dưng thương hiêu khom Tân Phươc, giup xây khom ơ đia phương nay phat triên hiêu qua va bên vưng.
Trong khi đó, khóm Cầu Đúc cũng là một trong 10 cây trồng chủ lực được tỉnh Hậu Giang xây dựng thương hiệu. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.500 ha khóm (chủ yếu là khóm Cầu Đúc), tập trung ở các xã vùng ven của thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Địa phương đang hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, tìm thị trường tiêu thụ để giúp người trồng khóm thu nhập ngày càng ổn định”.
Dự kiến trong thời gian tới, diện tích khóm của tỉnh Hậu Giang sẽ được nông dân mở rộng lên từ 2.000 – 3.000 ha chủ yếu ở những khu vực trồng cây ăn trái, lúa kém hiệu quả; đất phèn, mặn.
Theo Minh Giang – Thành Công (Dân Trí)
Nông dân "bắt" vùng đất mặn "đẻ" 100 triệu đồng/ha
Lâu nay một ít diện tích vùng đất Vĩnh Thuận (Kiên Giang) chỉ được ngọt hóa 1 - 2 tháng nhờ nước mưa, phần lớn diện tích còn lại là ngập mặn. Không chấp nhận điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nông dân nơi đây khoan giếng lấy nước ngọt, trồng hoa màu cho thu nhập 100 triệu đồng/ha.
Những ngày về vùng đất Vĩnh Thuận tìm hiểu về những thiệt hại của bà con nơi đây do đợt hạn mặn lịch sử gây ra, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước ý chí tăng gia sản xuất của bà con nơi đây. Khi lúa chết vì mặn, bà con nhanh chóng vệ sinh đồng ruộng rồi bằng nhiều cách vay vốn, mua tôm giống thả nuôi; khoan giếng trồng hoa màu... Tất cả bà con nơi đây đều hành động theo châm ngôn người xưa "thua keo này, bày keo khác", không khuất phục thiên tai.
Anh Tạ Hoàn Kiếm - ở khu phố Vĩnh Đông 2, thị trấn Vĩnh thuận, huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) cho biết, mấy năm qua vì muốn thoát nghèo nên vợ chồng anh thuê 3 ha đất (giá 18 triệu đồng/ha) để trồng lúa, nuôi tôm. Vụ lúa vừa rồi, do nắng hạn quá mức nên lúa chết hết. Không nản chí, vợ chồng anh Kiếm tiếp tục vay hỏi bà con mua tôm giống về thả nuôi, ban ngày đi phụ hồ lấy tiền mua thức ăn cho tôm. Hiện 3 ha tôm của anh Kiếm còn hơn 1 tháng nữa là có thể thu hoạch.
Anh Kiếm nói: "Nếu thuận lợi, 1 ha tôm đạt 1 tấn thì với giá bán như hiện nay là 90.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí tôi cũng kiếm được 100 triệu đồng. Nếu được như vậy, gia đình tôi sẽ trả được số nợ gần cả 100 triệu đồng tiền phân thuốc, tiền thuê đất, giống lúa... mà vụ lúa rồi đã mất trắng".
Trên mảnh đất trồng bí đao của mình, ông Giang đào các rảnh nhỏ rồi khoan giếng bơm nước vào các rãnh để tưới bí đao.
Đến ấp Bời Lời B, xã Bình Minh, gặp ông Võ Văn Giang chuyên trồng bí đao cho biết, sau những vụ lúa, vụ tôm thất bát, ông Giang về nhà khoan giếng lấy nước ngọt trồng hoa màu. Hiện ông Giang trồng 2 công (2.000m2) bí đao, theo ông Giang tính toán, với diện tích này sẽ thu hoạch từ 6 -7 tấn bí đao, với giá 3.000 đồng/kg thì ông cũng thu được trên 18 - 21 triệu đồng/công.
Riêng anh Võ Văn Tài (37 tuổi) - có 3 năm kinh nghiệm trồng dưa hoàn kim, chia sẻ: "3 công dưa hoàn kim của tôi đang cho trái, khoảng nửa tháng nữa là có thể thu hoạch. Nếu giá ở mức 6.000 đồng/kg thì 1 công dưa tôi thu nhập khoảng 18 triệu đồng, trừ chi phí 4 triệu thì cũng còn lời 14 triệu/công. Nếu tôi có 1ha đất trồng dưa hoàn kim thì sau 60 ngày đã có bạc trăm triệu trong tay".
Theo anh Tài, dù bà con trồng hoa màu ở đây phải khoan giếng lấy nươc ngọt nhưng 1 ha trồng hoa màu có thể thu nhập cả 100 triệu đồng.
Anh Tài và ông Giang cho biết, nhiều năm qua bà con ở xã Bình Minh, thị trấn Vĩnh Thuận... không còn mặn mà với con tôm nên bà con nơi đây đã mạnh dạn khoan giếng lấy nước ngọt trồng hoa màu. Nhiều hộ có diện tích từ 1 - 2 ha chỉ sau 2 -3 vụ màu là kinh tế phát triển hẳn lên. Tuy nhiên ông Giang cũng cho biết, do có nhiều người khoan giếng lấy nước ngọt trồng hoa màu nên nguồn nước ngầm cũng cạn kiệt, các giếng phục vụ sinh hoạt ở gia đình phải đâm tim (dùng ống nhỏ đưa xuống giếng) dùng máy bơm mới lấy được nước.
Do nắng hạn nên cái máy bơm của ông Tài phải hoạt động gần như xuyên suốt mới có đủ nước tưới bí đao.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trịnh Tài Mon - Phó Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thuận cho biết, tổng diện tích trồng hoa màu trên địa bàn huyện tương ứng khoảng 1.200 ha. Thời điểm bà con xuống giống là sau vụ đông xuân kéo dài đến tháng 10. Hiện nay, bà con trồng hoa màu hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước ngầm, bà con phải bỏ ra số tiền từ 4 - 6 triệu đồng để khoan giếng. Tuy điều kiện trồng trọt khó khăn nhưng việc trồng hoa màu đang mang lại thu nhập cao, ổn định cho bà con nông dân, trung bình 1ha trồng dưa hoàn kim, bí đao.. ở mức giá hiện tại trừ hết chi phí cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng".
Anh Tài cho biết, để khoan một cái giếng, bà con tốn từ 4 - 6 triệu đồng, nhưng hiện này nguồn nước có dấu hiệu cạn kiệt vì có nhiều người khoan giếng trồng hoa màu.
Cũng theo tìm hiểu của PV Dân trí, hiện nguồn nước ngầm do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện quản lý nhưng hiện nay việc quản lý, cấp phép cho người dân khoan giếng lấy nước ngọt cũng còn nhiều bất cập. Khi người dân có nhu cầu tự liên hệ với các đơn vị khoan giếng rồi tiến hành, không thông qua một cơ quan Nhà nước nào.
Một cán bộ nông nghiệp chia sẻ, nếu xiết chặt vấn đề khoan giếng trồng hoa màu thì cũng khó cho bà con nông dân, vì hiện này mô hình chuyển đổi từ lúa, tôm qua trồng hoa màu đang cho thu nhập cao. Nhưng buông lỏng việc người dân tự ý khoan giếng như hiện nay thì khó đoán được những tác hại gây ra từ việc người dân ồ ạt khoan giếng lấy nước ngọt trồng màu.
Theo Nguyễn Hành - Nguyễn Trần (Dân Trí)
Trồng dứa lãi hơn 40 triệu đồng/ha Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá dứa thương phẩm tại Hậu Giang luôn đứng ở mức cao, đầu ra ổn định giúp người trồng dứa tỉnh này có thu nhập khá. Theo tính toán của nhà vườn, sau khi trừ các khoản chi phí, vụ dứa này họ còn lãi hơn 40 triệu đồng/ha. Anh Vương Minh Bình, xã Hỏa Tiến,...