ĐBQH: Vụ 4 trẻ tử vong ở Bắc Ninh là báo động đỏ với ngành y
Sáng 22.11, bên hành lang Quốc hội, chia sẻ với báo chí về vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, vấn đề nhiễm khuẩn trong bệnh viện không phải là vấn đề mới và trước đây cũng đã có nhiều trường hợp tử vong vì nguyên nhân này.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. (Ảnh: Zing.vn)
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, với việc cùng lúc 4 trẻ sơ sinh tử vong là báo động đỏ đối với ngành y tế.
“Thực tế, trong môi trường bệnh viện của chúng ta hiện nay đang có dày đặc các loại vi khuẩn và nhiều loại khuẩn giờ đã kháng thuốc, không thể chữa nổi. Thậm chí, nhiều bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện còn nguy hiểm hơn cả bệnh lý mà bệnh nhân mắc phải, nhất là đối với người già, trẻ sinh non, sơ sinh, sức đề kháng yếu… thì càng dễ bị các vi khuẩn dày đặc trong bệnh viện tấn công”, đại biểu Lan nhìn nhận.
Vị đại biểu Quốc hội này cũng không ngần ngại chia sẻ trường hợp bố bà trước đây cũng đã mất vì nguyên nhân nhiễm khuẩn khi vào bệnh viện điều trị.
“Bố tôi trước đây vào bệnh viện mổ, sức khỏe yếu. Ông được bệnh viện điều trị xuất huyết tiêu hóa nhưng sau khi điều trị bệnh chính xong lại sốt, kiểm tra thấy phát hiện biến chứng qua viêm phổi. Các bác sĩ xác định nguyên nhân do khuẩn bệnh viện gây ra. Vì viêm phổi phải dùng kháng sinh và nâng dần liều lên, đến khi chữa xong thì ông lại bị suy đa phủ tạng, suy thận và sau đó qua đời”, đại biểu Lan xót xa kể lại.
Qua câu chuyện xảy ra ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh và trải nghiệm của chính gia đình mình, đại biểu Phong Lan cho rằng, trong thực tế nhiều bệnh viện thừa nhận tình trạng nhiễm khuẩn trong viện rất nguy hiểm nhưng việc nhận thức để đưa vào thành vấn đề hành động vẫn chưa kịp thời. Thêm vào đó, tình trạng quá tải bệnh viện, nhất là ở các bệnh viện tuyến trung ương.
Do bệnh viện quá đông đúc, quá tải cũng nên đây cũng là môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn tấn công người bệnh. Theo ĐB Phong Lan, ngay việc chuyển các em sinh non, yếu ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh lên Trung ương điều trị cũng rất đang lo ngại bởi thời tiết những ngày qua lạnh, việc di chuyển xa trên xe như thế cũng rất dễ gây ra tình trạng nhiễm khuẩn. Bệnh nhân được đưa vào các bệnh viện điều kiện chưa chắc đã tốt.
Video đang HOT
“Nhiều người cũng nói, khi có những vụ việc bệnh nhân tử vong, như vụ chạy thận ở Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, Bộ Y tế khẩn trương kiểm tra lại quy trình nhưng rà soát lại đến đâu rồi thì chưa thấy thông báo. Do đó, Bộ Y tế cần có biện pháp giải quyết căn cơ, cụ thể chứ không phải lúc xảy ra vụ việc mới làm mạnh”, đại biểu Lan nhấn mạnh.
Trước đó vào ngày 20.11, tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh có 4 trẻ tử vong. Theo lãnh đạo của Bệnh viện, 4 bé đều là trẻ sơ sinh non yếu phải nằm lồng ấp, thở máy.
Vào chiều 21.11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến làm việc tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh. Tại buổi làm việc Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, sự cố trên không ai mong muốn nhưng là bất bình thường khi có 4 trẻ đẻ non tử vong cùng 1 ngày, cùng 1 khoa.
Nói về nguyên nhân vụ việc, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân chính xác phải chờ Hội đồng chuyên môn cấp Bộ, về pháp lý phải chờ cơ quan điều tra. Tuy nhiên, qua báo cáo của Sở Y tế Bắc Ninh, bước đầu có thể nghĩ đến nhiễm khuẩn bệnh viện.
Theo Danviet
Vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong: Tìm ra vi khuẩn kháng thuốc mạnh
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó chủ tịch hội đồng khoa học vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong tại BV Sản Nhi Bắc Ninh cho biết, trong 8 trẻ được chuyển đến BV Nhi Trung ương, đã cấy ra vi khuẩn trong máu của 2 bệnh nhi nặng. Đây là loại vi khuẩn kháng thuốc, thậm chí đa kháng thuốc nên việc điều trị đặt vào tình trạng tối đa.
Trong số bệnh nhi được chuyển lên, có 4 bệnh nhi đang trong tình trạng nặng, điều trị với phác đồ nhiễm khuẩn huyết và được cách ly riêng một phòng. Hiện tại có 2 bé thở máy, 2 bé tự thở oxy, hô hấp, tuần hoàn đang trong tầm kiểm soát. PGS Điển hi vọng với sự điều trị tích cực, kháng sinh mạnh nhất cộng với thuốc tăng cường miễn dịch, tính mạng em bé sẽ ổn định.
Trẻ sơ sinh sinh non điều trị tại Đơn nguyên Sơ sinh (BV Sản nhi Bắc Ninh). Ảnh: L.H
"Tuy nhiên với sự hiện diện của vi khuẩn kháng thuốc, thậm chí đa kháng thuốc trong máu, rất dễ dẫn đến tình trạng trạng sốc nhiễm khuẩn. Trong khi đó tại Việt Nam, tỉ lệ tử vong sốc nhiễm khuẩn do nhiễm khuẩn huyết lên đến 60 - 80% (Tại BV Nhi Trung ương tỉ lệ này giảm xuống trên dưới 50%) khiến chúng tôi rất lo lắng, luôn theo dõi chỉ số sống của các trẻ hàng giờ.
Các em bé đã được cáy vi khuẩn ở phân, nách, da, cổ... và bà mẹ của các bé cũng sẽ được xét cấy vi khuẩn.
Còn tại BV Sản nhi Bắc Ninh, đã lấy các mẫu từ các khu vực phòng mổ, khu điều trị các bệnh nhi, lấy mẫu bề mặt, lấy mẫu từ tay nhân viên y tế ... để cấy vi khuẩn, kết quả có sau 48 giờ và kết quả sẽ được thông báo công khai.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, cần phải xử lý tình trạng nhiễm khuẩn tại Đơn nguyên Sơ sinh mới đảm bảo an toàn điều trị cho các cháu. Ảnh: H.Hải
Sau khi Hội đồng khoa học công bố nguyên nhân tử vong của 4 trẻ sơ sinh sinh non tại BV Sản Nhi Bắc Ninh là sốc nhiễm khuẩn có thể liên quan đến nhiễm khuẩn BV, Hội đồng khoa học đã thống nhất với BV Sản Nhi Bắc Ninh, với Sở Y tế tiếp tục sàng lọc, phân loại để chuyển bệnh nhi lên tuyến trên.
Tối 21/11 đã có thêm 5 bệnh nhi được chuyển lên Khoa Sơ sinh BV Phụ sản Trung ương và 2 bệnh nhi tiếp tục chuyển lên BV Nhi Trung ương. Như vậy đến thời điểm này, đã có 19 bệnh nhi được chuyển tuyến theo dõi đặc biệt.
"Cuốn chiếu" xử lý nhiễm khuẩn tại Đơn nguyên sơ sinh
PGS Điển cho biết thêm, được sự đồng thuận của Sở Y tế Bắc Ninh, sẽ xử lý tình trạng nhiễm khuẩn tại Đơn nguyên sơ sinh BV Sản Nhi. Theo đó, các buồng bệnh sẽ được xử lý cuốn chiếu, đóng buồng trong vòng 48 giờ để đảm bảo khử khuẩn toàn bộ bề mặt, môi trường, thiết bị y tế.
PGS Điển cũng nhấn mạnh thêm việc nâng cao ý thức của cán bộ y tế, người nhà bệnh nhân trong vệ sinh bàn tay là quan trọng hàng đầu. Bàn tay của nhân viên y tế cần đảm bảo sạch nhất."Các bệnh viện giám sát chặt chế độ rửa tay xà phòng dưới vòi nước và rửa tay sát trùng của nhân viên y tế", PGS. Điển khuyến cáo.
"Song song với việc chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên sẽ phân loại bệnh nhân để giảm bớt bệnh nhân tại Đơn nguyên sơ sinh nhằm mục đích có thời gian, giải phóng giường bệnh để tiệt khuẩn môi trường. Sau khi xử lý tình trạng nhiễm khuẩn, sẽ lại lấy mẫu để cấy vi khuẩn, khi nào ổn định mới đón các em bé về lại BV Sản nhi Bắc Ninh", PGS Điển nói.
Công tác giám sát nhiễm khuẩn được đặt lên hàng đầu, trong đó có cả việc đào tạo cho nhân viên y tế.
Bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh cho biết tiếp tục có các biện pháp liên quan đến chấn chỉnh chống nhiễm khuẩn tại đơn vị. Các y, bác sĩ sẽ được đào tạo về chống nhiễm khuẩn. Theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Bắc Ninh sẽ thực hiện đề án thành lập khoa Sơ sinh tại BV chuyên khoa Sản Nhi, tuyển dụng thêm bác sĩ, điều dưỡng trong thời gian tới để đáp ứng thành lập khoa Sơ sinh.
Trước đó, sự cố xảy ra BV Sản nhi Bắc Ninh vào sáng 20/11. Chỉ trong vòng hơn 7 giờ đồng hồ (từ 2 giờ sáng đến 9h30) ở đơn nguyên sơ sinh đã có 4 trẻ sinh non 32-35 tuần tuổi, cân nặng 1,6-2,3kg tử vong. Hội đồng chuyên môn sau hai ngày họp, đánh giá đã đưa ra kết luận trẻ tử vong sốc nhiễm khuẩn do nhiễm khuẩn huyết có liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện.
Đền bù cho bệnh nhân như thế nào?
Trước câu hỏi của báo giới về việc đền bù cho các bệnh nhi tử vong do sốc nhiễm khuẩn liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện, bà Hoa cho biết, trước mắt đã đến thăm hỏi, động viên 4 gia đình bệnh nhân. "Còn về việc đền bù, hiện Công an tỉnh Bắc Ninh đã mời Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) vài cuộc. Khi có ý kiến chính thức chúng tôi sẽ phối hợp với BV Sản Nhi Bắc Ninh để có hỗ trợ phù hợp nhất", bà Hoa nói.
Bày tỏ quan điểm về việc đền bù, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho rằng chỉ khi sự việc đưa ra tòa án, tòa kết luận bên nào sai phạm mới đền bù. Trước mắt hiện chưa có kết luận sai phạm, việc thăm hỏi, chia sẻ thể hiện tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế, BV. Trước mắt, cần phải có giải pháp để ổn định tình hình. "Chúng tôi đề nghị chuyển tiếp các cháu đi. Quan trọng, sàng lọc các cháu để giảm áp lực cho khoa. Yêu cầu phải tăng cường nhân lực cho sơ sinh", ông Vinh nói.
Theo Hồng Hải (Dân trí)
Nhiễm khuẩn bệnh viện, vấn nạn toàn cầu đe dọa tính mạng trẻ sinh non Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã cấy vi khuẩn ở nơi bệnh nhi nằm, bàn tay nhân viên chăm sóc, nhằm xác định tác nhân gây nhiễm trùng. Phòng chăm sóc trẻ sinh non tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh. Ảnh: Ngọc Thành. Theo ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, Giám đốc Bệnh viện Sản...