ĐBQH nói gì về việc Bộ trưởng Thăng đề nghị “trảm” Giám đốc Sở?
“Đề nghị của Bộ trưởng Đinh La Thăng là đúng thẩm quyền, để tình trạng có tới 90% DN vận tải không cấp phép hoạt động thì thật… quá sức tưởng tượng”.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến
Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khi trao đổi với PV xung quanh việc Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị cách chức Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng tại Hội nghị trực tuyến giữa Ủy ban ATGT Quốc gia với các tỉnh, thành phố ngày 6/7 vừa qua.
Ông Tiến cho rằng, nói như Bộ trưởng Thăng là “đề nghị UBND thành phố cách chức ông Lũy và đề nghị Thanh tra Bộ GTVT vào cuộc” là không có gì sai, hoàn toàn đúng thẩm quyền. Bởi lẽ, thông thường, ở một số sở, ban, ngành chuyên môn, việc cách chức hoặc đề bạt cán bộ lãnh đạo sở tốt nhất là có sự thỏa thuận với bộ trưởng phụ trách lĩnh vực.
“Bộ trưởng Thăng không trực tiếp cách chức được theo quy định quản lý phân cấp nhưng hoàn toàn có quyền đề nghị UBND TP.Hải Phòng cách chức đối với Giám đốc Sở GTVT nếu Bộ trưởng thấy việc quản lý lĩnh vực giao thông vận tải Hải Phòng để xảy ra những sai sót nghiêm trọng”, ông Tiến phân tích.
Tiếp sau lời đề nghị đó, TP.Hải Phòng sẽ có một quy trình làm việc theo các bước như: thường vụ Đảng ủy họp xem xét, lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, giám đốc Sở tự kiểm điểm…
Video đang HOT
Tuy vậy, ông Tiến lưu ý rằng: “Việc xem xét mức độ sai phạm để có hình thức kỷ luật phù hợp là hết sức cần thiết. Với cán bộ, không nhất thiết phải cách chức mà còn có nhiều hình thức xử lý khác, nhẹ thì cảnh cáo, khiển trách, nặng hơn là chuyển công tác hoặc hạ cấp, hạ chức, buộc thôi việc…”.
Trong hội nghị trực tuyến giữa Ủy ban ATGT Quốc gia với các tỉnh, thành phố ngày 6/7 vừa qua, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng Đàm Xuân Lũy báo cáo rằng, ở Hải Phòng có 90% DN vận tải không được Sở GTVT cấp phép nhưng vẫn hoạt động.
Trao đổi với phóng viên, ông Lũy cũng cho hay: “Thực tế ở Hải Phòng diễn ra như vậy. Nhà xe họ có xe cứ chạy, không cần xin phép, phù hiệu của Sở. Thanh tra sở không xử lý nổi; CSGT cũng không xử lý. Đó là lỗi cơ chế”.
Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng nói như Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng Đàm Xuân Lũy là không đúng.
“Bất kỳ xe nào hoạt động trên địa bàn Hải Phòng thì những người quản lý phải biết được đúng hay sai, xe không cấp phép sao mà lưu hành được. Nếu có những xe sai phạm như thế lưu hành thì Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng phải chỉ đạo thanh tra Sở kiểm tra. Thanh tra Sở có quyền kiểm tra mức độ an toàn của xe, xem xe có đăng ký chưa, được cấp phép kinh doanh chưa, thuộc đơn vị doanh nghiệp nào, kiểm định chất lượng chưa… CSGT cũng có quyền dừng xe để kiểm tra những giấy tờ lưu hành. Tại sao họ không phối hợp với nhau để thực hiện đúng theo luật giao thông đường bộ”, ông đặt vấn đề.
Ở một chừng mực nào đó, việc thẳng thắn thừa nhận thực trạng của Hải Phòng như Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng Đàm Xuân Lũy là đáng khích lệ. Thế nhưng quan trọng hơn, là người đứng đầu, ông Đàm Xuân Lũy cũng phải thừa nhận khuyết điểm của mình trong việc kiểm soát không chặt chẽ các phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn ông chịu trách nhiệm.
“Thừa nhận thực trạng nhưng lại tìm cách đổ lỗi cho người khác, rồi bảo không có cách giải quyết, bảo không có trách nhiệm gì thì không đúng”, ông Tiến bày tỏ.
Theo báo cáo từ các Giám đốc Sở GTVT, tình trạng buông lỏng quản lý, các phương tiện vận tải tham gia giao thông hoặc hành nghề kinh doanh mà chưa đủ thủ tục cần thiết còn tồn tại ở các địa phương.
“Tuy nhiên, để tới mức 90% doanh nghiệp vận tải không được Sở GTVT cấp phép nhưng vẫn hoạt động như báo cáo của Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng thì tôi không thể tưởng tượng nổi. Tôi có cảm giác đây là con số quá lớn so với một đô thị. Sai sót tới 20% đã lớn lắm rồi, lọt tới 90% thì không thể chấp nhận nổi, để xảy ra tai nạn giao thông là đúng thôi”, ông Tiến bình luận.
Tại hội nghị trực tuyến về thực hiện Chỉ thị 12 nhằm ngăn ngừa, hạn chế tai nạn giao thông ngày 6/7, sau khi nghe GĐ Sở GTVT TP.Hải Phòng báo cáo, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói: “Với cách GĐ Sở GTVT Hải Phòng Đàm Xuân Lũy trình bày như vậy, có thể đề xuất với Hải Phòng cách chức GĐ sở”.
Trước đó, ngày 4/10/2011, sau khi thị sát thực trạng xây dựng công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã “trảm” ngay tổng chỉ huy công trình do tình trạng thi công ì ạch, chậm trễ kéo dài hết năm này sang năm khác.
Lúc mới nhậm chức, Bộ trưởng Thăng nói: “Là tư lệnh ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được quyết định chiến đấu, tiến hay lùi”. Khi đó, việc “trảm tướng” ngay tại công trình của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Theo Xahoi
Không nộp phí đường: Bao giờ phạt?
Theo quy định, từ 1/7/2013, các phương tiện không nộp phí bảo trì đường bộ sẽ bị phạt. Nhưng đến hiện tại, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt vẫn chưa có kế hoạch xử phạt.
Hiện tại vẫn chưa có kế hoạch xử phạt các phương tiện không nộp phí bảo trì đường bộ
Bắt đầu từ 1/7, theo quy định, các phương tiện giao thông chưa nộp phí bảo trì đường bộ sẽ bị xử phạt. Trước thông tin trên, ngày hôm qua (1/7), nhiều người dân chưa kịp đóng phí, sợ bị phạt nên không dám lái ô tô ra đường. Trong khi đó, nhiều người cuống cuồng đi nộp phí để tránh bị phạt.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi tại một số chốt giao thông Hà Nội, lỗi này vẫn chưa bị xử phạt. Một cán bộ CSGT cũng cho biết , chưa thấy có chỉ đạo và văn bản hướng dẫn của cấp trên về việc này.
Trả lời chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67 - Bộ Công an) cho biết, CSGT vẫn chưa có kế hoạch xử lý lỗi không nộp phí sử dụng đường bộ.
Trong khi đó, theo ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm, hiện cả nước có khoảng 100.000 xe ô tô có chu kỳ đăng kiểm từ trước 1/1/2013, theo quy định phải nộp phí trước 30/6/2013 nhưng đều chưa thực hiện.
Ông Giao giải thích, theo quy định, xe ô tô nộp phí sử dụng đường bộ tại cơ quan đăng kiểm theo chu kỳ đăng kiểm. Đến kỳ đăng kiểm, chủ xe mang phương tiện đi làm thủ tục đăng kiểm đồng thời nộp phí đường bộ. Nếu xe nào không nộp phí đường bộ sẽ không có tem chứng nhận đăng kiểm. Tuy nhiên, nhiều xe đăng kiểm từ trước 1/1/2013 (thời điểm quy định nộp phí có hiệu lực) và có chu kỳ đăng kiểm lại sau 30 tháng. Thông tư 197 đã quy định loại xe này phải nộp phí sử dụng đường bộ trước ngày 30/6. Như vậy đây là loại xe sẽ bị phạt nếu chưa nộp phí.
Theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP, phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định. Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 10 triêụ đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định. Ngoài ra, các trường hộp này cũng sẽ bị buộc phải mua hoặc nộp phí theo quy định.
Theo 24h
Sợ phạt, chủ xe vội nộp phí bảo trì đường bộ Sáng 1/7, ngày đầu tiên áp dụng xử phạt những trường hợp ô tô không đóng phí đường bộ, đông đảo chủ phương tiện đã đến trung tâm đăng kiểm làm thủ tục nộp phí. Theo nghị định 71 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, từ 1/7 các chủ ô tô sẽ bị xử phạt...