ĐBQH: “Ngày càng nhiều cán bộ lười nhác muốn làm lãnh đạo”
Vì sao công chức lười nhác lại ham làm lãnh đạo ngày càng nhiều? Vì sao bộ máy quản lý nhà nước vẫn “phình to”, chất lượng cán bộ công chức suy giảm…?
Đó là những vấn đề đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trong phiên chất vấn trước Quốc hội sáng nay, 18/11.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho biết, dư luận phản ánh hiện nay những người có năng lực không vào nhà nước làm việc và nếu có vào thì một thời gian cũng ra khỏi khu vực này ngày càng nhiều. Ngược lại, người kém năng lực lại gia tăng ở khu vực nhà nước. Chính điều này làm gia tăng con người hành chính “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
“Vì sao số công chức tận tâm với công việc, sáng tạo trong công tác ngày càng ít, nhưng số công chức lười nhác chỉ “một dạ, hai vâng” nhưng lại ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều? Đây có phải là nguyên nhân chính làm gia tăng bộ máy hành chính và cũng là nguyên nhân của tội phạm tham nhũng?”, đại biểu Đỗ Văn Đương thẳng thắn.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng, cơ chế sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng với trình độ năng lực của từng người; cơ chế thưởng phạt cũng chưa nghiêm; chế độ đánh giá chưa đổi mới gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; chế độ tiền lương, đãi ngộ còn chậm; việc tuyển đầu vào cũng chưa hiệu quả, không tuyển được người có năng lực, tâm huyết.
Video đang HOT
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trong thời gian tới, Bộ sẽ đổi mới cơ chế đánh giá phân loại cán bộ công chức, viên chức nhằm trọng dụng người có tài năng, làm được việc.
Bên cạnh đó, những người không có năng lực, Bộ Nội vụ sẽ thực hiện chế độ miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác, tinh giản biên chế đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Bình cũng cho biết, đề án về tinh giản biên chế được Bộ Chính trị giao, Bộ Nội vụ cũng đã thông qua tập thể Bộ Chính trị và Bộ Chính trị cũng thống nhất thông qua, giao cho Bộ Nội vụ hoàn thiện đề án, hoàn thiện tờ trình để xin ý kiến Trung ương trong kỳ họp tới
Ngoài ra, đề án tạo nguồn nhân lực từ sinh viên tốt nghiệp giỏi xuất sắc, nhà khoa học trẻ cũng đã được xây dựng, đặt mục tiêu từ nay tới 2020 tuyển 1000 cán bộ nguồn; đề án đãi ngộ người tài cũng đang được trình Chính Phủ.
Theo Diệu Thu (Khám phá)
Sân bay Long Thành nên chờ lúc có "của ăn của để"
Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị Quốc hội cho quyết định chủ trương đầu tư sân bay Long Thành để có kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, tránh khi giải tỏa mặt bằng trở thành sân bay đắt nhất hành tinh.
Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ Đại biểu Quốc hội TP.HCM, chiều 4/11, đa số ý kiến cho rằng về lâu dài, nước ta phải có sân bay ngang tầm khu vực và quốc tế như sân bay Long Thành. Tuy nhiên, các đại biểu băn khoăn về thời điểm xây dựng.
Đại biểu Đỗ Văn Đương đồng ý nước ta phải có sân bay tầm cỡ như sân bay Long Thành. Tuy nhiên, vấn đề ông băn khoăn là "tiền đâu".
Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị Quốc hội cho quyết định chủ trương đầu tư sân bay Long Thành
Đại biểu cho rằng, phải đặt trong bối cảnh chung của kinh tế xã hội chứ không chỉ nhìn riêng vào chiến lược phát triển hàng không. "Mình không chỉ đầu tư phát triển mà còn phải có những nguồn lực cho đầu tư giữ gìn đất nước. Chúng ta phải tập trung tiềm lực vào quốc phòng, vừa bảo vệ Tổ quốc, vừa bảo vệ ngư trường, vừa tăng trưởng kinh tế" - Đại biểu Đỗ Văn Đương nói.
Ông đề nghị Quốc hội cho quyết định chủ trương đầu tư. Nhưng thời điểm quyết định đầu tư không phải ngay sau khi Quốc hội cho chủ trương mà ít nhất phải sau năm 2030 khi kinh tế phục hồi phát triển và "có của ăn của để".
"Bây giờ cho chủ trương để có kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất, đừng để như hiện nay chưa thấy sân bay đâu nhưng báo chí phản ánh có bao nhiêu dự án xung quanh đó rồi", ông Đương cảnh báo.
Đại biểu Võ Thị Dung cho rằng, dự án sân bay Long Thành trong tương lai là cần nhưng chưa cấp thiết trong thời điểm này. Nhất là trong bối cảnh nợ công đang hết sức đáng ngại, không còn an toàn. Bà Dung đề nghị để đến năm 2030 mới tính tiếp dự án này.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện cũng đồng tình, để sau 2020 khi có điều kiện hơn về tăng trưởng GDP và thu ngân sách cao, khi đó đầu tư hợp lý hơn.
Đại Trương Trọng Nghĩa cho rằng, đây là dự án lớn, không thể quyết trong một thời gian ngắn, vẫn còn kỳ họp sau để xem xét. Trong thời gian đó, Chính phủ cần tổ chức các hội nghị phản biện về dự án. Kỳ họp tới, Chính phủ trình lại Quốc hội để quyết định.
Đại biểu Trần Du Lịch nhận xét, báo cáo giải trình bố sung của Chính phủ đã làm rõ được nhiều điểm mờ về dự án. Việc cần tính là phương án thu xếp để nâng công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất lên 30-40 triệu khách/năm được không, nếu nâng được thì sau 2020 mới phải tính tới làm sân bay Long Thành.
Đại biểu nhấn mạnh, Quốc hội phải xem xét dự án này, phải chịu trách nhiệm trước dân. Không phải Quốc hội cho chủ trương là Chính phủ làm. Mà Quốc hội cho chủ trương thì Chính phủ mới làm báo cáo khả thi. Có báo cáo khả thi rồi thì mới trình ra Quốc hội để quyết làm hay không. Vì vậy, có thể yên tâm quy trình còn nhiều công đoạn, kỹ càng.
Đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM sẽ trực tiếp nghe các chuyên gia hàng không, Ủy ban Kinh tế cũng đã nhận lời sẽ nghe, để họ phản biện về dự án này.
Dự kiến, ngày 14/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trước đó, báo cáo tại Quốc hội ngày 29/10, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, cần thiết đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Lý do được Bộ trưởng đưa ra nhằm hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ Chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam. "Cùng với xu hướng phát triển của hàng không quốc tế, với lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển giao thông hàng không, nước ta cũng cần sớm hình thành một cảng hàng không quốc tế đóng vai trò trung tâm trung chuyển trong khu vực", Bộ trưởng Thăng phân tích. Bên cạnh đó, xây dựng sân bay Long Thành giúp đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trở nên quá tải. Trong khi đó, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất không khả thi. Toàn bộ Dự án dự kiến chia thành 3 giai đoạn, khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án khoảng 7,837 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng).
Theo Dương Tùng (Khám phá)
Không có thực quyền, sao cứ bắt Bộ trưởng từ chức? Bộ trưởng Tư pháp cho rằng không thể bắt bộ trưởng từ chức do những sai phạm không phải do họ gây ra. Bên lề Quốc hội, chiều 3/11, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã trao đổi với báo chí xung quanh quy định từ chức. - Nhiều ý kiến cho rằng nên quy định từ chức trong Luật tổ chức...