ĐBQH kể chuyện người tố cáo bị trả thù tinh vi tới tầm “văn minh”
“Có trường hợp trả thù người tố cáo diễn ra tinh vi đến tầm “văn minh”. Câu chuyện tôi nói là thực tế, chỉ có người trong cuộc mới biết mình bị trả thù, nhưng vẫn phải tươi cười mà trong lòng đắng ngắt” – Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nói.
ĐBQH Bùi Văn Phương. (Ảnh: Đàm Duy)
Chiều 16.6, Quốc hội thảo về cho ý kiến về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), vấn đề tố cáo nặc danh được nhiều ĐBQH cho ý kiến, với hai luồng ý kiến trái chiều là ủng hộ và không ủng hộ xem xét đơn tố cáo nặc danh.
Tranh luận về vấn đề này, ĐB Bùi Văn Phương nêu ra 3 vấn đề tồn tại: Thứ nhất, trong thực tế việc trù dập người tố cáo là chuyện có thật, đã được nêu lên các diễn đàn; thứ hai, cơ chế bảo vệ người tố cáo hiện nay không đi vào cuộc sống; thứ ba, người tố cáo có thể họ không sợ cho bản thân nhưng lo liên lụy đến vợ, con, gia đình cho nên họ không dám đứng tên tố cáo.
“Có trường hợp trả thù người tố cáo diễn ra tinh vi đến tầm “văn minh”. Câu chuyện tôi nói là thực tế, chỉ có người trong cuộc mới biết mình bị trả thù, nhưng vẫn phải tươi cười mà trong lòng đắng ngắt” – ĐB Phương nói.
Ông Phương kể: Một anh cán bộ không bằng lòng với lãnh đạo, anh được lãnh đạo gọi lên nhận xét: Cậu là người có tính chiến đấu rất tốt, còn trẻ, có năng lực, tới đây cần phải được đưa đi đào tạo, học hành một cách chính quy, bài bản để sau này lãnh đạo nghỉ sẽ là người kế cận. Anh cán bộ khăn gói lên đường đi học và trong suy nghĩ đã có sự nghi ngờ.
Video đang HOT
Sau khi anh cán bộ đi học về, lãnh đạo cho rằng anh đã được đào tạo lý luận đầy đủ, chuyên môn đầy đủ, giờ cần phải trở về thực tiễn để tiếp tục rèn luyện. Kết quả, anh cán bộ được đưa xuống công tác tại một đơn vị khó khăn, sau đó bị bỏ mặc cho tự “bơi”, thậm chí người lãnh đạo còn tạo “sóng” để “dìm” cho anh cán bộ trẻ “uống nhiều nước”.
“Khi thấy anh cán bộ ngấp ngoải vì “no nước”, người lãnh đạo bắt đầu “kéo lên” bố trí công việc coi như cứu giúp. Từ đó trở đi anh cán bộ này coi như thui chột, mặc dù trong lòng đắng ngắt nhưng miệng vẫn phải mỉm cười nói cảm ơn anh đã cứu giúp. Tôi nói câu chuyện này là chuyện thực tế, mà sự trả thù tinh vi đến tầm “văn minh” – ĐB Phương nói.
Từ câu chuyện kể trên, ĐB Phương cho rằng, đó là lý do giải thích tại sao người tố cáo không dám đứng tên. “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật cũng chính là để góp phần vào xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Chúng ta không nên vin vào lý do đơn tố cáo nặc danh để không xem xét” – ĐB Phương nói.
Cũng tranh luận về vấn đề đơn tố cáo nặc danh, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa đầy đủ, dẫn đến người đứng ra tố cáo bị khủng bố, đe dọa bằng nhiều hình thức khác nhau.
“Chúng ta cũng biết vừa qua ngay cả Chủ tịch UBND tỉnh (tỉnh Bắc Ninh – PV) cũng phải cầu cứu lên Thủ tướng Chính phủ về việc các cá nhân uy hiếp nặc danh. Tâm lý người Việt chúng ta ngại va chạm, ngay cả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng có những vấn đề liên quan đến đồng chí, đồng đội, người thân đó là câu chuyện khó vượt qua trong tâm lý của người tố cáo. Với mục tiêu cao nhất là trách nhiệm Nhà nước trong đấu tranh chống các vi phạm pháp luật, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tôi nghĩ trong thời điểm hiện nay chúng ta nên chấp nhận hình thức tố cáo nặc danh. Tuy nhiên, cần phải có trình tự, thủ tục, cơ chế kiểm soát, tránh việc lạm dụng” – ĐB Hồng nêu.
Phát biểu giải trình, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, tố cáo nặc danh có 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất, có nội dung tố cáo không chính xác, bịa đặt, vu khống thì sẽ không được xem xét. Trường hợp có nội dung rõ ràng, kèm theo chứng cứ thì được xem xét, xử lý phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra và công tác quản lý, nhưng không xem xét theo quy trình giải quyết tố cáo.
Theo Danviet
Dự thảo Luật tố cáo có chấp nhận đơn nặc danh?
Liên quan đến vấn đề xử lý đơn tố cáo nặc danh, trong quá trình soạn thảo dự án Luật tố cáo (sửa đổi) có hai luồng ý kiến khác nhau.
Năm 2016, cụ Nguyễn Quang Lộc (huyện Thanh Chương, Nghệ An) từng bị kẻ lạ mặt chém sau khi tố cáo sai phạm của chính quyền xã (Ảnh: Thanh Niên).
Sáng 29.5, Quốc hội nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc tờ trình về dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Một trong những vấn đề đáng chú ý là việc xử lý với đơn tố cáo nặc danh, trong quá trình soạn thảo dự án Luật tố cáo (sửa đổi) đã có hai luồng ý kiến khác nhau.
Theo luồng ý kiến thứ nhất, quy định của Đảng và Luật tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ, họ tên địa chỉ người tố cáo. Trong những năm qua các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh, trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Nếu như Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, thực tế không ít trường hợp người tố cáo còn bị trả thù, bị trù dập, trong khi đó mặc dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn. Do đó, nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình.
Ảnh minh họa: Vnmedia
"Chính phủ cho rằng luồng ý kiến thứ nhất là phù hợp nên đã thể hiện nội dung này vào dự thảo Luật" - Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật) cho biết: Đa số các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với dự thảo Luật là không quy định về giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh.
"Bởi vì, tố cáo là quyền của công dân, để thực hiện quyền thì công dân phải nhân danh chính mình tham gia vào quan hệ pháp luật và phải chịu trách nhiệm nếu cố tình tố cáo sai sự thật. Nếu quy định tiếp nhận và giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền trong việc xác minh, xử lý thông tin giải quyết tố cáo, gây tốn kém chi phí của nhà nước, dễ xảy ra tình trạng lợi dụng quy định để tố cáo tràn lan, sai sự thật..." - ông Định cho biết.
Tuy nhiên, một số thành viên của Ủy ban Pháp luật cho rằng, Luật cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng (như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm...), cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.
"Quy định như vậy là phù hợp với điều kiện hiện nay khi mà cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa có hiệu quả, vì nhiều lý do mà người tố cáo không dám hoặc không muốn đứng tên, thậm chí có trường hợp còn mạo danh người khác..." - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Nhìn nhận về các quy định về bảo vệ người tố cáo trong dự thảo Luât, cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định này vẫn còn chung chung, chưa xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo. "Chưa làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác này, chưa đánh giá tác động của quy định này về phương thức, biện pháp bảo vệ, về nguồn nhân lực, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ người tố cáo" - ông Nguyễn Khắc Định cho hay.
Theo Danviet
Bé gái bại não sinh con, nghi bị làm hại tại cơ sở nuôi trẻ mồ côi Trong căn nhà ọp ẹp che tạm bằng giấy dầu, bé gái 15 tuổi gầy gò ngồi ôm con trai 4 tháng tuổi đang khóc ngất vì khát sữa. Khi thấy chúng tôi, bé M ngơ ngác nhìn với đôi mắt vô hồn... Đại tá Trần Đình Thiện, Trưởng Công an huyện Hàm Tân (Bình Thuận) xác nhận với VietNamNet ngày 17.5, Công...