ĐBQH Dương Trung Quốc: Vụ án oan cứ như… phim Mỹ
“Xem cái này tôi lại nghĩ đến các bộ phim hình sự của Mỹ, đó là nhiều khi người ta phải tự đi giải quyết việc của mình, tự giải oan cho mình. Tất nhiên ở đây là vấn đề xã hội, vấn đề rất lớn.”
ĐBQH Dương Trung Quốc trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội sáng 5/11.
Thưa ông, ông bình luận như thế nào về vụ án anh Nguyễn Thanh Chấn (Việt Yên, Bắc Giang) vừa được trả tự do sau 10 năm bị tù giam mà báo chí thông tin hai ngày qua?
Thứ nhất là tôi mừng cho họ, nhưng suy nghĩ điều gì gây nên oan ức đó. Xem cái này tôi lại nghĩ đến các bộ phim hình sự của Mỹ, đó là nhiều khi người ta phải tự đi giải quyết việc của mình, tự giải oan cho mình. Tất nhiên ở đây là vấn đề xã hội, vấn đề rất lớn.
Cái gì khiến cho sau 10 năm mọi chuyện mới sáng tỏ. Vậy câu chuyện cách đây 10 năm là như thế nào? Tỷ lệ án oan là bao nhiêu? Trong án oan ấy có bao nhiêu án oan được giải? Đó là một câu hỏi rất là khó, là một ẩn số.
Nếu theo dõi ở Quốc hội ta sẽ thấy một thực trạng là ngay các cơ quan tham gia vào quá trình điều tra tố tụng đều than về sự quá tải của mình. Bởi số lượng những vụ án và nhất là chất lượng của các cơ quan tham gia. Nhưng tôi cũng đặc biệt chú ý đến việc áp lực từ khối lượng xét xử được nhân lên, bởi việc xét xử đi, xét xử lại rất nhiều lần qua các cấp, mà mỗi cấp lại có những kết luận gần như trái ngược lại nhau.
Nó tạo ra cảm giác rằng, phải chăng chính sự đưa đẩy ấy và đằng sau sự đưa đẩy ấy có những mặt tiêu cực. Chính vì thế mà tôi cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ chất lượng của bộ máy điều tra, xét xử.
Ông nghĩ sao khi một công dân vô tội phải ký vào các bút lục nhận tội?
Điều này là rất nhiều. Có thể nói nó là một thực trạng khá phổ biến. Chỉ khi ra tòa thì họ mới khai. Bởi vì chắc chắn thời kỳ tạm giam là thời kỳ họ bị khống chế, chịu nhiều áp lực trực tiếp. Họ chỉ biết rằng khi ra tòa họ mới có thể nói điều họ muốn nói. Thế nên việc họ phải khai thuận theo điều tra là điều dễ hiểu.
Ông đánh giá thế nào về tình trạng ép cung vẫn xảy ra trong không ít các vụ án oan sai?
Ở đây cần nhắc tới vai trò của luật sư. Nếu luật sư được tham gia tố tụng ngay từ đầu, được thực thi hết trách nhiệm của mình, đấy chính là yếu tố đảm bảo giám sát ngay trong quá trình điều tra, tránh hiện tượng tiêu cực, nhất là dẫn đến việc phạm nhân phải khai theo lời của cơ quan điều tra.
ĐBQH Dương Trung Quốc
Vậy theo ông, cải cách tư pháp 10 năm qua đã làm được những điều như ông nói chưa?
Video đang HOT
Tôi thấy chưa làm được. Chúng ta thấy vai trò của luật sư tuy đã thay đổi rất nhiều, nhưng số lượng luật sư giỏi chưa nhiều. Trong khi người dân không phải ai cũng có khả năng, điều kiện để tiếp xúc với luật sư giỏi. Tôi cho điều này dẫn đến tình trạng đó.
Nhưng vấn đề còn lại là ngay khi xảy ra sự việc, cơ quan điều tra mà làm chuẩn mực, đi đến cùng sự việc thì sẽ khắc phục được phần nào oan sai.
Trong vụ án này, nhờ có hung thủ ra đầu thú nên người bị oan mới được trả tự do? Còn nhiều vụ kỳ án khác (như Vụ án vườn mít hay vụ 3 thanh niên tại Yên Nghĩa Hà Đông) mà hung thủ không ra đầu thú thì việc oan sai vẫn là một dấu hỏi mãi mãi?
Lẽ thông thường cơ quan điều tra phải là người góp phần tìm ra hung thủ, kết thúc vụ án. Nhưng hung thủ ra đầu thú không biết là do họ tự giác hay chịu áp lực của xã hội, trong đó có câu chuyện gia đình phải tự đi giải oan cho người thân của mình. Và hiện trạng tự xử như thế không giống như những hiện trạng khác đâu.
Cách đây vài năm, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, án oan sai được đưa ra nói rất mạnh mẽ. Nhưng gần đây không có mấy. Phải chăng án oan đang ít đi hay các đại biểu QH không quan tâm đến nữa?
Tôi chưa rõ là trong vụ việc này từ trước đó, các cơ quan dân cử, HĐND, đại biểu Quốc hội đã tiếp cận được chưa và đã tạo ra áp lực theo quy định của pháp luật hay chưa?
Thí dụ như hiện nay tôi cũng có một vài vụ án đang phải theo đuổi. Nhưng nhiều khi chính chúng tôi đưa yêu cầu tới Tòa án nhân dân Tối cao để xem xét lại. Nhưng Tòa chưa trả lời thì đã xử lại rồi. Nên nếu lần này có cơ hội, tôi sẽ chất vấn Chánh án TAND Tối cao về chuyện này.
Nhiều đại biểu QH đã gửi đơn kêu oan của dân đến các cơ quan khác, nhưng không được trả lời. Vậy thì ông thấy rằng phải chăng những lá đơn mà ông Chấn viết trong 10 năm qua không được các cơ quan quan tâm?
Kinh nghiệm của tôi thấy là có trả lời, nhưng trả lời phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Và có những cái không trả lời, chưa trả lời mà người ta vẫn tiếp tục xét xử. Không phải chỉ cá nhân tôi mà nhiều đại biểu QH cũng đã tham gia và đều không nhận được hồi âm. Bản án vẫn tiếp tục được xử.
Người ta nói nhiều đến án bỏ túi. Vậy theo ông cần giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Tất nhiên là phải loại trừ, còn loại trừ hay không thì là cả một quá trình. Có thể thấy rõ ràng nhất là cùng một vụ việc xét xử, nhưng cấp này thì thuận, cấp khác lại ngược. Cứ dích dắc như thế đi đến tận cùng khiến tạo ra việc lớn, lẽ ra chỉ làm 1 lần thôi.
Thứ hai là, vậy công lý ở đâu khi các hội đồng xét xử đều của Nhà nước, nhưng cứ khác nhau như thế. Đây là câu chuyện không dễ trả lời ngay được. Nhưng hiện tượng ấy lẽ ra phải được trả lời, cơ quan tòa án phải trả lời.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hải Phong
'Cơ quan tố tụng hồ đồ'
"Nhân chứng không có, các chứng cứ lỏng lẻo, tôi đề nghị tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Chấn vô tội nhưng HĐXX không chấp nhận", luật sư Nguyễn Đức Biền trao đổi với VnExpress.
Luật sư Biền.
- Là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Chấn 10 năm trước, theo ông, HĐXX đã căn cứ vào đâu để kết tội?
- Theo cáo trạng, ngày 15/8/2003 tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang tổ chức giao lưu bóng đá, vợ chồng Nguyễn Thanh Chấn bán nước ở sân. Khi tan trận, Chiến (vợ Chấn) bảo chồng đi múc nước. Trên đường đi qua nhà Hoan, nhìn thấy cô từ nhà tắm đi ra, Chấn vào sàm sỡ. Bị Chấn khống chế, Hoan đập vỡ chai bia để tự vệ. Chấn rút dao bấm trong người ra đâm nhiều nhát và dùng tay đập đầu Hoan xuống đất cho đến chết. Toàn bộ vụ án chỉ có vậy.
Theo VKS, Chấn đi múc nước lúc 19h, nửa tiếng sau thì về. Nhưng khi thực nghiệm điều tra chỉ hết có 15 phút, 15 phút còn lại được cho là thời gian gây án.
Quá trình thực nghiệm điều tra cho thấy Chấn thực hiện hành vi giết người rất thành thạo và phù hợp với các chứng cứ khác. Bên cạnh đó, quá trình khám nghiệm hiện trường các điều tra viên tìm thấy dấu bàn chân hung thủ để lại, ướm bàn chân của Chấn vào thì vừa. Và cuối cùng là Chấn miêu tả đồ vật tại nhà nạn nhân rất trùng khớp.
- Ông đánh giá thế nào về căn cứ buộc tội này?
- Đọc và nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy những chứng cứ trên "lỏng lẻo", hơn nữa nhân chứng không có. Viện kiểm sát cho rằng dấu chân hung thủ để lại hiện trường khớp với dấu chân của Chấn, nhưng kết luận này là hồ đồ vì đó là dấu chân chứ không phải vân chân. Với những người có khổ bàn chân tương đương nhau, khi ướm vào sẽ vẫn vừa.
Còn một tình tiết quan trọng là theo cáo trạng, Chấn khai có dùng con dao trong người để đâm hung thủ, dao bị gãy tại hiện trường, Chấn cầm chuôi về sau đó vứt tại một bãi sắt vụn. Thế nhưng cơ quan điều tra lại không tìm được hung khí đó.
Thời điểm xảy ra vụ án mạng, có người chứng kiến Chấn cho người gọi nhờ điện thoại, bảng kê cuộc gọi do bưu điện cung cấp cũng xác định cuộc gọi lúc hơn 19h. Đó là một chứng cứ ngoại phạm.
- Và ông đã bảo vệ thân chủ của mình như thế nào trước tòa sơ thẩm?
- Tôi nói rằng thời gian anh Chấn đi múc nước mà các nhân chứng kể lại đều mang tính chất áng chừng, không chắc chắn (khoảng 19h đi, khoảng 19h30 về). Hơn nữa, 15 phút để giết một mạng người là không thuyết phục.
Tình tiết thứ 2 là Chấn miêu tả đồ dùng trong nhà bị hại một cách rất thành thục. Điều này cũng là bình thường vì bị hại là người bán hàng, hơn nữa nhà bị cáo và bị hại lại ở gần nhau. Việc mô tả vị trí đồ vật như giường, tủ... trong nhà không có gì khó.
Nhận định nhân chứng vụ giết người không có, các chứng cứ thì lỏng lẻo, tôi đề nghị tuyên bị cáo vô tội nhưng tòa không chấp nhận.
Ông Chấn được trở về sau 10 năm bị tuyên án Chung thân.
- Còn tại phiên phúc thẩm?
- Tôi rất trăn trở khi lần đầu gặp nhau, Chấn nói với tôi: "Anh ơi em bị oan". Tôi hỏi "Tại sao oan mà lại nhận tội". Chấn trả lời: "Cán bộ điều tra dạy em khai".
Khi xử phúc thẩm, Viện kiểm soát có đưa ra bức thư Chấn gửi cho vợ, ghi là: "Kính gửi vợ, trong này anh đã nhận hết tội rồi". Họ cho rằng không ai dạy Chấn viết "Kính gửi vợ". Tuy nhiên, quan điểm của tôi là điều này không quan trọng. Nếu bị cáo nhận tội trước đó nhưng không phù hợp với các chứng cứ khác thì cũng không có giá trị. Tại phiên xử hôm đó, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm bị cáo vô tội.
- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả công việc của công an, viện kiểm sát, tòa án trong vụ án này?
- Quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan chức năng đã không quan tâm đánh giá chứng cứ buộc tội một cách khách quan. Lẽ ra phải lấy lời khai của bị cáo và đối chiếu với hiện trường, song theo như Chấn nói "điều tra viên đã dạy khai". Như vậy, cơ quan điều tra đã vi phạm luật tố tụng, áp đặt ý chủ quan của mình vào vụ án, làm mất đi tính khách quan.
- 10 năm qua, ông hỗ trợ gì gia đình ông Chấn kêu oan?
- Sau khi vụ án kết thúc, vì một số lý do, tháng 10/2004 tôi không làm luật sư nữa mà chuyển sang làm công chức nhà nước. Ông Hoạt là anh em đồng hao với Chấn thi thoảng đến gặp tôi để nhờ tư vấn. Tôi vẫn động viên gia đình tiếp tục kêu oan, kiên trì gửi đơn thư đến các cấp, nhất định sẽ được giải quyết. Tôi có niềm tin rằng đến một ngày nào đó Chấn sẽ được minh oan.
- Cảm xúc của ông như thế nào khi ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành án trở về nhà?
- Hôm qua, khi đang đi trên đường thì có người gọi điện thông báo với tôi Chấn đã được thả. Tôi vô cùng xúc động. Cuối cùng thì niềm tin "chân lý là lẽ phải, sự thật là khách quan" của tôi đã thành hiện thực. Ông Hoạt cũng gọi điện cho tôi nói Chấn muốn gặp để cảm ơn. Sáng nay, Chấn đi thắp hương cho bố và chúng tôi sẽ gặp nhau trong nay mai.
Khi bào chữa cho Chấn, tôi 40 tuổi với khoảng 8 năm tuổi nghề. Đó cũng là vụ án đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm luật sư của tôi. Tôi tự hào là ngay từ ban đầu, tôi đã chứng minh bị cáo không phạm tội. Trước đó, trong vụ án Lê Văn Bảy tôi cũng tranh luận buộc tội của Viện kiểm soát là thiếu căn cứ, và sau 180 ngày tạm giam bị cáo đã được thả. Chấn thì mất nhiều thời gian hơn, tới tận 10 năm mới được tự do.
Diễn biến vụ án Ngày 15/8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết hại tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Ngày 17/8/2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án Giết người Ngày 30/8/2003, Nguyễn Thanh Chấn, trú cùng thôn với nạn nhân, bị công an triệu tập. Ngày 29/9/2003, Nguyễn Thanh Chấn bị khởi tố bị can, tạm giam về tội Giết người. Ngày 3/12/2003, công an hoàn tất kết luận điều tra vụ án Ngày 10/2/2004, VKSND tỉnh Bắc Giang ra cáo trạng truy tố Nguyễn Thanh Chấn về hành vi giết người có tính chất côn đồ Ngày 26/3/2004, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên Nguyễn Thanh Chấn phạm tội Giét người, án tù chung thân Ngày 26-27/7/2004, TAND Tối cao tuyên y án sơ thẩm, bác kháng cáo kêu oan của bị cáo. Bản án phúc thẩm có hiệu lực. Ngày 5/7/2013, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ Nguyễn Thanh Chấn) có dơn kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cho rằng thủ phạm giết người là Lý Nguyễn Chung. Ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, khai nhận hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản Ngày 29/10/2013, VKSND Tối cao dã khởi tố vụ án hình sự Giết người, cướp tài sản; khởi tố bị can với Chung về hai hành vi này. Cuối tháng 10, bố của Chung là Lý Văn Chúc bị bắt khẩn cấp về hành vi đe dọa giết nhân chứng của vụ án. Ngày 4/11/2013, ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành án, trở về
Theo VNE
Vụ án 10 năm: Có ép cung hay không? Có hay không sự vi phạm tố tụng trong vụ án 10 năm trước. Lý do vì sao trong quá trình điều tra, ông Chấn cho rằng mình không phạm tội mà vẫn nhận tội? Như đã đưa tin, cách đây gần 10 năm, ông Nguyễn Thanh Chấn bị tòa sơ thẩm tại Bắc Giang và phúc thẩm tại Hà Nội tuyên án...