ĐBQH: Đối tượng vụ giết người đầu thú, nhưng 5 năm vụ án vẫn bế tắc
Trong bài phát biểu trước Quốc hội chiều 13.11, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã dẫn chứng về những vụ án “lạ” rất khó xử lý, trong đó có vụ án giết người.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An (ảnh Lê Hiếu).
Trong phiên thảo luận của Quốc hội về báo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng:
Theo đánh giá của Chính phủ tại Báo cáo số 475 ngày 13.10.2018 cho thấy, mặc dù có rất nhiều nỗ lực cố gắng, tội phạm và vi phạm về trật tự xã hội có giảm nhưng tính chất vẫn rất phức tạp, cường độ bạo lực gia tăng, có nơi gây lo lắng bất bình trong nhân dân. Hoạt động phòng, chống tội phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Tại báo cáo xác định có 7 nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thứ tư, công tác điều tra xử lý tội phạm có yếu tố nước ngoài, nhất là các nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp là hết sức khó khăn.
Ông dẫn chứng, năm 2018, tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em trên địa bàn Nghệ An diễn ra phức tạp và nghiêm trọng. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, Công an Nghệ An đã phát hiện khởi tố 12 vụ mua, bán người và mua, bán trẻ em. Phối hợp với các đơn vị giải cứu thành công 6 nạn nhân từ Trung Quốc trở về Việt Nam an toàn. “Đặc biệt thời gian gần đây tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An xảy ra tình trạng mua, bán trẻ em với thủ đoạn mới, đó là các đối tượng mua, bán người tìm đến các gia đình người dân tộc Khơ mú có phụ nữ mang thai từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 8 để dụ dỗ, lôi kéo sang Trung Quốc sinh con rồi bán cho người Trung Quốc với số tiền từ 60 triệu đến 80 triệu tùy thuộc vào con trai hay con gái, trong đó con gái giá cao hơn”, Giám đốc Công an Nghệ An cho biết.
Video đang HOT
Ông nói thêm, cuối năm 2017 đến nay tại 2 xã Hữu Lập và Hữu Kiểm của huyện Kỳ Sơn đã xảy ra 22 vụ án với thủ đoạn nêu trên. Công an tỉnh đã chỉ đạo điều tra, xác minh, xác định được đối tượng phạm tội, cá biệt có vụ bán cả mẹ, cả con. Công an giải cứu được mẹ nhưng không giải cứu được con vì không biết con ở đâu. Các đối tượng liên quan đến vụ án đều thừa nhận đầy đủ hành vi phạm tội của mình. Cơ quan điều tra chỉ khởi tố, xử lý được hành vi bán mẹ, còn hành vi bán đứa con không thể xử lý được. Công an Nghệ An đã trực tiếp trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đồng thời có văn bản xin hướng dẫn của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đều được trả lời chưa có văn bản nào hướng dẫn các vụ án nói trên.
“Công an Nghệ An đã nhiều lần đến Móng Cái, Quảng Ninh với hy vọng điều tra hành vi tổ chức môi giới cho người khác trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nhưng đều không thành công. Bởi nạn nhân sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, do bọn chuyên dẫn dắt môi giới đưa đi. Hiện nay 22 vụ án nói trên đang bị bế tắc không có đường lối xử lý và nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì tình trạng mua, bán trẻ em với thủ đoạn nêu trên sẽ tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, gây bất an, bất bình trong nhân dân”, đại biểu Cầu nói.
Vị Giám đốc Công an Nghệ An nêu ví dụ điển hình nữa, cách đây hơn 5 năm chị Hoàng Thị H sinh năm 1961 tại Nghi Lộc, Nghệ An đã có đơn tố cáo 2 đối tượng người ở Cửa Lò và Diễn Châu giết con trai của chị là Nguyễn Phú M tại Quảng Châu, Trung Quốc. Gia đình bị hại đã sang Trung Quốc nhận xác con đưa về mai táng, đề nghị cơ quan điều tra xử lý nghiêm các thủ phạm. 2 đối tượng đã đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi và xác định nguyên nhân của vụ án là do mâu thuẫn nên 2 đối tượng đã ra chợ mua dao và điều nạn nhân ra vùng hẻo lánh để sát hại.
Để giải quyết vụ án này Công an tỉnh Nghệ An đã rất nhiều lần gửi văn bản đến Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Đông, Trung Quốc, Cơ quan điều tra Bộ Công an, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện KSND Tối cao nhưng đều không xử lý được. “Qua 5 năm vụ án vẫn bế tắc, gia đình vẫn nhiều lần làm đơn nhưng chúng tôi không xử lý được”, đại biểu Cầu bày tỏ.
Từ những ví dụ đã nêu, ông đề nghị các cơ quan tư pháp hình sự Trung ương hướng dẫn để công an Nghệ An tiếp tục điều tra làm rõ các vụ án nói trên. Kiến nghị với Chính phủ cần sửa đổi lại Hiệp định tương trợ tư pháp giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ năm 1998 đến nay để phù hợp và tháo gỡ các vướng mắc.
Theo Danviet
ĐB Lưu Bình Nhưỡng:"Giá mỗi tỉnh có một người như tướng Hồ Sỹ Tiến"
Chiều nay (13.11), phát biểu trước Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã nói, nhiều cử tri cả nước ước ao giá cả mỗi tỉnh, thành phố có một người tài như tướng Hồ Sỹ Tiến, Bộ Công an có 10 người như tướng Hồ Sỹ Tiến thì hay biết mấy.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (ảnh Lê Hiếu).
Mở đầu bài phát biểu, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ tán thành với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội vì đã nêu đầy đủ bức tranh về hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có hoạt động của Cơ quan điều tra.
Theo đại biểu Nhưỡng, không ai có thể phủ nhận rằng cơ quan điều tra nói chung, trong đó có cơ quan điều tra Công an nhân dân nói riêng đã có những cống hiến vô cùng to lớn cho hoạt động tố tụng, đã khám phá hàng triệu vụ án lớn nhỏ đem lại sự bình yên cho xã hội. Biết bao câu chuyện ly kỳ để đời như chuyện bắt tướng cướp Bạch Hải Đường, vụ Năm Cam..., rồi hiện nay điều tra các vụ án lớn như Vũ "nhôm", đại án trong lĩnh vực dầu khí, ngân hàng. Gần đây nhất là khám phá vụ án đánh bạc nghìn tỷ trên mạng có liên quan đến cựu tướng Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa.
"Tối 8.11 tôi xem chương trình Lần theo dấu vết trên VTV1 rộ lên sự ngoạn mục, khôn khéo, mưu trí của một nhóm sĩ quan điều tra, trong đó xuất hiện gương mặt quen thuộc mà xuất hiện ở bất kỳ đâu người dân đều có niềm tin vào hoạt động điều tra là Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an" đại biểu Nhưỡng nói và cho biết ông gặp tướng Hồ Sỹ Tiến trong một hoàn cảnh rất đặc biệt khi vào Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội năm 2017.
Theo đại biểu Nhưỡng, điều đáng tiếc là trong quá trình điều tra vẫn còn có những con người không xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân. "Thậm chí có những kẻ dám dùng trang phục và bộ quân hàm cao quý, nghiệp vụ chuyên môn Nhà nước trang bị để lội ngược dòng đạo lý", ông nói.
Vị đại biểu Bến Tre này nhắc lại vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), vụ cụ Trần Văn Thêm (Bắc Ninh), vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận). Theo ông những vụ án oan đó đều khởi nguồn từ hoạt động điều tra có sai sót, vi phạm rất nghiêm trọng pháp luật tố tụng. "Hôm qua tôi nhận được đơn kêu cứu của một Giảng viên trưởng ĐH sân khấu điện ảnh TP.HCM, trong đó tố cáo đã bị công an Cần Thơ bắt giữ vô cớ, đánh đập phải nằm viện, vu cho tội ma tuý", đại biểu Nhưỡng cho biết.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết thêm, tại phiên chất vấn ngày 3.11, ông có đề cập tới tình hình sai phạm của lực lượng điều tra trong Công an, trong đó có xử lý tin tố giác tội phạm. "Hôm nay tôi xin được báo cáo rõ, nếu đem so sánh các vi phạm pháp luật trong hoạt động của các cơ quan điều tra với nhau thì vi phạm của ngành Công an chiếm tỷ lệ nhiều nhất, có những sai phạm chiếm tuyệt đối", ông nói và cho biết, trong thời gian qua khi nhận được đơn về những vụ việc có dấu hiệu tội phạm ông đã chuyển Bộ trưởng, một số Thứ trưởng của Bộ Công an. Ông cũng nêu rõ một vụ việc chưa được Bộ trưởng Công an trả lời.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, ông mong muốn rằng sẽ có một cuộc cách mạng thực sự lĩnh vực này, để lực lượng điều tra, những người giữ cửa đầu vào của công tác tố tụng ngày càng trong sạch, vững mạnh. "Tôi phát biểu điều này thể hiện cá nhân tôi và cử tri rất quan tâm và đang đồng tình với Đảng, Nhà nước, giúp ngành công an lấy lại niềm tin yêu, sự khâm phục đã bị sứt mẻ thời gian qua. Làm thế nào để quán triệt mỗi cán bộ chiến sĩ thực hiện nghiêm 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, đừng làm điều tổn thương cho người dân, đặc biệt "đừng làm láo nháo, báo cáo thì hay, dối trên gạt dưới, lấy thành tích mà làm những việc trái đạo đức, trái lương tâm, vi phạm pháp luật", đại biểu Nhưỡng nói.
Chốt lại bài phát biểu, vị đại biểu này cho hay nhiều cử tri cả nước ước ao giá cả mỗi tỉnh, thành phố có một người tài như tướng Hồ Sỹ Tiến, Bộ Công an có 10 người như Hồ Sỹ Tiến thì hay biết mấy.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến sinh năm 1957, quê Nghệ An. Năm 1975, ông học trường An ninh. Năm 1981, ông bắt đầu công tác. Ông từng công tác tại Phòng cảnh sát điều tra (Công an TP.Hà Nội); Công an quận Cầu Giấy, Cục cảnh sát hình sự.
Ngày 3.1.2018, Bộ Công an đã trao quyết định nghỉ chờ hưởng chế độ hưu trí cho Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến.
Theo Danviet
Từ vụ khởi tố vụ Sabeco và BHXH, Tổng Kiểm toán Nhà nước nói gì? Sáng nay (13.11), tại phiên thảo luận của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc (đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) đã giơ biển tranh luận. Ông tranh luận với Ủy ban Tư pháp về đánh giá với kiểm toán trong báo cáo thẩm tra phòng chống tham nhũng năm 2018. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc...