ĐBQH: Cần xem xét lại bản án nếu có dấu hiệu sử dụng bệnh án tâm thần giả
Liên quan đến vụ triệt phá đường dây chuyên làm giả bệnh án tâm thần cho các đối tượng phạm tội, ĐBQH Nguyễn Chiến cho rằng, hành vi trên có hệ lụy không nhỏ, cần xử lý nghiêm minh.
Công an TP.Hà Nội vừa triệt phá một đường dây chuyên làm giả bệnh án tâm thần cho các đối tượng giang hồ phạm tội, nhằm trốn tránh xử lý của pháp luật.
Thông tin về vụ án đã gây chú ý đặc biệt của dư luận. Nhiều người đặt nghi vấn về việc liệu đường dây này đã làm trót lọt bao nhiêu bộ hồ sơ để giúp được các đối tượng gây án trốn tránh trách nhiệm hình sự? Và hành vi của các đối tượng ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động tố tụng?
Xung quanh vấn đề trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến, Ủy viên ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: “Trước hết, theo quy định của pháp luật đối với những người phạm tội, người ta sẽ được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc miễn trách nhiệm hình sự do mắc một trong số các loại bệnh tâm thần.
Phải xác định người ta thực hiện phạm tội trong tình trạng nhận thức được hành vi hay là không nhận thức được hành vi. Quy định này là đúng và hoàn toàn phù hợp với mặt lý luận khoa học hình sự. Cơ sở khoa học về xác định ý thức chủ quan của tội phạm là một trong các yếu tố cấu thành tội phạm.
Chính sách, quy định của pháp luật như vậy là hoàn toàn đúng và khoa học. Tuy nhiên, một số đối tượng lại lợi dụng quy định này, cố tình làm giả bệnh án tâm thần, cung cấp tài liệu giả cho cơ quan tố tụng, đó là hành vi vi phạm pháp luật”.
Video đang HOT
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến.
Vị Ủy viên ủy ban Tư pháp của Quốc hội phân tích: “Những người làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần là vi phạm, đã có điều luật quy định về làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhà nước.
Còn đối với những người sử dụng giấy tờ giả đó nhằm trốn tránh hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mình thì cũng có dấu hiệu cung cấp tài liệu, chứng cứ sai sự thật. Tùy thuộc vào việc sử dụng giấy tờ giả đó đã gây ra hậu quả như thế nào thì sẽ bị xử lý tương xứng”.
Đại biểu Nguyễn Chiến nhấn mạnh: “Hành vi làm giả bệnh án tâm thần cho các đối tượng phạm tội có hệ lụy rất nghiêm trọng, làm sai lệch cán cân công lý, sai lệch hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ví dụ, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đó mà tòa án có thể đánh giá, xác định sai về tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Thậm chí, có trường hợp còn không xử lý hình sự được hoặc chưa xử lý thì đã bắt buộc phải đưa đi chữa bệnh…
Tôi nghĩ, cơ quan công an cần tiếp tục làm rõ xem đã có vụ án nào mà căn cứ vào tài liệu bệnh án tâm thần giả của đường dây nói trên để xét xử thì bây giờ phải đề nghị xem xét lại, thậm chí hủy bản án nhằm đảm bảo tính đúng đắn, nghiêm minh của pháp luật”.
Theo NĐT
"Làm giả bệnh án tâm thần là tiếp tay để tội phạm lộng hành"
Làm giả bệnh án tâm thần không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn thể hiện bao che, tiếp tay để tội phạm lộng hành gây nguy hại cho XH.
Liên quan đến vụ việc làm giả bệnh án tâm thần, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam phục vụ điều tra đối với 2 viên chức của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 là: bác sĩ Thân Thanh Phong - Phó Trưởng khoa tâm thần người cao tuổi và Nguyễn Tuấn Sơn - kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng.
Tại cuộc họp khẩn của Bộ Y tế ngày 10/8, đại diện Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, sau khi nhận được công văn của cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp thông tin 94 hồ sơ của bệnh nhân, bệnh viện đã thực hiện và đang phối hợp rà soát xem có bệnh án giả mạo hay không. Đến nay, bệnh viện chưa nhận được thông báo của Công an Hà Nội về kết quả điều tra.
Bộ Y tế họp khẩn sau thông tin có đường dây "chạy" bệnh án tâm thần.
Theo TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương, để giám định pháp y một người có bị mắc tâm thần hay không cần phải tuân thủ theo một quy trình rất nghiêm ngặt của Hội đồng giám định y khoa. Hội đồng chuyên môn là những người có năng lực chuyên môn cao của bệnh viện tham gia vào hội chẩn, khám lâm sàng để tăng chất lượng chẩn đoán bệnh nhân có bị tâm thần hay không. Đối với các trường hợp liên quan tới các vụ án hình sự sẽ phải thực hiện giám định thông qua Hội đồng pháp y.
"Liên quan đến sự việc này, những bác sỹ nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm về hành vi giả mạo bệnh án tâm thần" - TS Nguyễn Doãn Phương cho biết.
Một số chuyên gia cho rằng, nhiều trường hợp bệnh lý thể hiện rõ ràng chỉ cần khám và quan sát trong một ngày (tại phòng) có thể đưa ra quyết định bệnh nhân có bị tâm thần hay không. Tuy nhiên, trường hợp phức tạp cần phải điều trị nội trú trong một thời gian nhất định, sau đó hội đồng chuyên môn cùng đưa ra kết luận.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, việc làm giả bệnh án tâm thần khiến dư luận bức xúc. Hành vi này không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn là hành vi thể hiện bao che, tiếp tay, tạo điều kiện để tội phạm lộng hành, trốn tránh việc xử lý trước pháp luật, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố xét xử, gây nguy hại cho xã hội.
Theo Luật sư Cường, trong vụ việc này các đối tượng vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh. Cơ quan điều tra cần làm rõ thủ đoạn, cách thức làm giả cũng như việc các đối tượng này có nhận lợi ích vật chất hay không.
Luật sư Cường phân tích, trước hết cần phải xem xét đến yếu tố vật chất. Nếu các đối tượng bị bệnh tâm thần có bệnh án giả mà bản thân người nhà họ đưa tiền cho các bác sỹ để làm giả hồ sơ bệnh án thì có dấu hiệu của tội đưa hối lộ và nhận hối lộ. Trong trường hợp này, các đối tượng sẽ bị xử lý về tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đối với những người đưa tiền để các bác sỹ làm giả hồ sơ bệnh án thì có dấu hiệu của tội đưa hối lộ theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.
Đối với những trường hợp các bác sỹ làm giả hồ sơ bệnh án, làm sai mà không vì lợi ích vật chất hoặc không chứng minh được họ nhận tiền làm giả bệnh án tâm thần thì sẽ xử lý về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, cũng cần phải làm rõ các đối tượng phải đi điều trị tâm thần sau khi thực hiện hành vi phạm tội, hoặc là sẽ thực hiện hành vi phạm tội hoặc là đang trong quá trình điều tra truy tố xét xử trong một vụ án hình sự. Vì vậy, theo luật sư Cường, trong sự việc này phải xem xét thời điểm làm giả bệnh án, các đối tượng có đang liên quan đến vụ án hình sự nào không?
"Trong trường hợp đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội như giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích mà cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm soát, Tòa án yêu cầu trưng cầu giám định tâm thần mà phát hiện đối tượng này đang thực hiện hành vi phạm tội như vậy, nhưng vì nể nang, vì lợi ích vật chất mà các bác sỹ làm giả bệnh án tâm thần để các đối tượng trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật thì hành vi này có dấu hiệu là tội che giấu tội phạm, theo quy định tại Điều 18 và điều 389 Bộ luật hình sự 2015"- Luật sư Cường cho biết.
Vì vậy, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cơ quan điều tra cần phải làm rõ đối với từng hồ sơ bệnh án để xác định tội danh và mức hình phạt. Bởi sự việc này không chỉ ảnh hưởng đến việc điều tra, truy tố xét xử trong một vụ án mà còn gây mất an toàn cho xã hội. Với những đối tượng mua được bệnh án tâm thần giả, họ sẽ vịn vào bệnh án đó để tiếp tục thực hiện các hành vi phạm tội. Đồng thời coi đây là "kim bài" để không thể xử lý họ bằng pháp luật. Vì theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi phạm tội mà không nhận thức được hành vi của mình ở dạng tâm thần phân liệt thì sẽ không phải xử lý hình sự./.
Thy Hạt/VOV.VN
Làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần: Bao che tội phạm, vi phạm đạo đức Hành vi của các đối tượng phạm tội trong vụ án này không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn góp phần bao che, tiếp tay, tạo điều kiện để các đối tượng hoạt động phạm tội công khai, lộng hành, nhưng vẫn trốn tránh được việc xử lý của các cơ quan thực thi pháp luật, gây khó...