ĐB Quốc hội: Không nghĩ đến tiền mới trong sáng được
Bàn dự thảo luật Tổ chức Viện kiểm sát ngày 5/6, Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, để nâng cao chất lượng công tác tư pháp, phải cải cách con người…
Một trong những điểm mới trong dự thảo luật Tổ chức Viện kiểm sát là chuyển từ hệ thống Viện kiểm sát theo đơn vị hành chính như hiện nay thành mô hình Viện kiểm sát khu vực.
Thảo luận dự thảo luật này, Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, ông thấy hầu hết các ý kiến đồng ý giữ nguyên mô hình Viện Kiểm sát cấp huyện như hiện nay, thay vì mô hình Viện kiểm sát khu vực. Ông bày tỏ: “Tôi thấy như vậy rất phù hợp”.
Đại biểu cho rằng, Viện kiểm sát bảo vệ quyền con người, trong Hiến pháp quy định Viện kiểm sát phải chống oan sai ngay từ khi điều tra, chứ không phải chờ đến khi tòa án quyết định, đó là tính kịp thời.
Video đang HOT
Đại biểu Đỗ Văn Đương, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Khoa học kiểm sát nói rằng, để nâng cao chất lượng công tác tư pháp không phải cải cách trụ sở, cải cách vỏ vật chất. Thay vào đó, phải cải cách con người, cải cách lương tâm và trách nhiệm.
Ông nói: “Tập trung vào cải cách con người làm sao để người thẩm phán, kiểm sát viên độc lập chỉ có theo luật”.
“Độc lập chỉ khi vô tư trách nhiệm tố tụng, độc lập khi có cơ chế pháp lý chặt chẽ, không có sơ hở, phải dành cho một chế độ, lương bổng cho thỏa đáng. Họ không nghĩ đến tiền thì họ mới trong sáng được”.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương. Ảnh: Người lao động
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, hiện nay các cơ quan tư pháp bị chi phối bởi ba vấn đề gồm chính trị, tiền bạc, tình cảm.
Ông nói: “Chính trị, tiền bạc, tình cảm đi vào tòa thì công lý sẽ cắp cặp ra đi. Tiền bạc và tình cảm không biên giới, bất cứ chỗ nào cũng có thể đi vào được và sẽ làm cho công lý không còn ở trong đó”.
Chính vì vậy, việc yếu nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ chứ không phải do tổ chức bộ máy. Vì cán bộ bản lĩnh chính trị không vững vàng, không tinh thông về nghiệp vụ, đạo đức không trong sáng… mới xảy ra oan và sai.
Theo ông, vấn đề chính yếu nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ, phải đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ. Để cán bộ có trái tim đầy nhiệt huyết, nhưng cái đầu lạnh và bàn tay sạch mới làm cho cán cân công lý và công bằng xã hội được thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) cho rằng mô hình Viện kiểm sát nhân dân khu vực chỉ phù hợp đối với các tỉnh đồng bằng có mật độ dân số trung bình, tình hình an ninh chính trị ổn định. Còn đối với các thành phố lớn mật độ dân số đông, tỷ lệ án cao, phức tạp, đối tượng phạm tội tập trung đông, phạm tội có tổ chức… thì lại rất vất vả.
Với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, các tỉnh vùng sông nước có khoảng cách giữa các huyện tương đối xa, điều kiện đi lại không thuận lợi… sẽ vô cùng khó khăn. Bởi vì việc phê chuẩn phối hợp với các cơ quan điều tra trong công tác xét xử, khám nghiệm, truy tố tại một số huyện, xã có thôn bản cách xa trên 100 cây số, đường xá đi lại khó khăn, có khi đi cả ngày mới tới nơi. Điều đó làm cản trở trong công tác điều tra.
Đại biểu Nhiệm nói rằng có ý kiến cho rằng không phụ thuộc đơn vị hành chính thì Tòa án và Viện kiểm sát sẽ hoạt động độc lập hơn. Nhưng thực tế cho thấy chưa có vụ án nào khi xét xử có sự can thiệp của cấp ủy, chính quyền địa phương mà chỉ có sự chỉ đạo với tinh thần thượng tôn pháp luật mà thôi.
“Giữ nguyên mô hình Viện kiểm sát nhân dân theo đơn vị hành chính như hiện nay là phù hợp”, nữ Đại biểu đề nghị.
Theo Khampha