Đẩy nhanh tiến độ xử lý 5 đại án
Theo thông tin từ Ban Nội chính Trung ương, trong tháng 2/2014, Ban sẽ tập trung theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xử lý 5 đại án về tham nhũng trong đó có vụ bầu Kiên, vụ việc xảy ra tại Công ty dịch vụ Agribank…
Ban Nội chính Trung ương đang thúc đẩy nhanh tiến độ xử lý vụ Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng phạm cố ý làm trái, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép và trốn thuế.
Theo thông tin chính thức, trong tháng 2/2014, Ban Nội chính Trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng (PCTN) triển khai Chương trình công tác trọng tâm năm 2014. Theo dõi, đôn đốc, báo cáo kịp thời về tình hình, kết quả giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc xử lý.
Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án: Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm cố ý làm trái, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép và trốn thuế; Vũ Việt Hùng và đồng phạm nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vụ việc sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank); vụ việc xảy ra tại Công ty dịch vụ Agribank…
Ngoài việc nói trên, trong tháng 1/2014, Ban Nội chính Trung ương đã báo cáo và được đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đồng ý đề xuất bổ sung 4 vụ án, 4 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đề nghị đưa 15 vụ án, 5 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; 24 vụ án, 16 vụ việc đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo, xử lý.
Ban cũng tổ chức cuộc họp do đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nghe các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương báo cáo về vụ án Phạm Thị Bích Lương; vụ việc liên quan đến 2 vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và vụ án “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”; vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Công nghệ biển Hải Phòng.
Video đang HOT
Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương trực tiếp theo dõi phiên tòa xét xử các vụ án: Dương Chí Dũng và đồng phạm tham ô tài sản, cố ý làm trái; Dương Tự Trọng và đồng phạm tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài; Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tham nhũng. Cử cán bộ nắm tình hình xử lý vụ án bà Hoàng Thị Vấn phạm tội giết người, vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng và 2 trường hợp kêu oan ở tỉnh Bình Thuận, tỉnh Long An; nắm tình hình giải quyết vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Mía đường La Ngà (thuộc Tổng Công ty Mía đường II), vụ án Dương Thanh Cường xảy ra tại Công ty Dệt kim Đông Phương, vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm Sài Gòn, vụ án xảy ra tại Công ty TNHH An Khang ở Cần Thơ…
Theo thông tin từ Ban Nội chính Trung ương, trong năm 2014, Ban sẽ tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ: Tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế mà trọng tâm là lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng theo Hiến pháp mới; Phục vụ tốt Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (dự kiến tổ chức vào cuối tháng 4/2014); Tổ chức, phục vụ tốt các Phiên họp của Ban Chỉ đạo, các cuộc họp của Thương trực Ban Chỉ đạo; Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng trọng điểm do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; đôn đốc, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án trọng tâm, trọng điểm khác về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Tập trung tham mưu tổ chức, phục vụ các Đoàn kiểm tra, giám sát theo Kế hoạch 08-KH/TW của Bộ Chính trị; Tăng cường công tác theo dõi và hướng dẫn nghiệp vụ công tác cho các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo giao.
Trúc Dân
Theo_VnMedia
Ban Nội chính sẽ giải quyết tố cáo của ông Dương Chí Dũng
Trong số các nhiệm vụ trọng tâm công tác tháng 2 của Ban Nội chính trung ương có việc tập trung thực hiện nhiệm vụ Ban Bí thư Trung ương Đảng giao về việc giải quyết tố cáo của ông Dương Chí Dũng.
Tờ Tuổi trẻ ngày 15/2 đưa tin, một lãnh đạo Ban Nội chính trung ương xác nhận tố cáo của ông Dương Chí Dũng gồm có hai nguồn là bằng đơn thư và lời khai tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Dương Tự Trọng.
Trong số các nội dung tố cáo có nội dung liên quan đến người đã "mật báo" cho ông Dương Chí Dũng trốn trước khi cơ quan chức năng tiến hành lệnh bắt và lời khai về việc ông Dương Chí Dũng đưa tiền cho người đã báo tin nêu trên...
Trước đó, trong đơn tố cáo ông Dương Chí Dũng gửi tới Ban nội chính Trung ương có viết, ông đã không nhận 1,666 triệu USD tiền lại quả từ việc mua ụ nổi.
Ông Dương Chí Dũng khai trước tòa cụ thể hơn về lá đơn tố cáo như sau: "Những điều trước đây tôi phản bác giờ tôi khai lại: Vấn đề vị cán bộ này nhận tiền, ngoài 500.000 USD thì còn khoản nữa. Liên quan đến việc đầu tư làm ăn nên tôi và bà Lan (công ty Vạn Thịnh Phát ở TP.HCM- PV) còn đưa cho anh 1 triệu USD. Hôm đưa tiền tôi gọi cho anh, anh nói 5h về đến nhà. Tôi mang túi vào phòng anh rồi để luôn hai cái túi ở phía bên trong nhà".
Ban nội chính sẽ giải quyết tố cáo của ông Dương Chí Dũng
Nhiệm vụ giải quyết tố cáo của ông Dương Chí Dũng mà Ban Nội chính trung ương được giao là theo "kênh" quy định trong Đảng, còn các nội dung tố tụng khác có liên quan vẫn tiến hành theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, các nhiệm vụ trọng tâm khác của Ban Nội chính trung ương là tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng triển khai chương trình công tác trọng tâm năm 2014.
Theo dõi, đôn đốc, báo cáo kịp thời về tình hình, kết quả giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc xử lý.
Ông Bá Thanh 2 lần đến phiên xử anh em Dương Chí Dũng
Trước đó, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng đã lặng lẽ đến theo dõi 2 phiên tòa xét xử vụ án Dương Chí Dũng và em trai Dương Tự Trọng.
Cụ thể, trong phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng và các đồng phạm diễn ra vào ngày 14/12/2013, ông Nguyễn Bá Thanh đã âm thầm đến một mình từ rất sớm, khi các phòng theo dõi phiên xử qua tivi còn chưa được mở, ông xuống xe và đi thẳng vào khu vực phòng bố trí theo dõi phiên xử Dương Chí Dũng.
Tiếp đến, ngày 7/1/2014, ông Nguyễn Bá Thanh lại lặng lẽ đến theo dõi phiên tòa xét xử vụ án Dương Tự Trọng (em trai Dương Chí Dũng) cùng 6 đồng phạm về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Vụ án của Dương Chí Dũng và đồng phạm tại Vinalines là một trong 10 đại án tham nhũng mà Ban Nội chính TƯ, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TƯ đưa vào diện giám sát đặc biệt.
Quyết tâm phòng chống tham nhũng từng được ông Nguyễn Bá Thanh thể hiện bằng từng hành động, lời nói cụ thể.
Và khi nói về Luật chống bao che tham nhũng, ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng: "Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng đã rõ rồi, vấn đề còn lại là phải làm. Vừa chống nhưng vừa phòng tham nhũng. Chống thì phải chống nhưng còn phải phòng nữa. Ngay cả một số dịch vụ công cũng xảy ra tham nhũng, thậm chí trong bệnh viện cũng xảy ra. Có điều là nơi nhiều, nơi ít, quy mô khác nhau thôi".
Hay ông cũng từng chia sẻ: "Việc xử lý các vụ án tham nhũng cực kỳ khó khăn, cần phải thận trọng. Quá trình điều tra, khởi tố cần phải chính xác đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan sai. Chính vì vậy các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có thời gian".
Theo Đất Việt
Thủ tướng làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Theo Nghị định về việc lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Thủ tướng Chính phủ sẽ là người đứng đầu Ban chỉ đạo này trong khi Bộ trưởng Công an là Phó trưởng ban. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định 07/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quan...