Đẩy nhanh thử nghiệm thuốc, vắc-xin Covid-19
Trung Quốc cho biết đã đẩy nhanh thử nghiệm lâm sàng 5 loại thuốc mới điều trị Covid-19 nhưng không cho biết thêm chi tiết
Giới chức y tế Mỹ hôm 25-2 thông báo các cuộc thử nghiệm loại vắc-xin tiềm tàng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) trên con người dự kiến bắt đầu trong 6 tuần nữa. Ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về dị ứng và các bệnh nhiễm trùng (NIAID) thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), cho biết vắc-xin nói trên đã được thử nghiệm trên chuột và đã kích hoạt phản ứng trong hệ miễn dịch, qua đó cho thấy nó có thể hiệu quả đối với virus gây Covid-19 (gọi là SARS-CoV-2).
Loại vắc-xin trên, gọi là mRNA-1273 do Công ty Công nghệ sinh học Moderna Therapeutics (Mỹ) phát triển. Theo tạp chí Time, công ty này chỉ mất 42 ngày để bào chế loại vắc-xin này sau khi các nhà nghiên cứu Trung Quốc công bố chuỗi di truyền của SARS-CoV-2 vào giữa tháng 1. Moderna hôm 24-2 cho biết đã gửi lô mRNA-1273 đầu tiên đến NIAID và cuộc thử nghiệm lâm sàng dự kiến diễn ra trên 20-25 người khỏe mạnh vào cuối tháng 4 để đánh giá sự an toàn, hiệu quả của vắc-xin này.
Nếu mọi chuyện diễn ra như kế hoạch, mRNA-1273 sẽ là vắc-xin đầu tiên được thử nghiệm trên con người tại Mỹ trong cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Nếu thành công, vắc-xin này còn cần trải qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3. Theo ông Fauci, sẽ mất ít nhất 1-1 năm rưỡi để hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến một loại vắc-xin nào đó.
Công ty Công nghệ sinh học Moderna Therapeutics đang dẫn đầu trong cuộc đua phát triển và thử nghiệm lâm sàng loại vắc-xin phòng Covid-19 tại Mỹ – Ảnh: MODERNA
Moderna thuộc số một nhóm công ty công nghệ sinh học nhỏ và hãng dược tên tuổi, trong đó có GlaxoSmithKline Plc, Johnson & Johnson, Sanofi đang chạy đua phát triển vắc-xin phòng Covid-19 thông qua sự hợp tác với một số chính phủ trên thế giới. Các chuyên gia y tế cảnh báo đây là tiến trình kéo dài, phức tạp, tốn kém và có thể mất nhiều tháng mới mang lại kết quả. Dù vậy, ông Fauci nhấn mạnh vắc-xin chắc chắn là một vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh đã khiến hơn 81.000 người mắc bệnh và gần 2.800 người tử vong trên thế giới tính đến ngày 26-2.
Ngoài ra, NIH hôm 25-2 cho biết đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng thuốc remdesivir của Công ty Công nghệ sinh học Gilead Sciences (Mỹ) đối với người nhiễm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Y tế Trường ĐH Nebraska. Đây là cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên tại Mỹ để đánh giá việc chữa trị thí nghiệm đối với Covid-19. Một hành khách người Mỹ bị cách ly trên du thuyền Diamond Princess neo đậu tại Nhật Bản là người đầu tiên tình nguyện tham gia cuộc nghiên cứu này.
“Chúng ta đang cần khẩn cấp một phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả đối với Covid-19. Dù thuốc remdesivir đã được dùng cho một số bệnh nhân Covid-19, chúng ta vẫn chưa có dữ liệu chắc chắn chứng tỏ là thuốc này có thể cải thiện các kết quả lâm sàng” – thông cáo báo chí của NIH dẫn lời ông Fauci cho biết.
Video đang HOT
Theo NIH, các cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với remdesivir cũng đang được thực hiện tại Trung Quốc. Ngoài ra, ông Chen Shifei, Cục phó Cục Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc, vào cuối tuần rồi cho biết Bắc Kinh đã đẩy nhanh thử nghiệm lâm sàng 5 loại thuốc mới điều trị Covid-19 nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Trường ĐH Thiên Tân hôm 25-2 thông báo đã điều chế loại vắc-xin dạng uống cho Covid-19. Theo tờ Global Times, ông Huang Jinhai, người đứng đầu dự án, đã tự uống 4 liều mà không gặp bất cứ tác dụng phụ nào. Nhóm nghiên cứu hiện đang tìm kiếm các đối tác tiềm năng để thúc đẩy thử nghiệm lâm sàng và sản xuất rộng rãi. Trước đó vài ngày, ông Xu Nanping, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, cho biết loại vắc-xin Covid-19 đầu tiên sẽ được thử nghiệm lâm sàng tại nước này sớm nhất là vào cuối tháng 4.
Tiếp tục lây lan
Thêm nhiều trường hợp mắc Covid-19 mới được ghi nhận khắp châu Âu hôm 25-2, trong đó có những trường hợp đầu tiên tại một số nước như Hy Lạp, Áo, Croatia, Thụy Sĩ…
Đáng chú ý, sự lây lan của virus gây Covid-19 dường như đều có liên quan đến dịch bệnh đang bùng phát ở Ý, nơi có 323 ca bệnh và 11 trường hợp tử vong. Trường hợp đầu tiên tại Hy Lạp là một phụ nữ 38 tuổi đến từ miền Bắc Ý. Trong khi đó, theo Reuters, 2 ca nhiễm đầu tiên ở Áo là một phụ nữ 24 tuổi và bạn trai; cả hai đều đến từ vùng Lombardy ở Ý. Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic xác nhận ca nhiễm đầu tiên của nước này là một thanh niên từng đến TP Milan – Ý hồi tuần trước… Bất chấp số ca nhiễm tiếp tục gia tăng, các bộ trưởng y tế tại châu Âu cam kết duy trì mở cửa biên giới khi cho rằng việc đóng cửa biên giới là một biện pháp “không tương xứng và không hiệu quả”.
Tại châu Phi, Algeria đã xác nhận trường hợp đầu tiên liên quan đến Covid-19. Bệnh nhân là một du khách Ý đến nước này hôm 17-2. Algeria là quốc gia châu Phi thứ hai có ca nhiễm, theo sau Ai Cập hồi đầu tháng này. Châu Mỹ Latin cũng không tránh khỏi ảnh hưởng khi Bộ Y tế Brazil hôm 25-2 xác nhận một người đàn ông 61 tuổi ở TP Sao Paulo cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi đến Ý gần đây.
Xuân Mai
Hoàng Phương
Theo Người lao động
Không đại gia dược nào sản xuất vaccine nCoV
Chưa hãng dược lớn nào thông báo sản xuất loại vaccine mà Viện Y tế Quốc gia Mỹ phát triển, khiến các quan chức thấy "khó khăn và phẫn nộ".
Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia Mỹ về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm bày tỏ sự bực bội với thực tế trên, khi bệnh do virus corona đã lấy mạng 1.369 người.
Điều này cũng cho thấy thử thách lớn trong việc đưa kết quả nghiên cứu, mà Viện Y tế Quốc gia Mỹ phối hợp với công ty sinh phẩm Moderna Therapeutics đã có, ra thành sản phẩm vaccine bán trên thị trường.
"Có các công ty có đủ năng lực làm được việc này, nhưng không phải lúc nào họ cũng dành sẵn lực lượng dự trữ để lập tức làm ra vaccine cho anh ngay khi anh cần", Fauci phát biểu trước một diễn đàn của Viện Aspen.
Fauci cho rằng phải ít nhất một năm nữa vaccine ngừa virus corona mới có bán trên thị trường, đấy là trong kịch bản tốt, khi có một hãng dược lớn quyết định làm.
Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia Mỹ về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Reuters
Vaccine mà NIH và Moderna phát triển sử dụng công nghệ mRNA, được Sáng kiến Liên minh Phòng ngừa Dịch bệnh (CEPI) tài trợ nghiên cứu. CEPI cũng đang cung cấp tài chính cho ba đối tác khác nghiên cứu vaccine phòng corona. Tuy nhiên không một đối tác nào trong số này có đủ năng lực như các công ty dược để có thể sản xuất vaccine với số lượng lớn.
Trên thực tế, nhiều hãng điều chế vaccine để chống chọi các khủng hoảng y tế chỉ có được thương phẩm khi dịch bệnh đã tắt. Họ gánh một đống chi phí khổng lồ bởi khi sản phẩm được cấp phép thì nhu cầu thị trường đã không còn. Doanh thu ngành vaccine toàn cầu đạt 54 tỷ USD năm ngoái, gấp đôi so với năm 2014, nhưng các đại gia dược vẫn ngại ngần.
"Làm ra vaccine hoặc thuốc cho những đợt khủng hoảng y tế là rất khó. Cần rất nhiều thời gian và tiền bạc", ông Brad Concar, nhà đầu tư công nghệ sinh học Mỹ, nói. "Kể cả với những công ty thành công trong việc điều chế ra sản phẩm, lợi nhuận cũng ít, chứ không phải hàng tỷ USD như mọi người vẫn tưởng tượng".
Pfizer, Merck, GlaxoSmithKline (GSK) và Sanofi chưa đề cập ý định làm vaccine nCoV kể từ khi đại dịch bùng phát. "Không một ai trong bốn đại gia cho thấy mong muốn đầu tư cả", tiến sĩ Ellen 't Hoen, giám đốc luật và chính sách y tế tại Đại học Y Groningen ở Amsterdam, nói.
Một trong các lý do khiến vaccine trở nên tốn kém là quá trình cấp phép rất dài hoặc dễ bị rút phép.
Vaccine ngừa cúm lợn do GlaxoSmithKline sản xuất từng được tiêm cho 6 triệu người Mỹ trong mùa dịch 2009-10, nhưng đã bị ngừng lưu hành sau đó do tác dụng phụ gây buồn ngủ nhiều lần trong ngày cho một số người.
Vaccine ngừa Ebola do Merck sản xuất, được sử dụng theo kiểu "thử nghiệm" khắp Guinea, Tây Phi, năm 2015 khi dịch nổ ra. Đến cuối năm ngoái nó mới được Cơ quan quản lý Thực phẩm Dược phẩm Mỹ cấp phép.
"Khi chúng tôi làm về Ebola, có một đại gia vaccine tham gia và cũng chi rất nhiều tiền nhưng giờ họ rút rồi", Fauci nói."Sẽ khó mà kéo được các hãng lớn làm việc này".
Một vài hãng dược khác bắt đầu có động thái trong cuộc chiến với corona. Johnson & Johnson hôm qua tuyên bố quan tâm đến việc phát triển vaccine, và có thể sẽ hợp tác với một cơ quan nghiên cứu của Cục dịch vụ Y tế và Nhân đạo Mỹ. Giám đốc bộ phận vaccine của hãng, ông Rick Bright, phát biểu: "Tốc độ là điều quan trọng để cứu mạng nhiều người và giảm thiểu lây lan virus".
Thục Linh - Thùy An
Theo Stat News, BBC/VNE
Đột phá nghiên cứu corona: lập bản đồ cấu trúc phân tử 3D virus Các nhà khoa học Mỹ đã thành công trong việc lập bản đồ 3D cấu trúc phân tử của virus corona. Đây là bước đột phá quan trọng trong việc phát triển vắcxin và phương pháp điều trị. Bản đồ cấu trúc phân tử 3D của protein dằm của virus corona chủng mới - Ảnh: AFP Các nhà khoa học Mỹ công bố...