Đẩy mạnh tái đàn lợn, không lơ là dịch bệnh
“Chủ trương phát triển chăn nuôi tiếp tục được Bộ NNPTNT ưu tiên và đang coi là giải pháp bù đắp một phần đáng kể để cứu cánh, hỗ trợ cho những lĩnh vực khác như: Thủy sản, trồng trọt đang gặp khó khăn do dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra. Không chỉ Bộ NNPTNT, các địa phương cũng nhận thức được việc này”.
Ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT)
Ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên NTNN.
Để giữ đà tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2020 ở mức 2,9-3%, Bộ NNPTNT quyết định điều chỉnh tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi tăng từ 4,15% lên 4,69% (tăng 0,54%). Ông đánh giá gì về khả năng thực hiện chỉ tiêu này, nhất là khi dịch đang chồng dịch trong lĩnh vực chăn nuôi như hiện nay?
- Về triển vọng, năm 2020 ngành chăn nuôi sẽ thuận lợi hơn so với các năm để mức tăng trưởng ngành chăn nuôi có thể tăng cao hơn, đặc biệt là so với năm 2019.
Hiện nay, tất cả các sản phẩm chăn nuôi đang có đầu ra tốt, không chỉ thị trường trong nước mà còn hướng ra xuất khẩu, ít chịu tác động của dịch corona. Trong đó, các ngành hàng thịt lợn, gia súc ăn cỏ như: Thịt bò, trâu, dê, cừu, sữa… chúng ta đang thiếu và giá vẫn cao.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đi kiểm tra tái đàn lợn tại Phú Thọ. Ảnh: K.L
Tôi cho rằng, giá thịt lợn ở các nước xung quanh và Việt Nam trong năm 2020 còn ở mức cao. Giá này rất có lợi cho người chăn nuôi; chính nó sẽ kích thích quá trình tái đầu tư, tái cơ cấu ngành và tái đàn để mở rộng đàn lợn.
Video đang HOT
Vấn đề thứ hai kiểm soát dịch bệnh của chúng ta giờ tương đối tốt, trừ dịch cúm gia cầm đang xuất hiện. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào chăn nuôi, nhiều hộ chăn nuôi chuyên nghiệp sau khi bị khủng hoảng dịch tả lợn châu Phi lúc này có nhu cầu mở rộng, tái đầu tư để người ta tranh thủ thời cơ giá tốt để tăng thêm thu nhập.
Như ông vừa nói, việc kiểm soát dịch bệnh giờ tương đối tốt, song đến nay chúng ta vẫn chưa có vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi. Trong việc tái đàn lợn, Cục Chăn nuôi lưu ý những vấn đề gì để kiểm soát an toàn dịch bệnh và thị trường đầu ra?
- Trước hết, chúng ta không chủ quan, lơ là kiểm soát dịch tả lợn châu Phi và những dịch bệnh khác như lở mồm long móng, bệnh tai xanh…
Thứ hai, có nhiều biện pháp, chính sách cụ thể để đẩy mạnh sản xuất, cung ứng con giống. Khó khăn lớn nhất của việc tái đàn lợn hiện nay chính là vấn đề giống.
Rất nhiều hộ không còn nái, họ phải mua giống của các hộ khác, các trang trại hoặc các công ty thì giá hiện nay rất cao, từ 1,8-2,5 triệu đồng một con giống 7kg.
Hiện nay, giá lợn đang ở mức 75.000 – 80.000 đồng/kg, nhưng chúng ta xác định khoảng 3-5 tháng nữa thì không còn giá này. Khi tái đàn lợn, giá giống quá cao như vậy người nuôi sẽ không có lời, chưa kể họ còn không có tiền để mua con giống.
Các doanh nghiệp thì không nói, nhưng các hộ chăn nuôi tôi đi kiểm tra có hộ có thể nuôi được 200 lợn thịt bây giờ chuồng vẫn trống. Nếu người ta đưa vào nuôi 200 lợn với mức giá 2 triệu đồng/con thì đầu tư hết 400 triệu đồng. Rõ ràng, một lúc bỏ 400 triệu đồng đối với một hộ chăn nuôi là khó. Chúng ta phải có giải pháp hỗ trợ tín dụng cho họ vay để đầu tư vì lợn còn thiếu.
Đối với chăn nuôi gia cầm thì sao khi gần đây dịch cúm gia cầm đang xuất hiện ở một số địa phương?
- Theo tôi, có 2 vấn đề phải chú ý đối với chăn nuôi gia cầm. Chú ý lớn nhất đúng là kiểm soát dịch cúm gia cầm, bởi nguy cơ rất cao. Hiện nay, mật độ chăn nuôi đang rất lớn. Tôi đi nhiều vùng, nhà nào cũng chăn nuôi, một cánh đồng vịt, một cánh đồng ngan chứ không phải lúa, trắng hết cả đồng.
Quy mô đàn gia cầm quá lớn thì có 2 cái khó: Một là kiểm soát dịch bệnh, nhất là cúm gia cầm; thứ hai, chúng ta phải chú ý thị trường.
Nếu chúng ta không điều chỉnh nhịp đẻ và chu kỳ sản phẩm để tránh sản phẩm cao điểm trong những tháng mùa hè (từ tháng 5-7), nhu cầu thực phẩm không lớn thì nguy cơ sẽ gây ra khủng hoảng thừa, khó tiêu thụ sản phẩm.
Chúng tôi đang tính phát triển gia cầm tăng từ 15-16%, nhưng cần điều chỉnh nhịp đẻ, chu kỳ sản xuất để cho sản phẩm lớn nhất vào quý III, IV/2020 nhằm giữ mức tăng trưởng và không gây xáo trộn lớn về thị trường.
Ông đánh giá dịch viêm phổi do virus corona ảnh hưởng như thế nào đến lĩnh vực chăn nuôi?
- Để thúc đẩy chăn nuôi tăng trưởng nhanh, chúng ta phải có nguồn thức ăn chăn nuôi đáp ứng số lượng, chất lượng và giá phải chăng. Vừa rồi dịch cúm do virus corona ảnh hưởng tới việc nhập khẩu một số nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc, thức ăn bổ sung có một số khó khăn phát sinh.
Cùng với đó, một số tàu hàng lớn quá cảnh qua Trung Quốc cũng gặp khó khăn, sẽ ảnh hưởng tới số lượng và phát sinh thêm chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ tăng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Thanh Hóa: Nghiêm cấm bán tháo gà, vịt ở vùng dịch cúm gia cầm
Ngày 12/2, đoàn công tác của Cục Thú y (Bộ NN PTNT) do ông Đàm Xuân Thành - Cục Phó Cục Thú y làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra và nắm bắt tình hình về công tác phòng, chống bệnh dịch cúm giam cầm H5N6 tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa.
Dịch cúm gia cầm bùng phát ở 3 xã thuộc 2 huyện
Theo thông tin cập nhật tình hình bệnh dịch cúm gia cầm H5N6 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, từ ngày 3/2/2020, ổ bệnh dịch cúm gia cầm H5N6 xuất hiện tại 2 xã Tân Khang, Tân Thọ của huyện Nông Cống.
Tính đến 16h ngày 11/2/2020, bệnh dịch cúm gia cầm H5N6 đã xảy ra tại 14 hộ chăn nuôi của 5 thôn, 3 xã, thuộc 2 huyện Nông Cống, Quảng Xương, làm 1.175 con gia cầm mắc bệnh (85 gà, 1.090 vịt) và buộc phải tiêu hủy 24.320 con gia cầm; trong đó có 23.113 vịt, ngan, 1.207 con gà.
Đoàn kiểm tra thăm hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ngọ - xã Tân Thọ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa có gia cầm bị dương tính với cúm H5N6.
Ngay khi xuất hiện các ổ dịch trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã cùng với chính quyền các địa phương có dịch chủ động, tập trung thực hiện các biện pháp khống chế, bao vây, khoanh vùng dập dịch, ngăn chặn bệnh dịch phát tán, lây lan ra diện rộng.
Các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N6 lây lan mà ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành như: Tiêu hủy ngay đàn gia cầm mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh cúm gia cầm H5N6. Tập trung lực lượng tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các thôn có dịch. Chỉ đạo lực lượng thú y tăng cường công tác kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Lập các chốt kiểm soát trên các tuyến giao thông ra vào địa bàn các xã có dịch.
Nguyên nhân xảy ra dịch cúm H5N6 tại huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) được xác định là do nguồn giống các hộ chăn nuôi nhập về không rõ nguồn gốc xuất xứ, đàn gia cầm chưa được chưa tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo quy định.
Tại buổi làm việc, trên cở sở khảo sát và kiểm tra, điều tra thực tế, các thành viên trong đoàn công tác đã phân tích, làm rõ nguyên nhân khiến bệnh dịch cúm gia cầm H5N6 phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, nguyên nhân chính được xác định là do nguồn giống các hộ chăn nuôi nhập về không rõ nguồn gốc xuất xứ, đàn gia cầm chưa được chưa tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo quy định. Con đường lây lan bệnh dịch phức tạp, khó kiểm soát. Do đó, các thành viên trong đoàn công tác dự báo tình hình bệnh dịch cúm gia cầm sẽ còn diễn biến phức tạp. Do đó, đề nghị các địa phương và người chăn nuôi cầm chủ động, tập trung, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Cục Phó Cục Thú y Đàm Xuân Thành đánh giá cao sự chủ động trong công tác phòng, chống bệnh dịch cúm gia cầm của tỉnh Thanh Hóa. Ông Thành nhấn mạnh bệnh dịch cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người, vì vậy việc ngăn chặn và khống chế dịch bệnh phải thực sự quyết liệt. Để ngăn chặn, khống chế đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa và chính quyền các địa phương cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dịch cúm gia cầm H5N6 theo quy định.
Ông Thành lưu ý, những đàn gia cầm chưa bị nhiễm cúm mà đã được tiêm vaccine cúm gia cầm đề nghị theo dõi trong vòng 21 ngày, nếu xuất hiện triệu chứng cần lấy mẫu đua đi xét nghiệm ngay để có biện pháp xử lý kịp thời. Nghiêm cấm các hộ chăn nuôi thuộc vùng dịch cúm gia cầm không được bán đổ, bán tháo đàn gia cầm khi chưa hết thời gian cách ly, theo dõi. Không thực hiện tái đàn khi chưa công bố hết dịch.
Theo Danviet
Mỹ chế vaccine ngừa virus corona, cần Trung Quốc phối hợp Sẽ mất khoảng 6 tháng để quá trình nghiên cứu vaccine ngừa virus corona ở Mỹ bước sang giai đoạn thứ hai. Ngày 28-1, Mỹ tuyên bố đang nghiên cứu chế vaccine cho loại virus corona mới ở Trung Quốc và kêu gọi Bắc Kinh cùng phối hợp để kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này, báo The Japan Times đưa tin. Mỹ...