Đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường
Sáng 11-1, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2013 của ngành Công Thương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của ngành Công Thương đã đạt được năm 2012. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 4,8% so với năm ngoái, đóng góp vào tăng trưởng 5,03% của GDP, các cân đối lớn được đảm bảo. Nền công nghiệp ngày càng đi vào căn cơ, chuyển dịch trong lĩnh vực công nghiệp cũng tích cực hơn, công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên, công nghiệp khai khoáng giảm mạnh.
Việc đưa các công trình lớn vào khai thác đã giải quyết được hàng tồn kho công nghiệp, giúp tháo gỡ phần nào khó khăn về sản xuất. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, thể hiện sức cạnh tranh của nền kinh tế. Lạm phát thấp hơn mục tiêu đề ra, cán cân thương mại thặng dư, tỷ giá ổn định, lãi suất giảm… Nhưng bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt hạn chế của ngành cần khắc phục trong năm 2013 và thời gian tới. Đó là năng suất lao động chưa cao, còn nặng về gia công, chiến lược và quy hoạch còn đạt hiệu quả thấp, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ chưa đủ sức cạnh tranh… Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với khó khăn là hàng tồn kho, nợ xấu, hàng giả, hàng nhái…
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ này đã xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu, nhất là các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được. Mục tiêu của ngành Công Thương trong năm 2013, phấn đấu đạt giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt khoảng 126,1 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012; Tổng kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 136 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2012; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu 8%; Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức 8%. Ngành Công Thương chủ trương thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu cho doanh nghiệp, tăng cường quản lý thị trường, mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh hội nhập và thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu, năm 2013, ngành Công Thương phải tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu là: tập trung tháo gỡ khó khăn trước mắt và lâu dài, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường. Thực hiện chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng đến các huyện, giải quyết hàng tồn kho. “Ngành Công Thương cần hết sức lưu ý mở rộng thị trường trong nước đi liền với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đặc biệt, Bộ cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường để bảo vệ hàng hóa chất lượng, nghiêm túc; bảo vệ công ăn việc làm, bảo vệ sản xuất trong nước. Bộ Công Thương phải làm tham mưu cho các tỉnh để hạn chế hàng lậu, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần bảo đảm hàng hóa Tết gắn với việc kiểm soát lạm phát, giá cả ngay từ đầu năm. Mục tiêu lạm phát 2013 thấp hơn 2012 – giá dịp Tết, quý I là cơ sở quyết định. Muốn vậy phải đủ hàng, cần phối hợp với Bộ NN&PTNT và các tỉnh, thành, nhân rộng hệ thống bình ổn” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ cần tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát tốt nhập khẩu. Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu kinh tế bằng cách rà soát lại chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp. Nâng cao hiệu quả, chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Liên quan tới vấn đề hội nhập, Thủ tướng đề nghị đàm phán mở cửa thị trường, thu hút đầu tư, bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các ngành điện, xăng dầu… vừa phải đảm bảo đủ cung ứng cho đất nước, vừa phải công khai minh bạch giá, rút ngắn thời gian thực hiện theo giá thị trường so với kế hoạch đề ra.
Theo ANTD
Kinh tế khó khăn, vẫn sính hàng ngoại
Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Bộ Công Thương đã tiến hành nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, đặc biệt là hàng tiêu dùng nhưng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này vẫn gia tăng.
Nâng cao sức cạnh tranh hàng nội góp phần xóa tâm lý sính ngoại vô lối. Ảnh: NGUYÊN VŨ
Nhập khẩu sữa tăng
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này vẫn tăng trong những tháng cuối năm 2012. Riêng tháng 12-2012, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 68,4 triệu USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, chế biến sữa trong nước mới đáp ứng được 28% nhu cầu, 50% là nhập nguyên liệu từ bên ngoài về chế biến và 22% còn lại là sữa thành phẩm nhập khẩu. Cả nước có hơn 60 doanh nghiệp với 300 nhãn hiệu tham gia sản xuất, chế biến sữa nhưng tổng sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 20-25% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Khoảng trống thị trường ngay từ ban đầu đã tạo cơ hội cho sữa ngoại xâm chiếm mạnh mẽ thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay, do những thông tin về sản phẩm sữa ngoại không đạt chất lượng trong thời gian qua, gây hoang mang cho người tiêu dùng nên sữa nhập khẩu gặp bất lợi. Cả năm 2012, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 771,5 triệu USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo trong tháng 1-2013, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng sẽ tiếp tục giảm khoảng 4,3% so với tháng 12-2012.
Kinh tế khó khăn cộng với những bất lợi nêu trên đang khiến người tiêu dùng Việt Nam chuyển sang dùng sữa sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh và độ an toàn cao hơn. Trong những ngày đầu năm 2013, giá sữa ngoại tại thị trường Việt Nam lại rục rịch tăng, khiến khả năng nhập khẩu mặt hàng này tiếp tục giảm. Nhưng trên thực tế, các chuyên gia nhận định, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này khó giảm nhanh, bởi Việt Nam vẫn phải nhập rất nhiều nguyên liệu.
Tâm lý sính ngoại nặng nề
Hàng trong nước đã sản xuất được nhưng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng cần phải hạn chế nói chung vẫn trong đà tăng. Trong tháng 12-2012, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng cần hạn chế nhập khẩu như: sữa và sản phẩm sữa, hàng rau quả, bánh kẹo, dược phẩm... đạt 1,55 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng 11 nhưng tăng 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính cả năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt 14,85 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2011 và chiếm đến 12,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Đáng chú ý, một số mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh về kim ngạch nhập khẩu như: nhập khẩu bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 60,6% so với năm 2011 nhập khẩu sản phẩm chất dẻo tăng 12,1% nhập khẩu điện thoại và linh kiện tăng 72,7%... Chỉ có những mặt hàng mà nhu cầu tiêu dùng sụt giảm thực sự mới giảm kim ngạch như: dầu mỡ động vật, sản phẩm từ giấy, ô tô nguyên chiếc, xe máy nguyên chiếc... khiến doanh nghiệp giảm nhập khẩu. Nhiều sản phẩm trong nước có thể tự sản xuất được nhưng kim ngạch nhập khẩu trong năm 2012 vẫn tăng khá mạnh, chứng tỏ sức cạnh tranh của hàng trong nước chưa cao. Người tiêu dùng vẫn chọn hàng ngoại cho những tiêu dùng hàng ngày.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá cao các biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu mặt hàng trong nước đã sản xuất được, tuy nhiên, việc thay đổi tâm lý người tiêu dùng rất khó. Quá trình này chỉ thu được hiệu quả khi doanh nghiệp sản xuất trong nước cầu thị, đổi mới và tôn trọng lợi ích của người tiêu dùng.
Theo ANTD
Ráo riết chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Mặc dù khá thận trọng trong việc chuẩn bị lượng hàng đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 nhưng thời điểm này, các siêu thị lớn, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng đã có chương trình cụ thể phục vụ khách hàng. Sẵn sàng đón khách sắm Tết Bà Nguyễn Thanh Huyền - đại diện truyền thông...