Dạy làm người tử tế, cô giáo đoạt giải 1 triệu USD
Cô giáo Maggie MacDonnell (Cadana) vừa được trao giải thưởng Giáo viên toàn cầu vì đã khuyến khích học sinh hy vọng và hành động tử tế.
Giải thưởng Giáo viên toàn cầu năm nay thuộc về cô giáo Maggie MacDonnell (Canada) với những nỗ lực khuyến khích học sinh hy vọng và hành động tử tế tại một ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Quebec.
Cô MacDonnell đã vượt qua hàng ngàn ứng viên khắp thế giới, trở thành chủ nhân một trong những giải thưởng danh giá nhất dành cho hoạt động dạy học của giáo viên.
Cô giáo MacDonnell có thâm niên dạy cấp phổ thông cơ sở và trung học ở ngôi làng Salluit hẻo lánh, giá rét ở cực bắc tỉnh Quebec, vốn bên ngoài chỉ có thể tiếp cận bằng đường máy bay, dân số chỉ hơn 1.300 người bản địa thiểu số Inuit.
Trong quá trình đứng lớp, cô MacDonnell đã có nhiều sáng kiến giúp học sinh mau tiến bộ hơn, như cho các học sinh kèm cặp lẫn nhau. Bên cạnh đó cô còn tạo ra nhiều chương trình cho cả học sinh nam và nữ, kêu gọi quỹ hỗ trợ bữa ăn cho học sinh, khuyến khích học sinh hành động tử tế như mở một bếp ăn cộng đồng, huấn luyện ngăn chặn tự tử cho các em.
Cô MacDonnell cho biết: Trong 6 năm dạy tại làng cô đã biết đến 10 trường hợp tự tử. Cá biệt trong năm 2015 có đến 6 nạn nhân là nam giới tuổi 18-25. “Khi tôi nhìn những thiếu niên Canada, ký ức đó lại ùa về, bạn học cùng đào huyệt mộ cho bạn học. Tôi đã không biết điều này cho đến khi tôi tới làng Salluit và biết đó là một thực tế của người Cadana”.
Cô giáo Maggie MacDonnell nhận giải từ Tiểu vương Dubai Mohammed bin Rashid Al Maktoum ngày 19-3. Ảnh: AP
Một trong những hoạt động của cô MacDonnell là đã mở một trung tâm rèn luyện thể dục thể thao cho thiếu niên và người trưởng thành. Đây là hoạt động rất có ích khi làng Salluit có tỉ lệ nghiện ma túy và nghiện rượu rất cao, một phần vì khí hậu khắc nghiệt và cả vì sự cô lập của ngôi làng.
Ngoài ra, một trong những lý do khiến cô MacDonnell được chọn là chủ nhân giải thưởng là quyết định tiếp tục ở lại dạy ở làng Salluit chứ không như nhiều giáo viên khác lần lượt chọn rời đi sau một thời gian gắn bó.
Video đang HOT
Lễ trao giải diễn ra ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Giải thưởng trị giá 1 triệu USD, được chính Tiểu vương Dubai Mohammed bin Rashid Al Maktoum trực tiếp trao tặng. Tốp 10 giáo viên cùng vào vòng chung kết và bay đến Dubai dự lễ trao giải với cô MacDonnell là các giáo viên từ các nước Pakistan, Anh, Jamaica, Tây Ban Nha, Đức, Trung Quốc, Kenya, Úc, Brazil.
Trao đổi với AP sau khi được tin mình thắng giải, cô MacDonnel cho biết có kế hoạch dùng tiền thưởng để tiếp tục giúp đỡ cộng đồng ở làng Salluit, có thể thông qua chương trình nối kết giới trẻ với văn hóa truyền thống. Cô hy vọng tin mình được giải sẽ giúp thế giới quan tâm hơn đến các cộng đồng dân thiểu số ở Canada.
Giải thưởng được thành lập ba năm trước nhằm ghi nhận sự đóng góp đặc biệt của giáo viên trong và ngoài lớp học có tác động tích cực đến học sinh và cộng đồng. Tiền giải thưởng được Quỹ Varkey do doanh nhân Ấn Độ Sunny Varkey tài trợ. Ông Varkey là chủ nhân công ty giáo dục GEMS Education có hơn 250 trường khắp thế giới.
Trong ngày 19-3, 15 nước (Chile, Iraq, Nhật, Pakistan, Bồ Đào Nha, Somalia Ukraine, Yemen…) thông báo sẽ lập giải thưởng giáo viên quốc gia với sự hỗ trợ của Quỹ Varkey.
Năm ngoái, giải thuộc về cô giáo Palestine Hanan al-Hroub với nỗ lực khuyến khích học sinh từ bỏ bạo lực, giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại. Giải thưởng năm đầu tiên thuộc về cô giáo Nancie Atwell người Mỹ với các sáng kiến không ngừng nghỉ trong quá trình dạy tiếng Anh.
Theo Thiên Ân
Pháp luật TPHCM
Cô giáo Canada nhận thưởng triệu USD vì giúp giảm tỷ lệ tự tử
Một giáo viên công tác tại ngôi làng xa xôi ở Canada vừa nhận giải thưởng trị giá triệu USD vì góp phần giảm tỷ lệ tự tử ở thiếu niên.
Maggie MacDonnell, giáo viên của trường Ikusik tại Salluit (ngôi làng xa xôi thuộc vùng Bắc Cực của Canada), vừa nhận giải thưởng trị giá một triệu USD vì có đóng góp với cộng đồng địa phương. Tại đây, điều kiện khắc nghiệt là rào cản lớn với giáo dục.
Salluit là thị trấn nhỏ với chưa đầy 1.000 cư dân và bị cách ly với bên ngoài. Cuộc sống vô cùng thiếu thốn và nguồn lực bị hạn chế. Tỷ lệ thanh thiếu niên lạm dụng ma túy và tự tử cao.
Nhiệt độ trong khu vực thường ở mức âm 25 độ C và người bên ngoài chỉ có thể đến ngôi làng bằng máy bay.
Maggie MacDonnell nhận giải Giáo viên toàn cầu năm 2017. Ảnh: The Independent.
Những chiếc bàn trống
Nhận giải thưởng Varkey Foundation Global Teacher Prize, cô MacDonnell cho hay: "Tôi đã chứng kiến 10 vụ tự tử trong vòng 2 năm qua. Khi rời khỏi nhà thờ và tới nghĩa trang, tôi bắt đầu bị ám ảnh khi thấy những thanh thiếu niên Canada, bạn học của người quá cố, đang đào hố để chôn thi thể dưới đất lạnh. Ngày hôm sau, tôi đến trường và thấy chiếc bàn trống trong lớp", giáo viên chia sẻ.
Miêu tả về sự cùng cực tại cộng đồng người Inuit, MacDonnell cho biết các gia đình nơi đây ngập trong rắc rối, uống rượu, hút thuốc phiện và bạo lực trong nhiều thập kỷ. Những đứa trẻ thường không thể về nhà vào ban đêm vì nơi đó không an toàn.
"Chỉ riêng năm 2015, 6 vụ tự tử xảy ra tại Salluit, tất cả là nam thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 25. Một số đứa trẻ tại đây dự khoảng 40- 50 đám tang, hoặc nhiều hơn, trong suốt cuộc đời của chúng", người phụ nữ này thông tin với The Independent.
Cô nhận định nếu chính phủ tiếp tục để tình trạng này tồn tại, khó khăn khó có thể khắc phục.
Đóng góp cho cộng đồng
Từ khi chuyển đến sống tại ngôi làng xa xôi này vào 6 năm trước, cô MacDonnell đã thiết lập chương trình đào tạo kỹ năng sống đặc biệt dành cho các bé gái, tăng số lượng đăng ký đi học của các em lên 500%.
Bên cạnh đó, cô cũng đưa các em tham gia hoạt động tại nhà ăn công cộng, tham dự tập huấn phòng chống tự tử và đi bộ qua công viên quốc gia để hiểu cách quản lý môi trường.
Cô giáo nhận giải thưởng cũng thành lập một trung tâm thể dục thẩm mỹ và trở thành mẹ nuôi tạm thời của một số học sinh.
"Nhiều em đến trường với tiếng xấu vì gia đình liên quan buôn bán ma túy. Chúng có thể có tiền án, tiền sự về tội phá hoại, có thể là những đối tượng bị bạo hành", MacDonnell thông tin.
Cô cho hay vai trò giới trong cộng đồng có nghĩa những bé gái thường phải chăm lo công việc ở nhà và có nhiều khả năng bỏ học trước khi tốt nghiệp. 50% bé gái từng trải qua một số hình thức bạo lực gia đình. Tỷ lệ mang thai tuổi vị thành niên ở đây cao nhất tại Canada.
Nữ giáo viên cho hay học sinh của cô thường sinh con khi còn khá trẻ, hầu hết là 18 hoặc 19 tuổi. Vì vậy, cô dạy chúng những kỹ năng dễ học để có thể trở thành bà mẹ tốt.
Tại Salluit, các gia đình nhiều thế hệ thường sống chung nhà, một phần do thiếu nơi ở. Chỉ 3 ngôi nhà thuộc sở hữu của tư nhân, còn lại phải đợi đến 10 năm để có nhà ở xã hội.
Larry, một trong những học sinh của cô MacDonnell, cho biết cậu lớn lên trong gia đình gồm 18 người, 4 giường ngủ. Nam sinh này thường xuyên không về nhà vì sợ tiếp xúc ma túy và bạo lực.
Nam sinh 19 tuổi hiện làm việc tại trung tâm thể dục của cô MacDonnell và đã nộp đơn vào trường đại học ở thành phố Montreal.
"Vai trò của tôi là giúp học sinh thấy cơ hội luôn được tạo ra và chúng có thể đạt được tham vọng. Tôi tự hào về những học trò của mình", cô nói.
Trong video chúc mừng đặc biệt phát sóng trong buổi lễ trao giải, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết: "Maggie MacDonnel - đại diện cho toàn thể người dân Canada, tất cả giáo viên - chiến thắng giải thưởng Giáo viên toàn cầu năm 2017".
"Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới mọi giáo viên có mặt ở đây, những người chịu trách nhiệm với rất nhiều người - từ học sinh, phụ huynh, đến xã hội và hội đồng nhà trường. Như những người thầy vĩ đại, họ chịu trách nhiệm về điều gì đó lớn lao hơn nhiều", ông nói.
Theo Zing
Nhân tài Đất Việt 2016 vinh danh 2 giải Nhất Công nghệ thông tin Lễ trao giải Nhân tài Đất Viết 2016 vỡ òa khi 2 giải nhất trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin xướng tên các sản phẩm: Ứng dụng Khỉ con tinh nghịch (Monkey Junior) và Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội SMCC. Các tác giả trẻ đại diện cho 2 sản phẩm bước lên bục...