‘Đây là mức độ gây hấn mới của Trung Quốc trên Biển Đông’
Việt Nam đến nay có lập trường cứng rắn trong phản ứng với Trung Quốc và cũng nhất quán nhất về chính sách trên Biển Đông, theo ý kiến của nhiều chuyên gia.
Trong những ngày qua, tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc đã gây căng thẳng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở phía nam Biển Đông, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/7 đã lên tiếng phản đối hành động xâm phạm của các tàu Trung Quốc, kêu gọi Trung Quốc rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean. Ảnh: Twitter.
Trao đổi với Zing.vn về sự việc, tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nói Việt Nam đến nay là bên lên tiếng mạnh mẽ với Trung Quốc trên Biển Đông.
Ông cũng cho rằng các tổ chức khu vực có ảnh hưởng như ASEAN và EU nên chính thức bày tỏ quan ngại về diễn biến lần này, “ít nhất là để Trung Quốc biết họ không dễ được bỏ qua mà không bị chú ý và trừng phạt”.
Trung Quốc thách thức phán quyết của tòa quốc tế
- Ông nhìn nhận như thế nào về mức độ nghiêm trọng của sự việc lần này?
- Bắc Kinh chắc chắn quyết tâm thách thức các hoạt động dầu khí nước ngoài tại vùng biển mà họ đòi chủ quyền. Lưu ý rằng Trung Quốc đã nhiều lần phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016, vốn vô hiệu hóa yêu sách “đường chín đoạn” phi lý Bắc Kinh tuyên bố trên Biển Đông.
Bắc Kinh tiếp tục bám vào tiền đề đó (đường chín đoạn) và sẽ không chấp nhận các hoạt động khai thác dầu khí nước ngoài diễn ra.
Xét về phương diện pháp lý, Việt Nam đang thực thi các quyền chủ quyền với tư cách một quốc gia ven biển trong khai thác tài nguyên tại vùng đặc quyền kinh tế của mình, theo các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Còn Trung Quốc đang thách thức điều đó hoàn toàn dựa trên yêu sách và chính sách của họ chống lại phán quyết của PCA.
Video đang HOT
Tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc.
- Liệu có phải Trung Quốc đang gây hấn ở mức độ cao hơn khi khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?
- Đây dường như là mức độ gây hấn mới, dù chúng ta cần nói rõ rằng Trung Quốc đã duy trì chính sách khá nhất quán – trước, trong và sau quá trình phán xử của tòa trọng tài trong vụ kiện mà Manila khởi xướng vào năm 2013. Sự hung hăng này được nhìn thấy ở chỗ Bắc Kinh tiếp tục thách thức phán quyết không chỉ bằng phát ngôn mà còn bằng hành động trên thực địa, cũng như thể hiện trong vụ việc ở Biển Đông lần này.
- Sự việc phản ánh điều gì về tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông, sau tất cả những hoạt động phi pháp như xây đảo nhân tạo, quân sự hóa điểm nhân tạo cũng như tập trận bắn đạn thật với tên lửa đạn đạo chống hạm gần đây của nước này?
- Mặc dù cộng đồng pháp lý quốc tế chống lại những điều đó dựa trên phán quyết PCA, Trung Quốc dường như nhận thức được rằng theo thời gian, họ sẽ tạo ra “nguyên trạng” mới ở Biển Đông thông qua các hành động của mình – xây dựng lực lượng, quân sự hóa, bồi lấp đảo… Từ đó, họ có thể thống trị khu vực về mặt vật lý và sử dụng nó như đòn bẩy chiến lược trong kiểm soát các vụ việc ở Biển Đông.
Các đảo nhân tạo đã đem đến lợi ích rõ ràng trong hành động lần này của Trung Quốc ở Biển Đông: Các tàu Trung Quốc sử dụng các tiền đồn mà nước này chiếm đóng ở Trường Sa (của Việt Nam) để duy trì sự hiện diện của lực lượng và hoạt động lâu nhất có thể mà không cần phải quay trở lại các căn cứ ở đất liền.
Sơ đồ đường đi của tàu Hải Dương Địa chất 8 trong khu vực chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Twitter/@rdmartinson88.
ASEAN cần lên tiếng
- Ông bình luận như thế nào về phản ứng của Việt Nam trong sự việc lần này khi kêu gọi “các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung”?
- Việt Nam cho đến nay là bên tranh chấp trên Biển Đông có lập trường cứng rắn trong việc phản ứng với Trung Quốc, và cũng nhất quán nhất về chính sách. Họ cũng lên tiếng mạnh mẽ, sẵn sàng cự tuyệt Trung Quốc trên Biển Đông.
Chúng ta nên lưu ý rằng Việt Nam không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ cần thiết từ khối ASEAN. Tôi xem phát ngôn lần này của Hà Nội là động thái thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với sự hung hăng của Trung Quốc, thách thức trật tự dựa trên luật pháp, từ đó tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã ra thông cáo. Càng nhiều sự ủng hộ thì càng tốt, dù chỉ là lời nói, và nó nên đến từ cả cộng đồng quốc tế lẫn ASEAN.
- Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án mạnh mẽ các hành vi “bắt nạt” và “cưỡng ép” của Trung Quốc trên Biển Đông. Washington và các nước khác có thể làm gì để chống lại sự gây hấn này từ Bắc Kinh?
- Một dự luật vừa được đề xuất lên Thượng viện Mỹ vào tháng 5 để trừng phạt Trung Quốc vì sử dụng các biện pháp cưỡng ép ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Nếu được thông qua, nó sẽ cho phép Mỹ có công cụ đáp trả và có thể hạn chế các hành động cưỡng ép của Bắc Kinh.
Các quốc gia khác nên cũng nên tìm ra biện pháp tương xứng để buộc Trung Quốc tuân thủ trật tự dựa trên luật pháp.
Các tổ chức khu vực có ảnh hưởng như ASEAN và EU nên ra thông cáo bày tỏ quan ngại về diễn biến mới này, ít nhất là để Trung Quốc biết họ không dễ được bỏ qua mà không bị chú ý và trừng phạt.
Những biện pháp mạnh hơn như dự luật của Mỹ thường chỉ có những quốc gia có vai vế, nhưng tôi tin rằng các nước nếu muốn tiếp tục làm ăn giao thương với Trung Quốc sẽ không dám làm thế vì lo ngại Bắc Kinh trả đũa.
Lực lượng tàu cảnh sát biển 8003 của Việt Nam giám sát tàu Trung Quốc trên Biển Đông trong vụ giàn khoan HD-981 năm 2014. Ảnh: Reuters.
- Căng thẳng lần này sẽ ảnh hưởng ra sao tới sự ổn định của tuyến hàng hải quan trọng như Biển Đông?
- Các tuyến liên lạc trên biển hay các tuyến hàng hải thương mại sẽ không bị nguy hiểm. Cả hai bên, bao gồm Trung Quốc, đều nhận thức rõ những mối nguy hiểm của khả năng quốc tế hóa tình hình nếu sự việc leo thang vượt tầm kiểm soát.
Đặc biệt, Bắc Kinh vẫn luôn nói rằng tự do hàng hải luôn được đảm bảo. Với những tuyên bố đó, họ thực ra chỉ muốn nói đến việc vận chuyển hàng hải chứ không phải các hoạt động quân sự. Thế nên, gây nguy hại tới các tuyến liên lạc trong khu vực phục vụ tàu thuyền vận chuyển qua Bãi Tư Chính sẽ là điều cuối cùng Bắc Kinh muốn, bởi đơn giản điều đó sẽ làm tiêu tan những lời huyễn hoặc rằng tất cả đều yên bình và ổn định ở Biển Đông mà không cần sự can thiệp của bên ngoài.
Theo Zing
Mỹ lên án TQ 'can thiệp hoạt động thăm dò' của VN ở Biển Đông
Washington quan ngại việc Trung Quốc can thiệp vào "các hoạt động thăm dò và khai thác từ lâu của Việt Nam" trên Biển Đông, theo thông cáo ngày 20/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ.
"Mỹ quan ngại về các thông tin Trung Quốc can thiệp vào hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông, trong đó có hoạt động thăm dò từ lâu của Việt Nam (ở đây)", thông cáo viết.
"Các hành động khiêu khích liên tiếp của Trung Quốc nhắm vào hoạt động thăm dò dầu khí của các bên đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực và ảnh hưởng tới thị trường năng lượng tự do và mở ở Ấn Độ - Thái Bình Dương", thông cáo từ người phát ngôn Morgan Ortagus nêu.
"Trung Quốc nên dừng ngay các hành động bắt nạt và không thực hiện các hành vi khiêu khích, gây bất ổn", người đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lại tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo đầu năm nay nói Trung Quốc "ngăn chặn phát triển kinh tế ở Biển Đông thông qua ép buộc... không cho các nước thành viên ASEAN tiếp cận trữ lượng năng lượng trị giá 2.500 tỷ USD ở đây".
Thông cáo dùng nhiều lời lẽ mạnh mẽ lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, dùng các tàu dân quân để "áp đảo, ép buộc và đe dọa các nước khác, gây nguy hại đến hòa bình và an ninh của khu vực".
Mỹ cũng chỉ trích Trung Quốc "ngày càng gây sức ép buộc các nước ASEAN phải chấp nhận Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các điều khoản giới hạn quyền của các nước hợp tác với các công ty, các nước thứ ba", và điều này cho thấy ý đồ của Bắc Kinh muốn kiểm soát toàn bộ tài nguyên dầu khi trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus. Ảnh: BNG Mỹ.
Thông cáo trên được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/7 lên tiếng phản đối việc tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.
Người phát ngôn cho biết Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Cũng theo người phát ngôn Việt Nam, việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.
"Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này, người phát ngôn khẳng định", bà Hằng nhấn mạnh.
Theo Zing
Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được quy định thế nào? Việt Nam là một quốc gia ven biển có đầy đủ các quyền và tuân thủ các nghĩa vụ được quy định trong Công ước về Luật Biển Quốc tế 1982. Các khái niệm về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được quy định rõ ràng, đầy đủ trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Vùng đặc...