Đây là hành động đã tính toán kỹ lưỡng và nham hiểm của Trung Quốc
Cùng với phân tích: “Hành động mới đây trên Biển Đông là câu trả lời rõ ràng, chắc chắn sẽ khiến nhiều người còn đang mơ hồ về cách đi của Trung Quốc tỉnh ngộ”, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhấn mạnh: Chúng ta cần phải có những ứng xử cần thiết để ngăn cản bước đi và hành động đó.
- Trung Quốc đã chính thức đưa giàn khoan HD – 981 ra Biển Đông, ông nhìn nhận như thế nào về hành động này?
- Chúng ta đã biết thông tin cụ thể từ chính Trung Quốc nêu ra. Về mặt pháp lý một lần nữa họ bảo vệ và hiện thực hóa quan điểm pháp lý hết sức sai lầm, hoàn toàn bất chấp các quy định, Công ước Luật Biển. Trước đây, họ chỉ làm động thái cản trở, cắt dây cáp, kêu gọi đấu thầu quốc tế và đưa thông tin về giàn khoan khổng lồ xuống hoạt động ở Biển Đông nhưng họ chưa lần nào đưa xuống nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như lần này. Đây là lần đầu tiên sau một chuỗi các hoạt động thăm dò, có tính chất gây sức ép, họ chính thức chuẩn bị khai thác ở vùng biển của Việt Nam. Họ có tính toán rất kỹ lưỡng. Có 2 vấn đề chúng ta lưu ý là thời điểm và địa điểm. Thời điểm này điểm nóng quốc tế là ở Ukraine, dư luận quốc tế đang hướng về vùng đó. Các nước trong khu vực cũng có sự phân hóa, chia rẽ. Tất cả những điều đó đã được tính toán trên tất cả các mặt trận. Bây giờ họ làm thật sự chứ không còn thăm dò nữa. Chọn thời điểm, địa điểm để thực hiện hành động. Đó là sự tính toán kỹ lưỡng và nham hiểm của Trung Quốc.
- Ông có thể nói cụ thể hơn?
- Nhiều quốc gia hy vọng tình hình Biển Đông đã lắng đi rồi. Nhưng rõ ràng hành động vừa rồi là câu trả lời rõ ràng. Chắc chắn nhiều người còn đang mơ hồ về cách đi của Trung Quốc sẽ tỉnh ngộ. Chúng ta cần phải có những ứng xử cần thiết để ngăn cản bước đi và hành động đó. Chắc chắn việc đó sẽ còn diễn ra sâu hơn nữa, sát hơn nữa với vùng mà chúng ta đang hàng ngày khai thác phục vụ phát triển đất nước. Sau đó họ tính đến việc khai thác những mỏ dầu khác trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Họ sẽ làm như họ đã công bố đường lưỡi bò với thế giới trong các văn bản chính thức. Họ đã có sự chuẩn bị để làm với đầy đủ các bước tuyên truyền, ngoại giao, bảo vệ, phòng vệ… Đây là đòn cực kỳ nguy hiểm và chúng ta cần phải có những biện pháp kiên quyết.
- Vậy chúng ta nên ứng xử như thế nào, thưa ông?
- Theo tôi nghĩ chúng ta không thể im lặng được. Đây rõ ràng không thể nói là vùng có sự chồng lấn, có tranh chấp. Hành động của Trung Quốc là hành động xâm phạm nguồn sống hợp pháp của chúng ta. Chúng ta không thể đứng im cho họ muốn làm gì thì làm trong khu vực mà chúng ta có quyền hợp pháp. Chúng ta không vì bất kỳ một sự đe dọa, mê hoặc nào đó mà quên rằng chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Chúng ta cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế. Muốn cộng đồng quốc tế ủng hộ thì phải làm sao để người ta hiểu được. Việc đó nhất thiết phải làm, từ đó tạo khối đoàn kết nhất trí, ủng hộ một cách mạnh mẽ. Nếu như tình hình quốc tế, khu vực, quốc gia có ứng xử hợp lý thì chắc chắn Trung Quốc không thể có được hành động đang xảy ra và sẽ xảy ra nhiều việc làm khác nữa. Tôi rất hoan nghênh việc Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối, gửi công hàm… nhưng tôi nghĩ như thế chưa đủ.
- Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Việt Nam có thể làm như vậy không, thưa ông?
- Chúng ta hoàn toàn có thể tính đến điều đó. Qua việc này, sẽ giúp dư luận quốc tế hiểu rõ cơ sở pháp lý của vấn đề, và ủng hộ mình. Trung Quốc đang không muốn đàm phán đa phương, không muốn đưa ra các cơ quan tài phán, không để các bên thứ ba can thiệp. Chúng ta có cơ sở pháp lý vậy sao chúng ta không làm? Làm là để bảo vệ hòa bình và an ninh khu vực, bảo vệ cho chính chúng ta và cho cả uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế. Giờ không còn là thời kỳ mông muội lấy sức mạnh nước lớn đè bẹp nước nhỏ được nữa. Nếu có tranh chấp đúng sai, thì đưa ra tài phán quốc tế để xét xử một cách công bằng.
Video đang HOT
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Huyền Khánh (Thực hiện)
Theo ANTD
Không nhân nhượng với tham vọng độc chiếm Biển Đông
Nhìn từ góc độ pháp lý, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép và những hành động hung hăng, ngang ngược đối với các tàu Việt Nam là việc làm vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế, vi phạm thỏa thuận giải quyết các vấn đề trên Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC).
Bản đồ vị trí giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam
Xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam
Điều 12 Luật Biển Việt Nam quy định: "Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam và phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam". Điều này cho thấy, việc Trung Quốc huy động cao nhất tàu các loại, trong đó có nhiều tàu quân sự và các tàu vận tải, tàu cá cùng hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực vùng biển Việt Nam là đang vi phạm nghiêm trọng những quy định trong Luật Biển Việt Nam.
Về nguyên tắc, các phương tiện bay của nước ngoài không được vào vùng trời trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo Điều ước quốc tế mà Nhà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Việc các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan HD 981 thể hiện thái độ kiên quyết thực hiện chủ quyền của Việt Nam một cách tuyệt đối, đầy đủ, toàn vẹn trong lãnh hải của mình. Bởi, nội thuỷ được coi là bộ phận nằm trong đất liền mà Việt Nam sở hữu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Luật sư Nguyễn Trung Kiên - Đoàn Luật sư Hà Nội khẳng định, nơi giàn khoan khổng lồ của Trung Quốc neo đậu, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Theo Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, việc khai thác tài nguyên trong vùng biển có chủ quyền phải được sự cho phép của nước chủ nhà. Điều 76 của Công ước Luật Biển quy định: "Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính toán chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi mép ngoài của rìa lục địa ở khoảng cách gần hơn". Như vậy, mỗi quốc gia ven bờ, trong đó có Việt Nam, không chỉ có quyền tài phán đối với nội thủy và lãnh hải của mình mà còn đối với vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa với bề rộng tối thiểu 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu Việt Nam đang thi hành nhiệm vụ
(Ảnh do Cảnh sát biển Việt Nam cung cấp)
Vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố DOC
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành vi xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của UNCLOS 1982 mà Trung Quốc đã ký. Do vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa vụ việc này ra tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên hợp quốc. Việc giàn khoan của Trung Quốc đặt trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chẳng khác nào người lạ bỗng dưng mang đồ của mình đặt sang nhà hàng xóm để "xí chỗ".
Không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, Trung Quốc còn đi ngược lại hoàn toàn với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, với các nội dung chính như: cam kết tuân thủ Công ước Luật Biển năm 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không chiếm đóng mới, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình...
Trong buổi làm việc mới đây với phóng viên Báo ANTĐ, PGS. TS Nguyễn Bá Diến (Giám đốc Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế, Chủ nhiệm bộ môn Luật Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định, bất kỳ một dân tộc có lòng tự trọng nào sẽ không bao giờ cho phép nhân nhượng trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, bởi nó là phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta phải nhận diện rõ và cảnh giác với tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc cũng như có chiến lược một cách bài bản và toàn diện về mọi mặt nhằm nâng cao tiềm lực và khả năng tự vệ. Đặc biệt, Nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng cho việc đấu tranh về mặt pháp lý, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và độc lập chủ quyền quốc gia.
Về kinh nghiệm giải quyết tranh chấp lãnh thổ và biển đảo, một số biện pháp đã được các nước áp dụng như song phương bằng đàm phán hòa bình, kết hợp cả đa phương trong quan hệ hợp tác và hòa bình, phương thức cuối cùng là dùng vũ lực. Tuy vậy, việc lựa chọn phương pháp đấu tranh có hiệu quả phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề khác nhau. Song quan điểm của Việt Nam trước sau như một là không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD 981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này.
Trung Quốc đang chiếm vùng biển của Việt Nam
"Việt Nam đã thiết lập đường cơ sở và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình theo luật pháp quốc tế. Điều đó có nghĩa chỉ có Việt Nam và chỉ có Việt Nam mới có quyền chủ quyền đối với vùng biển này và các tài nguyên trong vùng biển này cũng như trên thềm lục địa này. Hiện giờ Trung Quốc đã xâm phạm vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với một giàn khoan lớn được thiết kế để khai thác tài nguyên là tài sản thuộc chủ quyền của Việt Nam khi không được phép của Việt Nam - không phải của ai khác, một cách bất thình lình. Trung Quốc không chỉ mang vào giàn khoan mà còn hàng chục tàu khác, đó là số lượng tàu rất lớn. Điều đó có nghĩa Trung Quốc đang chiếm vùng biển thuộc về Việt Nam".
GS. Carl Thayer (Chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia)
Bất chấp cả công ước quốc tế
Không thể chấp nhận được một hành vi dùng bạo lực, cậy thế của mình để làm những việc bất chấp công ước Quốc tế, cũng như chủ quyền của một quốc gia độc lập khác. Theo tôi, đây là hành vi hết sức nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến cách ứng xử trên Biển Đông
GS.TS. Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng khoa học đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội)
Vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận song phương
"Về mặt nguyên tắc Trung Quốc không được phép đưa giàn khoan và đưa các lực lượng hùng hậu (có hải quân) vào để hỗ trợ cho một việc làm vi phạm luật pháp quốc tế. Điều này rất nghiêm trọng, nó vi phạm 2 văn kiện quan trọng về cấp nhà nước và chính phủ giữa hai nước, đó là Tuyên bố chung tại Bắc Kinh tháng 6-2013 và Tuyên bố chung tại Hà Nội giữa Thủ tướng hai nước, tháng 10-2013".
TS. Nguyễn Ngọc Trường (Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và phát triển Quan hệ quốc tế)
Bảo Linh
Theo ANTD
Việt Nam - Trung Quốc - Philippines: Căng thẳng leo thang trên biển Đông Căng thẳng bất ngờ leo thang ở biển Đông khi Trung Quốc triển khai giàn khoan HD-981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và tỏ thái độ bất hợp tác. Trong bối cảnh ấy, Philippines bắt giữ một tàu cá Trung Quốc - động thái chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng tại vùng biển vốn tồn tại các...